Trước Tuần lễ Phật đản, một sự kiện văn hóa tâm linh lớn của cả nhân loại, thường được quần chúng Phật tử ủng hộ và có truyền thống lâu đời trong văn hóa dân tộc, Giác Ngộ kỳ này có một số nội dung đề cập trực tiếp đến việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2556 - DL.2012.
Theo đó, Câu chuyện trong tuần dành trao đổi với HT.Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS THPG TP.HCM về kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản năm nay trước nhiều ý kiến cho rằng Đại lễ Phật đản tại TP.HCM thường được tổ chức không xứng với tầm vóc, tiềm năng của một trung tâm văn hóa - giáo dục - kinh tế lớn nhất của cả nước. Việc chuẩn bị cho sự kiện văn hóa - tâm linh này cũng thường rất muộn so với một số tỉnh, thành khác. Do đó, ít sáng tạo theo kiểu “đến hẹn lại lên”.
Bìa 1 GN số 638 - Mỹ thuật: HS.Nhuận Thường
Một cảm xúc khác, đó là Phật đản ở cố đô: rộn ràng, hân hoan qua cảm nhận của một người trẻ trong tùy bút: “Về cố đô giữa mùa Phật đản”: để được cảm nhận, để sống trong những sáng tạo độc đáo về hình thức tổ chức Đại lễ bắt nguồn từ tình yêu Phật pháp của những vị thầy trẻ và từ sự quyết đoán, biết giao nhiệm vụ cho người trẻ của hàng tôn túc lãnh đạo…
Các chuyên mục thường kỳ chuyển tải nhiều nội dung đáng quan tâm: Tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Kỷ cương từ những việc nhỏ nhất; Chỗ dựa tâm linh của Hoàng Sa và Trường Sa, Tu trong hoạn nạn, Dọn rác trong tâm, Bệnh tật – hiểu và thương, Giữ giới là một nghệ thuật sống, Linh Sơn nghìn năm vờn mây trắng, Mẹ Tim của trẻ mồ côi, khuyết tật; Vị Đại đức 31 lần hiến máu cứu người, Dấu hiệu nhận diện của người tu, các thông tin Phật giáo quốc tế nổi bật trong tuần qua, thông tin “Mở rộng lòng từ”…
Tổ tư vấn Giác Ngộ giải đáp các thắc mắc của hai bạn đọc về những vấn đề rất cụ thể trong đời sống hàng ngày của người Phật tử, đó là: (1) “Tôi tìm hiểu những cuốn sách Thiền đều nói người tu phải chủ yếu dựa vào tự lực, chuyển hóa tâm mình cho thanh tịnh, đến khi tuệ giác phát sinh mới thành tựu giải thoát. Nhưng theo cách viết của một số sách Thiền này thì người tu theo pháp môn Niệm Phật phải đạt đến “nhất tâm bất loạn” mới đảm bảo được giải thoát, vãng sanh. Còn nếu niệm Phật chưa được nhất tâm, chỉ dựa vào tha lực cầu vãng sanh thì không lấy gì đảm bảo. Ngược lại, khi tôi đọc một vài sách Tịnh độ thì cho rằng những người tu pháp môn Thiền chỉ dựa vào tự lực, nếu không thành tựu giải thoát, Niết-bàn trong đời này, kiếp sau tái sinh nhờ phước báo tu thiền sẽ sinh cõi trời, cõi người với phước báu sung sướng, có khi ham hưởng phước mà quên mất tu hành nên có thể đọa vào cảnh giới xấu ác ở những kiếp sau. Hiện tôi rất phân vân, xin quý Báo giúp tôi tháo gỡ những vướng mắc này.”; (2) Tôi nghe nói mỗi khi mình niệm Phật, tụng kinh hay tọa thiền thì sẽ có các vị hộ pháp, thiện thần đến hộ trì cho chúng ta. Nhưng tôi biết có nhiều người khi tọa thiền, niệm Phật hay tụng kinh thì hay ngủ gật, dù trước đó rất tỉnh táo nhưng hễ ngồi tu thì lại buồn ngủ không cưỡng được. Một số người giải thích là bị ma phá. Tôi thắc mắc là tại sao lúc đó các vị hộ pháp thiện thần đến hộ trì không đuổi ma đi mà để cho nó phá hoại người tu như vậy?
Bạn đọc quan tâm tìm đọc báo Giác Ngộ số 638 ra ngày 21-4 tại các sạp báo và hệ thống phát hành báo chí cả nước, hoặc liên hệ Phòng Phát hành Giác Ngộ để đặt báo dài hạn. ĐT: 08.39300675 - 39306982. |