"Một ngày làm TNV là…"
Từ ngày 1-7, các thí sinh từ các tỉnh, thành về TP.HCM để dự thi đợt đầu và đợt II, nên không khí tại Bến xe Miền Đông, Miền Tây, Ga Sài Gòn rất nhộn nhịp. Chương trình Tiếp sức mùa thi của Báo Giác Ngộ cũng tập trung 250 tình nguyện viên (TNV) và Phật tử tại các điểm trên và Báo Giác Ngộ cùng các điểm chùa chờ đón thí sinh từ 4g đến 20g tối mỗi ngày. Ngoài ra, đội xe lưu động cũng luôn túc trực chờ trung chuyển thí sinh từ bến xe về chỗ trọ. Dù trời nắng gắt và oi bức nhưng các TNV đã bám trụ địa điểm để đón tiếp thí sinh với thái độ cởi mở và nụ cười luôn nở trên môi.
TNV hướng dẫn thí sinh đến chỗ trọ miễn phí - Ảnh: Bảo Toàn
Tiếp xúc với các anh chị TNV tại bến xe, bến tàu, các thí sinh cho biết rất an tâm khi được giúp đỡ và càng an tâm tin tưởng hơn khi chương trình này của Báo Giác Ngộ. Em Lê Thị Mận dự thi Đại học Công nghiệp, quê ở tận huyện Nông Cống (Thanh Hóa) một mình thân chinh trên chuyến tàu lửa Bắc- Nam. Đây là lần thứ hai Mận đến TP.HCM một mình, dù vậy tâm trạng rất lo lắng và bất an vì những ngày tới mình sẽ ở đâu, nhưng khi vừa đặt chân xuống Ga Sài Gòn, Mận được TNV giúp đỡ đến cư trú miễn phí tại chùa Pháp Vân (Q.Bình Thạnh). Mận nói: "Mới nghe nói được ở chùa gần nơi thi là cháu đã thích rồi, ở đây nhiều thí sinh cùng nhau ôn bài rất vui và được các sư ông chăm sóc chu đáo lắm, mỗi ngày lại được các sư ông dọn sẵn cho ba bữa cơm chay miễn phí nữa".
Trong suốt mùa tuyển sinh, dù cực khổ nhưng TNV và các bạn Phật tử đã tham gia với tất cả nhiệt tình và trái tim trong sáng của tuổi trẻ. Sự tương tác của những người trẻ đã cho thêm sức mạnh, năng lượng sống và một niềm tin: Dù ở nơi nào, khi có nhiệt tình của tuổi trẻ, có sự chia sẻ thì ở đó có những điều tốt đẹp.
Chia sẻ những ngày làm tình nguyện, bạn N.T.N.H, sinh viên Học viện Hàng không viết trong quyển nhật ký TNV: "Các TNV tham gia chương trình của Báo Giác Ngộ rất nhiệt tình, năng nổ và rất "ham hố". Không chỉ đưa thí sinh bằng xe đạp, xe máy mà còn bằng xe buýt. Dù trời nắng hay mưa, các TNV, các bạn Phật tử luôn giữ trên môi nụ cười rạng rỡ. Với tôi, một ngày làm TNV với Báo Giác Ngộ là cả cuộc đời làm điều ý nghĩa. Ấn tượng trong tôi là ngày đón 300 thí sinh đến từ các tỉnh, thành khác nhau (ngày 1-7). Ngày vất vả đó, một em thí sinh tên là Kim Anh đã cho tôi một cái bánh nhỏ mà bạn mang theo để ăn dọc đường như một lời cảm ơn. Tôi thật sự xúc động và cảm thấy mình thật sự may mắn vì đã tham gia chương trình ý nghĩa này".
"Chúng tôi đóng góp một chút công sức…"
Một trong những ngôi chùa có thí sinh đông nhất là chùa Pháp Vân (Q.Bình Thạnh), dành 200 chỗ cho thí sinh nam và nữ. Để có 200 chỗ ở, trong những ngày cuối tháng 6, chùa phải cấp tốc sửa sang phòng ốc và cho xây thêm nhà vệ sinh để sẵn sàng đón thí sinh. ĐĐ.Thích Minh Lộc, chùa Pháp Vân cho biết: "Năm nay là năm thứ 4, chùa giúp cho thí sinh chỗ ăn ở miễn phí để yên tâm trong suốt những ngày tuyển sinh. Năm đầu tiên chỉ có 50 em thôi, đó là các em gia đình khó khăn dự thi ĐH Tôn Đức Thắng tự đến xin chỗ ở. So với các năm trước, năm nay chùa dành chỗ ở nhiều hơn và phục vụ cơm ngày ba bữa hoàn toàn miễn phí. Sư ông dạy với chúng tôi, nhà chùa mở rộng cửa đón các em từ miền xa trở về nhà và đóng góp công sức cùng với xã hội chung tay lo cho thế hệ trẻ, tương lai của các em cũng phụ thuộc một phần vào thái độ của chúng ta".
Chùa Bát Nhã (Q.Bình Thạnh) dù đang trong mùa an cư kiết hạ, chùa an cư tại chỗ có khoảng 50 hành giả và đang có khóa tu Bát quan trai cho 100 Phật tử nhưng Ni sư trụ trì TN.Như Cương cũng dành riêng hai phòng với 10 chỗ cho các thí sinh nữ. Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận) cũng đã dành cho thí sinh 100 chỗ, chùa Vạn Thiện (Q.5) đăng ký 250 chỗ ở và phục vụ nơi ăn chốn ở cho các thí sinh. Theo Ban Tổ chức, tại TP.HCM, có tất cả 38 ngôi chùa, tịnh xá và nhà tư gia đăng ký từ 4 chỗ cho đến 250 chỗ, tổng số 3.000 chỗ ở; tại TP.Đà Lạt có 1.000 chỗ và TP.Cần Thơ có 800 chỗ ở cho thí sinh năm 2010.
TNV tiếp sức mùa thi tại Bến xe Miền Tây tìm đường đưa thí sinh về chùa.
Ảnh: Bảo Toàn
ĐĐ.Thích Linh Toàn, phụ trách Tiếp sức mùa thi của Báo Giác Ngộ tại TP.Đà Lạt chia sẻ: "Phải nói không khí tiếp sức mùa thi tại TP.Đà Lạt rất sôi nổi, các TNV rất nhiệt tình, thời điểm này (ngày 6-7) các TNV đang đón thí sinh về thi đợt II, chỉ trong ngày đầu đã đón trên 300 em thí sinh đa số từ các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi… về thi tại Trường ĐH Đà Lạt. Các thí sinh khi đến bến xe được TNV giúp đỡ và nhờ xe Thành Bưởi đưa về trọ tại các chùa. Hiện nay, tại TP.Đà Lạt, các anh chị của Thành đoàn cũng đón thí sinh và có gởi một số em vào chùa. Theo đà này có thể những ngày sắp tới, TP.Đà Lạt sẽ hết chỗ ở sớm. Các vị trụ trì tại TP.Đà Lạt cũng rất nhiệt tình, hoan hỷ đón các em thí sinh như đón con cháu từ xa trở về...".
Cùng sống với thí sinh mấy ngày qua, cô Trần Thị Mòi, phụ huynh thí sinh Đăng Trần Vĩnh Lộc quê tại phường Mũi Né (Bình Thuận) cho biết đã được phụ huynh tin tưởng hướng dẫn 25 thí sinh đến tận tòa soạn Báo Giác Ngộ lúc 6g sáng và được các TNV chỉ dẫn chu đáo và đưa đến tận chùa Pháp Vân để nhận phòng. Cô Mòi cho biết: "Đến đây rồi mới thấy rất yên tĩnh, các thầy lo cho thí sinh chu đáo lắm, cơm nước mỗi bữa đều dọn sẵn rất tươm tất". Trong nhóm 25 thí sinh ở Mũi Né có 2 em gia đình làm nghề biển rất khó khăn là Trần Duyên Hồng và Nguyễn Thị Châu dự thi ĐH Công nghiệp và Nông Lâm trước khi đi thi, cô Mòi phải đứng ra vận động mọi người giúp đỡ được 500.000 đồng để tự túc xe và dằn túi. Hai em xúc động cho biết: "Nhờ chương trình này giúp đỡ nên hai em giảm đi một khoản chi phí đáng kể và yên tâm ôn bài".
Chú Tích, phụ huynh của em Nguyễn Thị Hương quê ở Đắk Lắk, thí sinh dự thi vào trường ĐH Kinh tế cho biết: "Vừa đến Bến xe Miền Đông thì gặp các TNV hướng dẫn về đây. Trước khi đi, hai cha con rất lo, không biết trọ ở đâu vì nghe nói trọ có mấy ngày ở TP.HCM thì đắt đỏ lắm. Được đến đây, nhà chùa rất yên tĩnh, các cháu yên tâm ôn bài, nhà chùa còn lo cho thí sinh và luôn cả phụ huynh. Tôi rất cảm kích, biết ơn chùa, Báo Giác Ngộ và TNV đã giúp đỡ cha con tôi rất nhiều." Còn anh Đỗ Văn Mai, phụ huynh của em Đỗ Tấn Phúc quê ở Lâm Hà (Lâm Đồng) xúc động cho rằng đây là nhân duyên có từ lâu đời nên mới may mắn thế này. Hai bố con còn chưa biết lang thang ở đâu để đi thi thì vừa xuống Bến xe Miền Đông đã có các TNV giúp đỡ đến tận nơi nhận phòng và được ăn ở miễn phí. "Đây là điều may ngoài sự tưởng tượng của cha con chúng tôi. Khi nghe nói đến Báo Giác Ngộ tôi hoàn toàn tin tưởng vì tôi được đọc báo hàng ngày và được biết tờ báo của Phật giáo. Ở đây, thí sinh và phụ huynh hoàn toàn yên tâm, tôi thấy quá tốt so với ở nhà trọ bên ngoài".
Hàng ngàn suất cơm miễn phí
Đồng hành cùng với các thí sinh từ ngày 1-7 đến ngày 10-7, chùa Pháp Vân và nhóm từ thiện Đồng Tâm, mỗi ngày nấu và phục vụ 300 suất cơm cho TNV và 210 suất cho thí sinh và phụ huynh. Như vậy trong suốt đợt thi, nhà bếp phải cung cấp 3.000 suất cơm cho TNV và 2.100 suất cơm chay miễn phí cho thí sinh. Ngoài ra, chùa Vạn Thiện cũng cung cấp 2.700 suất cơm cho chương trình.
Đây là công việc khá vất vả, một nhóm nấu chỉ có 5 người làm việc hết mình, mỗi ngày thức dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị bữa cơm sáng, cơm trưa và cơm chiều. Ngoài ra, hôm tối trước ngày thi, nhà bếp cũng nấu chè đậu cho thí sinh ăn và được các thầy đến động viên tinh thần hay giúp đỡ các thí sinh cầu nguyện, trao đổi kinh nghiệm thi cử để thí sinh an tâm, bình tĩnh trong những ngày thi. Bên cạnh những TNV đứng bếp còn có đội vận chuyển cơm đến các nhóm, đội này cũng khá vất vả nhưng mọi người ai nấy đều nhiệt tình và vui vẻ.
Chị Ngọc Mai, Trưởng nhóm từ thiện Đồng Tâm chia sẻ: "Chương trình tiếp sức mùa thi đặc biệt có ý nghĩa khi thiết thực giúp đỡ những người thật sự khó khăn, không phải thuê nhà ở và chi phí ăn uống đắt đỏ. Đồng thời cũng giải quyết tâm lý lo lắng cho cả thí sinh và phụ huynh ở các tỉnh xa, dù gì trọ trong chùa cũng giúp thí sinh yên tâm, tinh thần thoải mái hơn và gieo cho các em sự lạc quan trước khi bước vào cuộc thi".