Đức Pháp chủ GHPGVN: “Chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ tiền nhân”

Đức Pháp chủ, chư tôn đức Phật giáo TP.HCM cùng quý vị lãnh đạo TP.HCM và huyện Hóc Môn dâng hương tưởng niệm tại đền thờ Ngã ba Giồng - Ảnh: Quảng Đạo
Đức Pháp chủ, chư tôn đức Phật giáo TP.HCM cùng quý vị lãnh đạo TP.HCM và huyện Hóc Môn dâng hương tưởng niệm tại đền thờ Ngã ba Giồng - Ảnh: Quảng Đạo
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng 27-8-2024 (24-7-Giáp Thìn), Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm tham dự Lễ tưởng niệm - kỳ siêu truy tiến anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã ba Giồng.

Tại di tích thiêng liêng gắn liền với địa danh lịch sử Mười tám thôn Vườn Trầu, nơi đã ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các thế hệ tiền bối của Đảng, của cách mạng Việt Nam nói chung và Xứ ủy Nam Kỳ nói riêng trong thời kháng chiến chống Pháp như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai cùng nhiều đồng bào, chiến sĩ; Đức Pháp chủ cùng chư tôn đức, các vị lãnh đạo TP.HCM và H.Hóc Môn đã dâng hương, lắng lòng tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì lý tưởng cách mạng, độc lập dân tộc.

Đức Pháp chủ phát biểu tại lễ tưởng niệm

Đức Pháp chủ phát biểu tại lễ tưởng niệm

Trong lễ tưởng niệm, Đức Pháp chủ đã nhắc lại những tấm gương anh dũng của các thế hệ tiền bối. Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp xâm lược, biết bao lớp người đã hy sinh cả thân mạng để giành lại chủ quyền đất nước. Trong thời kỳ đầy khó khăn và cam go ấy, ít ai nghĩ rằng nhân dân ta có thể đánh đuổi được thực dân Pháp để mang lại độc lập cho Tổ quốc. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự lãnh đạo tài tình và tầm nhìn rất xa rộng, đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngài nhấn mạnh rằng tinh thần yêu nước của người Việt Nam luôn được tiếp nối từ nghìn xưa cho đến tận ngày nay. Thời bấy giờ, đại đa số người dân Việt Nam đều là người nghèo, là những người chịu sự bóc lột và hà khắc nhiều nhất của chủ nghĩa thực dân, nhưng cũng là những con người vô cùng yêu nước. Nhìn thấu được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống yêu nước của dân tộc và chủ nghĩa Mác - Lê-nin để khơi dậy ngọn lửa đấu tranh, sức mạnh đoàn kết và sẵn sàng hy sinh trong mỗi người Việt Nam.

Đài tưởng niệm dấu tích trường bắn Ngã ba Giồng năm xưa, nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của các bậc tiền bối cách mạng Việt Nam

Đài tưởng niệm dấu tích trường bắn Ngã ba Giồng năm xưa, nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của các bậc tiền bối cách mạng Việt Nam

“Trong giai đoạn đầu, khi cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, những nhà tiền bối như Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ,... đã thấy được ánh sáng cuối đường hầm, tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta sẽ đánh đuổi được giặc Pháp, mang lại độc lập, tự do cho quê hương, cho Tổ quốc. Nhờ có niềm tin và ý chí đó, mới hình thành những cuộc khởi nghĩa quật cường, đặc biệt phải kể đến cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, gắn liền với địa danh Mười tám thôn Vườn Trầu…”, Đức Pháp chủ nói.

Với tầm nhìn chiến lược, các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng đã xây dựng nên một căn cứ cách mạng ngay cạnh Sài Gòn - trung tâm quyền lực của thực dân Pháp tại miền Nam Việt Nam đương thời. Tầm nhìn đó có vai trò quan trọng trong việc đưa đến sự ra đời của rất nhiều phong trào đấu tranh, phong trào này bị dập tắt, thì phong trào khác ra đời... Mặc dù bị đàn áp, nhưng tiếng vang của cuộc khởi nghĩa đó đã khơi dậy ý chí độc lập trong nhân dân, là tiền đề quan trọng góp phần vào thắng lợi sau này của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945.

Chư Tăng đến dâng hương cầu nguyện tại Đền tưởng niệm Ngã Ba Giồng

Chư Tăng đến dâng hương cầu nguyện tại Đền tưởng niệm Ngã Ba Giồng

Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp dập tắt, nhiều người đã phải hy sinh. Thế nhưng, dù hy sinh phần thân xác, nhưng tấm lòng yêu nước, anh linh của các bậc tiền nhân vẫn còn mãi mãi, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong các thế hệ kế tiếp để rồi các cuộc đấu tranh, các phong trào cách mạng nối tiếp nhau, cho tới ngày đất nước được thống nhất, hoàn toàn độc lập năm 1975.

“Có được ngày hôm nay, chúng ta phải luôn nhớ tới các anh hùng, liệt sĩ. Có những người có tên tuổi, nhưng cũng có rất nhiều người mà chúng ta không còn biết tên tuổi. Các vị ấy là những anh hùng, chiến sĩ vô danh. Chúng ta không biết tới các vị, nhưng các vị luôn biết tới chúng ta. Các vị đã hy sinh cho chúng ta, luôn hỗ trợ cho chúng ta để chúng ta có sức mạnh đấu tranh chống lại ngoại xâm, giữ gìn sự toàn vẹn của đất nước”, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN nhắc nhở.

“Giữa chúng ta hôm nay và anh linh của các anh hùng liệt sĩ ngày trước vẫn hòa nhập với nhau làm một trong tinh thần yêu nước”, với tinh thần đó, Đức Pháp chủ mong muốn tất cả mọi người hôm nay phải làm sao tiếp nối và giữ vững được tinh thần yêu nước, để mãi mãi về sau dân tộc chúng ta không bao giờ phải chịu cảnh nô lệ, mất nước thêm một lần nào nữa, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ tiền nhân vì Tổ quốc, vì đất nước Việt Nam thân yêu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là khẳng định của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày