Đức Phật - Vị Đạo sư vĩ đại

Lễ đài trong lễ Tắm Phật tại chánh điện Việt Nam Quốc Tự
Lễ đài trong lễ Tắm Phật tại chánh điện Việt Nam Quốc Tự
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hãy hướng về Phật đản với tất cả lòng kính ngưỡng về một Bậc Đạo sư vĩ đại. 

Đức Phật ra đời cách đây 2.564 năm. Giáo sư Lewis Lancaster nói rằng người phương Tây thoạt tiên xem Đức Phật như một nhân vật huyền thoại. Nhưng khi các nhà khảo cổ tìm ra những địa danh trùng khớp với tiểu sử của Ngài, hay trụ đá dựng lên từ thời Ashoka ghi rõ “Đây là nơi Đức Phật sinh ra”, thì ông kết luận, “Như vậy với thời gian, việc tập hợp những di tích ấy cho phép các nhà nghiên cứu giả định rằng có một nhân vật lịch sử mà đời sống gần gũi với những câu chuyện kể trong dân gian lưu truyền qua ba thế hệ vào thời vua Ashoka”.

H.W.Schumann viết: “Thật hiếm nhân vật nào trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như Đức Phật Siddhattha Gotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm trên toàn châu Á như Ngài. Ðạo giáo do Ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế”.1

“…Chúng ta cần phải thấy trong kinh nghiệm giác ngộ (bodi) của Đức Phật vào năm 528 trước TL cả một biến cố trọng đại không chỉ đem lại đạo pháp cho thế giới, mà còn chuyển biến Thái tử Siddhatta Gotama với khuynh hướng nội tâm nổi bật ấy trở thành Đức Phật hướng ngoại theo định kỳ. Kinh nghiệm giác ngộ ấy đã đổ xô về hướng biểu lộ tâm tư qua ngôn ngữ với một sức mạnh vĩ đại biết chừng nào! Nó khiến Đức Phật đi tìm nhiều người để Ngài có thể khai thị các khám phá của Ngài và truyền thụ kho tàng tâm linh mà Ngài vừa tìm được2.

Trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, vị giáo chủ, và cũng là nhà truyền giáo tích cực nhất, bền bỉ nhất, giản dị nhất, bao dung nhất, không thể ai khác hơn Đức Phật. Suốt bốn mươi chín năm, Đức Phật đi không ngừng nghỉ, từ nơi giàu sang tới chốn nghèo hèn. Đến đâu, Ngài cũng tùy duyên hóa độ, chỉ dẫn con đường đưa đến sự giải thoát rốt ráo. Hòa thượng K.Sri Dhammananda, tác giả cuốn What Is This Religion?, đã tôn xưng Ngài là Bậc Đạo sư vĩ đại của nhân loại. Những lời dạy của Ngài từ hai mươi sáu thế kỷ trước vẫn được áp dụng một cách hài hòa, thực tiễn cho đến ngày nay, là minh chứng hùng hồn về giá trị của giáo pháp mà Ngài đã tìm ra.

Tính hiện đại trong phương pháp giáo dục của Đức Phật

* Tư duy phản biện

Chúng ta hiểu tư duy phản biện hay tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác nhau cho vấn đề được đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Dựa vào những nghiên cứu gần đây, các nhà giáo dục đã hoàn toàn tin tưởng rằng trường học hôm nay nên tập trung hơn vào việc dạy học sinh tư duy phản biện. Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động mà hướng người học, nhất là sinh viên, thấm nhuần tinh thần đại học: tự khám phá và tìm ra kết luận.

Việc học pháp của nhà Phật tự ngàn xưa đã dựa trên tinh thần phản biện. Phật dạy: Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó là truyền thuyết. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó lý luận siêu hình. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình. Chớ vội tin điều gì khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết”.3

* Phương pháp dạy học hiện đại là gì?

Phương pháp dạy học hiện đại hay còn có tên gọi khác là phương pháp dạy học tích cực. Phương pháp này hiện hữu ở các nước phương Tây vào thế kỷ XX. Trong những năm gần đây, phương pháp dạy học hiện đại đang ngày càng có ảnh hưởng rộng rãi đến các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Như chúng ta đã biết, phương pháp dạy học truyền thống là những phương pháp được cha ông chúng ta truyền lại qua nhiều thế hệ, phương pháp này sẽ lấy người thầy, người dạy học là trung tâm. Phương pháp dạy học hiện đại là phương pháp dạy cho học sinh, sinh viên chủ động trong suy nghĩ, tư duy và hành động. Ở phương pháp này, người thầy chỉ giữ vai trò định hướng, đưa ra ý kiến gợi ý, hướng dẫn tìm kiếm tài liệu, tổ chức các buổi thảo luận, tranh luận cho học sinh, sinh viên của mình. Từ đó người học sẽ chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện khả năng phán đoán và trưởng thành, tự tin hơn qua mỗi bài học. Do phương pháp dạy học hiện đại rất chú trọng tới kỹ năng thực hành, nên học sinh, sinh viên có khả năng linh hoạt trong việc xử lý các tình huống thực tiễn. Rèn luyện cho học sinh, sinh viên tính chủ động trong lối suy nghĩ, tư duy khi học tập.

- Phương pháp hỏi - đáp: là phương pháp giáo viên sẽ đưa ra các câu hỏi để học sinh trả lời hoặc tranh luận, đưa ra ý kiến phản bác, từ đó học sinh có thể rút ra được bài học. Đây là phương pháp Đức Phật sử dụng lời nói để giảng dạy giáo pháp cho hàng đệ tử và thính chúng. Ngài nêu ví dụ cụ thể, giảng giải, đàm thoại, kể chuyện, đặt câu hỏi và trả lời.

Ví dụ: Khi những người Koliya tìm đến Phật và thưa với Ngài và mong được học những pháp đem đến hạnh phúc an lạc trong hiện tại và tương lai. Đức Phật hỏi họ từng điều một liên quan đến nghề nghiệp và phương thức họ phòng hộ, giữ thăng bằng, điều hòa, giữ gìn tài sản, rồi Ngài đọc bài kệ kết luận:

“Tháo vát trong công việc

Không phóng dật, nhanh nhẹn,

Sống đời sống thăng bằng

Giữ tài sản thâu được

Có tín, đầy đủ giới

Bố thí, không xan tham.

Rửa sạch đường thượng đạo

An toàn trong tương lai

Đây chính là tâm pháp

Bậc tín chủ tìm cầu

Bậc chân thật tuyên bố

Đưa đến lạc hai đời:

Hạnh phúc cho hiện tại

Và an lạc tương lai”.4

Bằng cách này, Đức Phật đã làm cho giáo lý của mình được phổ biến rộng rãi đến với mọi người. Phương pháp đặt câu hỏi và trả lời làm cho hành giả rất dễ tiếp nhận lời dạy một cách thấu triệt. Về sau, phương pháp này được áp dụng nhiều trong nhà thiền, nhất là Thiền tông Trung Hoa, còn được gọi là thiền Công án. Trong các công án thiền, có những câu nói gợi ý ngắn gọn, có những câu hỏi phản vấn, có những câu sử dụng tính mâu thuẫn và cả đến sử dụng cái “vô ngôn” như một cú đánh, một tiếng hét, với gậy hèo..., nhằm thức tỉnh cái khả năng tự chứng.

Phật tính như viên ngọc nằm trong túi áo của mỗi người, ngộ là mình tự ngộ, chứ không ai ngộ cho mình được. Người thầy cần làm sao để học trò tự phát triển, tự ngộ.

- Phương tiện thiện xảo (upaya-kosalla): Phương tiện thiện xảo là một đặc trưng về phương pháp trong giáo dục Phật giáo. Trong phẩm Phương tiện của kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy: “Chư Phật trong quá khứ… trong vị lai… trong hiện tại dùng vô lượng, vô số phương tiện, các thứ nhân duyên, ngôn từ, thí dụ để vì chúng sinh mà diễn nói pháp. Các pháp đó đều là một Phật thừa, nên các chúng sinh theo chư Phật nghe pháp, cứu cánh đều thể chứng được Nhất thiết chủng trí”. Rồi do lòng đại từ bi, Ngài quyết định giảng pháp cho những ai muốn nghe để cứu độ họ. Những đối tượng khác nhau có hoàn cảnh, căn cơ khác nhau đòi hỏi có phương pháp, biện pháp giáo dục khác nhau. Đấy là sự cần thiết phải có phương tiện thiện xảo trong giáo dục.5 “Kinh Thí dụ con rắn (số 320 của Trung bộ kinh) kể thí dụ người dùng bè qua sông, đến bờ bên kia người ấy phải bỏ bè mà đi chứ không vác bè theo. Ngài dạy: ‘Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua sông chứ không phải để nắm giữ. Này chư Tỷ-kheo, các ông cần phải hiểu thí dụ chiếc bè… Chánh pháp còn phải bỏ đi huống là phi pháp’. Trong kinh Viên giác, phẩm Thanh tịnh tuệ, Đức Phật dạy: ‘Tất cả giáo lý của kinh đều như ngón tay chỉ mặt trăng’”.

* Phương pháp giảng dạy bằng ẩn dụ và ảnh dụ

Trong kinh Pháp hoa có nêu ví dụ về “ngôi nhà lửa”, kể về một vị trưởng giả giàu có. Căn nhà của ông đang bốc cháy nhưng các con ông vẫn không hề hay biết, mải tung tăng vui đùa trong đó. “Ngôi nhà lửa” đang bị bốc cháy là ví dụ cho chúng sinh bị sanh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não đốt cháy. Xe dê, xe hươu, xe trâu là chỉ cho ba thừa: Thanh văn, Duyên giác và Phật thừa. “Cha” hay “ông trưởng giả” là chỉ cho Đức Phật, bậc đã giác ngộ. “Các người con” là chỉ cho tất cả chúng sinh. Những người con đã vì ba xe này mà ra khỏi nhà lửa là chỉ cho những bậc Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Nhưng cuối cùng, Phật chỉ đem “cỗ xe lớn”, trang nghiêm nhất để ban cho chúng sinh, đó chính là Phật thừa.

Đức Thế Tôn ví “ái dục” như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn mộng, như vật dụng cho mượn, như trái cây, như lò thịt, như gậy nhọn... Với hàng loạt ví dụ trên, Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy được sự nguy hiểm của các dục.

“Người sống đời phóng dật

Ái tăng như dây leo

Nhảy đời nay đời khác

Như vượn tham quả rừng”.6

(Pháp cú 24 - phẩm Tham ái)

“Ai sống trong đời này

Ái dục được hàng phục

Sầu rơi khỏi người ấy

Như giọt nước lá sen”.7

Hay như câu chuyện bà Kisa Gotami có một đứa con và đứa con đó đã mang đến nguồn hạnh phúc cho bà, nhưng không may con bà đã chết khi vừa biết chạy. Đó là nỗi bất hạnh lớn lao đã khiến bà đau khổ tột cùng. Trong niềm đau xót ấy, bà chỉ biết ôm đứa con vào lòng và đi đến từng nhà, từng người để khẩn cầu: “Hãy cho con tôi thuốc”. Nhân duyên đã dẫn dắt, bà đi đến tinh xá và cũng xin Đức Phật như vậy: “Hãy cho con tôi thuốc”. Đức Phật bảo: “Cô hãy vào làng xin một nắm hạt cải về đây ta sẽ cứu đứa trẻ sống lại”. Đức Phật còn dặn thêm: “Nhưng cô nhớ xin cho được hạt cải ở gia đình nào xưa nay chưa có người chết”.

Chiều tối người đàn bà mệt lả ôm con trở lại, Đức Phật còn chờ ở đấy. Người đàn bà sụt sùi thưa: “Thưa Ngài, con đi khắp xóm làng nhưng không có gia đình nào xưa nay chưa hề có người chết”. Phật bảo: “Cả thế gian này có cùng nỗi đau như con”. Ngay sau câu nói đó, người đàn bà đã tỉnh ngộ. Và Ngài đọc Pháp cú:

Người tâm ý đắm say

Con cái và súc vật

Tử thần bắt người ấy

Như lụt trôi làng ngủ”.

Cuối bài kệ, Kisa Gotami đắc quả Dự lưu. Bà xin gia nhập Tăng đoàn và được Thế Tôn chấp thuận.

Chúng ta nhớ câu chuyện gã cùng tử trong kinh Pháp hoa và chiếc áo cũ kỹ mà người cha căn dặn đừng bán. Có một bữa trời xui đất khiến sao đó anh ta bỗng nhiên táy máy mân mê và khám ra viên ngọc thật quý nằm giấu trong chéo áo rách. Khi khám ra viên ngọc quý rồi thì đứa con nghèo đói trở nên hết nghèo đói. Cái chuỗi ngày dài cơ cực bị khinh khi, bị đói khát, bị đau đớn đã là bài học rất thấm thía, rất giá trị cho người con, và từ đó anh ta biết sử dụng viên ngọc quý và biết dùng nó làm vốn liếng để gây dựng lại sự nghiệp, đã sống cuộc đời rất hạnh phúc và tiếp nhận trọn vẹn gia tài bí mật của cha để lại. Gia tài đó là viên ngọc, nhưng cũng là sự hiểu biết, tinh thần trách nhiệm và cái lề lối sống để có hạnh phúc. Thiền sư Nhất Hạnh khi giảng về đoạn kinh này đã nói: “Ðó là một hình ảnh Bụt đưa ra trong kinh Pháp hoa. Bụt có ý nói rằng tất cả chúng ta đều là những đứa con phá của, những đứa cùng tử. Chúng ta có hạnh phúc, có gia tài mà chúng ta không biết xài; chúng ta phung phí, chúng ta giày đạp lên cái hạnh phúc của chúng ta mà đi, và chúng ta trải qua năm này tháng nọ làm một kẻ tha phương cầu thực, gối đất nằm sương, chịu biết bao nhiêu là khổ nhục. Chính bây giờ chúng ta phải khám phá lại viên ngọc đã và đang được khâu trong áo chúng ta”.8

* Phương pháp giáo dục từ kinh nghiệm thực tế

Theo TT.Thích Trung Định, “Dù là thuyết giảng, nêu ví dụ hay tranh luận, Đức Phật đều sử dụng một loạt các phương pháp mang tính kinh nghiệm từ chính tự thân của Ngài. Có thể nói, trong giáo dục Phật giáo, không một đối tượng nào áp dụng một phương pháp mà chưa trải qua thể nghiệm. Đức Phật tự thân đã trải qua quá trình hỏi đạo, biện chiết với các nhà tư tưởng cũng như thực hành các phương pháp luyện tập của các nhà tu khổ hạnh trước khi quyết tâm thiền định dưới cây bồ-đề cho đến khi thành chính quả. Bài kinh Tứ niệm xứ được Đức Phật giảng dạy rất nhiều lần cho hàng đệ tử của Ngài một cách rất chi tiết. Đó chính là con đường thực nghiệm mà Đức Phật đã trải qua các giai đoạn hành thiền, các trạng thái dao động của tâm, sự đau nhức của thân, Ngài đều đã kinh qua. Vì vậy, những bài pháp của Ngài là chính tự Ngài thân chứng, sau đó mới dạy lại cho hàng đệ tử”.9

* Phương pháp giáo dục bằng thân giáo

Nhân cách và hình ảnh tốt đẹp của người thầy là điều không thể thiếu trong phương pháp giáo dục Phật giáo. Đức Phật không chỉ là một Bậc Đạo sư. Ngài là một Bậc Đại trí tuệ với lòng từ bi vô lượng. Chính nhân cách đó đã làm cho tất cả những ai gặp Ngài đều phải tôn kính. Ngày nay, vai trò thân giáo của người thầy trong Phật giáo cũng rất cần thiết. Chính vì thế nhiệm vụ của chư Tăng là thể hiện đầy đủ hình ảnh một vị thầy trong lãnh đạo quần chúng tu tập và là người hướng dẫn tâm linh và đạo đức.

Schumann nhận xét: “Thế đấy, Ngài trở thành một Bậc Đạo sư với những phương pháp giáo dục hết sức phong phú. Ngoài những bài pháp thoại, những pháp môn điều phục tâm nhờ đó các đệ tử đạt đến định tĩnh (samadhi), các pháp thiền hướng đến an tâm hay tịnh chỉ, đoạn trừ dục vọng và dễ tiếp nhận các tuệ quán cao hơn. Cách phát triển tâm trí theo lối quán sát (vipassana) nhằm tiêu diệt vọng tưởng và vô minh. Cách này luôn hướng đến một đối tượng: tự thân”.10

…Thanh niên Mahali hỏi Đức Phật có phải mục đích an trú trong thiền định mà vị Tỷ-kheo sống đời phạm hạnh chăng? Bậc Đạo sư đáp: “Này Mahali, không phải vì muốn an trú thiền định mà chư Tăng sống đời phạm hạnh, vì muốn chứng đắc các pháp cao thượng hơn, thù diệu hơn, đó là đoạn tận tham sân si”.

Hãy hướng về Phật đản với tất cả lòng kính ngưỡng về một Bậc Đạo sư vĩ đại.

Nguyên Cẩn

________________________________________

(1) H.W.Schumann (1982), The Historical Buddha (Ðức Phật lịch sử), Trần Phương Lan (dịch) (2000), NXB.TP.HCM.

(2) Ibid.

(3) Kinh Kamala.

(4) Kinh Dighajanu, người Koliya, Tăng chi bộ.

(5) Thích Giác Toàn, Phương pháp và biện pháp trong giáo dục Phật giáo.

(6) Pháp cú 24.

(7) Pháp cú 336.

(8) Thích Nhất Hạnh, Viên ngọc kinh Pháp hoa, http.langmai.org.

(9) Thích Trung Định, Nêu thêm về phương pháp giảng dạy của Đức Phật, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 327.

(10) H.W.Schumann (1982), The Historical Buddha (Ðức Phật lịch sử), Trần Phương Lan (dịch) (2000), NXB.TP.HCM.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày