Đừng kẹt Tích môn

Đừng kẹt Tích môn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Phật tử cần phân biệt tu Tích môn và tu Bổn môn để không bị kẹt vào Tích môn mà không gặt hái được kết quả tốt đẹp trên bước đường tu.

Đức Phật dạy rằng chúng ta không thấy được Bổn môn, nên phần nhiều chúng ta vào Tích môn là vào hình thức. Nhưng hình thức phải thâm nhập vào nội dung, vì nội dung mới quan trọng, còn hình thức chỉ là mượn tạm thôi để giúp chúng ta đạt được sở đắc sở chứng trên con đường đạo.

Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này, Ngài cũng mượn hình thức là hiện thân con người để Ngài truyền trao giáo pháp cho con người. Vì thực sự Ngài là Phật ở thế giới Thường tịch quang chơn cảnh là thế giới vĩnh hằng bất tử của chư Phật, cho nên chúng ta không thể vào thế giới Phật, không thể thấy Phật và nghe Phật nói được.

Vì vậy, Phật dạy rằng người thấy được Phật và nghe được pháp âm của Phật phải có Chánh niệm và Chánh định. Đó cũng là một trong bốn điều kiện mà Phật dạy trong kinh Pháp hoa rằng trước hết chúng ta phải có căn lành thì thấy Phật bằng căn lành của chúng ta. Không có căn lành không thể thấy Phật.

Người có căn lành ngồi thiền, hoặc tụng kinh, họ tập trung tư tưởng để giữ Chánh niệm và bằng Chánh niệm đó, họ suy nghĩ về hạnh đức của Phật, về hình ảnh trang nghiêm của Phật, về lời dạy của Phật trong kinh. Thực tập như vậy mỗi ngày, họ sẽ có được cái thấy khác hơn những người chỉ tu theo hình thức, nghĩa là họ thấy sâu hơn, xa hơn về yếu nghĩa kinh.

Thí dụ, người tu Tịnh độ đọc kinh A Di Đà là nương vào Tích môn, nhưng họ tập trung tư tưởng hình dung ra Phật A Di Đà thì thấy Phật A Di Đà bằng tâm của họ. Bấy giờ, đọc kinh này, họ thấy Phật nói cảnh Cực lạc khiến họ cũng thấy cảnh Cực lạc bằng tâm, bằng niềm tin. Người tu Tịnh độ có căn lành, ngồi yên thấy Phật, thấy Tịnh độ của Phật, thấy Bồ-tát, Thanh văn, La-hán là thấy thế giới trang nghiêm thanh tịnh, nên thân tâm họ cũng trang nghiêm thanh tịnh theo. Như vậy, họ đã nương theo kinh điển, tức Tích môn để tu Bổn môn nghĩa là thế giới siêu hình mở ra cho họ. Điều này ngày nay gọi là chúng ta quan sát không gian ba chiều, bốn chiều. Quan sát không gian một chiều chỉ mới thấy loài người thôi, nhưng quan sát không gian qua ba, bốn chiều, chúng ta thấy tứ sanh lục đạo là thấy khác rồi.

Ban đầu, chúng ta thấy mọi người đều bình đẳng, nhưng tu hành mở mắt huệ là nhìn qua không gian ba chiều, bốn chiều, năm chiều, sáu chiều… thì thấy mọi người không giống nhau. Nghĩa là hình thức bên ngoài thì ai cũng là con người, nhưng tánh bên trong của mỗi người hoàn toàn khác nhau, tánh bên trong là Bồ-tát, Thanh văn, chư thiên, hay ma quỷ... Tánh của Bồ-tát là tánh thương người thương vật, thường giúp đỡ mọi người... Thực tế chúng ta thấy có nhiều đứa bé đi chợ thấy người ăn xin, nó xin mẹ một đồng để cho họ, vì thấy người đau khổ, tự nó thương là tánh thiện, hay căn lành của nó có sẵn, như vậy là tu được. Trái lại, người có tánh ác thấy gì cũng muốn phá cho hư, muốn hại người khác để hưởng lợi.

Tuy không gian là một, nhưng quan sát theo nhiều chiều, chúng ta thấy trong loài người có năm loại người sống chung với nhau, đó là chư thiên, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sanh lại gọi là ngũ thú tạp cư, vì có sự cảm thọ quả báo của nhiều loài khác nhau. Thấy như vậy là thấy quả báo thân của mỗi người mang nghiệp từ quá khứ sanh lại đây, như vậy là tu có tiến bộ. Còn ngày nào cũng tụng kinh lạy Phật đi chùa, nhưng không thấy gì khác là chúng ta tu Tích môn và bị kẹt vào Tích môn không mở được con mắt huệ và không phát triển đạo hạnh.

Tu học ở Nhật, tôi nhận ra ý nghĩa Tam đại bí pháp của ngài Nhật Liên và sự khác biệt của Bổn môn và Tích môn. Bổn môn là gốc không thấy bằng mắt, nên Nhật Liên Thánh nhân thấy Bổn môn trong thiền định.

Hoặc Trí Giả đại sư tụng kinh Pháp hoa đến mức độ ngài thiếp trên bàn, nghĩa là ngài nhập tâm đến yếu lý của bộ kinh mãnh liệt đến mức quên cả thân tứ đại, quên hết thực tế cuộc đời, là vào Chánh định.

Cũng giống như ngài Trí Giả, ngài Hư Vân đang giảng kinh, bỗng nhiên ngài yên lặng, không giảng nữa, ngài ngồi yên suốt bảy ngày. Vì bấy giờ độ cảm tâm của ngài với Đức Di Lặc cao quá gọi là xuất thần hay nhập định. Trong khi mình là chúng sanh luôn bị vọng tưởng điên đảo trói chặt nên dính cứng với cuộc sống vật chất. Còn ngài Hư Vân tập trung cao độ, thâm nhập Chánh định và lên cung trời Đâu Suất nghe Bồ-tát Di Lặc thuyết pháp. Chỉ đảnh lễ Di Lặc và nghe Di Lặc thuyết pháp mà ngài trở về, xả định ra là đã trôi qua một tuần lễ. Trong suốt một tuần đó, ngài không ăn uống ngủ nghỉ nhưng thân vẫn khỏe mạnh và tinh thần rất minh mẫn. Các vị Tổ đi vào Bổn môn có được sở chứng như vậy.

Trở lại việc Trí Giả thâm nhập Chánh định, ngài thấy hội Pháp hoa của Đức Phật Thích Ca chưa tan. Dù ngài cách Phật đã 1.000 năm nhưng ngài đã tham dự được pháp hội đó và nghe Phật thuyết pháp. Khi xả định, ngài thưa với thầy là Huệ Tư đại thiền sư về sở chứng này. Ngài Huệ Tư mới dạy Trí Giả rằng ông đã chứng Pháp hoa tam muội thì nên xuống núi để truyền đạo.

Ngài Huệ Tư đã chứng Nhứt tâm tam quán, tức tập trung tư tưởng cao độ, trở thành nhứt tâm thì đầu tiên là đi vào thế giới không. Ngài quán thấy tất cả sự vật là giả hợp. Mình chỉ thấy một chiều không gian, nhưng ngài thấy chiều thứ hai là thấy tất cả con người không có, tất cả biến thành không. Nói như vậy thì ngày xưa khó hiểu, nhưng ngày nay chúng ta hiểu điều này dễ dàng. Thí dụ nhìn qua quang tuyến X, bác sĩ thấy xuyên qua lớp áo, xuyên qua lớp da thịt và thấy rõ ruột gan, nội tạng của con người. Và tăng độ sáng của mắt lên sẽ thấy tất cả tế bào chuyển động, cho đến tăng độ nhìn sâu hơn nữa thì thân này là hư không.

Đức Phật đã nhận biết rõ như vậy, nên Ngài nói thân người do tứ đại giả hợp mà thành, do năm nhóm, hay bảy nhóm cấu trúc. Nếu loại bỏ tất cả các yếu tố tạo nên thân người sẽ thấy toàn bộ con người là không. Thí dụ cho dễ hiểu, một người nặng 60kg, nhưng khi chết, thiêu đốt thân xác, thì thể nước bốc hơi, chỉ còn chất khoáng nên chỉ còn lại 1 - 2kg thôi và nếu chất khoáng trả về cái riêng của nó nữa thì chẳng còn gì. Đức Phật đã thấy đúng như thật về sự hiện hữu của con người ở mặt có và mặt không là như vậy.

Như chúng ta đã học, các pháp có bốn nhóm chính tạo thành là đất, nước, lửa và khí, nhưng nếu cộng thêm nghiệp con người thì tạo thành con người, nếu cộng thêm nghiệp con vật sẽ thành con vật. Vì vậy, nghiệp quyết định loại hình của chúng sanh trong sáu đường sinh tử. Và nếu mang thân người, nghiệp cũng quyết định tư chất của con người là thông minh hay đần độn, đẹp hay xấu, khỏe mạnh hay ốm yếu, giàu sang hay nghèo khổ, thiện hay ác…

Ngoài ra, con người cũng có chỗ ở tương xứng với nghiệp của họ, mà kinh điển thường diễn tả là y báo tùy thuộc chánh báo. Thực tế chúng ta thấy nhà ở của người giàu có rất sang trọng khác hẳn căn nhà tồi tàn của người nghèo. Nhưng nếu ta cho người không có tố chất sang trọng vào ở tòa lâu đài thì chẳng mấy chốc, lâu đài cũng trở thành thứ đáng kinh sợ. Có thể nói nghiệp quyết định con người và con người quyết định sự việc.

Ảnh tác giả

Nghiệp quyết định loại hình của chúng sanh trong sáu đường sinh tử. Và nếu mang thân người, nghiệp cũng quyết định tư chất của con người là thông minh hay đần độn, đẹp hay xấu, khỏe mạnh hay ốm yếu, giàu sang hay nghèo khổ, thiện hay ác…

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nhìn kỹ nghiệp của mỗi người không giống nhau. Từ đó, chúng ta tu hành thực chất là tu cái nghiệp, hay chuyển hóa nghiệp. Đức Phật dạy muốn làm trời phải tu nghiệp làm trời là tu thập thiện. Muốn làm quỷ thần phải tu nghiệp của quỷ thần. Muốn tái sanh làm người khỏe mạnh, giàu sang, được quý trọng thì ráng thực hành năm giới cấm.

Và triển khai yếu lý của Phật, 500 năm sau khi Đức Phật vào Niết-bàn, xuất hiện Long Thọ Bồ-tát. Ngài cũng đọc kinh Phật và chứng được pháp Không là pháp tu của Phật để lại. Ngài nói bài kệ ngộ đạo rằng:

Nhân duyên sở sanh pháp

Ngã thuyết tức thị không

Diệc danh vi giả danh

Diệc danh Trung đạo nghĩa.

Nghĩa là tất cả các pháp hữu vi do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra. Nếu không đủ nhân duyên nối kết lại thì các pháp cũng không có, nên ngài xác định rằng các pháp là không. Nhưng “Không” này không phải là không có. Với huệ nhãn của ngài, tuy các pháp hữu vi có trên mặt hiện tượng, nhưng nó chỉ là giả có hay tạm có thôi, bởi vì như đã nói các pháp do nhân duyên hội ngộ mà hiện hữu, nhân duyên tan rã thì nó cũng tiêu mất. Vì thế, Bồ-tát Long Thọ mới chỉ ra sự thật của muôn vật là vượt ra ngoài có và không, nên ngài nói đó là thực nghĩa của Trung đạo.

Ngài Long Thọ nói vạn vật do nhân duyên sanh nghĩa là các pháp không có thực chất cố định riêng biệt, ý này được kinh điển gọi là ngã không. Và khi tất cả muôn vật là không thì nó trở về dạng bản thể. Và từ bản thể không mà cộng với trí tuệ, cộng với phước đức của Bồ-tát sẽ hiện ra cái có một cách tốt đẹp. Lý này được Tổ Huệ Năng diễn tả rằng bên kia cái không là cái có gọi là diệu hữu; nói cách khác, các Tổ đắc đạo không lệ thuộc vật chất mà chuyển hóa vật chất thành diệu hữu.

Chư vị Bồ-tát tu chứng pháp này thì các ngài hiện thân làm vua, làm tướng, làm trưởng giả, làm trẻ con… đều tùy theo ý nguyện. Điển hình như Quan Âm Bồ-tát đạt đến sở đắc “Ngũ uẩn giai không” nên ngài có khả năng thị hiện 32 thân trong cùng một lúc ở khắp mọi nơi để cứu độ chúng sanh một cách tự tại vô ngại.

Từ kiến giải có thành không, ngài Long Thọ viết bộ luận Trung quán được truyền sang Trung Hoa. Và ngài Huệ Văn chứng được pháp này đã đưa ra pháp tu Tam trí tam quán nghĩa là nhìn sự vật theo kiểu người tu không lệ thuộc cuộc đời, không lệ thuộc ăn uống, tình cảm thì họ nhìn sự vật đúng như thật, nên tâm họ rất thanh thản, an nhiên. Còn ma quỷ, hay người nhiều tham muốn nhìn vật muốn bỏ túi, muốn phá hoại.

Học Phật, học hạnh của chư Bồ-tát, chúng ta biết tất cả sự vật là giả, thân tứ đại này cũng giả. Ham muốn duy nhất của mình làm sao ra khỏi sinh tử luân hồi. Ý thức đúng đắn như vậy, mình mượn thân này tu để đạt được các pháp Phật dạy, hoặc để đi đến thế giới Phật, hay thế giới chư thiên.

Theo tôi, chúng ta có thể thí dụ giống như các nhà khoa học mượn hỏa tiễn để phóng phi thuyền vượt qua được sức hút của trái đất và đưa phi thuyền bay vào không gian. Chúng ta tu cũng vậy, mình mượn thân tứ đại này ví như cái hỏa tiễn để đưa phi thuyền tâm linh của mình ra khỏi sức hút của cỗ máy siêu hình khổng lồ là sinh tử luân hồi. Kinh Pháp hoa diễn tả là ra khỏi Nhà lửa tam giới.

Mỗi ngày mình phải ăn uống, ngủ nghỉ, hít thở để cơ thể này sống khỏe mạnh giống như người ta phải nạp nhiên liệu đầy đủ cho hỏa tiễn vận hành suôn sẻ vậy. Và mình mượn thân này để tiến tu, ra được sinh tử. Nếu không được như vậy thì uổng phí kiếp người tu. Cũng giống như hỏa tiễn không đưa được phi thuyền vào không gian mà nó bị nổ tan xác giữa chừng trời thì mọi đầu tư đều trở thành luống công vô ích.

Nhờ cái thân này tu hành nhập được không môn, không còn lệ thuộc vật chất, tình cảm, đó là bước một. Hành giả nào tu cũng phải cố gắng thực tập để thân tâm giải thoát như vậy thì mỗi người tu có cách khác nhau. Tuy nhiên, tu pháp môn nào chăng nữa, tuệ tri cũng phải thăng hoa và chứng đắc được ít nhiều quả vị nào đó. Thật vậy, phải hiểu pháp Phật cho thật sâu, thật đúng nghĩa là tìm về cái gốc gọi là Bổn môn và thực tập đạt kết quả đúng như Phật dạy.

Trên bước đường tu, làm sao đốt thân này nghĩa là không để vật chất thu hút mình, nói đơn giản là không kẹt ăn uống ngủ nghỉ tình cảm. Trái đất hay vật chất hút mình mạnh quá trải qua nhiều đời nhiều kiếp rồi, nay phải cố gắng bắn hỏa tiễn lên, tức phải tập trung thân tâm cao độ là nhập định mới không bị rớt xuống. Tôi thấy nhiều người cùng tu, hỏa tiễn lên một chút rồi nổ. Nói dễ hiểu là tu nửa chừng bỏ cuộc, trở lại cuộc đời bị khổ lụy nhiều, đạt được mục tiêu thì rất hiếm.

Vì vậy, phải quyết tâm, định lực mạnh để vượt ra ngoài Nhà lửa tam giới. Kinh Pháp hoa nói có ba hạng người có khả năng đi ra khỏi Nhà lửa sinh tử. Hạng người thứ nhất đi ra một mình là hàng Thanh văn quyết tâm tu bỏ hết để ra khỏi Nhà lửa. Hạng người thứ hai là Duyên giác có suy nghĩ, cân nhắc, cùng với thầy hiền bạn tốt cùng vượt sinh tử ra khỏi Nhà lửa. Hạng người thứ ba có đạo lực lớn mạnh là Bồ-tát ra khỏi sinh tử là mục tiêu chính của họ, nhưng họ còn độ đời để giúp nhiều người ra khỏi sinh tử.

Tự xét coi mình ở hạng người nào trong ba hạng này thì theo đó mà tu. Đức Phật nói Bồ-tát ví như voi đi ngược dốc. Hành Bồ-tát đạo rất khó, không đơn giản chút nào. Mình muốn dẫn dắt nhiều người cùng tu, nhưng chúng sanh nghiệp nặng, mình kéo họ không nổi, không chừng còn bị họ kéo mình. Việc cảm hóa chúng sanh chỉ dành cho Bồ-tát. Mình đi một mình còn không nổi thì ráng bò lết mà đi ra khỏi sinh tử, cưu mang người chưa được gì mà hỏng đường tu.

Thiết nghĩ từng bước tu hành gặt hái được thành quả như Phật dạy theo đúng trình tự, muốn mau cũng không được. Không thể có tuệ tri và đạo lực của bậc Thánh La-hán, cho đến pháp nhãn và phước báu vô lượng của Bồ-tát khi thân tâm là phàm phu tục tử chính hiệu.

Trước nhất tu hành phải ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, thân tâm không còn vướng kẹt bất cứ điều gì. Tâm còn tham đắm, si mê, bực tức phải nỗ lực thực hành các pháp căn bản Phật dạy cho trọn vẹn, thành tựu được pháp nào sẽ vơi bớt phiền não phần đó và trí phải sáng ra, tạo được thêm phước báu. Đó là con đường tiến tu đúng đắn từ Tích môn đi vào Bổn môn.

Bài giảng tại chùa Huê Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.

Thông tin hàng ngày