Giá trị tư tưởng Thiền học trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú - Phần 2: Chủ thuyết Cư Trần lạc đạo

Giác Ngộ - Toàn bài phú gồm 10 hội, mỗi hội co dãn từ 13 câu (Hội thứ ba và bốn) cho tới 30 câu. Và mỗi hội gieo một vần, các hội chẵn gieo vần bằng và các hội lẻ gieo vần trắc. Cuối hội thứ mười thì có thêm bài kệ theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Có thể xem bài kệ ở cuối tác phểm đã thể hiện chủ đề tư tưởng Thiền học của bài phú, đồng thời là cơ sở lý luện hình thành chủ thuyết “Cư trần lạc đạo” của Thiền phái Trúc Lâm.
tuyentapxuan-97-8_1.jpg

Tháp Hoa Yên - Ảnh tư liệu

Ta thấy, trước khi hình thành chủ thuyết Cư trần lạc đạo, thì Trần Thái Tông người đặt nền móng tư tưởng cho Thiền phái Trúc Lâm, đã chọn bản kinh Kim Cương và kinh Kim Cương tam muội chú giải để làm cơ sở lý luận biện tâm, thực thi đời sống hướng nội trước một bối cảnh lịch sử của cả dân tộc ra sức chấn hưng đất nước. Theo nguyên lý duyên khí của tư tưởng Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Viên Giác thì bản thân từng cá thể không thể tự tồn tại độc lập mà không có sự liên hệ khác xung quanh con người, nhất là giai đoạn cả nước đang xây dựng và phát triển trên mọi lĩnh vực thì lại càng có nhiều mối liên hệ để giải quyết và xử lý. Vì vậy, các thành viên Thiền phái chủ trương bổ sung thêm một số quan điểm được đúc kết từ các bản Kinh Đại Thừa nói trên để làm cơ sở lý luận tạo tiền đề hình thành chủ thuyết Cư Trần lạc đạo phục vụ cho đường lối hoạt động Thiền phái, góp phần xây dựng phát triển đất nước:

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
(Cư trần vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền.
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm,
Vô tâm trước cảnh hỏi gì Thiền [5].

Thực tế, vào những năm trước và sau triều Lý tức là 1009, 1020, 1034, 1295 các bản kinh Đại thừa đã được truyền vào nước ta và mãi đến năm 1295 vua Trần mới cho khắc in rộng rãi. Phật giáo thời Lý Trần hưng thịnh với việc các vua đứng ra lập thêm Thiền phái. Lý Thánh Tông lập ra phái Thảo Đường với chủ trương tuỳ tục. Trần Nhân tông lập ra phái Trúc Lâm không chỉ chủ trương tuỳ tục mà còn nhập thế tích cực [6]. Điều đáng nói là không như các Thiền phái Trung Hoa chủ trương bất lập văn tự, Thiền phái Trúc Lâm vẫn lấy việc nghiên cứu, học tập kinh điển để làm cơ sở y cứ việc hành trì chứng ngộ. Đọc lại toàn bộ văn bản của Thiền phái Trúc Lâm, chúng ta sẽ thấy những bản kinh như Kim Cương, Kim Cương tam muội chú giải, Lăng Nghiêm, Bát Nhã, hoa Nghiêm được xem là cơ sở lý luận để hình thành nên chủ thuyết Cư trần lạc đạo và chi phối toàn bộ tư tưởng Thiền phái. Bằng cách này hay cách khác, các thiền gia, thiền sư đã tham cứu, giảng thuyết đạo lý trên cơ sở Thiền – Giáo song hành.

Trước đó, Trần Thái Tông đã y cứ vào kinh điển Đại thừa, nhất là Kinh Kim Cương và Kim Cương tam muội chú giải để làm cơ sở giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn đang xảy ra trước cuộc sống. Tuệ Trung đã y cứ kinh Bát Nhã, hoa Nghiêm diễn giải quan điểm tuỳ tục của Thường Chiếu thành Hoà quang đồng trần để chấn hưng đất nước và đạo pháp. Con người cần quay về sống thực tại bây giờ và tại đây. Như vậy, thực tại vốn vô thường, huyễn ảo biến dịch theo tư duy phân biệt của con người, dù Phật giáo tuyên bố thực tại là Không trong nghĩa không phân biệt, không có sự tham dự của luận lý, của các thức, chứ không phải là hư vô, trống rỗng; cái thực tại này được kinh Lăng Già xác nhận “Thế giới của hư nguỵ này chính là thường hằng, chính là chân lý”.

Kinh nghiệm cho thấy, thể chứng thực tại một cách trọn vẹn khi nào tâm thức bước ra khỏi vòng lẩn quẩn phân biệt “nhị kiến” để an nhiên tự tại mà Trần Nhân Tông tâm đắc trong Thượng sĩ hành trạng: “Ta trộn lẫn cùng thế tục, hoà cùng ánh sáng, đối với mọi vật chưa từng xúc phạm hay trái ngược”. Trong hội thứ nhất, ông khẳng định rõ:

Mình ngồi thành thị;
Nết dụng sơn lâm,
Muôn nghiệp an nhàn lặng an nhàn thể tính;
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm [7].

Thực tại ấy lừng lựng ra đấy, từ xưa đến nay, phô bày mọi nơi, mọi lúc mà Trần Nhân Tông cho là tuỳ duyên mà vui với đạo trong Cư trần lạc đạo phú. Thể chứng thực tại là thể chứng Phật tâm, là tự tại giải thoát Niết bàn ngay giữa dòng đời, đúng như tinh thần Hoà quang đồng trần của Tuệ Trung:

Cơ tắc xan hoà la phạn,
Khốn tắc miên hề hà hữu hương.
Hứng thời xuy hề vô khổng địch,
Tĩnh xứ phền hề giải thoát hương.
(Đói thì ăn, cơm tuỳ ý,
Mệt thì ăn chừ, làng không làng
Hứng lên chừ, thổi sáo không lổ,
Lắng xuống chừ, đốt giải thoát hương) [8].

Do đó, chúng ta chẳng có gì ngạc nhiên khi Trần Nhân Tông viết “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” và các tác phẩm khác nữa, trong đó giá trị lý luận “Cư trần lạc đạo” trở thành hệ tư tưởng chính cho Thiền phái Trúc Lâm hoạt động trong một bối cảnh lịch sử nước ta luôn phải đối diện các cuộc chiến tranh vệ quốc vừa xảy ra. Không chỉ ba lần quân dân ta chiến thắng quân Nguyên Mông mà đến thế kỷ thứ XVIII với những chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa oanh liệt của quân dân Tây Sơn, trong đó nổi bật những gương mặt Phậ tử tự nhận mình là người thừa kế truyền thống Trúc Lâm như Thượng thư Tỉnh Phái Hầu Ngô Thì Nhậm – thiền sư Hải Lượng, Hương Lĩnh Bá, tiến sĩ Nguyễn Đăng Sở là thiền sư Hải Âu…[9].

Theo Đoàn Thị Thu Vân trong bài Tuệ Trung Thượng Sĩ và Thiền phong đời Trần [10] thì tinh thần bài kệ cũng là tôn chỉ của Sơ tổ và là tư tưởng nhất quán của Thiền phái được thể hiện qua bốn điểm: 1, hãy nên sống hoà mình vời đời, không câu chấp. 2, hành động tuỳ duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên. 3, tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực. 4, không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật. Để được như vậy, các nhà tư tưởng Thiền phái đã có cả quá trình hoạt động và đúc kết từ thực tiễn trong tiến trình hình thành tư tưởng Cư trần lạc đạo đi từ tuỳ tục của Thường Chiếu, rồi đến biện tâm của Trần Thái Tông chuyển qua hoà quang đồng trần của Thượng sĩ sau cùng là tuỳ duyên lạc đạo của Trần Nhân Tông.

Thực tế, cuối đời Lý đầu Trần, nước ta phải đối diện các vấn đề khủng hoảng khiến Thiền sư Đạo Huệ than “loan lạc tứ tung do tham ái mà tới” [11]. Những người có ưu tư đối với tiền đồ dân tộc và Phật giáo như Trí Bảo, Tín Học, Trí Nhàn đã đưa ra biện pháp kêu gọi mọi người đừng để lợi nhiễm cuốn hút vào cơn lốc tham ái. Ái là nói lên khuynh hướng mang tính cá nhân chủ động. Còn nhiễm nói đến sự tương tác giữa cá nhân và tập thể mà đôi khi bản thân không làm chủ được dẫn đến tệ nạn tham nhũng mang tính hệ thống. Biện pháp giải quyết là kêu gọi “có lợi có nhiễm thì Bồ Tát không làm; không lợi, không nhiễm thì Bồ Tát làm” [12] nhằm cứu vãn khủng hoảng.

Các Thiền sư giai đoạn này đã có ý thức đi tìm một hướng đi mới cho Phật giáo. Kết quả, Thiền phái Thảo Đường, Trúc Lâm ra đời, giới xuất gia không còn đóng khung hoạt động trong ngôi chùa, họ cũng kết hợp với Phật tử tham gia công tác xã hội. Cuộc sống của giới xuất gia từ đây nặng tính thế tục. Chủ trương tuỳ tục hình thành và đi vào đời sống thực tiễn. Ta thấy ngay trong hội thứ hai, Trần Nhân Tông kêu gọi thực thi đạo đức bỏ xan tham, đừng có cầu danh, sống cuộc sống giản dị, tiết kiệm để đối trị tham nhũng:

“Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác”, hay “cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác; Ăn rau trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay” (Hội thứ hai) [13].

Sống trong một xã hội loạn ly, vào những năm tháng cuối đời Lý, đầu đời Trần, giới Phật giáo phải ý thức về mình để có thái độ sống biết giữ đạo và gánh vác việc đời. Quan điểm của ông là phải tuỳ tục. Tuỳ tục là sống theo với đời mà vẫn giác ngộ. Điểm này, trước đó Trường Nguyên cũng bàn đến với khái niệm tại quang tại trần, nhưng l1 do vì sao thì Trường Nguyên không phát biểu rõ. Và Thường Chiếu đã bổ sung bằng cách diễn đạt khá rõ với quan điểm tuỳ tục khih người học trò hỏi về pháp thân “tại thế vi nhân thân; tâm vi Như lai tạng. Chiếu diệu thả vô phương; tầm chi canh1 tuyệt khoáng”. (Ở thế là nhân thân; tâm là Như lai tạng. Chiếu rọi khắp muôn phương; nếu tìm không thấy bóng) [14].

Pháp thân hay tự tánh giác ngộ được Thường Chiếu gọi là Như lai tạng thì tồn tịa khắp nơi. Có điều, con người tồn tại qua xác thân ngũ uẩn, việc xác lập xác thân trở nên quan trọng đối với ông. Trần Thái Tông sau này cũng chú trọng vấn đề sắc thân khi đi tìm sự giác ngộ. Quan điểm này có được là do Thường Chiếu và các nhà tư tưởng Thiền phái đã biết y cứ vào tư tưởng Đại phương quang Hoa Nghiêm kinh số 52 DKT 279 tờ 257b 17-18 “Một là tất cả, tất cả là một” để làm cơ sở lý luận, nhất là vận dụng vào đời sống, thực thi công việc hộ nước an dân: “Như một lỗ chân lông mà biểu hiện đủ pháp giới thì tất cả lỗ chân lông điều như thế. Nên biết tâm không thì không một kẻ hở nào là thân Phật”[15]. Vậy, pháp thân chính là Phật thân, là thân sinh diệt của con người. Đây là điểm mới của Thường Chiếu và Trần Nhân Tông muốn khẳng định “Bụt ở trong nhà; chẳng phải tìm xa; Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt; Đến cốc hay Bụt chỉn là ta” (Hội thứ năm) [16]. Con người có thể giác ngộ ngay trong đời sống thường nhật của chính mình.

Khi đề ra chủ trương tuỳ tục, ngoài việc y cứ nhiều bản kinh Đại thừa, ngoài việc y cứ nhiều bản kinh Đại thừa, rõ nét nhất vẫn là Hoa Nghiêm, Thường Chiếu và sau này Tuệ Trung, Thái Tông và Trần Nhân Tông còn thừa hưởng cả một quá trình chuẩn bị của hai dòng thiền Pháp Vân và Kiến Sơ như là xu thế phát triển tất yếu của tư tưởng Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Một xu thế Phật giáo mới mà mỗi lúc càng nhấn mạnh rõ nét vai trò của xác thân hiện hữu trong quá trình đi tìm sự giác ngộ, hay nói cách khác là không thể giác ngộ nếu từ bỏ xác thân con người. Chân lý chỉ hiện khởi cho bất cứ ai tìm thấy trong đời sống thực, chứ không ở đâu xa cả. Và như thế, dù tăng hay tục ở trong chùa hay ngoài xã hội đều có thể ngộ đạo.

Điều này cung cấp một cơ sở lý luận mới cho một nền Phật giáo mới đang hình thành với chủ thuyết Cư trần lạc đạo mà Trần Nhân Tông đề xướng. Trước mắt, chủ trương tuỳ tục được những người kế thừa dòng thiền của Thường Chiếu hầu hết là cư sĩ như Thông Thiền, qua Tức Lự, lại gặp Ứng Thuận, từ Ứng Thuận qua Tiêu Diêu, lại gặp Tuệ Trung kể cả các vua đầu nhà Trần vận dụng để thoát cảnh phân ly và đánh tan đế chế Nguyên Mông ra khỏi đất nước. Trong đó, Tuệ Trung là người có sự đóng góp lớn cho đất nước qua hai cuộc chiến chống quân Nguyên Mông và cũng là người truyền tâm ấn cho Sơ Tổ Trúc Lâm. Và Trần Nhân Tông triển khai chủ thuyết Cư trần lạc đạo làm tư tưởng chính cho tất cả Thiền phái hoạt động.

Rõ ràng, Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội. Phật giáo là gì, chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống. Từ đây, chúng ta không ngạc nhiên gì khi Trần Nhân Tông xây dựng chủ thuyết Cư trần lạc đạo để làm tôn chỉ hoạt động Thiền phái. Thông qua tác phẩm Cư trần lạc đạo phú, tư tưởng ở đời mà vui với đạo, càng làm sáng tỏ tinh thần tuỳ duyên để con người an trú với đạo. Ngay câu mở đầu của hội thứ nhất, Sơ Tổ đã cho biết phạm trù đời và đạo được xác định theo quan điểm mới mà các Thiền phái Trung Hoa chưa từng đề cập “inh ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”.

Ta có thể hiểu đời là thành thị, đạo là sơn lâm. Tuy vậy, cuộc sống thực tiễn cho thấy, một người dù ở thành thị gánh vác bao nhiêu việc đời, song họ biết xử lý công việc với lòng trong sạch chẳng khác gì ở núi rừng. Đây chính là quan điểm “chẳng phải đại ẩn, tiểu ẩn, không phân biệt tại gia, xuất gia” như Trần Thái Tông đề xuất trong Thiền tông chỉ nam tự. Xưa nay, mọi người đều biết đại ẩn chính là sống ở thành thị nhộn nhịp mà giữ lòng trong sáng, còn tiểu ẩn là sống ở núi rừng để trao dồi bản thân đến chỗ hoàn thiện. Người Phật tử Đại Việt thời Trần chỉ tuỳ duyên, tuỳ thuận vào mối liên hệ phân công của xã hội theo khả năng của mình mà thể hiện đời sống đạo bằng cách:

Dứt trừ nhân ngã, thì ra thực tướng Kim cương;
Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu Viên giác (hội thứ hai).

Thế nên, Thái Tông đã thực thi lời khuyên của Quốc sư Phù Vân mà đạt được sự giác ngộ. Từ đó, Trần Nhân Tông cho rằng không phải đến núi Cánh Diều của Yên Tử hay tại am Sạn của Đông Sơn mà có sự giác ngộ:

Áng tư tài tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử
Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông [17].

Những danh lam thắng cảnh ấy như Cánh Diều Yên Tử và am Sạn non Đông chỉ là nơi con người quy hướng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của non sông mà tu tâm dưỡng tính, như Huyền Quang đã hoạ trong bài Vịnh vân Yên tự phú:

Sự giác ngộ hiện hữu ngay giữa đời. Tuy nhiên, Nhân Tông không cực đoan phủ nhận cuộc sống thanh tịnh của rừng núi, chính vua đã nhiều lần vào núi Yên Tử, Vũ Lâm để an trú tâm thức mà ta thấy được trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca: “Vượn mừng hủ hỷ; Làm bạn cùng ta. Vắng vẻ ngàn kia; Thân lòng hỷ xả” [19].

Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là sống ở thành thị hay núi rừng mà giác ngộ, nhất là ở giữa cuộc đời trần tục giác ngộ mới đáng thật tự hào. Chính bản thân Trần Nhân Tông là một người tìm thấy giác ngộ ngay những ngày với cương vị nhà lãnh đạo tối cao đang ráo riết chuẩn bị đối phó cuộc chiến tranh do Hốt Tất Liệt tiến hành vào năm 1287 và nhất là rơi vào thời điểm khi mẹ vua Nhân Tông mất như sử liệu ghi [20]. Rõ ràng, giữa bao nhiêu biến động và phiền luỵ của cuộc đời, con người vẫn có thể chuyển hoá thân tâm “muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính” chẳng khác nào Pháp Loa nói trong bài kệ Thi tịch. Khi con người cắt đứt vạn duyên hão huyền, tức là đoạn tận các nghiệp để chấm dứt hệ luỵ:

Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng ảo gian.
Trân trọng chư nhân hưu tá văn,
Ná biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.
(Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,
Hơn bốn mươi năm những hão huyền.
Nhân bảo các người đừng gạn hỏi,
Bên kia trăng gió rộng vô biên) [21].

Phật luôn hoá hiện giữa đời, mỗi người chỉ cần đoạn xan tham, sống đạo đức nhân nghĩa với người khác thì ai cũng là Phật Thích Ca, Phật Di Lặc. Đây là giá trị thiết thực mà tư tưởng Cư trần lạc đạo đem lại:

“Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca,
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc” [22].

Phật giáo dưới thời Trúc Lâm là thế. Người Phật tử có thể sống và trở thành những vị Phật như Thích Ca và Di Lặc. Chính tư tưởng này mới tác động vào tâm thức mọi người với mọi khả năng tự tin, đầy bản lĩnh sáng tạo để cống hiến. Đây chính là tinh thần nhập thế tích cực mà Thiền phái đã thành tựu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày