Giác Ngộ, bóng áo nâu, ấu thơ & bây giờ...

GNO - Nhà tôi ở gần chùa nên thời còn bé thường chạy qua chơi với lũ bạn trong xóm, nhớ buổi chiều hôm ấy đang chơi trốn tìm, tôi chạy tìm chỗ thì băng ngang phòng khách, nhìn thấy trên bàn dòng chữ in hoa lớn Giác Ngộ.

Tôi lặng lẽ núp sau cái ghế rồi quơ tay cầm tờ báo che người, rồi lật coi có câu chuyện cổ tích đời thường nào không? Bỗng từ phía sau lưng có bàn tay chạm nhẹ vào vai, tôi sợ run như bị bắt quả tang trộm vặt. Quay lưng lại là bóng áo nâu sồng, thầy cười tươi, rồi hỏi: “Con chơi trốn tìm à? Nhưng đừng chạy lên chánh điện và nhà Tổ con nhé!”.

Vị thầy lại ân cần: Con đang cầm trên tay là tờ báo Giác Ngộ đó, con cố gắng đọc đi, có nhiều điều hay lẽ phải để áp dụng vào cuộc sống lắm đấy. Rồi thầy bảo cầm về nhà đọc.

Cầm trên tay cuốn tuần báo, tôi rạng rỡ cười như được quà Tết từ thầy trụ trì nơi mái chùa quê.

Lúc đó tôi cũng nghịch ngợm lắm, thấy mấy hình trên tờ báo đẹp quá, tôi lấy kéo cắt hình hoa cỏ, chú tiểu... Mẹ tôi bước đến thấy liền nhẹ nhàng dạy, “sao con lại làm đau trang báo, phải luôn trân trọng và gìn giữ vì đó là giáo pháp Như Lai, là lời dạy của chư tôn đức, là cả chân tình của người viết báo, làm báo, để mang đến cho cuộc đời này thêm nhiều điều hay”.

nn.jpg


Bạn Nguyễn Nguyên trong lần tham dự Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo

Ngày tháng dần trôi, giờ đây tôi đã là một thanh niên nên lắm lúc cũng bồng bột chạy theo những thú vui của đời, thích thú với nhạc trẻ, phim ma hơn, quên bẵng đi tờ báo thân thương.

Nhưng tờ báo ấy vẫn không bỏ rơi tôi lạc lõng giữa cõi đời này, giữa bao cám dỗ chông gai, giữa khổ đau và giọt nước mắt, tuần báo ấy luôn tìm cách giúp tôi vượt qua những khó khăn nghịch cảnh của cuộc đời. Từ những thông tin về không khí đón Tết nơi chùa quê, lễ đài trang nghiêm mùa Phật đản, khóa tu mùa hè nơi chắp cách tương lai, hội trại Phật giáo bên đuốc hồng tình bạn, ơn sinh thành từ hai đấng sinh thành... Và rồi như một định mệnh ghé qua, tôi lại tìm đến bên dòng Giác Ngộ.

Giờ đây, công nghệ thông tin phát triển, với một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) hay một laptop bên tay là có thể truy cập vào Giác Ngộ. Nhưng, dù thay đổi thế nào, có lẽ chính câu chuyện cắt hình tờ báo năm xưa đã khiến tôi giờ đây vẫn phải đi tìm mua tờ báo Giác Ngộ nơi phòng phát hành văn hóa phẩm Phật Giáo hoặc thi thoảng ghé đến chùa quê xin phép thầy mang về đọc trọn từng trang.

Nguyễn Nguyên

* Giác Ngộ mong nhận được nhiều bài viết, hình ảnh nhân kỷ niệm 40 năm báo. Bài viết gửi về: toasoan@giacngo.vn hoặc bandocgiacngo@gmail.com. Bài sẽ được chọn đăng trên hai trang báo online mừng 40 năm báo Giác Ngộ và trên tuần báo Giác Ngộ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày