Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Thành tựu & phát triển

GN - LTS. Trong khuôn khổ Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Viện Nghiên cứu Phật học VN phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV  thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển” vào ngày 2-11 vừa qua. GN trích giới thiệu một số nhận định trong các tham luận tại hội thảo của chư tôn đức, các nhà nghiên cứu.

ANHB (10).JPG
HT.Thích Trí Quảng phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: Yên Hà

- GHPGVN qua 35 năm thành lập và phát triển, đồng hành cùng dân tộc, với tinh thần đoàn kết hòa hợp của Tăng Ni, Phật tử VN đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu, tôn chỉ đúng đắn mà GHPGVN đã đề ra trong Hiến chương Giáo hội kể từ ngày thành lập “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, các pháp môn tu học theo truyền thống hệ phái vẫn được tiếp tục duy trì và hoạt động theo phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Những thành quả đạt được trong thời gian qua là do sự chung tay, góp sức nhất tâm đoàn kết của Tăng Ni, Phật tử không phân biệt tổ chức, hệ phái, do sự đồng tình ủng hộ của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp v.v… Bộ máy lãnh đạo Phật giáo ngày càng được hoàn thiện, củng cố và mở rộng nhân sự, thể hiện trọn vẹn các nguyên tắc thống nhất đã đề ra. Chính vì thế, những thành quả mà Giáo hội đạt được đã khẳng định một ưu điểm lớn là sự thống nhất Phật giáo một cách toàn vẹn, đầy đủ nhất từ trước đến nay, sẽ quyết định sự phát triển của GHPGVN, đó là tính đoàn kết hòa hợp cao độ, xem trọng sự nghiệp chung vì Đạo pháp và Dân tộc.

Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế theo định hướng XHCN, đồng thời khẳng định niềm tin của Phật giáo VN vào chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hiện tại và tương lai”.

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN

- “Việc ra đời tổ chức GHPGVN đã tạo nên cầu nối, một kênh quan trọng để các chức sắc Phật giáo người Việt và các hội Phật tử người VN ở nước ngoài hướng về, cùng đoàn kết với đồng bào Phật giáo ở trong nước chung tay xây dựng đất nước VN XHCN. Trong xu thế hội nhập của đất nước, Phật giáo VN đã tích cực mở rộng các hoạt động giao lưu quốc tế để vun đắp tình đồng đạo hữu nghị với Phật giáo các nước trên thế giới, tạo sự giao lưu về tư tưởng văn hóa Phật giáo VN với tư tưởng văn hóa Phật giáo trên thế giới, tăng cường tinh thần hữu nghị và đoàn kết quốc tế trong Phật giáo, góp sức vào công cuộc vận động cho nền hòa bình của thế giới. Quá trình hội nhập giúp cho Phật giáo VN tiếp thu giá trị văn hóa Phật giáo các nước để bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc VN”.

HT.Thích Thanh Nhiễu
Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN

ANHB (14).JPG
Đông đảo chư tôn thiền đức tham dự hội thảo - Ảnh: Yên Hà

- “Trong 35 năm qua, bộ máy GHPGVN các cấp đã hoạt động rất hiệu quả, đem lại nhiều thành tựu to lớn, từ đó đã khẳng định thế - lực của Giáo hội ở trong nước và trên trường quốc tế. Theo chúng tôi, GHPGVN muốn phát triển đạt đến đỉnh cao trong xu thế kết nối toàn cầu thì hội nhập và đổi mới tạo cho Giáo hội nhiều thuận lợi, đồng thời trước mắt sẽ có không ít khó khăn trước sự đan xen của nhiều nền văn hóa khác nhau. Do đó, theo chúng tôi, bộ máy càng tinh gọn theo hướng ‘tinh binh’, chúng ta mới có thể tận dụng những cơ hội thuận lợi, đối diện và ngăn chặn những khó khăn từ trong nội bộ lẫn tác động từ bên ngoài.

Theo chúng tôi nhận thấy, hiện nay bộ máy Giáo hội đang phình to, vượt mức tương xứng với các hoạt động hệ thống Giáo hội các cấp, trùng lắp chức năng hoạt động, nhất là ở các ban chuyên ngành. Chúng tôi đơn cử, chỉ một lĩnh vực có liên quan đến Phật tử, đến hoằng pháp, lại có không dưới hai đơn vị tham gia, thậm chí một nơi chuyên giáo dục đào tạo cũng tham gia thành lập ban này, ngành nọ có liên quan đến công tác hoằng pháp, đến việc hướng dẫn Phật tử tu học. Điều đáng quan tâm hơn, vì muốn thực hiện ý đồ của mình, một số rất ít cá nhân sẵn sàng vi phạm Hiến chương GHPGVN, pháp luật Nhà nước để hình thành thêm một tổ chức mới về Phật tử, trong khi lĩnh vực này Giáo hội đã có sẵn một ban chuyên môn.

GHPGVN muốn phát triển đạt đến đỉnh cao, bộ máy phải tinh gọn, làm việc hiệu quả (nói theo thuật ngữ chuyên môn là tinh nhuệ), không nên trùng lắp về hoạt động, cần thiết thì thành lập thêm ban ngành mới, nhưng Giáo hội phải quản lý được, nó có hoạt động theo định hướng của Giáo hội hay không? Nếu không cần thiết thì Giáo hội không nên thành lập thêm ban ngành mới, làm cho bộ máy Giáo hội thêm cồng kềnh, nhưng hiệu quả đạt được không như mong đợi, đôi khi sẽ trở thành mâu thuẫn trong nội bộ không cần thiết”.

HT.Thích Thiện Tánh
Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư GHPGVN

- “Trong tiến trình lịch sử thống nhất Phật giáo Nguyên thủy VN trong lòng Phật giáo VN, khi chúng ta kết luận về tính chất quốc tế và thời đại của tiến trình đó, thì cần lưu ý duy trì mức độ hoàn hảo kết quả mà Phật giáo VN đã đạt được. Cần thấy rõ trong tiến trình đó, cấp thống nhất tổ chức, thống nhất vùng miền chỉ là bước cơ sở cho sự thống nhất hệ phái, mang tính chất quốc tế và thời đại, là cấp độ cao hơn của sự thống nhất, là cấp độ hoàn hảo. Diện mạo một GHPGVN đã thống nhất Phật giáo các địa phương, vùng miền trên toàn quốc là yêu cầu căn bản, đương nhiên. Diện mạo một GHPGVN mang tính chất thống nhất các hệ phái là yêu cầu phát triển, nâng cao tầm vóc của sự thống nhất. Vì vậy, trong bối cảnh thống nhất các địa phương đã trở nên hoàn thiện, thì GHPGVN cần lưu ý đến tính chất quốc tế và thời đại của việc thống nhất, tức là lưu ý đến chiều kích thể hiện sự thống nhất Bắc-Nam tông và các hệ phái, cấp độ nâng tầm thống nhất. Mọi hoạt động của GHPGVN về mặt nội dung và hình thức đều nên đề cao yêu cầu này. Tính chất thống nhất các hệ phái, hình ảnh thống nhất các hệ phái trong GHPGVN cần được coi trọng, sao cho phù hợp với tinh thần quốc tế và thời đại của Phật giáo VN hiện đại.

Trong tầm nhìn này, chính Phật giáo Nguyên thủy VN cũng phải tự nâng cao nhận thức thống nhất của mình, không nên xem Phật giáo Nguyên thủy VN chỉ là một hệ phái thiểu số trong Phật giáo VN, không tự giới hạn sự phát triển của Phật giáo Nguyên thủy VN dưới mọi hình thức, mà luôn nâng cao đóng góp của Phật giáo Nguyên Thủy VN trong lòng GHPGVN bằng mọi khả năng có thể, khẳng định sự thống nhất của GHPGVN ở tầm cao đa tông phái, mang tính chất quốc tế và thời đại”.

HT.Thích Thiện Tâm
Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Phật giáo Quốc tế T.Ư

- “Vấn đề nhân sự của Giáo hội trong nhiệm kỳ VII sắp tới, đây là một vấn đề mà chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội rất quan tâm, nhất là hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề có nên trẻ hóa nhân sự. Vấn đề này, chúng tôi xin chia sẻ như sau:

- Không một ai phủ nhận quy luật tre già măng mọc, do đó, Giáo hội đã tổ chức nhiều trường Phật học, gởi Tăng Ni đi đào tạo ở nước ngoài, mục đích là đào tạo lớp trẻ kế thừa.

- Quy luật phát triển luôn có hai mặt của nó, thế hệ trẻ thì năng động, kinh nghiệm chưa nhiều; thế hệ già thì bản lĩnh, giàu kinh nghiệm, sâu sắc. Theo chúng tôi, điều quan trọng không nằm ở chỗ là có trẻ hóa nhân sự lãnh đạo hay không, nó quan trọng chỗ giữa hai thế hệ già - trẻ có tạo được chất keo gắn kết để hoàn thành các Phật sự hay không. Năng động nhưng thiếu kinh nghiệm cũng khó hoàn thành công việc, nhiều kinh nghiệm nhưng không năng động trở thành rào cản của sự phát triển, đây là hai mặt của vấn đề phát triển Giáo hội.

Chúng tôi nghĩ không nên đặt vấn đề tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trẻ, bao nhiêu phần trăm già trong hệ thống tổ chức Giáo hội. Vấn đề ở đây là hiệu quả công việc của Giáo hội trong thời gian tới, các thành viên không phân biệt già hay trẻ, có nắm bắt đúng nhịp vận động và phát triển của Giáo hội, có tận dụng được thời cơ, có vượt qua được thử thách, có khắc phục đực nguy cơ chệch hướng phương châm ‘Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội’ của một bộ phận Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước hay không. Cái cần trong sự nghiệp xương minh Phật pháp, phát triển Giáo hội, không phải là trẻ hóa hay không trẻ hóa bộ máy Giáo hội, mà cái cần hiện nay là sự đoàn kết hòa hợp trong nội bộ Giáo hội, sự đồng cảm giữa hai thế hệ với nhau để cùng chung lo Phật sự.

Theo chúng tôi, nhân sự lãnh đạo của Giáo hội sắp tới nên xét ở góc độ 3 chiều: ‘Uy đức - Kinh nghiệm - Chất xám’. Nếu nhân sự được xét từ góc độ như vậy, chúng tôi tin rằng GHPGVN sẽ đạt được nhiều thành quả to lớn. Tác động qua lại của 3 chiều về nhân sự, nó sẽ là chất xúc tác tạo nên sự nhạy bén trong điều kiện mới, năng động trong phát triển và sâu sắc trong quản lý, điều hành. Nhất là hình thành một lộ trình hợp lý để chuyển giao công việc của Giáo hội trong thời gian tới giữa hai thế hệ. Nếu chủ quan, duy ý chí và chuyển giao một cách máy móc thì tạo thành những hệ lụy không cần thiết cho sự phát triển bền vững GHPGVN”.

TT.Thích Thiện Thống
Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH

ANHB (13).JPG
Các học giả, nhà nghiên cứu tham dự - Ảnh: Yên Hà

- “Công cuộc thống nhất Phật giáo VN vào năm 1981 được xem là công cuộc thống nhất Phật giáo VN trọn vẹn mỹ mãn, đó là nhờ sự đoàn kết hòa hợp, thống nhất ý chí trong mọi tư tưởng và hành động của cả ba hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ trong một cơ thể GHPGVN, điều này đã tạo nên một khối thống nhất, keo sơn bền vững, đây là yếu tố tạo nên sự thống nhất trọn vẹn nhất trong lịch sử các thời kỳ thống nhất của Phật giáo VN. Nếu nhìn lại Giáo hội Trúc Lâm thời nhà Trần, chỉ đơn độc trong thiền phái Trúc Lâm, hơn nữa về mặt nhân sự, thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa hành giả tu chứng và những người sơ cơ học đạo; còn nếu so với Tổng hội Phật giáo VN ra đời vào năm 1951, thì Tổng hội này dường như chỉ mang tính lịch sử, chứ chưa thể hiện vai trò của một tổ chức gắn kết các tổ chức hệ phái Phật giáo ba miền, chính điều này dẫn đến việc các hệ phái hoạt động độc lập riêng lẻ...

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của GHPGVN trong suốt 35 năm qua, đây là giai đoạn GHPGVN vô cùng ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu của sự phát triển bền vững. Nhân Đại lễ chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập GHPGVN, hướng đến Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, chúng ta cùng nhau ôn lại một chặng đường lịch sử để cảm nhận sâu sắc giá trị công cuộc thống nhất Phật giáo VN diễn ra cách nay 35 năm. Chính sự thống nhất trọn vẹn này đã tạo nên sức mạnh nội lực vô biên cho Phật giáo VN, mang lại những thành quả to lớn và là nền tảng vững chắc để GHPGVN hướng đến những mục tiêu cao cả, đáp ứng yêu cầu phát triển Giáo hội thời hội nhập”.

TT.Thích Huệ Thông
UV Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng II TƯGH

- “Nhìn chung, qua các mặt công tác quan hệ Phật giáo quốc tế của GHPGVN, chúng ta nhận thấy sự nỗ lực vượt trội và phát triển không ngừng của Giáo hội được biểu hiện qua nhiều thành quả tốt đẹp trong suốt 35 năm vừa qua. Với nhận thức đúng đắn, hành động thiết thực trong tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị và quan hệ quốc tế, GHPGVN đã từng bước vượt qua những khó khăn trở ngại, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong mọi công tác đối ngoại nhằm thắt chặt tình hữu nghị tốt đẹp giữa GHPGVN với các quốc gia và tổ chức Phật giáo trong khu vực và trên thế giới trong suốt ba thập niên vừa qua. Đây chính là những thành tựu tốt đẹp đáng được ghi nhận của GHPGVN trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế, góp phần tạo uy tín và sự hiểu biết nhiều hơn nữa cho GHPGVN trong nước và thế giới. Tuy nhiên, để tăng thêm uy thế trong quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế với các nước Phật giáo bạn trên thế giới, thiết nghĩ GHPGVN cần quan tâm hơn nữa về việc:

- Chủ động thành lập một tổ chức quốc tế riêng theo bản sắc văn hóa truyền thống của Phật giáo VN với sự tham gia của các thành viên từ nhiều nước và các tổ chức Phật giáo trên thế giới, nhằm mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác Phật giáo quốc tế giữa GHPGVN và các nước Phật giáo trên thế giới qua các mặt hoằng pháp, giáo dục, văn hóa v.v…, phù hợp với thời đại phát triển khoa học và điều kiện mở cửa giao lưu văn hóa của đất nước, góp phần tích cực cho hoạt động Phật giáo quốc tế của GHPGVN ngày càng phát triển mạnh mẽ trên diễn đàn quốc tế.

- Các ban/viện Trung ương cần có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ hơn nữa trong khi thực hiện công tác quan hệ Phật giáo quốc tế.

- Quan tâm, hỗ trợ và động viên nhiều hơn nữa về mặt tâm linh cho đồng bào Phật tử Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại hải ngoại bằng cách: Thường xuyên tổ chức các khóa tu học Phật pháp, các diễn đàn hội thảo Phật giáo, thuyết giảng và chia sẻ kinh nghiệm tu học Phật pháp nhằm đáp ứng nhu cầu hoàn cảnh thực tế của Phật tử hải ngoại phù hợp với truyền thống văn hóa Phật giáo VN và nước sở tại.

- Củng cố đội ngũ con em Phật tử Việt kiều ở hải ngoại nhằm kế thừa di sản truyền thống văn hóa VN và Phật giáo VN bằng cách: Tổ chức các khóa tu học ứng dụng Phật pháp dành riêng cho các thanh thiếu niên Việt kiều; lắng nghe nguyện vọng tâm tư của các em để hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ những kinh nghiệm sống thực tế qua lời dạy của Đức Phật với sự hài hòa phong tục tập quán của VN và nước sở tại nhằm hướng dẫn cho các em đi đúng mục tiêu tương lai của chính họ. Để thực hiện được điều này, chúng ta hãy ‘ban tặng cho các em những gì chúng đang cần, và nói với các em những điều chúng đang muốn hiểu biết’. Có như vậy, giới trẻ ở hải ngoại sẽ tự động truy tìm những viên ngọc quý báu qua lời dạy của Đức Phật mà các em đang cần từ những ngôi chùa Phật giáo mang đậm nét truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộcVN thân yêu của chúng ta”.

ĐĐ.Thích Quang Thạnh
Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư

ANH AA (11).JPG
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Yên Hà

- “Cùng với sự ra đời của những tổ chức cơ sở của một Giáo hội trong tương lai, chúng ta đã chứng kiến một loại hình Giáo hội hoàn toàn mới ra đời vào năm 1932 là An Nam Phật học hội. Trước đó năm 1931, Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hội ra đời, song tổ chức này không thể làm hình mẫu cho một Giáo hội trong tương lai. Muộn hơn, vào năm 1935, ở ngoài Bắc cũng hình thành Bắc Kỳ Phật giáo hội, nhưng tổ chức này cũng không thể có được một mô hình tổ chức nào khả dĩ làm mẫu cho một Giáo hội mới. Vì vậy, có thể coi An Nam Phật học hội là hình mẫu của một Giáo hội toàn quốc vào năm 1951, khi Tăng-già và cư sĩ của 6 tổ chức Phật giáo tiến hành Đại hội Thống nhất lần thứ nhất tại chùa Từ Đàm (Huế). Sự ra đời của Tổng Liên hội Phật giáo VN năm 1951 là đỉnh cao và là sự kết thúc giai đoạn một (1920-1951) của phong trào chấn hưng Phật giáo ở VN thế kỷ XX, chuẩn bị cho những cuộc chấn hưng liên tục và chuyển hóa để Phật giáo VN hoàn chỉnh hơn về tổ chức Giáo hội và thành phần tham gia vào năm 1964, đặc biệt là năm 1981, khi GHPGVN được thành lập.

Với một tổ chức thống nhất Tăng-già và cư sĩ trong toàn quốc như thế, lần đầu tiên, với tư cách là Giáo hội mới, Tổng Liên hội Phật giáo VN đã thực hiện một chiến lược phát triển mới trong toàn quốc, thể hiện ý chí thống nhất và độc lập dân tộc trong điều kiện của cuộc kháng chiến chống Pháp đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Tổng Liên hội đã không chỉ dừng kết quả trong nước mà bắt đầu có những động thái mới để liên hệ với Phật giáo quốc tế với một trung tâm quy tụ đã hình thành tại Sri Lanka năm 1950. Nói một cách khác, từ đó trở đi, Phật giáo VN là một thành phần quan trọng của Phật giáo thế giới thực hiện từ rất sớm điều mà chúng ta ngày nay gọi là ‘hội nhập quốc tế’ và ta có quyền tôn vinh một nhãn quan chiến lược như thế.

Cùng với công cuộc phát triển của đất nước, một cục diện mới của Phật giáo VN đã mở ra và chúng ta tin rằng GHPGVN sẽ có những bước đi vững chãi và có triển vọng lớn lao trong thế kỷ XXI. Phật giáo VN lại một lần nữa góp phần với dân tộc và sẽ luôn là của dân tộc như hai nghìn năm qua đã thể hiện”.

TS.Nguyễn Quốc Tuấn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN

- “35 năm với một quãng thời gian tuy chưa phải là dài nếu so với sự tồn tại và phát triển vài ngàn năm của Phật giáo nhưng Phật giáo VN đã làm nên nhiều kỳ tích, với sự phát triển toàn diện, góp phần làm cho diện mạo văn hóa VN thêm phong phú và sâu sắc. Những đóng góp của Phật giáo VN trong ba mươi lăm năm qua trên các phương diện và các lĩnh vực hoạt động, từ văn hóa, tư tưởng đến giáo dục, y tế, an sinh xã hội, cho đến xây dựng cuộc sống hòa bình, hòa hợp với môi trường… không chỉ đóng góp ở trong nước mà còn trên trường quốc tế”.

PGS.TS Võ Văn Sen
Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM

ANH AA (14).JPG
TS.Võ Văn Sen phát biểu

- “Với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác” thực hiện hài hòa “xây Đạo để dựng Đời”, GHPGVN đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đánh giá cao về cống hiến ấy, tại Đại hội kỳ III GHPGVN năm 1992, Nhà nước đã tặng tập thể GHPGVN Huân chương Hồ Chí Minh. Trong 35 năm hoạt động của GHPGVN, nhiều bậc cao tăng, nhiều vị nhân sĩ trí thức Phật giáo đã được xã hội tôn vinh, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh cho HT.Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo, Chủ tịch Hội đồng Trị sự khóa I; Huân chương Hồ Chí Minh cho HT.Thích Tâm Tịch, Đệ nhị Pháp chủ; Huân chương Độc lập hạng nhất cho HT.Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự từ khóa II tới nay; … Để ghi nhận công lao, cống hiến của tập thể và cá nhân, tiến tới kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (7-11-1981 -  7-11-2016), Nhà nước có những hình thức khen thưởng động viên xứng đáng đối với những tập thể và cá nhân trong tổ chức GHPGVN đã có đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chặng đường 35 năm của GHPGVN không dài so với lịch sử Phật giáo 2.000 năm có mặt ở nước ta, song 35 năm qua, GHPGVN đã có những bước phát triển quan trọng, tạo nên những mốc son mới trong lịch sử Phật giáo VN. Sự ra đời của GHPGVN đã khẳng định tầm cao của Phật giáo VN trong gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. Sự lựa chọn đường hướng Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là quyết định đúng đắn để những giá trị tốt đẹp của Phật giáo được phát huy trong thời đại ngày nay, thực hiện đúng phương châm tốt Đời đẹp Đạo”.

TS.Bùi Hữu Dược
Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ

(Nhóm PV tổng hợp từ tư liệu do BTC cung cấp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hành trình đời người, sinh ra không mang gì theo và đến lúc đi cũng vậy, chỉ có nghiệp đã tạo thì theo mình như bóng với hình - Ảnh minh họa

Lòng tham không đáy

GNO - Mỗi chúng ta khi vừa lọt lòng mẹ đã cất những tiếng khóc thét oe oe chào đời. Tiếng khóc linh cảm tâm thức trẻ thơ, đỏ hỏn dường như dự báo về những ngày tháng rộng dài nỗi buồn vui, hy sinh, chịu đựng hay ân huệ hạnh phúc chờ đón trước mặt...

Thông tin hàng ngày