Giáo sư Cao Huy Thuần: Khoa học và Phật giáo - Đôi bờ sông Ngân?

Phật giáo không phải là tôn giáo theo như nghĩa mà Tây phương gán cho tôn giáo, nghĩa là có siêu việt, có tín điều, có Thượng đế, có sức nặng chủ lực của lòng tin. Phật giáo đặt nặng trên kinh nghiệm, trên chứng ngộ của bản thân, không có tín điều. Thái độ của Phật giáo không đi ngược với khoa học
Phật giáo không phải là tôn giáo theo như nghĩa mà Tây phương gán cho tôn giáo, nghĩa là có siêu việt, có tín điều, có Thượng đế, có sức nặng chủ lực của lòng tin. Phật giáo đặt nặng trên kinh nghiệm, trên chứng ngộ của bản thân, không có tín điều. Thái độ của Phật giáo không đi ngược với khoa học
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 29-5-2005, tại Phật đường Khuông Việt (Paris, Pháp) đã diễn ra buổi thảo luận bàn tròn, đề tài “Thế giới quan của Vật lý học hiện đại và Phật giáo”, gồm có khoảng 100 người tham dự. 

Thuyết trình viên là GS.TS Thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, GS.TS Vật lý học Phạm Xuân Yêm, TS Vật lý và là nhà Phật học Nguyễn Tường Bách. Điều khiển chương trình là các GS.TS Cao Huy Thuần, BS Trịnh Đình Hỷ. Ý kiến của các nhà khoa học, Phật học và được trình bày một cách cởi mở. Nói cách khác, các nhà khoa học, Phật học đã trình diện ý kiến của mình. Trình diện để chia sẻ hiểu biết. Phải chăng đây là con đường đối thoại đúng đắn nhất mà chúng ta cần có hiện nay?

Sau đây là phiên tả, do Hoàng Độ thực hiện, từ lời giới thiệu của Giáo sư Cao Huy Thuần tại buổi thảo luận bàn tròn, đề tài “Thế giới quan của Vật lý học hiện đại và Phật giáo”.

***

Tôi xin giới thiệu các thuyết trình viên. Anh Phạm Xuân Yêm, nhà vật lý học, giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp CNRS, giáo sư vật lý tại đại học Paris 6. Tôi không kể tên các nghiên cứu của anh ra đây vì nhiều quá, bởi sách và các bài viết của anh thì có đến cả hàng trăm, viết cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Kể từ ngày Việt Nam mở cửa, Anh Yêm công tác thường xuyên tại các trung tâm nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Tôi rất cảm động khi anh nói với tôi rằng anh đang học viết tiếng Việt. Tôi biết đó là một câu nói rất khiêm tốn và tôi biết chắc chắn rằng anh Yêm sẽ để lại cho chúng ta những tác phẩm bằng tiếng Việt rất hay sau khi đã viết cả hàng trăm tác phẩm bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Anh Nguyễn Quang Riệu là nhà thiên văn, giám đốc nghiên cứu CNRS, hiện đang công tác tại Observatoire de Paris. Anh nghiên cứu các thiên hà, đặc biệt là những thành phần lý hóa có khả năng dẫn đến sự hình thành của sự sống trong vũ trụ. Chỉ qua những tác phẩm của anh bằng tiếng Việt thôi, chúng ta cũng đã thấy được cái tài và cái tâm của anh. Tôi xin trích tên vài cuốn sách của anh viết bằng tiếng Việt: “Vũ trụ, phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại” (NXB Giáo dục, 1995), “Lang thang trên dải ngân hà” (NXB Văn hóa thông tin, 1997), “Sông Ngân khi tỏ khi mờ” (song ngữ, NXB Văn hóa thông tin, 1998), “Bầu trời tuổi thơ” (NXB Giáo dục, 2001)… Thực sự tôi không ngạc nhiên tí nào khi anh xuất bản nhiều sách như vậy, bởi vì ngắm nhìn vẻ đẹp tinh tú của bầu trời mà không thành triết gia, văn sĩ hay thi sĩ mới là chuyện lạ, huống hồ gì trên mặt trăng có một người rất đẹp và anh đã tha hồ thỏa thích ngắm nhìn suốt đêm.

Anh Nguyễn Tường Bách thì không có ‘người đẹp’ như thế mà lại quen tương chao, vậy mà anh viết hơi nhiều: “Đạo của vật lý” (biên dịch, NXB Trẻ, 1999), “Sư tử tuyết bờm xanh” (NXB TP. HCM, 1999), “Con đường mây trắng” (biên dịch, NXB Trẻ, 2000), “Đêm qua sân trước một cành mai” (NXB Trẻ, 2000), “Thiền trong nghệ thuật bắn cung” (biên dịch, NXB Trẻ, 2001), “Mùi hương trầm” (NXB Trẻ, 2001) - một cuốn sách rất được ưa thích tại Việt Nam, và cuốn sách liên quan đến buổi nói chuyện hôm nay, đó là cuốn “Lưới trời ai dệt?” (NXB Trẻ, 2004). Đó là chưa kể những cuốn sách viết chung, chẳng hạn như “Từ điển Phật học” (NXB Thuận Hóa, 1999)…

Sở dĩ tôi nói về sách và tiếng Việt nhiều ở đây là vì ba thuyết trình viên: một nhà thiên văn, một nhà vật lý và một nhà vật lý kiêm Phật học gặp nhau trên một hạnh phúc chung, hạnh phúc được diễn tả hoặc ao ước được diễn tả bằng tiếng Việt, nghĩa là được quay về lại với bầu trời tuổi thơ. Chừng đó đủ xui khiến cho ba anh gặp nhau, huống hồ các nhà khoa học vật lý, các nhà khoa học thiên văn đã và đang liếc mắt đưa tình về phía tâm linh của Đông phương từ nhiều năm trước đây. Cái liếc mắt đưa tình đó giữa khoa học vật lý và chân lý, đó là nội dung của cuộc nói chuyên hôm nay. Đó cũng là nội dung trong cuốn sách của anh Nguyễn Tường Bách. Và đó cũng là nguyên nhân trực tiếp của cuộc gặp gỡ này.

Tôi xin đề nghị cách làm việc như thế này: tôi sẽ giới thiệu nhập đề, giải thích tại sao có buổi nói chuyện ngày hôm nay, tại sao có sự tương đồng sự gặp gỡ giữa khoa học vật lý và triết lý Phật giáo. Sau đó anh Bách sẽ trình bày luận đề về cuốn sách của anh. Nhưng trước tiên, anh Bách sẽ trình bày về những khám phá, những bước đi, những tiến bộ của khoa học vật lý. Bởi nếu anh nói ngay về Phật học thì buổi nói chuyện này sẽ mất tính khoa học. Sau đó, anh Phạm Xuân Yêm và anh Nguyễn Quang Riệu với tư cách những nhà khoa học sẽ nói về quan điểm của hai anh, về vấn đề khoa học vật lý, và chắc cũng có thể hai anh sẽ nói qua về sự tương đồng, vấn đề gần gũi giữa khoa học vật lý, khoa học thiên văn và một chút Phật giáo.

Tiếp theo, anh Bách sẽ nói về vấn đề Phật giáo, những quan điểm của Phật giáo về vũ trụ như thế nào, sự tương quan, gần gũi như thế nào nào giữa những quan điểm đó với các khám phá mới nhất của khoa học vật lý. Sau đó sẽ là phần đối thoại, giữa các thuyết trình viên và người nghe, cũng như giữa các thuyết trình viên. Tôi rất mong phần đối thoại sẽ rất sinh động.

Tôi xin vào phần nhập đề, tại sao có việc các nhà khoa học vật lý, khoa học thiên văn ngồi nói chuyện với người có chuyên môn là Phật học hôm nay?

Trước hết, xin nói về anh Bách. Với hai kiến thức đạt được một cách sâu sắc về vật lý học và về Phật học, anh Nguyễn Tường Bách, trong quyển “Lưới trời ai dệt”, đã làm một tổng hợp so sánh lý thú giữa sự phát triển của nhận thức về vũ trụ trong khoa học vật lý và vũ trụ quan của Phật giáo. Tôi nói “so sánh” đã là không đúng hoàn toàn với ý của tác giả rồi, bới vì anh Bách không hề làm cái việc vô nghĩa - và vô duyên - là thổi một hồi kèn chiến thắng cho “phe ta”: thấy chưa, các nhà khoa học vật lý đã gõ cửa tìm vào tòa nhà triết lý của Đông phương để thắp thêm ánh sáng cho những câu hỏi mới mà họ đặt ra trong đầu. Anh Bách chỉ làm mỗi một việc thôi là trình bày: đây, bước đi lần mò của khoa học từ Aristote để giải thích vũ trụ; đây, lý thuyết của Phật giáo, xưa 25 thế kỷ rồi mà nay hầu như mới. Anh Bách không đánh giá đúng sai. Đánh giá là công việc của độc giả.

Nhưng, tất nhiên, anh Bách không thể nào chế ngự được sự kinh ngạc của anh - nếu không thì anh đã không viết sách! - trước sự phong phú, tinh vi, nhất quán, rành mạch, chi ly một cách kỳ lạ trong giải đáp của Phật giáo. Anh tránh chủ quan, nhưng, khi viết về lịch sử khoa học vật lý, anh không thể khách quan hơn chính các nhà khoa học vĩ đại đã làm nên khoa học vật lý. Có nhà vật lý học vĩ đại nào không mang một câu hỏi triết lý ở trong đầu về vật chất, về vũ trụ? Có bao nhiêu nhà vật lý trứ danh mà chẳng đồng thời là triết gia? Câu hỏi của Kepler: “do đâu mà ta có khả năng “thiêng liêng” là nhận thức được thế giới?”, chẳng phải là câu hỏi chung của các nhà vật lý trứ danh sao? Max Planck có bao giờ giấu giếm mình có một tâm hồn tôn giáo sâu sắc ? Và Einstein có ngại ngần gì thốt ra những câu thán phục Phật giáo? Tách ra khỏi tôn giáo và thần quyền để trưởng thành, khoa học vật lý dường như bao giờ cũng trường tương tư với triết lý và tính thiêng liêng. Tương tư thì tìm đến nhau.

Do đó, khi chúng tôi tìm đến anh Nguyễn Quang Riệu và anh Phạm Xuân Yêm thì hai anh không ngoảnh mặt làm thinh. Kết quả là buổi gặp gỡ “tiền định” hôm nay mà tôi muốn nói một cách tình tứ hơn là một buổi dạm mặt. Một buổi dạm mặt để hai trẻ tìm hiểu nhau. Nhưng đây là hai trẻ thiên thu tìm hiểu nhau mà không bao giờ đi đến hôn phối. Anh Nguyễn Quang Riệu là nhà thiên văn, nên anh đã nói trước: tôi ở bên này sông Ngân, anh ở bên kia; giữa hai bên sẽ không có con quạ nào bắc cầu Ô Thước cả. Anh đến đây với chúng tôi, với chúng ta, như một nhà khoa học. Đó cũng là thái độ của anh Phạm Xuân Yêm. Và đó là thái độ đúng đắn nhất. Khoa học cứ là khoa học. Tôn giáo cứ là tôn giáo.

Thế nhưng, lại có chút kỳ lạ. Phật giáo không phải là tôn giáo theo như nghĩa mà Tây phương gán cho tôn giáo, nghĩa là có siêu việt, có tín điều, có Thượng đế, có sức nặng chủ lực của lòng tin. Phật giáo đặt nặng trên kinh nghiệm, trên chứng ngộ của bản thân, không có tín điều. Thái độ của Phật giáo không đi ngược với khoa học. Đó là một mặt. Mặt khác, khoa học thay đổi cách nhìn và đặt lại vấn đề phương pháp. Cách nhìn mới khiến khoa học tiếp cận với tính thiêng liêng một cách ích lợi hơn. Đây là mấu chốt của vấn đề đặt ra hôm nay, bởi vậy tôi xin phép 5 phút nữa để ... bây giờ mới bắt đầu nhập đề.

Tôi xin bắt đầu với Thomas Kuhn và khái niệm paradigme (mà tôi dịch là “mô thức”) của ông. Kuhn là nhà sử học về khoa học, người Mỹ. Trong quyển sách của ông, “Structures des révolutions scientifiques” (Flamarion.1972), ông luận thuyết rằng lịch sử của khoa học không phải chỉ là một chuỗi thâu thập những kiến thức, đi từ một điểm trong quá khứ, lúc mà khoa học còn nghèo nàn, đến một điểm trong tương lai, lúc mà khoa học giàu có, phong phú hơn. Không loại bỏ tầm quan trọng của vốn liếng thâu thập trong thời gian, Kuhn đặt nặng cách nhìn trên những cách mạng khoa học diễn ra trong từng giai đoạn.

Trong những giai đoạn cách mạng đó, khoa học thay đổi mô thức. Mô thức, nói cho gọn, là những khung nhận thức, những không gian ý nghĩa, những bối cảnh ý thức hệ giúp ta hiểu được những thực tiễn và những cách diễn dịch khoa học. Khi có một thay đổi mô thức, khoa học đặt lại vấn đề đối tượng nghiên cứu của mình, phương pháp tìm hiểu của mình, toàn bộ những khái niệm mà mình đã dùng v.v... Lý thuyết của Kuhn chia rẽ nội bộ giới khoa học gia. Người thì cho là phong phú, sáng tạo; người thì bỉu môi: tiến bộ khoa học lúc nào chẳng thế, có khi nhanh khi chậm, khi vượt bực, nhảy vọt. Riêng tôi, tôi chỉ giữ một ý này thôi: những cách mạng mô thức là những giai đoạn mà những chất vấn kiểu tri thức luận (épistémologique) và triết lý được đặt ra một cách bức xúc nhất. Đó là giai đoạn hiện tại ở Tây phương, từ mấy chục năm gần đây. Khái niệm “mô thức khoa học mới” (“nouveaux paradigmes scientifiques”) đã thành ra thông dụng.

Thế thì, giữa các phong trào tôn giáo mới ở Âu châu và những mô thức khoa học mới đó có liên hệ gì không ? Nhiều lắm. Mà một trong những liên hệ cơ bản là cùng đặt lại một cách rốt ráo luận lý của Aristote và cùng lấy nghịch lý (paradoxe) làm con đường đi đến hiểu biết.

Luận lý của Aristote dựa trên 3 nguyên tắc:

- Nguyên tắc đồng nhất: A là A

- Nguyên tắc bất đối kháng: A không phải là phi-A. Một vật không thể vừa là nó vừa không phải là nó.

- Nguyên tắc loại trừ vế thứ ba: bất cứ vật nào cũng phải bắt buộc hoặc là được công nhận, hoặc là phủ nhận: X là A hoặc phi-A.

Nhận thức của khoa học đặt trên luận lý đó của Aristote. Đó là căn bản luận lý của Tây phương. Trên căn bản đó, tư tưởng Tây phương là tư tưởng nhị nguyên, nhìn cái gì cũng chẻ làm hai: chủ thể - khách thể, vật chất - tinh thần, tâm - vật, một - tất cả, Thương đế nhân loại, thiên đường - địa ngục, tôi - người khác.

Luận lý của Phật giáo không phải như vậy. A vừa là A vừa là phi-A. Luận lý của Phật giáo chống lại nhị nguyên, và cả rừng kinh điển của Phật giáo chung quy cũng chỉ nhắm vào một chuyện thôi là vượt lên trên có và không. Tôi nghe quần chúng thường nói đùa: nói vậy mà không phải vậy. Quần chúng đọc kinh Kim Cương mà không biết đó thôi. Mọi tư tưởng, mọi ý nghĩ, mọi lời nói của chúng ta để là như vậy cả, kể cả câu nói xác quyết nhất mà cả người nói lẫn người nghe đều nghĩ là chắc như đinh đóng gỗ lim: “anh yêu em”; “em yêu anh”. Coi chừng! Nói vậy mà không phải vậy. A là A mà cũng là phi-A.

Nhưng kinh Kim Cương đâu phải ngừng ngang đó ! A là phi-A và đó là lý do tại sao Phật nói A. “Tu Bồ Đề, tại sao như vậy? Bởi vì bát nhã ba la mật đa thì Như Lai nói là phi - Bát nhã ba la mật đa, thế nên Như Lai lại nói là Bát nhã ba la mật đa”. Phi không phải là không, là non. Phi là siêu việt, siêu việt khái niệm và diễn tả. Khi nói A thì lập tức Phật phá ngay cái chấp vào A. Phi như thế là thấy biết như thật. Cho nên thấy biết gì cũng phải đồng thời là phi thì mới thấy biết thật. Cho nên em cũng đừng lo. Anh không nói dối em đâu, nhưng ngôn ngữ nó dối em và dối cả anh, bởi vì nó bất lực, không bao giờ diễn tả đúng ý nghĩ trong đầu anh. Anh nói ra, đã không đúng rồi, làm sao em hiểu đúng được? Huống hồ em nghe tiếng “yêu” như em muốn, đâu phải nghe tiếng “yêu” nơi miệng anh?

Anh nói “anh yêu em” trăm bận đến nghìn lần, nhưng có bao giờ chữ “yêu” này giống với chữ “yêu” kia đâu? Anh nói với em một ngàn chữ “yêu” thì có một ngàn cái “yêu”, không cái nào giống cái nào, tùy tâm trạng của anh mỗi lúc, tùy buổi sáng mùa xuân hay buổi chiều mùa đông, tùy anh ôm em trong tay hay nghĩ đến em trong một bức thư, tùy em đang rúc rích cười hay em đang hờn dỗi. Không có “yêu” nào giống “yêu” nào, thì làm gì có “yêu”? Nói có, thì cũng được. Nói không, chẳng sai. Mà chắc là không. Chính từ trong không đó, bỗng nhiên… “có một dạo em ngồi xa anh quá , anh bảo em ngồi xích lại gần đây”, bỗng nhiên tôi thốt ra “anh yêu em”. Đó là “yêu” thốt ra lần đầu. Thốt ra là đã sai rồi, bởi vì ngay sau đó, sau khi xích lại gần nhau, sau khi được hôn em một cái, tôi lại nói “anh yêu em”, thì… ce n’est plus la même chose - hai chữ “yêu” không nói cùng một sự việc!

Con mèo của Schrödinger, nó vừa sống vừa chết. Xin nói rõ thêm đây là nghịch lý mà nhà bác học Schrödinger đã chứng minh trong thí nghiệm nổi tiếng của ông.

Tôi động đến kinh Kim Cương là vì thế. Vì “cách mạng lượng tử” trong khoa học vật lý đem ta đến gần luận lý đó. Tôi mù tịt vật lý học, nên rất khó khăn để hiểu Max Planck, Einstein, Bohr và trường phái Copenhague, nhưng tôi cũng hiểu sơ sơ rằng môn khoa học mới về cái vô cùng bé này không những đổi mới tri thức về vật chất mà còn đổi mới một cách cơ bản cách giải thích về vật chất.

Trường phái Copenhague làm ta choáng váng trước sự khó khăn của ngôn ngữ để mô tả và diễn dịch những cái nghịch lý , những cái “điên rồ” mà người ta khám phá trong cái thế giới cực nhỏ hạ nguyên tử đó. Luận lý Aristote, qua nguyên tắc loại trừ vế thứ ba, không diễn dịch được tính đồng thời giữa những khía cạnh sóng và những khía cạnh hạt của vật chật : chúng vừa là sóng vừa đồng thời là hạt. Cũng khó diễn dịch qua ngôn ngữ thông thường sự “ phản vật chất” của vật chất (la “déchosiphication” de la matière), khó mô tả cái khám phá kỳ lạ “nền tảng của vật chất không phải là vật chất” (“les fondements de la matière ne sont pas matériels”).

Đằng sau những khó khăn của cách diễn đạt bằng ngôn ngữ, chính là cả một khủng hoảng của triết lý mà ta đang chứng kiến. Thuyết định mệnh, thuyết duy vật cơ giới, thuyết nhị nguyên bị đặt lại vấn đề từ cơ bản; từ đó sinh ra những khái niệm mới vượt lên trên những quan niệm cũ. Hầu hết những người khai phá ra cơ học lượng tử cũng vừa là triết gia, có khi là nhà siêu hình học. Cách mạng khoa học mà họ mở đường đưa họ vào triết lý Đông phương, xem đó là nơi có thể giải đáp thắc mắc của họ. Bohr du nhập thuyết âm dương, Erwin Shrödinger viết “Vệ Đà của một nhà vật lý”, David Bohm đối thoại với Krishnamurti, Fritjof Capra xuất bản “Đạo của vật lý” mà Nguyễn Tường Bách đã dịch năm 1999. Tôi xin trích một đoạn:

“Vật lý học hiện đại xác nhận một cách kỳ lạ một trong những ý tưởng cơ bản của đạo giáo Đông phương: tất cả mọi khái niệm mà ta dùng để mô tả thiên nhiên đều bị giới hạn; đó không phải là những đặc tính của thực tại như ta đã từng có khuynh hướng tin tưởng, mà chỉ là những sáng tạo của trí óc, chỉ là cái bản đồ chứ không phải sông núi đất đai. Cứ mỗi lần ta nới rộng lĩnh vực của kinh nghiệm, những giới hạn của tư tưởng thuần lý trở thành hiển nhiên và ta phải thay đổi, có khi phải từ bỏ, một vài khái niệm mà ta có”.

Thế thì, ai dám bảo sông Ngân không có quạ bắc cầu?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày