GN - Tại hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên ở nước ta hiện nay - Thực trạng và Giải pháp” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức tại Đồng Nai đã công bố những con số đáng quan ngại: bậc tiểu học có tới 22% học sinh biết... nói dối cha mẹ. Bậc THCS và THPT thì có tới 50% và 64% học sinh không thật thà. Bậc đại học, cao đẳng có đến hơn 80% sinh viên sẵn sàng nói dối để qua mặt phụ huynh.
Hiện tượng nói dối ở người trẻ do người lớn mà nên - Tranh minh họa của DAD
Nói dối là bệnh
Đó là thứ bệnh nằm trong gốc rễ của con người, vì thế mà Đức Phật mới “kê đơn”, trong năm nguyên tắc khuyến khích người con Phật giữ gìn có “không nói dối” (giới thứ tư). Tất nhiên, thứ bệnh này cũng giống như những loại bệnh trên cơ thể con người, khi gặp phải môi trường thuận lợi thì cũng dễ phát triển, lây lan.
Môi trường thuận lợi ở đây, được hiểu chính là sự không trong lành trong cách sống nhiều dối gian, lừa đảo, lật lọng… của số đông con người, dẫn tới mất niềm tin. Đồng thời, hệ quả là, để đối phó lại hay để thích nghi, con người ta dần dần cũng bẻ cong suy nghĩ, lời nói, hành động, biến mình thành những “tên cuội”.
Tôi nhớ một câu thú vị mà mình đọc được trên Facebook nhân sự kiện công bố tỷ lệ nói dối từ hội thảo trên: “Khi con người ta nói dối đến mức quen miệng thì họ sẽ nghĩ những lời dối gian của mình là lời nói thật!”. Quả thật, tôi thấy có hiện tượng này, nó ăn sâu vào tâm thức con người như thể thói quen sống, kiểu của những người mê tín, hủ tục... dẫu không văn minh, thậm chí phản khoa học, đi ngược lại tính nhân văn của con người nhưng một khi nó đã thành nếp thì con người sẽ nghĩ đó hành vi đúng, phải, cần làm. Rồi họ mặc định đó là chánh nghĩa, là tất nhiên, gọi tên là truyền thống và bắt đầu thành luật lệ.
Có rất nhiều luật bất thành văn hay những thói quen xấu mà con người ban đầu cũng ngượng ngùng khi thực hiện nhưng dần dà, nó thành điều hiển nhiên phải thế. Giống như chuyện lót tay, phong bì, hối lộ (và cả nhận hối lộ)... ban đầu người thực hiện cũng ít nhiều canh cánh, khó chịu nhưng một khi nó thành nếp ứng xử của một xã hội thì khó mà thay đổi nếu thiếu quyết liệt, đồng thời nếu thay đổi cũng cần một thời gian lâu dài. Chính vì thế mà dân gian mới rút ra: “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”.
Thanh lọc tâm hồn
Sau khi con số đau lòng trên được công bố, đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì nhiều bình luận đã được mổ xẻ. Như Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, ông Lê Minh Hoàng thì đề nghị nên coi trọng tính thực tiễn của giáo dục, nghĩa là phải đưa ra tình huống cụ thể cho các em giải quyết chứ đừng dạy đạo đức suông, kiểu kêu gọi chung chung.
TS Phạm Thị Kim Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) thì xót xa: “Chúng ta đang nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”. Rồi bà Anh phân tích: “Cha mẹ cũng thiếu quan tâm tới con cái. Thiếu trò chuyện, chia sẻ, để trẻ cuốn vào những thói quen không tốt, rồi đặt ra lệnh cấm mà không có giải thích, uốn nắn, khiến trẻ buộc lòng phải nói dối”.
Còn GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục VN thì cho rằng vấn đề giáo dục, sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội có nhiều yếu tố tiêu cực thuộc về đạo đức, ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành nhân cách của trẻ, trong đó có nói dối.
Kết luận đầy gợi mở của GS Hạc chính là vấn đề nhức nhối mang yếu tố người lớn, khi đâu đâu cũng nghe nói dối, thậm chí trong nhà trường vì bệnh thành tích nên cũng sẵn sàng đưa ra chủ trương đánh giá không thật năng lực học trò bằng cách nâng điểm, gạo bài cùng nhiều cách cho qua khác. Giáo viên với áp lực thi đua đã bắt tay với sự bất minh trong đánh giá… Chính vì thế, nhà trường vô hình trung đã đào tạo ra những sản phẩm có sự lừa dối, từ đây đồng thời tạo ra những người ngộ nhận về năng lực nhưng lại thừa những chiêu trò, kỹ xảo để lạng lách trong môi trường cũng đầy những cái chướng mà muốn thông cần phải có chế độ bôi trơn, đi cửa sau…
Thiết nghĩ, cần phải thanh lọc tâm hồn từ chính mỗi người trong đời sống hàng ngày của mình bằng cách cho họ biết giá trị của nguyên tắc sống thật thà, trên nền tảng của lời Phật dạy về nhân quả. Một lần bất tín, vạn lần bất tin, đó là bài học không phải ai cũng nằm lòng, nhất là trong cách sống chụp giựt, sống lấy được, thiếu một tầm nhìn xa trong ý nghĩa thấm nhuần nhân quả.
Cụ thể, nếu ai gây ra điều xấu ác, từ ý, khẩu, thân thì nhất thiết sẽ phải gặt quả xấu ác đời này hay đời khác. Một khi con người biết sợ nhân quả, sống với lời Phật dạy một cách chân thành thì việc tự sửa mình (điều chỉnh tự thân trong sự quyết tâm, kiên trì) thì may ra mới có thể thay đổi tư duy sống, lối sống thiếu thật thà có cấp độ tăng tiến theo tuổi tác, tỷ lệ thuận với chức vụ, học thức như khảo sát được công bố trong hội thảo vừa qua, khiến dư luận giật mình, trăn trở…
Đỗ Thị Hiền
Tôi nhớ câu khẩu hiệu trong mỗi trường học đều là “Tiên học lễ, hậu học văn”, thế mà, theo năm tháng, hết cuộc cải cách giáo dục này tới cuộc “đại phẫu” giáo dục khác thì học trò ngày càng bị đè nặng bởi thi cử, những chiếc cặp dày thêm, tỷ lệ thuận với bệnh cận thị là bệnh nói dối - một trong những sự sa sút về đạo đức, lối sống. Ngoài ra, tỷ lệ phạm tội ngày một trẻ hóa và hiện tượng yêu đương ở tuổi học trò dẫn tới nạo phá thai, đánh nhau, lột đồ bạn rồi quay clip đưa lên mạng cứ nhan nhản, chưa tới hồi kết. Phải chăng, khẩu hiệu đó chỉ để chưng, còn thực sự thì người ta dạy học trò thiên về thành tích, nhồi nhét việc học chữ, kiến thức này nọ mà quên mất uốn nắn tâm hồn? Tôi nhớ, những hành vi xấu cứ được tung hê trên trang mạng này tới trang báo kia, bất chấp tác hại của nó tới nhân cách con người, chủ yếu là để câu lượt truy cập, kiếm quảng cáo. Giới trẻ thì tự do trên mạng với đủ kiểu chào mời của các trang web đen có trắng có, nhưng đen thì dễ thâm nhập hơn, trong khi không ai cho các bạn ấy biết tác hại khôn lường từ việc len lỏi vào những trang web tiêu cực. Người lớn lo làm giàu và chạy theo vật chất mà quên mất bồi bổ giá trị tinh thần. Khi tâm hồn người lớn nhuốm màu đen với những hành xử thiếu chuẩn mực. Khi quan chức tham nhũng, dối trên lừa dưới, kết bè kết phái thì tránh sao được việc tiêm nhiễm vào thế hệ trẻ những điều không lành, không đẹp? Nhớ những hình ảnh loang lổ, với những màu xám xịt của cuộc sống khiến tôi xót xa, lo lắng về một thế hệ trẻ lớn lên ít nhiều bị nhiễm độc tố ấy và rồi cứ thế, những tâm hồn trở nên xấu xí thì làm sao dạy được lớp kế thừa những điều hay lẽ phải? Tâm Sáng (Thủ Đức, TP.HCM)
Tôi nhớ & tôi xót…