GN - “Chưa từng nghĩ mình sẽ vào dạy ở những nơi khó khăn đến vậy. Khi còn ngồi ghế giảng đường, nghe các thầy cô kể về những điểm trường xa xôi, nằm tuốt trong núi, thiếu điện, thiếu nước, cũng chỉ nghe mà biết vậy, không thể hình dung. Giờ được thấy tường, sống tận mới thấm thía, nhưng càng thấm thía lại càng thương”.
Bằng giọng Quảng Nam nhỏ nhẹ, cô Phước, giáo viên tại điểm trường Ea Rớt tâm sự.
Những đứa trẻ Ea Rớt - Ảnh: Tịch Vũ
Từ trung tâm xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk), đi thêm khoảng hơn 20km, trong đó có 6km đường xuyên núi, vượt khỏi con dốc đứng hiểm trở được người dân ví von là dốc “cổng trời”, sẽ đến được điểm trường Ea Rớt, phân hiệu của Trường Tiểu học Cư Pui.
4 ngôi trường nền đất, được dựng tạm bợ bằng các mảnh ván gỗ, bên trên lợp tôn là nơi học tập của gần 200 học sinh từ lớp l đến lớp 5 trong khu vực. 100% học sinh nơi đây là người các dân tộc H’Mông, Thái, Tày… vì cuộc sống khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, ba mẹ các em đã di cư tự do từ các tỉnh miền núi Tây Bắc vào đây từ những năm 90.
Nằm sâu trong núi, gần như bị cách biệt bởi đường sá khó khăn, cơ sở vật chất của trường còn rất tạm bợ, thiếu thốn. Cô Phước tâm sự: “Mùa nào cũng cực. Trường nằm trơ trọi giữa bãi đất trống, mùa khô thì rất bụi, nắng hắt vào đến tận chỗ các em ngồi. Còn trời mưa thì rất ồn, lời cô giảng bị tiếng mưa ầm ĩ trên mái tôn nuốt trọn, những lúc đó, cô trò chỉ biết nhìn nhau cười”.
Nền của 4 phòng học bằng đất nên mùa mưa trở nên nhem nhuốc, kém vệ sinh. Khu vực này cũng chưa có điện, khi mưa hoặc vào những tháng mà trời tối sớm, các em cũng không học được vì không đủ ánh sáng.
Sát cạnh 4 phòng học là phòng nghỉ của giáo viên. 7 thầy cô tại đây, tuổi đời đều còn rất trẻ. Vì đường núi cách trở, các thầy cô ở luôn ngay trong thôn, cuối tuần mới về thăm gia đình.
Cũng được dựng tạm bợ như các phòng học, căn phòng nhỏ vừa là nơi nghỉ ngơi, vừa là nơi soạn giáo án, vừa là nơi nấu ăn của các giáo viên. 6 cô nghỉ ở gian trong, thầy giáo duy nhất của trường thì nghỉ ở gian ngoài.
Cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của giáo viên và học sinh tại Ea Rớt, Câu lạc bộ tình nguyện Ngàn Hạc Giấy chính thức phát động chương trình “Góp nắng xuân” với các hoạt động chính: gia cố, xây nền xi-măng cho các phòng học và nhà nghỉ giáo viên; tổ chức vui chơi và tặng quà cho các em thiếu nhi; tặng quà Tết (nhu yếu phẩm) cho các hộ gia đình tại thôn Ea Rớt. Chương trình sẽ diễn ra vào cuối tháng 1-2013. Thông tin chi tiết trên www.nganhacgiay.net. |
Nói về việc đi lại, sinh hoạt, các cô kể hồi đầu mới vào, tay lái yếu nên lúc nào cũng bị té, té riết rồi quen. Thầy Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui cho biết: “Mùa nắng, vừa đi vừa té cũng vào được tới thôn, còn mùa mưa thì khu vực gần như bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Muốn vào thôn thì chỉ có cách đi bộ hoặc chờ nắng lên, đường ráo mới có thể chạy xe vô”.
Chợ, hàng quán không có, mỗi đầu tuần, các cô phải mang thức ăn từ ngoài thị xã vào. Chủ yếu là các loại củ và các món mặn được kho thật khô để có thể để được lâu. Thực phẩm được dự trữ dồi dào và được sử dụng thường xuyên nhất là cá khô.
Vất vả như vậy nhưng cả thầy và trò đều vẫn vượt khó, bám lớp giữ trường. Các em học hơi chậm nhưng rất ngoan và hiền, đặc biệt là rất siêng năng. Nhiều học sinh lớp 1 không nói được tiếng Kinh, không theo kịp các bạn nên phải học hai năm lớp 1, dù vậy vẫn đến lớp đều đặn chứ không bỏ học.
“Có em phải đi bộ 4-5 km để đến lớp, quần áo tơi tả, cơm không đủ no nhưng vẫn rất ham học. Đến thăm nhà, nhìn bữa cơm chỉ có măng với rau luộc mới thấy thương các em vô cùng. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng thương các em quá, bỏ không đành. Chỉ mong điểm trường sớm được đầu tư xây dựng, để các em có chỗ học hành tươm tất hơn” - cô Phước tâm sự.
Tịch Vũ