Góc an nhiên: Ở phố…

Sài Gòn mùa hoa dầu bay - Ảnh VnExpress
Sài Gòn mùa hoa dầu bay - Ảnh VnExpress
0:00 / 0:00
0:00
GN - Sáng hôm qua, tôi mở Facebook lên, trong mớ thông báo “like”, “share” là dòng gợi nhắc về kỷ niệm ngày này năm trước. Mới đó mà đã tròn một năm sau đợt giãn cách xã hội đầu tiên vì Covid-19.

Đợt đó, vì quá nhiều lo lắng từ ba mẹ, tôi đã phải tạm nghỉ việc, rời Sài Gòn về quê để “có gì còn được ở gần nhau”, như lời mẹ tôi nói qua điện thoại lúc ấy. Chẳng hiểu sao người xứ tôi, khi đứng trước một bước ngoặt, khó khăn nào, điều họ luôn nghĩ tới trước tiên là tình huống xấu nhất, tệ nhất. Có lần mẹ tôi giải thích, nghĩ như vậy để chuẩn bị mọi thứ cho chu toàn, cho cẩn trọng, chớ không lạc quan tếu, tới lúc mọi thứ bất như ý, con người mình lại thành luẩn quẩn, bị động, không nên chút nào! Một đứa trẻ, tuy hiểu nhưng lại chẳng thể nào đồng cảm được cách suy nghĩ ấy của người lớn. Có lẽ vì ở tuổi này, tôi chưa trải qua nhiều thăng giáng, mất mát như họ chăng?

Ngày này năm trước, tôi rời thành phố về quê, ngay lúc ba tôi vừa xây lại căn nhà ở quê nội. Nhà ở cuối làng, tứ bề là vườn tược, đồng lúa ngút mắt. Bao nhiêu năm bỏ quê lên phố, ngoài năm mươi, ba tôi bỗng nảy ý định bỏ phố về làng. Hồi trước, trong một cuộc cãi cọ giữa ba với ông nội về chuyện dời cả nhà ra phố, tôi còn nhớ ba từng nói có ra sao đi nữa, ba cũng không muốn về lại làng, sống giữa ruộng vườn buồn tẻ. Vậy mà mười mấy năm sau, mọi thứ diễn ra ngược lại.

Những ngày tôi ở làng trùng với mùa gặt. Con đường đi qua trước nhà tôi là đường dẫn từ làng ra đồng, những ngày gặt người lại qua không ngớt. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng máy gặt đập chạy từ khoảnh ruộng này sang khoảnh ruộng khác, thỉnh thoảng, những người đi làm đồng về mà đa phần cũng là bà con với nhau lại tạt vào nhà tôi nói đôi câu chuyện với ba mẹ. Cái không khí ở quê hóa ra không quá buồn tẻ như tôi tưởng. Mỗi đêm, gió mát từ ngoài đồng lùa vào còn đem theo hương rạ mới, hương cây cỏ ngai ngái đưa tôi vào giấc ngủ thật êm. Yên bình là vậy…

Nhưng rồi tôi vẫn nhớ phố. Thành phố mà tôi đã gắn bó ngót nghét chục năm đầu đời. Thành phố chộn rộn, người xe lúc nào như cũng chực chờ lao đi, cuốn đi. Nhưng thành phố không phải không có những khoảnh khắc bình yên hay những khoảng dừng bất chợt.

Như một buổi sáng nào, trước giờ làm, ngồi cà-phê vỉa hè trong tiết trời dịu mát, nhỏ bạn đồng nghiệp nhìn xa xăm rồi buột miệng: “Đẹp quá hén mày!”. Tôi ngước lên nhìn, những trái dầu xoay mình như múa trong không trung rồi đáp xuống vỉa hè trước mặt. Nhìn xung quanh, hình như cũng có vài đôi mắt ngước lên nhìn những trái dầu xoay tít.

Hoặc có những ngày mệt quá, tôi lại “chui” vào chùa. Chùa nằm trong một hẻm nhỏ, giữa rậm rì cỏ cây, không gian đủ rộng để tạo nên những êm đềm vừa đủ của một chốn thiền môn. Tôi vào chùa, dựa vào cột gỗ mát lạnh trong chánh điện, nhìn lên Phật, chẳng cầu cạnh ước mong gì. Cũng có lúc, kiếm góc nào đó trong thư viện của chùa, trốn vào ngủ một giấc, rồi về. Chỉ vậy thôi mà bao nhiêu nhọc nhằn, lo toan dường vơi đi đáng kể.

Về quê, tôi nhớ phố da diết, dù chẳng biết đích xác vì sao nhớ, và nhớ cái gì, chỉ biết thành phố đã trở thành một phần quen thuộc của mình. Độ rày, không ít người quen của tôi đã bỏ phố về làng, lên rừng để tìm bình yên. Có thể ngày mai, tôi cũng sẽ như họ, như ba tôi, sẽ bỏ phố mà về làng. Nhưng tôi luôn tin, dù ở đâu cũng vậy, bình yên là cái ở trong tự thân, chỉ cần đừng hững hờ với phút giây nào của sự sống, mỗi chúng ta đều sẽ tìm thấy được.

Tôi gõ những dòng chữ này trong quán cà-phê cạnh hồ Con Rùa. Một cơn gió qua, mấy bông hoa dầu lốm đốm đậu xuống trên bàn phím và trên tay người. Tôi dừng phím nhìn, không vội phủi đi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày