Góc an nhiên: Ngôi chùa tuổi thơ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đó là ngôi chùa nhỏ, nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồng lúa xanh rì. Lối dẫn vào chùa khá ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, quanh co như con rắn khổng lồ đang trườn mình săn mồi.

Phải mất áng chừng 2 cây số mới đi tới cổng. Sẽ không phụ lòng người vãn cảnh, chiêm bái, bởi chùa tuy nhỏ nhưng cổ kính, uy nghi.

Nhớ hồi còn nhỏ, cứ đến ngày rằm, cả nhà tôi thường dắt nhau đi chùa cầu an. Dù nhà xa chùa độ chừng 4 cây số nhưng đối người làng chúng tôi, quãng đường ấy chẳng hề hấn gì. Chúng tôi thường đi bộ là chính, vì ngày xưa làng quê tôi nghèo lắm. Chỉ có rất ít người khá mới đạp xe đạp, đi xe máy đến chùa. Phần còn lại là thong dong bộ hành.

Chúng tôi thường đi viếng chùa vào buổi tối. Vì ban ngày người lớn còn bận việc đồng áng mãi đến chạng vạng mới vác cuốc ra về. Nên bao giờ đến chùa cũng tầm 7 - 8 giờ tối. Dù trăng sáng vằng vặc nhưng trên tên tay ai cũng cặp nách bó đuốc và không quên mang theo bao diêm. Đơn giản là khi vào con đường có tán cây khuất sáng, hoặc với những ai sợ màn đêm bao trùm, suy nghĩ lung tung thì bó đuốc là vật cứu tinh tuyệt vời.

Vào đến chùa, do sợ lạc nên lúc nào ba cũng ẵm hoặc cõng tôi. Tôi còn nhớ rõ như in những câu hỏi ngây thơ: “Mẹ ơi, con quỳ như thế này đúng không? Con xá mấy xá? Con phải vái gì ạ?”... Mẹ chỉ các thao tác trang nghiêm, rồi cười trìu mến: “Con cầu Đức Phật và các vị Bồ-tát phù hộ cho con khỏe mạnh, học giỏi nhé!”. Rồi tôi được cha mẹ dẫn đi quanh chùa khấn các vị La-hán, Bồ-tát. Khi sắp ra về, chúng tôi đến trước sân chùa để quỳ dưới chân Mẹ Quán Thế Âm... Buổi ra về khá tẻ nhạt. Trong ánh đuốc đỏ rực của đêm trăng tròn, tôi ngủ trên lưng ba lúc nào không hay.

Nhớ những lần đi học về ngang chùa, cả nhóm chúng tôi kéo nhau vào chùa xin hái quả. Chùa trồng nhiều cây trái, nào mận, vú sữa, nhãn, ổi... Nhưng do các sư hái không kịp nên những quả chín thường rơi rụng trên sân. “Tụi bay không được bẻ hoa, bẻ cây đó. Vào khấn Phật, xin sư rồi hãy hái”. Bọn bạn nghe theo tôi răm rắp. Do gia đình tôi hay làm công quả ở chùa nên các sư đều biết mặt tôi. Chưa xin thì sư đã bảo: “Các con cứ hái tự nhiên. Nhưng đừng leo trèo té đó. Đằng sau có thanh tre, ra sau lấy để hái”. Nói rồi sư quay vào trong. Chúng tôi vui lắm, hái thỏa thích rồi ngồi ăn tại gốc. Đến khi xót ruột, định vội về nhà thì các sư bảo vào dùng cơm chay. Bữa cơm chay ngon ơi là ngon, dù chỉ là rau củ nhưng mỗi đứa dùng đến ba chén. Vị sư già cười, nụ cười hiền hậu: “Các con cứ đến chùa chơi thoải mái, nhưng nhớ đừng leo trèo mang họa. Chủ nhật không học, các con đến đây sư dạy cho lễ nghĩa, cách sinh hoạt thường để phụ giúp cha mẹ...”.

Rồi tuổi thơ tươi đẹp, hồn nhiên ấy cũng qua đi. Nhanh như nụ cười an nhiên của các vị sư ở chùa. Những lần về thăm nhà, tôi đều nhín ít thời gian để viếng chùa. Ngôi chùa vẫn cổ kính, rong rêu như thuở nào. Vẫn ao sen, cây mận, gốc mai, tán bàng tỏa mát. Nhưng các vị sư già năm ấy đã ra đi. Những vị sư trẻ giờ cũng đã móm mém, còm lưng. Tôi nhớ mãi câu nói của vị trụ trì: “Đời người vô thường lắm, con ạ! Hãy sống sao có ích cho bản thân, gia đình, xã hội và đừng làm tổn thương bất cứ ai. Vì làm tổn thương họ thì chính mình cũng đau. Nỗi đau ấy dằng dặc cả một đời người. Đừng để ngày sau nuối tiếc vì những gì mình đã làm hôm nay…”. Chính những câu nói chân phương ấy đã giúp tôi sống một cuộc đời đáng sống, từ tâm trong cõi Ta-bà này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày