Hãy trao cho con sự tử tế

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Theo Thạc sĩ Giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường Đại học Mở TP.HCM, đây là “gia tài” quan trọng nhất của đời người, bởi có sự tử tế, con người sẽ biết làm lành lánh ác, kiến tạo hạnh phúc tự thân hài hòa với cộng đồng.

Nhân mùa hiếu hạnh, câu chuyện về nuôi dạy con, trao gửi những giá trị tốt đẹp cho con cái được Thạc sĩ Lê Trường An chia sẻ cởi mở cùng Giác Ngộ:

- Tiếp xúc với nhiều phụ huynh, tôi hay nghe các bậc làm bố mẹ nói “nuôi dạy con chưa bao giờ là dễ dàng”. Thời hiện đại, việc nuôi dạy càng khó khăn hơn bởi mỗi gia đình chỉ có một đến hai con nên thường… bảo bọc nhiều hơn, trẻ trong tâm lý con một cũng khó bảo hơn. Thêm nữa, trẻ ngày càng được tiếp xúc với nhiều phương tiện mà đôi khi bố mẹ không cập nhật kịp nên lỗi thời trước con, không hiểu được con nên không thể hòa cùng con trong nhiều vấn đề mà con gặp phải.

Đã qua rồi thời mọi người quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” - trẻ sinh ra tự lớn và chỉ cần ăn no là được. Bây giờ, những đòi hỏi của trẻ đa dạng, từ vật chất tới tinh thần, do đó bố mẹ phải chuẩn bị thật kỹ trước khi sinh con để không hụt hẫng khi lên “lên chức” và hụt hẫng kỹ năng để rồi không làm tốt vai trò người hướng dẫn cho con những giá trị thiện lành, giúp con gạn đục khơi trong, bản lĩnh trước cám dỗ cũng như vấp ngã trong cuộc sống.

Thạc sĩ Lê Trường An

Thạc sĩ Lê Trường An

* Anh có thể nói rõ hơn việc bố mẹ cần chuẩn bị gì cho việc nuôi dạy con?

- Thạc sĩ Lê Trường An: Theo tôi đó là sức khỏe, kỹ năng, tài chính và tinh thần. Để có một em bé tốt thì đầu tiên bố mẹ phải khỏe mạnh. Không phải tự nhiên mà mọi xã hội đều đề cao giá trị của sức khỏe, bởi đây là nền tảng cơ bản của hạnh phúc. Nếu không có sức khỏe con người chẳng còn tha thiết gì nữa, cũng chẳng thể thương yêu ai trọn vẹn được.

Thứ hai, xây dựng hôn nhân hạnh phúc để mỗi đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình tràn ngập tình thương thay vì hục hặc, cãi vã của người thân. Đây chính là kỹ năng mà đôi khi nhiều cặp vợ chồng trẻ còn thiếu. Để có hôn nhân hạnh phúc, tôi nghĩ mỗi người khi quyết định lập gia đình nên tìm hiểu kỹ, bắt đầu từ tình yêu thương, tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, sẻ ngọt chia bùi…

Với kỹ năng này, ngoài yếu tố xây dựng gia đình phù hợp với pháp luật nhà nước hiện hành thì mỗi cặp đôi nếu được trang bị những giá trị sống theo Phật giáo sẽ giúp cho họ có được đạo đức trong hôn nhân. Đó là gì? Là vợ chồng phải hòa ái, tuân thủ những nguyên tắc bảo hộ như không tà dâm, sống hiếu thuận với gia đình hai bên, tôn trọng giá trị và sự đóng góp của người kia, biết ơn đối phương để sống trọn vẹn hơn mỗi ngày…

Tài chính và tinh thần có sự tương tức. Khi bạn ổn về tài chính thì đời sống tinh thần của bạn sẽ tốt lên và ngược lại. Do vậy, trong việc này cũng nên học lời Phật dạy trong việc quản lý tiền bạc của cá nhân, gia đình. Theo đó, trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, Đức Phật đã có lời khuyên, nên chia tài sản ra làm bốn, một phần dành cho việc chi dụng những nhu cầu hợp lý của bản thân mình và những người thân liên quan, hai phần kế tiếp dành cho việc đầu tư vào các kế hoạch phát triển kinh tế và phần cuối cùng cất kỹ, để dành, phòng khi khó khăn hoạn nạn. Đây là bài học có thể mỗi gia đình cần ghi nhớ để ứng dụng và dạy con mình trong nếp sinh hoạt hàng ngày.

* Theo anh, bài học nào quan trọng nhất mà bố mẹ cần giáo dục con xuyên suốt từ nhỏ tới lớn?

- Tôi nghĩ đến hiếu hạnh. Đức Phật dạy, “tâm hiếu là tâm Phật”, “hạnh hiếu là hạnh Phật”. Từ hiếu hạnh, con người ta sẽ biết sống tử tế, biết giữ gìn bản thân trong vùng an toàn - đó chính là vùng mà giới luật Phật giáo với tính ngăn ngừa, là hàng rào chắn để ai cũng bình an, không sa vào hầm hố của phiền não, khổ đau.

Một người con có hiếu thì không thể nào sống xấu, làm việc trái đạo đức và pháp luật để phải nhận lãnh hậu quả. Ngược lại, người con ấy sẽ nỗ lực sống tốt, không ngừng gieo trồng hạt giống thiện từ nếp sống đầy tình thương và sự hiểu biết. Khi ấy, người con đó trong đời sống của mình sẽ gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Và đây chính là món quà quý giá nhất dành tặng hay dâng lên bố mẹ, ông bà, dù họ còn sống hay đã khuất.

Trong quan niệm của Phật giáo, nhà có người con biết tu thì ông bà tổ tiên sẽ được hưởng phước lây chính ở chỗ này: cái phước của sự bình an khi nghĩ về con cháu của mình. Thực sự, chỉ cần chúng ta biết sửa mình tử tế mỗi ngày, tốt hơn mình của ngày hôm qua là ta có thể làm cho bố mẹ mình yên lòng, không lo lắng.

Nhưng, để giáo dục về lòng hiếu cho con không phải chỉ nói suông mà chính bố mẹ cũng phải thực hành điều này. Tức là, cũng phải sống tử tế, có hiếu với ông bà của con. Thân giáo là cách giáo dục tối ưu nhất. Nếu bạn muốn con cái thương cha kính mẹ, biết ơn ông bà tổ tiên thì mình cũng phải làm điều đó một cách tự nhiên, như là lẽ sống hàng ngày.

* Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

Nuôi dưỡng những hạt mầm

Mỗi đứa trẻ là một hạt mầm rồi trở thành cái cây, rồi có thể sẽ ra hoa kết trái trong cuộc đời này. Mọi thứ liên quan rất nhiều đến thổ nhưỡng, khí hậu, cách chúng ta bón phân, tưới nước, rào chắn…

Con tôi sẽ có những thứ giỏi hơn tôi và ngược lại. Con tôi có những sở thích khác tôi. Tôi có những nỗi buồn, niềm vui sống khác con tôi. Con có thể là một bản sao của cha mẹ về mặt di truyền nhưng về mặt nội tâm, suy nghĩ, kinh nghiệm và trải nghiệm sống là hoàn toàn khác nhau.

Một đứa trẻ có thể hạnh phúc, phát triển đúng với năng lực của bản thân chỉ khi nào cha mẹ giúp con nhận ra con làm được gì với những giá trị mà con sở hữu. Và trên hết, con cần phải hiểu được chính con. Với tôi, chỉ cần hai điều này thôi, đứa trẻ sẽ tự biết cách thích nghi với cuộc đời dù bất cứ hoàn cảnh nào, cũng như sẽ vui sống nhiều nhất có thể mà không cần phải đi qua nhiều biến cố lớn lao trong cuộc đời mới nhận ra.

Thực tế, dạy một đứa trẻ thì việc đọc sách vở là cần thiết, lắng nghe những lời khuyên của người đi trước là nên… nhưng tất cả những điều đó đều sẽ chẳng giúp ích nhiều nếu như bạn không hiểu được con của bạn đang như thế nào.

Theo tôi, cha mẹ có trách nhiệm trong việc kiếm ra tiền để có thể chu toàn cuộc sống của con khi con chưa thể tự lo điều ấy. Con cái có trách nhiệm với việc học tập ở trường, tập luyện sức khỏe, cập nhật kiến thức qua nhiều hình thức khác nhau… Những việc như học bài làm bài, đọc sách mỗi ngày, đi ngủ đúng giờ để đảm bảo sức khỏe… là trách nhiệm của con. Chúng ta ai cũng đều phải nỗ lực hết sức trong trách nhiệm của cá nhân mình, và đừng để người khác phải lo lắng cho những điều không đáng có đối với trách nhiệm tự thân.

Tôi thích cách nghĩ cha mẹ nên định hướng quyền tự do cá nhân của con sao cho con có thể vui nhất có thể.

Nhà thơ NGUYỄN PHONG VIỆT

(CHÁNH QUÁN ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày