Nhiều năm qua, mô hình sinh hoạt và tu tập tại các khóa tu mùa hè và Gia đình Phật tử ở nhiều ngôi chùa, tự viện trên cả nước đã giúp người trẻ chữa lành thân tâm, góp phần kiến tạo những nguồn năng lượng tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chữa lành từ những khóa tu mùa hè
Trong khóa tu, mọi hoạt động của các bạn trẻ đều được quý thầy và các anh chị huynh trưởng, giám luật hướng đến cách sống đẹp, hòa mình với tập thể, biết coi niềm vui của bạn bè cũng như niềm vui của chính mình, biết dành những điều tốt đẹp mà mình có thể cho mọi người xung quanh.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng I Trung ương GHPGVN, Trưởng ban tổ chức khóa tu mùa hè chùa Bái Đính (Ninh Bình), khóa tu mùa hè chính là nơi thực tập các thói quen sống đạo đức, tích cực và những việc làm hữu ích.
“Về với khóa tu mùa hè, các em được hướng dẫn thực tập cách tĩnh tâm để khai mở nguồn tuệ giác, đồng thời các em còn được giảng giải cặn kẽ về đạo đức. Bên cạnh đó, các em sẽ được học các uy nghi phép tắc, như: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói..., cùng những lối sống như: tích cực, lạc quan, hướng thiện, hiểu biết, yêu thương và có trách nhiệm”, Thượng tọa nhấn mạnh.
Nguyễn Đức Huy (sống và làm việc tại Hà Nội), một trong số rất nhiều bạn trẻ có nhiều năm gắn bó với các khóa tu mùa hè chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) chia sẻ: Khóa tu tại chùa Địa Tạng Phi Lai có chủ đề “Trúc hạ vươn mình” thường diễn ra trong thời gian 7 ngày, thu hút đông đảo sự tham gia của các em học sinh, sinh viên đến từ cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
“Khóa tu có 7 ngày ăn chay, 7 ngày tự giặt quần áo, 7 ngày dậy sớm và tự giác quản trị thời gian của mình để hòa nhập với tập thể, với lịch sinh hoạt chung các em mới dần có ý thức sống tự lập. Và khi đó, các bạn thấy rõ hơn nữa niềm hạnh phúc lớn lao khi có gia đình, có bố mẹ chăm sóc, yêu thương. Thấy những người thiếu thốn, nghèo khổ xung quanh cần được chia sẻ như thế nào... Và khóa tu sẽ mang đến cho người trẻ sự chủ động hòa nhập, không phân biệt, cùng rất nhiều cách ứng xử, hành vi đẹp”, Đức Huy chia sẻ.
Cuộc sống rất cần những trải nghiệm. Chỉ có sự trải nghiệm mới giúp mỗi chúng ta trưởng thành hơn từng ngày, nhất là với các bạn trẻ. Sự trải nghiệm phù hợp và tích cực sẽ mang đến nguồn năng lượng, tư duy tích cực để trưởng dưỡng trí tuệ và tâm từ trong mảnh vườn tâm hồn cho những người trẻ trong vòng quay xô bồ của cuộc sống.
Đặc biệt trong hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe tinh thần cho mọi người thì ở thời điểm hiện tại, ngôi chùa và các khóa tu mùa hè chính là không gian lý tưởng để trị liệu tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần lành mạnh cho mọi người, đặc biệt là cho những người trẻ.
Khóa tu mùa hè chính là nơi thực tập các thói quen sống đạo đức, tích cực và những việc làm hữu ích |
Quay về nương tựa
Khoảng thời gian trước năm 2015, khi chưa tiếp xúc sâu với Phật giáo, tôi thường than thở về cuộc sống của mình với hai từ “cô đơn”. Cô đơn trong chính con người tôi, và cô đơn giữa Hà Nội ồn ã. Tôi thấy mình như đứa trẻ bơ vơ, lạ lẫm với chính mình, cứ muốn tìm một điều gì đó chẳng gọi được tên, chẳng thể lấp đầy. Những tản văn, những bài thơ tôi viết trong khoảng thời gian này cũng mang tâm sự, thấm nỗi cô đơn đó.
Ngạc nhiên là khi chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, hay qua các kênh YouTube, những sáng tác mang niềm cô đơn đó vẫn được mọi người đồng cảm, đón nhận. Tôi nhận ra rằng, bản chất con người vốn cô đơn tận cùng, và trong ai cũng có một khoảng trống như thế. Có lẽ vì vậy con người ta dễ đồng cảm với nhau. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đồng cảm như vậy thôi, cũng không giải quyết được vấn đề gì, và chúng ta chỉ là một tập thể cô đơn. Cần để chính những “cây cô đơn” đó kết nối, truyền cảm hứng cho nhau mà đơm quả ngọt.
Thay đổi cần bắt đầu từ chính mình. Tôi hiểu, mình cần nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, cần biết học cách yêu thương và chăm sóc chính tâm hồn mình thì những năng lượng tích cực, tư duy tích cực cũng sẽ được khởi phát mà tạo nên sức mạnh, đồng thời kết nối với những con người tích cực khác quanh mình.
Vậy nên từ giai đoạn năm 2015, đặc biệt là từ 2016 trở lại đây khi có duyên tiếp xúc nhiều với pháp tu của Làng Mai, thấy đồng điệu với những bài pháp thoại, những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đã cảm nhận, thực tập và thấy mình thực sự bình yên hơn. Thứ bình yên chảy từ bên trong mình chứ không phải chạy đi kiếm tìm chút bình yên ở ngoại cảnh. Những sáng tác tôi viết ra cũng dần chuyển hướng, dẫn lối và truyền cảm hứng cho mọi người đến với bình an nhiều hơn.
Tôi vẫn nghĩ và hay chia sẻ với bạn bè mình rằng: Bình thường trong cuộc sống này, con người ta khó cho nhau tiền bạc. Nhưng cái có thể cho nhau là thời gian, sự động viên, sẻ chia, khích lệ, hướng nhau đến những suy nghĩ tích cực. Và điều ấy đôi khi còn cần hơn tiền bạc gấp nhiều lần. Một sự động viên kịp thời, một sự truyền cảm hứng đúng lúc, một lời khơi mở, gõ cửa phù hợp… có thể mở ra cả một chọn lựa, hướng đi cho hành trình tương lai tốt đẹp của một con người đang cô đơn, chơi vơi, hoang mang hay tuyệt vọng.
Những sự tiêu cực trong cuộc sống, nếu mình cứ nhìn và nghĩ về nó, nó sẽ thành một con sâu ăn mòn, gặm mất thời gian, năng lượng, suy nghĩ tích cực của mình. Cách tốt nhất là làm, nghĩ về những điều tích cực để lấy lại năng lượng, sự an vui cho bản thân. Cũng như khi bị đứt tay, cứ ngồi chìm đắm, nhìn vào vết đứt thì dễ cảm giác bị đau, và vết đứt tay có vẻ nghiêm trọng. Nhưng khi không nhìn nó nữa, mà đứng lên đi làm một việc gì khác, tự dưng vết đứt hết đau và không còn nghĩa lý gì nữa.
Trước đây, tôi định nghĩa về hạnh phúc với rất nhiều thứ liên quan đến vật chất, danh vọng. Nhưng bây giờ tôi nhìn hạnh phúc giản dị hơn, và nó có sẵn trong mỗi người, mỗi ngày. Không cần phải là những thứ thật đao to búa lớn, cách mỗi người chọn lựa thực tập, sống an vui, giảm thiểu gây khổ đau cho người khác, đó đã là một sự đóng góp ý nghĩa cho xã hội này rồi.