GNO - "Tôi đã nuôi dưỡng mái tóc của mình trong 9 năm", Myo Myo Aung 25 tuổi nói khi đu đưa một lọn tóc trên vai và nhẹ nhàng đặt tay lên bụng. "Tôi ban đầu đã quyết định bán mái tóc của mình bởi vì tôi có một đứa con, nhưng sau đó người phụ nữ này nói: "Thay vì cắt và bán nó, tại sao bạn không tặng nó và làm việc tốt?".
Trong một khu phố khiêm tốn ở ngoại ô Rangoon, một tu viện giấu mình đằng sau một dãy nhà. Ngôi chùa không có gì nổi bật so với bất cứ nơi nào trong nước, nhưng có một điều ngay lập tức bắt mắt: dòng phụ nữ đang chờ đợi trên những bậc thềm của tòa nhà chính, tóc dài tận eo, một số người thậm chí có mái tóc dài sát đất.
Nhiều phụ nữ hiến tóc xây cầu
Với 3 nhát cắt bằng kéo nhanh chóng, lọn tóc 9 năm nuôi dưỡng rơi xuống nền nhà. Myo Myo Aung quỳ ở dưới chân một nhà sư và dâng lên mái tóc của mình. Mọi người tụng kinh chúc phúc. Và sau đó tóc được đặt trong một chiếc bao bố cũ được nhét tận miệng với những lọn tóc đen khác.
Lễ xuống tóc này là một phần của một nghi lễ không phải thiêng về một phát nguyện tu tập tâm linh mà vào một mục tiêu rất thực tế: xây dựng một cây cầu mới.
Mặc dù miền Nam Sagaing là một phần của vùng khô Myanmar nhưng cũng có những cơn bão quét bất ngờ trong mùa mưa.
Một ngày của năm 2006, trụ trì Sayadaw U Weiponla đang đi trong khu vực này trên một chiếc xe buýt trên đó có một phụ nữ đang chuyển dạ. Do con đường lầy lội làm chậm chuyến xe buýt, người phụ nữ không thể đến bệnh viện đúng lúc và đã qua đời. "Khi chứng kiến tình trạng này, tôi đã muốn sửa chữa nó", sư Sayadaw U Weiponla nói. Chính sự kiện khủng khiếp này đã thúc đẩy vị trụ trì tìm kiếm cách thức để cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực. Nhưng thách thức là, làm thế nào để huy động vốn?
Sư tuyên bố mục tiêu của mình và vận động đóng góp tại tu viện. Các khoản đóng góp vẫn đều đặn nhưng vào năm thứ ba của dự án, một thôn nữ 21 tuổi đã làm thay đổi tốc độ đóng góp. Cô dâng mái tóc của mình thay vì tiền bởi vì cô quá nghèo.
Tóc của người Myanmar là một thứ hàng hóa được tìm kiếm ở Trung Quốc, nơi nó được sử dụng để làm tóc giả và tóc nối. Sư đã chấp nhận sự hiến tặng và do đó ý tưởng "cầu tóc vàng" được sinh ra.
Ban đầu người ta dự định sẽ xây dựng chỉ mỗi một cây cầu. Năm 2009, cây cầu đầu tiên được xây dựng và đặt tên là "Swe Zan Bin" (cầu tóc vàng). Cái tên nhanh chóng trở nên nổi tiếng và thu hút được nhiều nhà tài trợ. Chẳng mấy chốc "nghi lễ hiến tóc đã được tổ chức từ làng này đến làng khác và từ thị trấn này đến thị trấn khác, dần dần lan đến các thành phố như Rangoon và Mandalay", sư Sayadaw U Weiponla nhớ lại.
Khi tóc đã được tặng nó được thu gom và làm sạch. Thương nhân mua tóc trực tiếp đến tu viện để mua những lọn tóc được đánh giá cao trước khi bán chúng cho nhà máy làm tóc giả.
Do sự hưởng ứng rất lớn từ hơn 100.000 người hiến tặng, cho đến nay 22 cây cầu và khoảng 20 dặm đường đã được xây dựng.
Trong văn hóa Myanmar có một câu nói: "Đối với một người phụ nữ, vẻ đẹp của bạn chính là tóc của bạn". Và tóc càng dài thì càng đẹp. Mái tóc được chải chuốt chu đáo, bóng loáng và được trang trí hoa nhài là tinh túy Myanmar như những nét thanaka vàng son trên khuôn mặt của hầu hết phụ nữ ở đất nước này. Trong khi kiểu tóc luôn thay đổi và các xu hướng thời trang mới, mái tóc dài màu đen vẫn giữ được sức hấp dẫn vượt thời gian của nó.
"Đối với phụ nữ Myanmar bị ép cắt tóc là nỗi đau, nhưng hiến tặng tóc một cách tự nguyện là một hạnh nguyện lành", Chit Chit Myint, một phụ nữ tham gia hiến tóc nói. Tâm trạng của phụ nữ tặng mái tóc của mình tại tu viện là một trong những niềm vui - không có hối tiếc, mặc cho nhận thức về mái tóc dài như một biểu tượng của nhân phẩm phụ nữ.
Sư Sayadaw U Weiponla nói phụ nữ hiến tặng mái tóc của mình vì hai lý do: "Thứ nhất, họ muốn đóng góp, như một phần của công việc từ thiện với chúng tôi. Và thứ hai, từ quan điểm tôn giáo, có hai loại đóng góp - đóng góp vật chất và hiến tặng các bộ phận cơ thể".
Phật tử cũng tin rằng hiến tặng một phần thân thể là cao thượng hơn. Sư Sayadaw U Weiponla cho biết thêm: "Bằng cách tặng tóc, người hiến tặng cắt đi sự quyến luyến đối với mái tóc của mình và trong khi nó không mang người đó thẳng đến Niết-bàn, thì điều đó có thể phục vụ như là một bước tiến tới giải thoát".
Tuy nhiên, dự án cầu tóc vàng không bắt nguồn từ tôn giáo. "Đây không dành cho một tôn giáo, mà dành cho tất cả các tôn giáo", Chit Chit Myint, người tình nguyện tại tu viện nói.
"Việc xây dựng những cây cầu và những con đường khác với các vấn đề tôn giáo khác, như khi chúng ta xây dựng một bảo tháp", cô nói. "Việc đó dành cho đời sau, hoặc cho niềm tin tôn giáo với nỗ lực chứng đắc quả vị nào đó, nhưng việc làm này là cho hiện tại".
Một tình nguyện tại tu viện khác là Daa Ni Ni Phar, một kế toán viên đã nghỉ hưu theo Hồi giáo, nói: "Xây dựng các cây cầu này có nghĩa là để giúp mọi người và không liên quan gì đến tôn giáo của một người. Đó là chuyện của lòng nhân đạo. Sáng kiến này được dẫn dắt bởi một nhà sư và tôi đang góp phần như một cá nhân, trên cơ sở nhân đạo và tôn giáo không có liên quan gì ở đây".
Trước đây dân làng sử dụng săm được bơm hơi để chở người qua sông. Bây giờ đối với những người đi bộ hoặc xe đạp qua cầu, mức sống đã tăng lên.
"Mỗi khi bạn ghé thăm nơi đây, bạn sẽ thấy sự phát triển - nhà mới, con người mới, các doanh nghiệp mới - đó là một điều tốt", Chit Chit Myint nói.
Đồng thời với việc xây dựng những cây cầu và những con đường mới, đóng góp cũng đang tài trợ cho một dự án trồng cây bên cạnh những con đường mới và xây dựng một trung tâm giáo dục cho trẻ em không đủ khả năng học tập tại trường.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc từ thiện của mình ở những nơi có thể, nơi mà chính phủ không thể tiếp cận được và nơi có cơ hội dành cho chúng tôi", sư Sayadaw U Weiponla nói.
Sức lao động đằng sau rất nhiều các dự án này đến từ những người tình nguyện dành thời gian của họ trong một ngày, một tuần hoặc thậm chí lâu hơn.
Phong trào hiến tóc dường như không chậm lại. "Điều này đang diễn ra và chúng tôi sẽ không bao giờ dừng lại", Chit Chit Myint nói.
Phụ nữ tiếp tục tặng mái tóc của mình mà không do dự - cho đi một thứ mà tất cả họ đều có để đổi lấy một cái nhân lớn hơn.
Văn Công Hưng
(theo DVB)