Viết tặng những ai đang chăm Mẹ bệnh
GNO - 24 giờ bên người bệnh bị liệt toàn thân vì tai biến mạch máu não là quãng thời gian tưởng chừng như vô tận đối với tôi. Vậy mà cô em gái của bạn tôi, rõ ràng hơn là một cô Ni nhỏ, đã ở bên và chăm sóc mẹ gần 24.000 giờ mà không hề chép miệng thở than! Một quãng thời gian có thể làm cho bao con tim khô héo, dù là kẻ hiếu thảo thường tục hay người chuyên nuôi bệnh cũng phải kính phục, nghiêng mình.
Gần 30 năm vừa là bạn học và hiện là cộng sự cùng chung một chỗ làm, tôi phần nào hiểu được bối cảnh gia duyên và cả những người thân thương của bạn ấy. Lẽ tất nhiên tôi cũng biết được cô em gái ngoan hiền, với pháp danh là Đ.Thuận, đã hiến mình cho đạo từ lúc tóc vừa chớm vai.
Với người xuất gia, hạnh phúc lớn nhất là được trầm mình trong kho tàng diệu pháp - Ảnh minh họa
Mặc dù duyên khởi xuất gia từ một ngôi thiền viện chuyên tu bên rừng tràm vắng lặng, nhưng Đ.Thuận đã không ngừng vun bồi, học hỏi và khá am tường trong lãnh vực phiên kinh. Vài tác phẩm nổi tiếng trong kinh tạng Bắc truyền vừa được chuyển dịch sang tiếng Việt trong những dạo gần đây như Pháp uyển châu lâm, Lược giải danh nghĩa luật Tứ phần, Giáo nghĩa khai thị ngộ nhập, Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma… là thành tựu chung của nhiều dịch giả mà trong số đó có cả tên cô.
Với người xuất gia, hạnh phúc lớn nhất là được trầm mình trong kho tàng diệu pháp, vì thi thoảng được gặm nhấm một vài pháp vị thảo thơm. Ước nguyện thanh cao đó, cô Ni nhỏ đã và đang thực hiện, nhưng không hề dễ dàng, vì phải xoay vần giữa chí nguyện phụng Phật và lòng hiếu thảo của một người con.
Bởi lẽ, với quỹ thời gian rất mực hạn hẹp vì phải chăm mẹ nằm liệt giường và cả chăm ba khi đau ốm, nhưng cô ấy đã hoàn thành mọi thứ để chong đèn lên chuyển dịch kinh thư. Lâu lâu, tôi được tặng vài cuốn sách mà cô đã tự mình phiên dịch theo thỉnh mời của các nhà xuất bản, lòng tôi chợt lặng khi thấy nỗ lực của em tôi, chính xác hơn là em của bạn tôi đã vượt khỏi chính mình.
Thầm tưởng, nửa đêm, nghe tiếng mẹ rên cần phải trở lưng hay trợ giúp các nhu cầu tự nhiên của cơ thể đã làm cho em tôi không thể tròn giấc ngủ. Thấp thoáng đó mà gần đủ ba thu!
Tôi biết có nhiều cô Ni sau khi hoàn thành học vị cao nhất ở đời hoặc ở đạo, đã và đang tìm thấy cho mình một con đường nhiều ý nghĩa để phụng sự, dấn thân. Tôi đã biết, có những vị Ni chỉ biết học và học trong mỏi mòn, từ năm này sang năm khác mà vẫn chưa thể xác quyết học để làm gì. Tôi cũng biết có nhiều phận Ni cứ mãi loay hoay trong dòng chảy tồn sinh, và lòng dường như nguội lạnh với chí nguyện thanh cao trong thuở ban sơ nhập đạo.
Và, tôi biết rõ bên đời có một cô Ni nhỏ, vừa chuyên dịch kinh thư vừa phát nguyện chăm sóc mẹ già bị liệt mà lòng chẳng nệ hà chuyện dơ bẩn, gớm ghê.
Mùa Vu lan về, đó đây người ta cài hoa hồng trên ngực áo. Riêng trong ngôi thất nhỏ vẫn có hoa hồng, nhưng đã sẩm màu vì lòng thương mẹ, kính ba.
Nghi Lâm
Mời bạn đọc viết "Vu lan trong tim con" Tòa soạn
Tháng Bảy - mùa Vu lan - mùa Hiếu hạnh. Đây là dịp để mỗi người ôn nhắc công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; ơn giáo dưỡng của thầy tổ... trong Tứ trọng ơn Phật dạy. Và đây cũng là cơ hội để những người con, học trò giãi bày với cha mẹ, thầy mình về những lỗi lầm lỡ phạm, kỷ niệm đã qua và lòng biết ơn sâu sắc.
Lời sám hối, câu xin lỗi không bao giờ muộn, giúp hòa giải và gắn kết, để mỗi người được nuôi dưỡng nguồn mạch tình thương, vun bồi cội rễ tâm linh cao đẹp.
Đức Phật dạy, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Hiếu với người tạo nên hình hài, dưỡng nuôi tâm thức, trao truyền giá trị tốt đẹp để mình có thể thấy trời cao, đất rộng... còn là đạo lý dân tộc. Vì thế, tháng Bảy - Vu lan, nếu bạn có những xúc cảm nào cần bày tỏ, những nỗi niềm nào cần được chia sẻ..., hãy gửi cho Giác Ngộ - chúng tôi tình nguyện bắc một nhịp cầu để bạn được trải lòng một cách nhẹ nhàng, bình an.
Biết đâu, mỗi con chữ của bạn sẽ trở thành món quà ý nghĩa, thành đóa hoa tươi thắm dâng tặng đấng sinh thành, tỏ lòng biết ơn người một đời giáo dưỡng để mình nên huệ mạng?
Mọi chia sẻ và bài viết của bạn đều được chúng tôi trân trọng đọc, chọn đăng trên tuần báo Giác Ngộ và Giác Ngộ online - để cùng góp tay khơi dậy tinh thần hiếu đạo nơi mỗi người, giúp mỗi người neo đậu lòng mình trước phong ba cuộc đời...
Bài vở (nếu được, có thể gửi thêm hình ảnh nhân vật trong câu chuyện) hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com (ghi rõ: gửi mục Vu lan trong tim con); nhận bài đến ngày 25-8 (rằm tháng Bảy).
Kính chúc quý bạn đọc có một mùa Vu lan an lạc, tinh tấn.