Hiểu một chút Duy thức học để xa rời khổ đau

Vững chãi nhận diện khổ đau để bước qua - Ảnh minh họa
Vững chãi nhận diện khổ đau để bước qua - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Khi sự ưu phiền xảy ra, con người không cần phải chạy trốn nó hay cầu khẩn van xin ai hết. Chỉ cần tìm một chỗ yên tĩnh, vắng người, dừng lại các tạp niệm, bắt đầu quan sát và đối diện với sự ưu phiền.

Hãy quan sát thật kỹ: 1. Hiện tượng ưu phiền, 2. Nguyên nhân của ưu phiền, 3. Sự chấm dứt ưu phiền, 4. (Làm cách nào để đi vào) con đường đưa đến sự chấm dứt ưu phiền.

Khi có sự ưu phiền, hãy mạnh dạn đối diện và ngắm nhìn nó. Sự ngắm nhìn một cách chuyên chú sẽ có hiệu quả, ưu phiền lập tức sẽ tan biến.

Sự ngắm nhìn - nhận thức của con người bao giờ cũng bị giới hạn bởi không gian, thời gian và tầm nhìn. Và thường khi đối diện với một thực tại nào đó, khi chúng ta chỉ thật sự nhận thức một phần rất nhỏ của thực tại mà thôi.

Cần lưu ý rằng, khi nói ý thức có thể tiếp xúc với thực tại (Tánh cảnh), có nghĩa là ý thức của trực giác (Hiện tượng) mà không phải là ý thức của suy luận (Tỷ lượng) hay của nhận thức phiến diện, sai lầm (Phi lượng).

Bất kỳ ý thức nào kèm theo một sự phân biệt dù nhỏ nhoi đến đâu cũng đều là ý thức của suy luận. Do vậy, ý thức chỉ tiếp xúc với thực tại thật sự khi và chỉ khi hoàn toàn vắng mặt mọi sự phân biệt.

Và hầu hết con người thường sống với thực tại ảo. Một thực tại hoàn toàn không thực, bị bóp méo, bị nhào nặn lại bởi ý thức chủ quan. Nó là một chất liệu kích thích sự khát vọng, thèm muốn và cũng là nguyên nhân gây ra khổ đau.

Hình ảnh của người yêu cũ cách đây nhiều năm, thảng hoặc nó vẫn hiện lên trong tâm thức của chúng ta. Và có người hằng sống với quá khứ, với những nỗi niềm đau khổ, tuyệt vọng. Các ảnh tượng của quá khứ sẽ không mất đi mà nó luôn luôn được ghi chép lại, được lưu giữ lại trong Tàng thức. Đó cũng là “một cuốn nhật ký” mà đi đâu bạn cũng mang theo.

Có thể nói, vãng cảnh (quá khứ) và viễn cảnh (tương lai) hầu như chi phối 90% đời sống của con người. Như thế có nghĩa là con người đã đánh mất cuộc sống thật sự (bây giờ và ở đây) của mình cho các nuối tiếc quá khứ và ước vọng tương lai.

Tôi đã đánh mất cuộc sống thật sự để đi vào mối liên hệ thường xuyên của ý thức và thực tại ảo (Đới chất cảnh). Suy nghĩ của tôi, đau khổ của tôi từ cơ thể đến tinh thần đều bị cái ảo chi phối.

Muốn an lạc cần phải giải trừ các tạp niệm trôi lăn trong diễn biến tâm lý của mình. Các hiện tượng tâm lý như: vui, buồn, khổ, lạc… là các động cơ chính gây nên sự bất an, rối loạn và khủng hoảng tâm lý.

Muốn tránh khủng hoảng, chúng ta cần đi vào hệ thống tu học: Hiểu rõ năm thức giác quan - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức. Chúng ta luôn tưởng vậy mà không phải vậy. Không để cho mê muội, bám theo cái giả mà tưởng cái thật, chực chờ sẵn để làm khổ mình. Và xem đó là cơ sở để ứng dụng tu tập, uốn nắn, giáo dục nhằm tạo ra một chuyển đổi trong toàn bộ cơ cấu của cấu hình tư tưởng.

Ở đây, mỗi cá thể được xem như là chủ nhân của hạnh phúc và khổ đau. Khi tâm tịnh và trí sáng thì con người trở nên minh tuệ, minh triết, giác ngộ, ngăn chặn khổ đau đến với mình.

Mỗi người sau khi nhận thức sự thật về nguồn gốc của khổ đau và hạnh phúc, hãy tự chọn cho mình một đời sống, một sinh mệnh theo ý muốn của mình. Hãy trở về với cấu hình tư tưởng ban đầu của mình. Nơi đó không có lấn át của bán cầu não dưới – nơi các sóng hám danh, hám lợi, hám tình bị nhiễm ô trong cuộc sống thường nhật chi phối làm cho con người không được bay bổng.

Không có một đấng quyền năng nào hay một kẻ siêu nhân nào có thể ngự trị và chi phối sinh mệnh của con người ngoài ý thức của chính con người ấy. Mỗi người tự nhận thức rõ ràng cái căn cớ của khổ đau và hạnh phúc, của thực tại ảo và thực tại như thực.

Và cũng từ đó, mỗi người tự kiến tạo cho mình một sinh mệnh và cuộc đời an lạc, hạnh phúc thật sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày