Hiếu tử thời @

GN - I. Nhiều lần theo dõi người mua báo, tôi nhận thấy thói quen ở một số người, đầu tiên họ tìm đọc mục tệ nạn xã hội. Hôm nào có xảy ra vụ án mạng giết người là báo như tôm tươi không đủ bán, cơ hội sinh ra dịch vụ photo bài báo kia đem rao bán nữa. Thiệt là… Thiệt là gì không biết!

thoi @.jpg


Ảnh: Như Danh

Phần tôi, chắc là còn nhiều người khác không để cho ma quỷ chen vô thế giới của riêng mình cho lòng u ám nặng nề, đọc báo tôi thường bỏ qua những tin đen hù hù như vậy. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng biết, bởi tiếng tốt truyền một ngày đường là hết, tiếng xấu bàn tán cả năm vẫn chưa kết thúc. Những câu chuyện tham nhũng, lừa gạt lẫn nhau là câu chuyện dài.

Sát sinh là giới cấm đầu tiên, ai phạm - theo Phật - thì phải bị đọa xuống địa ngục. Vậy mà xã hội ngày một ngày hai xảy ra vụ giết người, bạn bè đâm nhau, con bóp cổ cha mẹ, ông bà, chồng bỏ thuốc độc cho vợ, người làm công giết chủ nhân. Gần đây xuất hiện những tay máu lạnh trẻ tuổi giết người hàng loạt chẳng ghê tay như ở Bình Phước, Nghệ An.

Cả nước ngơ ngác giật mình vì tệ nạn xã hội như được trẻ hóa, thế là trong thâm tâm mọi người tự nhiên có câu hỏi - ta đang sống trong thời kỳ nào, giai đoạn nào. Thời tương lai Đức Phật Di Lặc xuất hiện dẫn dắt mọi người để chỗ hạnh phúc vui không dứt (lạc vô dư). Phải trải qua những tháng ngày cuộc sống nặng nề để rồi mới tới được ngày đó chăng. Hay đó là điềm, là dấu hiệu báo trước xã hội tuy là phát triển vật chất nhiều hơn xưa nhưng lại sai lầm ở những điểm, những khâu nào đó nếu không biết sửa chữa… hay cùng tắc biến, biến tắc thông. Thế nhưng tệ nạn xã hội có liên quan gì đến số báo đặc san có nội dung viết về chữ hiếu ở đây?

II. Câu trả lời khẳng định là có. Người theo đạo Phật chắc là hiểu rõ điều Phật dạy, mọi việc trên đời đều có liên quan với nhau. Bằng chứng dễ thấy, không khí nơi đô thị ngột ngạt nóng bức hơn chốn đồng ruộng. Lý do đô thị quá đông người, xe cộ nhả khói mịt mù. Có phải người đã góp phần làm biến đổi khí hậu, môi trường? Qua sự liên quan ấy cho thấy đã đành là biệt nghiệp của một người. Nhưng nguyên nhân nào dẫn tới nếu truy cho đến tận cùng - cái gọi là cộng nghiệp hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội… nó sẽ sinh ra một người tốt hay một đứa ác, có phải như vậy con người tạo ra xã hội phải chăng.

Trong Trường bộ kinh ghi lại câu chuyện mà tôi đọc đã lâu vẫn còn nhớ đại ý… Một vị vua muốn đem quân xâm chiếm nước lân bang. Nhà vua cho họp hội đồng cố vấn, các bậc trưởng lão tới bàn bạc nhưng nhà vua còn muốn nghe thêm ý kiến của chính Đức Phật. Vua sai một vị đại thần mang lễ vật tìm đến Tăng đoàn đang ngụ ở vườn Kỳ Viên để xin gặp Phật. Đức Bổn Sư không trả lời thẳng mà dịu dàng day qua hỏi ngài A Nan.

- Ông thường qua bên ấy khất thực?

- Bạch Phật, đúng vậy.

- Vậy ông nhìn thấy những gì hãy nói lại, có sao ông hãy nói vậy. Ở đó vua, tôi có sống gương mẫu; có ban hành những luật lệ hợp với truyền thống, lòng người; người tụ họp trong đoàn kết và giải tán trong vui vẻ đoàn kết?

Ngài A Nan trả lời “có”, Đức Phật tiếp tục hỏi, ở đó có tôn sùng đảnh lễ các bậc đạo đức, tu sửa chùa chiền? Ngài A Nan trả lời đúng vậy. Phật mới hỏi câu cuối cùng: - Ông có thấy việc cưỡng ép phụ nữ, trẻ con, vợ chồng gây gổ nhau, con cái bất hiếu ngược đãi cha mẹ?

- Bạch Phật, quả tình con không thấy. Trái lại, con thấy người nơi đây sống biết kính trên nhường dưới, vợ chồng thương yêu đùm bọc, con cái rất là hiếu thảo với cha mẹ.

Đức Phật nghe xong từ tốn day qua vị đại thần:

- Ông nghe rồi chớ. Một nước mà có cuộc sống tốt đẹp như vậy, tất nhiên tinh thần phải cao, ông không thể đánh bại người ta.

Ta thấy Phật đã chỉ rõ các yếu tố để xã hội, đất nước trở nên hùng mạnh không bị người xem thường hiếp đáp. Qua đó nhìn lại xã hội, đất nước của ta hiện nay. Thật là khó hình dung ngay nhưng có điều mà như ai cũng nhận thấy. Xã hội bước vào thời mà có nhiều người gọi là thời @, vật chất khoa học phát triển đem tiện nghi đến từng nhà. Thế nhưng, lối sống chạy theo vật chất dẫn tới giàu nghèo xa cách nhau, nhà như ốc đảo không biết tới ai. Quá lệ thuộc vật chất, người sinh ra tham lam, ích kỷ, sân si bất chấp những thủ đoạn để kiếm cho thật nhiều tiền khiến người quên đạo đức, mẫu mực làm gương cho kẻ khác, nhất là làm gương cho con. Từ đó sinh ra bệnh dối trên, lừa dưới và nhiều chứng bệnh khác tạo ra những thành kiến, nghi ngờ lẫn nhau. Một khi người đã không còn niềm tin thì ta biết xã hội phải cần sửa đổi lại. Sửa lỗi từ đâu? Có phải từ lâu nền giáo dục dạy cho trẻ nhiều điều nhưng lại là một nền giáo dục thất bại vì không chú ý đến giáo dục đạo đức công dân, giáo dục tâm hồn con người?

Mà nói về đạo đức thì hiếu hạnh đứng đầu, vì từ nó sinh ra những đức tính tốt đẹp khác. Có phải một người biết hiếu thảo khi làm việc gì cũng nghĩ tới cha mẹ phải chịu liên can nên ít gây ra những hành động gây tội lỗi. Ngược lại, đứa con ngỗ nghịch, đứa hoang tàn như bất chấp; quan sát các phạm nhân ta thấy rất rõ điều này. Một xã hội tốt đẹp hay đầy dẫy những tệ nạn như đã nói, xét kỹ nguyên nhân có phần lỗi là do ở chúng ta có sống mẫu mực làm gương cho người hay không.

III. Cha mẹ nuôi dưỡng tôi, tôi chăm sóc lại cha mẹ đầy đủ sòng phẳng. Hay là cha mẹ nuôi tôi, tôi nuôi con, đấy là bổn phận. Kiểu suy nghĩ về hiếu như là món nợ, thật ra hiếu không phải như vậy, vì rõ ràng công lao cha mẹ sinh con nuôi cho khôn lớn bao giờ cũng lớn hơn. Và ở đây không nói về công lao mà nói về tình thương của cha mẹ đối với con cái lai láng như biển như trời.

Thông thường, khi nói về chữ hiếu, quý thầy hay nói mênh mông chung chung, không chỉ thẳng ra mỗi thời kỳ hiếu hạnh có những đặc điểm khác nhau. Thí dụ trong sách ghi lại các câu chuyện Thoại Khanh - Châu Tuấn, nàng dâu lóc thịt bắp đùi nấu cháo cho mẹ chồng ăn. Một người vì thương mẹ phải chôn con để dành miếng ăn cho mẹ. Một người khác thấy mẹ vào mùa đông lại thèm măng liền ra nằm ôm mấy bụi tre cho ấm để măng mọc lên. Thử hỏi người lăn ra chết giữa trời băng tuyết lấy ai nuôi mẹ. Những câu chuyện như vậy nghe rất vô lý nhưng tôi lại tin.

Tôi tin có những người con hiếu hạnh cao cả sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cho cha mẹ. Nhưng đó là thời hoàng kim, thời đã qua không bao giờ trở lại, con người có những hành vi cao thượng dũng cảm không ai tưởng tượng ngờ được, để rồi nó như có trong chuyện cổ tích. Thí dụ như những chuyện về tiền thân của Đức Phật, đã có lần Phật bố thí sinh mạng để cứu bầy cọp đói nghe như huyền thoại. Nói cho mênh mông, chữ hiếu rút gọn có ba đặc điểm - Một là nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ già - Hai là sinh con nối dòng - Ba là không được làm cho cha mẹ xấu hổ, ra đường phải cúi mặt chẳng dám nhìn ai.

Như đã nói, chữ hiếu ở mỗi thời kỳ có những đặc điểm khác nhau. Vào thời xã hội sống bằng nông nghiệp mùa màng khi trúng khi thất, cần nhiều sức lao động. Việc nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ và sinh con nối dòng là đặc điểm chữ hiếu của thời xưa. Thời đại ngày nay, việc sinh con nối dòng không đặt thành vấn đề nữa, hơn nữa vô sinh đã có khoa học. Ngày nay vật chất, thuốc men dồi dào nên việc nuôi dưỡng cha mẹ già cũng trở nên nhẹ nhàng. Nhiều ông bà già có lương hưu lo ngược cho con nữa là khác.

Ngày nay, lối sống vật chất lên ngôi, con người rất dễ sa ngã, dễ rơi vào vòng tội lỗi. Tệ nạn xã hội là dấu hiệu xã hội xuống cấp báo động, những gì đó bề ngoài đã làm đổ vỡ bên trong tâm hồn con người. Đây chính là điều đáng nói khi người sống mà nhìn về đâu cũng không thấy gương sáng mẫu mực để noi theo. Vì vậy, đặc điểm chữ hiếu của người thời nay là gì? Thời @, người rất dễ nổi tiếng, nếu không làm cho cha mẹ được tiếng thơm lây, ngẩng cao đầu hãnh diện thì thôi… chớ nên làm cho cha mẹ xấu hổ được tòa mời ra ngồi xem con đứng trước vành móng ngựa để rồi cha mẹ xấu hổ không dám nhìn mặt mọi người, về nhà mòn mỏi khóc thầm vì con. Hiếu tử thời @ đầu tiên phải làm phải chăng là như vậy! 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày