Hình tượng Ngựa trong chùa xưa ở Bắc Bộ

GN Xuân - Người xưa đã huyền thoại hóa ngựa trở thành loài vật linh thiêng, hóa thân vào đời sống văn hóa tâm linh với đa dạng hình tượng nghệ thuật sinh động. Quan sát hệ thống kiến trúc cổ ở Bắc Bộ, rất dễ dàng tìm thấy hình ảnh về ngựa khắc trên vách, bức cốn, cửa võng… của chùa chiền.

a7_ ma dau quan am o chua Cat Que.JPG
Tượng Mã đầu Quán Âm ở chùa Cát Quế (Hoài Đức - Hà Nội) - Ảnh: M.K

Thời xưa, ngựa là một trong những loài vật gần gũi nhất đối với con người. Nhanh nhẹn và thông minh, ngựa không chỉ là phương tiện giao thông quan trọng, mà là người bạn chí tình, bởi vậy người ta đã lấy hình ảnh con ngựa để ẩn dụ những ý tưởng mang tính nhân văn sâu sắc.

Có lẽ hình tượng ngựa xuất hiện sớm nhất của mỹ thuật Việt Nam là ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), vào khoảng giữa thế kỷ XI, dưới hình thức chạm tròn nguyên khối đá với đôi ngựa nằm ngang cùng với voi, sư tử, trâu và tê giác. Cả 10 con thú đá dàn hàng chầu trước tòa trước chính điện này cùng có niên đại tạo tác vào năm 1057. Trong đó, hai con ngựa đá béo tốt, hình khối căng tròn biểu hiện sự no đủ, sung túc.

Ở ngôi cổ tự này, ngựa còn thấy xuất hiện trên đài sen, hàm nghĩa nó được Phật giác ngộ rồi tự nguyện chở kinh đi khắp nơi để giáo hóa chúng sinh. Trong số hàng trăm hiện vật được khai quật ở chùa Phật Tích năm 2008, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều tượng thiên thần Kinnari với những kích cỡ khác nhau. Kinnari là hình tượng phổ biến trong Phật giáo ở Ấn Độ, được mô tả là vị thần nhạc công nửa người nửa ngựa.

 Am Ngọa Vân trên núi Yên Tử là nơi được Phật hoàng Trần Nhân Tông cho dựng vào năm 1307 làm nơi tu hành và  giảng pháp, ngày nay tuy đã bị phá hủy, nhưng các dấu vết nền móng còn lại và ba bệ hoa sen, một tượng voi và một tượng ngựa bằng đá. Trong các ngôi chùa cổ, hiện diện rất phổ biến những đôi ngựa bạch - ngựa hồng tạo tác bằng gỗ để biểu hiện cho quan hệ âm - dương.

Tại tòa Tam bảo chùa Thầy, tượng ngựa đỏ bày ở gian phải tòa thượng điện và tượng ngựa trắng bày ở một gian nhỏ tại tiền đường có cửa trang trí con tiện để đứng ngoài vẫn thấy bên trong. Hai tượng ngựa được tạo tác với hình dáng và kích thước khá giống nhau: cao 2,1m; dài 1,47 m; ngực rộng 0,94m; đều có niên đại thế kỷ XIX. Ngựa được tạc trong tư thế hai chân trước đứng thẳng, hai chân sau hơi nhún, thân hình cao thon, tai hướng về phía trước, mặt dẹt, mắt hình ô trám, lưng thắng yên và có vải phủ kín lưng trên có thêu hoa, lá, rồng…, cổ đeo một vòng chuông. Xung quanh đầu và miệng là các tua, gù màu vàng buông dài xuống ngực. Toàn bộ ngựa được đặt trên xe bốn bánh có thể di chuyển được.

Theo các cụ ở đây cho biết, tương truyền khi vợ của Sùng Hiền hầu sinh thái tử, ngựa đỏ đã chạy về báo trước nên được thả, còn ngựa trắng thì bị nhốt. Trong lễ rước của hội chùa hàng năm, ngựa hồng bao giờ cũng được làng Thụy Khuê dẫn đi trước, theo sau là ngựa trắng do làng Đa Phúc dẫn theo sau, nhưng lúc về thì ngựa hồng và ngựa trắng được hoán đổi cho nhau. Tượng ngựa ở đây khi được rước đi khắp nơi như sự lan tỏa ánh sáng hạnh phúc từ Phật và Thánh đến với mọi người dân.

 Trong nghệ thuật Phật giáo có loại hình tượng Mã đầu Quán Âm, được nhắc tới trong sách Quán Thế Âm Lục Quán Âm, với phong cách đặc trưng là có 3 đầu hai tay, hoặc ba mặt tám tay. Trên đỉnh của ba mặt đều mang hình đầu ngựa, hóa thân này là của Đức Quán Âm bởi tâm đại bi, không đi vào Niết-bàn mà cư ngụ trong các cảnh giới vô minh để cứu độ những ác thú. Mặc dù Mã đầu Quán Âm rất phổ biến trong chùa ở Trung Quốc, thế nhưng ở Bắc Bộ nước ta đều chưa tìm thấy pho tượng nào giống với những mô tả như những cuốn sách trên. Tuy vậy, có kiểu tượng Quán Thế Âm đứng cạnh ngựa cũng được các nhà nghiên cứu xếp vào nhóm tượng Mã đầu Quán Âm.

Ở Bắc Bộ đã thống kê được 7 pho tượng như vậy, cùng niên đại thế kỷ XIX, được làm từ hai chất liệu gỗ và đất với chiều cao trung bình 90-110cm, ngang vai 27-30cm. Các tác phẩm này đều tạc người phụ nữ ngồi trên giả sơn, gương mặt trái xoan tươi tắn, mắt phượng mày ngài, hai tai to với dái tai chảy tràn đầy vẻ phúc hậu. Đầu tượng đội mũ làm theo kiểu thu dần về phía trên, vành mũ sát chân tóc chạm nổi hình hoa cúc (chùa Đông Khê, chùa Hương Trai, chùa Cát Quế); hay tạo hình cánh sen (chùa Địch Vỹ); hoặc để trơn (chùa Phương Bản, chùa Hạ Hiệp). Áo tượng kiểu chui đầu, phần trên ôm sát thân, phần dưới hơi thụng và xòe ra, rủ nếp mềm mại chảy tràn xuống chân, thắt lưng buộc nút con do tạo hình hoa trước bụng.

Riêng tượng chùa Hương Trai được trang trí cầu kỳ thành những băng hoa văn ở phần ngực và các dải áo phủ bên ngoài tương tự như áo của các vũ nữ thiên thần. Ngựa được tạo hình khá thật ở sát một bên sườn của tượng (bên phải hoặc bên trái) nhưng chủ yếu chỉ nhìn rõ nửa đầu và hai chân trước, nửa thân sau bị thân người che khuất. Tượng ngựa có 2 màu chủ đạo là trắng hoặc nâu sẫm. Một tay của tượng đặt trên đầu ngựa hay lưng ngựa, tay kia đặt trên gối hoặc giơ lên trước ngực trong các thế ấn khác nhau.

a1_ngua go o chua Thay _ngua hong2.JPG


Ngựa gỗ ở chùa Thầy - Ảnh: M.K

a8_hang thu da truoc chinh dien chua Phat tich2.jpg
Hàng thú đá trước chính điện chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tạc năm 1057,
trong đó tượng ngựa đá ở vị trí ngoài cùng - Ảnh" M.K

 Nghệ thuật điêu khắc luôn chiếm địa vị quan trọng trong xã hội Việt Nam, đặc biệt trang trí trên vách, những bức cốn, cửa võng nơi chùa chiền. Với kỹ thuật chạm nổi, đục thủng, chạm lộng, bong kênh bằng những đường nét chạm khắc tỉ mỉ, sắc gọn, diễn tả các đề tài thiên nhiên, thể hiện những ước vọng thanh bình, dung dị của cuộc sống của con người. Trong đó, hình ảnh ngựa xuất hiện khá dày đặc, diễn tả nhiều tư thế khác nhau: đang phi nước đại hay đang bay trong làn mây xanh; đang rong ruổi trên chặng đường dài cùng những ông quan đội mũ cánh chuồn; hình ảnh người cưỡi ngựa phía sau có người hầu; hình ngựa lồng, ngựa nô dỡ, gặm cỏ, uống nước... 

Ngựa tạo hình dân gian ở chùa chiền lắm kiểu cách, phổ biến nhất là những mô-típ “bát mã quần phi”, “long mã”, “vân mã” (ngựa bay trên mây), “mã hầu” (khỉ ngồi trên ngựa). Đặc sắc như hình ảnh ngựa đá nhau được chạm trổ trên hương án chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) vào thế kỷ XVII, khỉ cưỡi ngựa trên vách chùa Tây Mỗ (Hà Nội) thuộc thế kỷ XIX, những chú ngựa vượt qua hoa lá chạm đá trên văn bia tại chùa Linh Quang (Hải Phòng)... Thậm chí, ngựa còn xuất hiện cả trên từng viên gạch, viên ngói lợp mái chùa. Khi khảo cổ nền móng chùa Lạng ở tỉnh Hưng Yên, các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều viên gạch có khắc hình ngựa bay được sản xuất từ thời Lê - Mạc.

 Từ thời nhà Mạc trở đi, con ngựa đã vượt qua ý nghĩa tầm thường để thành Long mã: đầu rồng, thân ngựa, vẩy cá chép, chân hươu, đuôi bò. Đề tài để người nghệ sĩ dân gian sử dụng làm nguồn cảm hứng tạo tác hình ảnh long mã chính là ngựa bạch trong truyện Tây du ký.

Tiểu Bạch Long vốn là Tam Thái tử của Tây Hải Long Vương vì mắc tội nên đáng lẽ bị Ngọc Hoàng xử tội chết, nhưng nhờ được Quan Âm Bồ-tát cứu độ, nên Tiểu Bạch Long biến thành ngựa cho Đường Tăng cưỡi sang Tây Trúc. Trong nghệ thuật dân gian, rồng bay lên nghĩa là tung, ngựa chạy ngang nghĩa là hoành, nên long mã tượng trưng cho thời gian và không gian, biểu hiện cho vũ trụ vận động.

Ở chùa Thầy (Hà Nội), hình ảnh long mã được chạm trên cửa võng điện Phật, trên câu đối, trên áo tượng Khuyến Thiện, trên nhang án điện Thánh. Độc đáo nhất là cửa võng điện Phật có niên đại thế kỷ XIX, với long mã cõng hà đồ, nét khác biệt ở đây là linh vật này không chỉ mang thân hình của ngựa, mà chân cũng đúng móng guốc của loài ngựa. Vừa là hoành phi, vừa là cửa võng nơi thể hiện kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật, gợi nên ý nghĩa lớn lao về quan niệm triết học đề cao vai trò của sự hài hòa âm dương trong cuộc sống, bởi đó là cội nguồn để tạo nên  tất cả vạn vật - đó cũng là một triết lý sâu sắc mà Phật giáo muốn gửi đến chúng sinh thông qua nghệ thuật tạo hình.

Những hình ảnh long mã đẹp còn phải kể đến như trên bức cốn ở chùa Ngọc Lộ (Hải Dương), bức cốn ở chùa Chi Đông (Hà Nội), ở chùa Trà Phương (Hải Phòng)... đều là các tác phẩm nghệ thuật điêu luyện, hết sức tinh xảo đạt trình độ thẩm mỹ cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày