GN - Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến cuối tháng 5, Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng người nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19.
Từ giữa tháng 3, khi Tổng thống nước này tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn quốc, hầu hết các cơ sở Phật giáo tại đây đã bắt đầu dừng các hoạt động tu học tại chỗ và chuyển sang sinh hoạt online để giảm sự lây lan của bệnh dịch.
Một góc Trung tâm tu học Khu vườn Ngàn vị Phật ở Arlee (Montana, Hoa Kỳ)
Thông tin từ The Buddhist Door, nhiều trung tâm và cơ sở Phật giáo tại Hoa Kỳ tiếp tục gia hạn thời gian mở cửa trở lại đến tháng 6 và tháng 7. Trong đó, Hội Thiền nội quán - Trung tâm Phật giáo Barre (Massachusetts) thông báo đóng cửa khóa tu tại trung tâm, kể cả các khóa tu trong rừng đến đầu tháng 7.
Toàn bộ chương trình tu học của Trung tâm Thiền nội quán Spirit Rock (Woodacre, California) đang được duy trì trực tuyến thông qua website. Trung tâm tu học Khu vườn Ngàn vị Phật ở Arlee (Montana) đã chuyển các khóa tu mùa xuân sang hình thức trực tuyến và hoãn chương trình Phật học mùa hè thường niên, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 7.
Tương tự, Trung tâm Kagyu Sukha Chöling (Ashland, Oregon) đã đóng cửa các hoạt động trong tháng 5 qua. Và chùa Tây Lai thuộc Phật Quang Sơn tại Hacienda Heights, California cũng ngừng tất cả hoạt động và chưa có thông báo về thời gian sinh hoạt trở lại.
Tuy nhiên, vừa qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã phát hành tài liệu hướng dẫn mới, phục vụ cho việc mở cửa trở lại các cơ sở tôn giáo tại nước này, theo yêu cầu của người đứng đầu Nhà Trắng. “Sinh hoạt tôn giáo, cầu nguyện là hoạt động thiết yếu trong đời sống người dân” - Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh.
Theo đó, các cơ sở tôn giáo muốn mở cửa trong thời gian dịch bệnh phải đảm bảo các yêu cầu như: vệ sinh cơ sở vật chất mỗi ngày, cung cấp xà phòng và dung dịch rửa tay cho người đến sinh hoạt, khuyến khích sử dụng khẩu trang vải, giữ khoảng cách tương tác, hạn chế việc dùng chung hay chia sẻ các vật dụng tại cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo.
“Với nhiều truyền thống tôn giáo, tập trung cầu nguyện và thực hiện các nghi lễ là điều trọng yếu nhưng hiện nay, người dân cần ý thức rằng tụ họp đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chúng tôi đưa ra gợi ý để các cộng đồng tôn giáo điều chỉnh, thực hiện phù hợp với truyền thống của mình, vừa đảm bảo nhu cầu tôn giáo vừa ngăn chặn dịch bệnh lây lan” - CDC nêu rõ trong tài liệu hướng dẫn vừa phát hành.
Đăng Minh
(theo The Buddhist Door, CNN)