Hoa Kỳ: Pháp hội Thời luân cho Hòa bình thế giới tại Washington D.C

Giác Ngộ - Từ ngày 6-7 đến ngày 16-7-2011, tại thủ đô Washington D.C của Hoa Kỳ, Hiệp hội Người Tây Tạng ở khu vực thủ đô (The Capital Area Tibetan Association - CATA) phối hợp với cộng đồng người Tây Tạng, cộng đồng người Mông Cổ, người Kalmyk và cộng đồng những người dân sống ở vùng Hymalaya để cùng tổ chức Pháp hội Thời luân cho Hòa bình thế giới (Kalachakra for World Peace).
Hoa ky 2.JPG

Thính chúng tham dự pháp thoại của Đức Dalai Lama

Theo truyền thống Mật tông, Thời luân (Kalachakra) là một pháp tu do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy lúc Ngài còn tại thế và đã được truyền thừa cho đến ngày nay. Đây là một pháp tu rất quan trọng trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng, được xem như là một trong những pháp tu thượng thừa trong phương pháp luyện Mật giáo Yoga. Hàng năm, cộng đồng Phật giáo Tây Tạng đều tổ chức pháp hội để xiển dương pháp tu này. 


Trong chương trình pháp hội được tổ chức tại thủ đô Washington D.C lần này có nhiều sự kiện rất đặc biệt. Càng đặc biệt hơn là pháp hội năm nay có sự hiện diện của Đức Dalai Lama. Ngài đến chứng minh cho pháp hội và giảng pháp, ban phúc lành cho mọi người đến dự pháp hội. Thời điểm diễn ra pháp hội cũng trùng với dịp sinh nhật lần thứ 76 của Đức Dalai Lama, cho nên trong ngày 6-7, ngày đầu tiên của pháp hội, Ban Tổ chức đã tổ chức lễ mừng thọ Đức Dalai Lama. 

Sáng ngày 6-7, Ban Tổ chức đã tổ chức lễ diễu hành truyền thống đi qua các đường phố ở trung tâm của thủ đô Washington D.C để mừng thọ Đức Dalai Lama. Rất đông tín đồ Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau và cả những cá nhân, đoàn thể người phương Tây đã tham gia vào đoàn diễu hành. Vào tối ngày 6-7 diễn ra nghi thức mừng thọ theo nghi thức truyền thống của người Tây Tạng cùng với chương trình biểu diễn văn nghệ để mừng thọ Đức Dalai Lama. 


Ngày 9-7, tại khuôn viên phía Tây của tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, Đức Dalai Lama có bài pháp thoại về vấn đề hòa bình trên thế giới. Đây là buổi pháp thoại dành cho công chúng, không có bán vé, tất cả mọi người được phép vào tham dự. 

Chính vì vậy mà đã có hàng chục nghìn người, đủ mọi sắc tộc, đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, đã đến tham dự buổi pháp thoại của ngài. Mặc dù phải ngồi trên thảm cỏ, không có ghế ngồi, nhưng hầu hết thính chúng đều cảm thấy niềm an vui và hạnh phúc tràn ngập trong lòng khi được diện kiến Đức Dalai Lama, được trực tiếp nghe những lời giáo huấn từ ngài. 


Trong khuôn khổ của chương trình pháp hội, mỗi ngày đều có các thời khóa tụng niệm cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc. Một chương trình xuyên suốt và không thể thiếu của pháp hội đó là các buổi pháp thoại. 

Bên cạnh thời pháp thoại do chính Đức Dalai Lama ban bố vào ngày 9-7, Ban Tổ chức còn mời khá nhiều vị diễn giả có uy tín đến thuyết giảng, để cho thính chúng, những người tham dự pháp hội, được tắm gội trong cơn mưa pháp trong khoảng thời gian diễn ra pháp hội. Trong số đó có các vị nổi tiếng như ngài Samdhong Rinpoche, Tiến sĩ Lobsang Sangay, Tiến sĩ Thubten Jinpa, Ni sư Thubten Chodron… 


Ngài Samdhong Rinpoche sinh năm 1939 tại tỉnh Kham của Tây Tạng. Ngài được xác nhận là thân tái sinh của ngài Samdhong Rinpoche thứ IV lúc ngài được 5 tuổi. Ngài bắt đầu xuất gia tu học lúc 12 tuổi và đã tốt nghiệp tiến sĩ Phật học tại Đại học Drepung, Tây Tạng năm 1970. Vào năm 1959, ngài rời Tây Tạng và đến sống ở Ấn Độ. Tại Ấn Độ, Đức Dalai Lama giao cho ngài nhiệm vụ giáo dục cho Tăng sĩ Tây Tạng ở Ấn Độ.  


Tiến sĩ Lobsang Sangay tốt nghiệp đại học tại Đại học Delhi, Ấn Độ. Vào năm 2004, tốt nghiệp tiến sĩ Luật tại Đại học Harvard. 


Tiến sĩ Thubten Jinpa sinh ra ở Tây Tạng vào năm 1958. Lúc nhỏ được đào tạo trong tu viện Zongkar Chöde ở Nam Ấn. Jinpa đã tốt nghiệp tiến sĩ Phật học và sau đó thì tốt nghiệp tiến sĩ Tôn giáo học tại Đại học Cambridge, Anh quốc. Tiến sĩ Jinpa là một thông dịch viên tiếng Anh chính của Đức Dalai Lama trong hơn 20 năm nay và ông đã dịch, biên tập rất nhiều sách của Đức Dalai Lama. Bên cạnh đó, ông cũng đã xuất bản một số sách do chính ông viết.


Ni sư Thubten Chodron sinh năm 1950, và lớn lên ở vùng gần Los Angeles. Vào năm 1975, Chodron tham gia khóa thiền do ngài Lama Yeshe ngài Zopa Rinpoche tổ chức. Sau đó thì cô Thubten Chodron đã đến tu viện Kopan ở Nepal để tiếp tục nghiên cứu và thực tập giáo pháp của Phật. Vào năm 1977 thì được thọ giới, trở thành một vị nữ tu sĩ Phật giáo tại Dhramsala, Ấn Độ. Và đến năm 1986, cô Thubten Chodron được thọ Đại giới, chính thức trở thành Tỳ-kheo-ni tại Đài Loan. Hiện nay, Ni sư là một trong những người nữ tu sĩ Phật giáo có uy tín ở phương Tây, đã xuất bản nhiều tác phẩm Phật học, được mời thuyết giảng và hướng dẫn tu tập ở nhiều nơi. 


Lễ bế mạc của Pháp hội Thời luân cho Hòa bình thế giới diễn ra vào ngày 16-7, với sự chứng minh và chủ trì của Đức Dalai Lama. Cũng trong dịp này, Đức Dalai Lama làm lễ chúc phúc cho tất cả mọi người tham dự pháp hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày