Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu: Công tác tổ chức Đại hội IX của GHPGVN đã được chuẩn bị chu đáo

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tổ chức Đại hội - Ảnh: Tường Long/BGN
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tổ chức Đại hội - Ảnh: Tường Long/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ban Tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, diễn ra những ngày cuối tháng 11-2022 tại Hà Nội. GHPGVN đã thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện các công tác cho sự kiện quan trọng này của Giáo hội, bảo đảm sự thành công tốt đẹp.

Nói với báo Giác Ngộ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự cho biết Ban Chỉ đạo Đại hội gồm 10 vị Trưởng ban. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đảm nhiệm Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng ban Nhân sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự đảm trách Trưởng ban Thi đua khen thưởng; tôi - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đảm nhiệm Trưởng ban Tổ chức.

Tam quan chùa Quán Sứ - Ảnh: Đăng Huy

Tam quan chùa Quán Sứ - Ảnh: Đăng Huy

Ban Nội dung do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự làm Trưởng ban; Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông Trung ương làm Trưởng ban Thông tin, báo chí; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương làm Trưởng ban Tuyên truyền hoằng pháp;

Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương làm Trưởng ban Triển lãm, văn nghệ; Hòa thượng Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng I Trung ương GH làm Trưởng ban An ninh; Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng II Trung ương GH làm Trưởng ban Điều phối đại biểu các tỉnh thành phía Nam; Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng ban Kinh tế-Tài chính Trung ương làm Trưởng ban Tài chính Đại hội.

“Cho đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo đã có nhiều phiên họp, thành lập nhân sự và triển khai, rà soát kế hoạch một cách chi tiết cũng như kịch bản các chương trình từng lĩnh vực. Có thể khẳng định rằng, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ IX của GHPGVN thực sự chu đáo, bảo đảm Đại hội được diễn ra đúng với chương trình và thành công tốt đẹp”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định.

Được biết, 1.091 đại biểu chính thức sẽ được bố trí lưu trú ở khách sạn Tổng Liên đoàn Lao động (95 Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); khách sạn La Thành (phố Đội Cấn, Hà Nội); khách sạn Hà Nội Golden Lake View (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) và khách sạn Daewoo (360, phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội). Việc bố trí khách sạn sẽ được thông báo sớm đến các đoàn đại biểu tham dự. Ban Tổ chức sẽ đón tiếp các đại biểu từ Sân bay Nội Bài và Ga Hà Nội về các nơi lưu trú theo quy định.

Liên quan tới triển lãm và văn nghệ, Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho báo Giác Ngộ biết triển lãm sẽ có 2 phần gồm hình ảnh các hoạt động thành tựu Phật sự của GHPGVN và triển lãm hiện vật tại sảnh, khu vực bên ngoài của Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Bên cạnh đó còn có các chương trình văn nghệ đặc sắc và triển lãm mỹ thuật Sen đầu hạ chào mừng Đại hội.

Công tác âm thầm đặc biệt quan trọng về ẩm thực, Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết Ban Tài chính Đại hội tổ chức đoàn hậu cần lo thức ăn trong suốt thời gian diễn ra Đại hội tại các điểm lưu trú bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng và phong phú trong chế biến món để phù hợp khẩu vị cho đại biểu các vùng, miền tham dự.

“Chúng tôi tổ chức đoàn hậu cần với gần 200 người lo việc bếp núc và mua sắm trang thiết bị nhà bếp, các xe thực phẩm từ TP.HCM ra Hà Nội, cùng với việc bổ sung thêm 100 người tại đây để phân bố cho các bếp, chủ động hoàn toàn nhân sự và nguồn thực phẩm sạch phục vụ chế biến ẩm thực cúng dàng chư tôn đức, Tăng Ni, đại biểu ngày 3 bữa, với chất lượng cao nhất có thể” - Thượng tọa Thích Thanh Phong, người có kinh nghiệm chỉ đạo việc hậu cần, ẩm thực trong các kỳ Đại hội, đặc biệt là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc với gần 10.000 người ăn cùng lúc tại Việt Nam, nói với báo Giác Ngộ trước thềm Đại hội.

Được biết dự tính kinh phí về công tác ẩm thực cho 1.091 đại biểu và 500 nhân sự phục vụ, chưa bao gồm khách mời tham dự Đại hội lần thứ IX sắp tới mà Ban Tài chính lên kế hoạch gần 5 tỷ đồng.

Ngày 23-11, Ban Chỉ đạo có phiên họp rà soát toàn diện công tác của 10 Ban trực thuộc, nhằm bảo đảm cho Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 được thành công, để lại ấn tượng trang nghiêm, tốt đẹp trong lòng đại biểu, người tham dự.

Chương trình Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Ngày 26-11-2022 (3-11 Âm lịch)

- Tiếp đón đại biểu

Ngày 27-11-2022 (4-11 Âm lịch)

* 7g30: Quý đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ Bắc Sơn.

* 8g30: Cắt băng khai mạc triển lãm thành tựu Phật sự của GHPGVN tại khu vực triển lãm Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô.

* 9g: Họp Ban Tổ chức Đại hội và 2 Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự để rà soát lại công tác và nội dung, chương trình Đại hội.

* 14g: Toàn thể đại biểu tham dự Đại hội phiên trù bị tại hội trường.

* 19g30: Biểu diễn văn nghệ tại Hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô.

Ngày 28-11-2022 (5-11 Âm lịch)

* 7g30: Đại biểu ổn định tại Hội trường Đại hội (đại biểu các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự các tỉnh, thành phố; đại biểu khách mời các Ban, Bộ ngành Trung ương; đại biểu các tổ chức Phật giáo quốc tế; Phật tử Việt kiều).

Tại chùa Quán Sứ: cử hành lễ cầu nguyện tại chính điện với thành phần dự lễ gồm: Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự. Nghi lễ cầu nguyện do Đức Quyền Pháp chủ và Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN chủ trì.

* 7g30: Ban Kinh sư cung rước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự từ chùa Quán Sứ đến hội trường Đại hội.

* 7g45: Đón tiếp các đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phòng khách của Hội trường Đại hội.

* 8g: Khai mạc Đại hội.

* 11g30: Đại hội nghỉ trưa.

* 14g: Tham luận của các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố và của các đại biểu.

* 16g15: Tờ trình dự thảo Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ 7 và xin Đại hội biểu quyết thông qua.

* 17g: Kết thúc ngày làm việc thứ nhất.

* 19g: Thuyết giảng chủ đề Đại hội IX; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (Hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô).

Ngày 29-11-2022 (6-11 Âm lịch)

* 8g: Đại hội biểu quyết và cử hành nghi thức tấn phong giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư.

* 8g30: Công tác nhân sự nhiệm kỳ IX (2022-2027).

* 9g: Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự (tại phòng họp riêng).

* 9g30: Phiên bế mạc Đại hội.

Thông báo kết quả suy tôn Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, suy tôn Đức Pháp chủ và suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự, các chức danh Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.

Nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ.

Thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội.

Diễn văn bế mạc Đại hội.

* 11g30: Đại hội bế mạc thành công.

Buổi chiều

- Tiễn các đại biểu trở về địa phương.

* 16g30: Quý Hòa thượng lãnh đạo Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, lãnh đạo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đến chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thời gian làm việc của Đại hội:

Buổi sáng: 8g đến 11g30;

Buổi chiều: 14g đến 17g.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày