Hoàn tất việc trùng tu tu viện Phật giáo cổ tại Nepal

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1219 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1219 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
GNO - Vừa qua, vào ngày 4-9, Nepal đã tiến hành một buổi lễ long trọng để khánh thành Shree Napichandra Mahavihara, một ngôi chùa và tu viện Phật giáo vào thế kỷ thứ V mới được trùng tu.

Tu viện này thường được gọi là Duntu Bahi, tọa lạc tại thành phố lịch sử Lalitpur ở thung lũng Kathmandu, cách thủ đô khoảng 7km về phía Đông.

Napichandra Mahavihara đã bị hư hại nặng nề trong trận động đất khủng khiếp làm rung chuyển Nepal vào ngày 25-4 và 12-5-2015, khiến 9.000 người thiệt mạng, hơn 21 người bị thương và hàng triệu người phải di dời. Sự tàn phá còn lan rộng đến hàng trăm tòa nhà cổ, tu viện và chùa chiền.

Thị trưởng Chiri Babu Maharjan của Lalitpur và Đại sứ Ấn Độ tại Nepal, Naveen Srivastava đã chủ trì buổi lễ khánh thành. Việc khôi phục di tích lịch sử này được thực hiện với chi phí 38,4 triệu rupee Nepal (288.900 USD), được tài trợ bởi khoản trợ cấp tái thiết sau trận động đất của Chính phủ Ấn Độ dành cho lĩnh vực di sản văn hóa của Nepal và với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ủy ban Di sản Nghệ thuật và Văn hóa Quốc gia Ấn Độ (INTACH).

Trong bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ, Đại sứ Ấn Độ nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt và hợp tác bền chặt giữa Ấn Độ và Nepal, lưu ý rằng hai quốc gia có những điểm chung về văn hóa, lịch sử và di sản phong phú.

Đại sứ cũng nhấn mạnh rằng: “Ấn Độ và Nepal có những điểm tương đồng về văn hóa lịch sử và di sản cần được bảo tồn cho các thế hệ tương lai của chúng ta. Vì vậy, nỗ lực chung của chúng tôi là khôi phục những di sản này. Ấn Độ đang hợp tác với Nepal để khôi phục các dự án di sản văn hóa”.

Lalitpur nổi tiếng khắp thế giới vì sự phồn thịnh và phong phú đặc biệt của các di sản văn hóa cổ xưa cũng như truyền thống nghệ thuật và thủ công vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Với dân số đa sắc tộc khoảng 300.000 người, trong đó 72% theo đạo Hindu và 19% theo Phật giáo, các hoạt động tôn giáo và văn hóa chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày ở thành phố.

Lalitpur ban đầu được bố trí dưới dạng dharmachakra (Pháp luân) của Phật giáo, bao gồm năm bảo tháp chính - bốn tháp ở bốn điểm chính và một tháp ở trung tâm; bảo tháp này được xem là do hoàng đế Ashoka của Mauryan dựng lên vào năm 250 trước Tây lịch. Thành phố này là nơi có quảng trường Patan Durbar nổi tiếng thế giới, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1979 và cũng là một trong 7 khu di tích tạo nên Di sản thế giới thung lũng Kathmandu.

Napichandra Mahavihara nằm ở phía Bắc quảng trường Patan Durbar. Mặc dù phần lớn cấu trúc ban đầu đã bị phá hủy trong trận động đất năm 1934, ngôi chánh điện đã được trùng tu vào những năm 1980 và tiếp đó vào năm 2013. Tu viện còn bao gồm một khoảng sân trung tâm trũng được bao quanh bởi các tòa nhà chính. Theo kế hoạch dự thảo của Chính phủ Ấn Độ về chiến lược bảo tồn nhằm khôi phục di tích, người ta đã đề xuất xây dựng lại tu viện bằng cách sử dụng các vật liệu và phương pháp xây dựng truyền thống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn - Tranh Phật giáo Trung Quốc

Tám ngọn gió đời

GNO - Chúng tôi có biết một số giai thoại thú vị về Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn đối diện với "Bát phong”, tức tám ngọn gió đời. Có cách nào để có thể đứng vững trước tám ngọn gió ấy không?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đợi nắng

GNO - Buổi sáng, tại mảnh sân nhỏ, thấp thoáng một bóng dáng nhỏ xíu, gầy còm đi vào đi ra hồ như mẹ đang mong chờ một điều gì đó mà lòng bồn chồn khó tả. Rồi mẹ lại trở vào trong nhà khoác thêm chiếc áo, choàng thêm tấm khăn, chân đi ủng và bước ra vườn.
Anh Nguyễn Hồng Lợi bên vợ và con

“Kình ngư không chân” và câu chuyện truyền cảm hứng

GNO - Khuyết tật bẩm sinh, bị bỏ rơi ngay từ ngày mới sinh, được dì và dượng ẵm về nuôi nhưng Nguyễn Hồng Lợi chưa bao giờ oán trách cha mẹ, mà ngược lại, anh xem đó là nguồn động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn.

Thông tin hàng ngày