Hoằng pháp, một trong những ngành tiên phong...

GN - Là vị giáo phẩm tham gia Giáo hội ngay từ ngày thành lập, và cũng từ nhiệm kỳ I, đã được tín nhiệm suy cử Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư cho đến hết nhiệm kỳ V,  HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM chia sẻ:

“Sau Hội nghị Thống nhất Phật giáo năm 1981, 6 ban ngành T.Ư được thành lập gồm Ban Tăng sự do HT.Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban, Ban Giáo dục Tăng Ni do HT.Thích Thiện Siêu làm Trưởng ban, cư sĩ Võ Đình Cường (lúc bấy giờ là Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ) làm Trưởng ban Văn hóa, còn Ban Nghi lễ và Ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử do HT.Kim Cương Tử và HT.Thích Thanh Hiền làm Trưởng ban.

a ht triquang (1).jpg


Đức Đệ nhất Pháp chủ HĐCM GHPGVN - Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận

Ban Hoằng pháp T.Ư là một trong 3 ban chính khi đó (gồm Tăng sự và Giáo dục Tăng Ni). Lúc bấy giờ, HT.Thích Minh Nguyệt có nói với tôi rằng, Thượng tọa làm Trưởng ban Hoằng pháp là hợp lý, vì Thượng tọa có quần chúng. Làm lãnh đạo thì phải có quần chúng, HT.Minh Nguyệt dạy vậy, và đây là điều mà tôi ghi nhớ suốt những năm qua.

Sở dĩ Hòa thượng nói như vậy là vì trước đó, tôi đã có nhiều nhiệm kỳ làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên của GHPGVN Thống nhất. Sau khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, tôi đã đến đảnh lễ Đức HT.Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ HĐCM GHPGVN, xin ngài dạy về việc hoằng pháp trong đất nước xã hội chủ nghĩa.

Đức Đệ nhất Pháp chủ trả lời rất đơn giản rằng, cứ nói những gì pháp luật cho phép và làm việc trong khuôn khổ pháp luật. Nhận lời dạy đó của Hòa thượng mà suốt 5 nhiệm kỳ với 26 năm đứng đầu ngành hoằng pháp, tôi đã làm việc một cách yên ổn.

Trong khóa đầu tiên tôi tham gia thuyết giảng tại chùa Ấn Quang (Q.10) và chùa Xá Lợi (Q.3), hai đạo tràng này khi đó chỉ có tôi và HT.Thích Minh Châu là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT.Siêu Việt, Phó ban Hoằng pháp T.Ư, phụ trách Phật giáo Nam tông và TT.Giác Toàn, giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ cùng tham gia giảng. 

Thành viên của Ban Hoằng pháp lúc đó có 9 vị, phía Bắc còn có HT.Thích Thanh Chỉnh, Phó ban và các thành viên khác ở miền Trung... 

Ở nhiệm kỳ II, ứng với thời kỳ đổi mới của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, hoạt động của Phật giáo cũng thuận lợi theo - khi đó tôi trực tiếp tổ chức khóa đào tạo giảng sư đầu tiên tại Cần Thơ trong 7 ngày. Học viên của khóa học này là những vị Tăng Ni ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng tạo được hiệu quả cao, có sức hút mạnh mẽ lúc bấy giờ.

Sau đó, tại TP.HCM, tôi tiếp tục mở khóa đào tạo giảng sư dài hạn đầu tiên (3 năm) tại thiền viện Quảng Đức với hơn 100 Tăng Ni ở các tỉnh thành tham dự. Khi khóa này khai mở, ông Trương Tấn Sang bấy giờ đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đã tới thăm, nói chuyện với các học viên. Các vị này sau khi được đào tạo đã trở về địa phương tham gia công tác hoằng pháp.

Với thành công của khóa đầu tiên đó, tôi tiếp tục mở khóa thứ hai có tên là Trí Thủ cũng thu hút đông Tăng Ni tham dự. Cùng lúc đó, tôi về làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, thay anh Võ Đình Cường và đã mở khóa Phật học hàm thụ trên tờ Nguyệt san - phụ trương nghiên cứu Phật học của Báo Giác Ngộ, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho hơn 2.000 Tăng Ni, Phật tử tham dự.

Khóa Trung cấp giảng sư và khóa Cao cấp giảng sư dành cho Tăng Ni tốt nghiệp sơ-trung cấp Phật học và cử nhân Phật học cũng được mở ra. Công tác hoằng pháp từng bước phát triển từ đó. Sau 5 nhiệm kỳ làm Trưởng ban Hoằng pháp (từ nhiệm kỳ VI chuyển giao cho HT.Thích Bảo Nghiêm), tôi làm việc trong tinh thần lời dạy của Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ mà được thành công, Tăng Ni tham gia công tác này cũng nên nhớ lời dạy này của ngài.

a ht triquang (2).jpg


TT.Thích Trí Quảng (người ngồi đầu dãy trái, từ phải sang)
trong một phiên thảo luận tại Hội nghị thống nhất Phật giáo VN, 11-1981

Còn trong tinh thần lời dạy của HT.Minh Nguyệt, tôi đã tập hợp quần chúng và đưa quần chúng sinh hoạt trong Chánh pháp nên việc hoằng pháp ngày càng mở rộng. Trong đó, phải kể đến đạo tràng Pháp Hoa đã có mặt từ mũi Cà Mau cho tới địa đầu Móng Cái, chính lực lượng này là những người hộ đạo và hộ quốc an dân.

Hiện nay, chúng ta có 4 Học viện đào tạo Tăng tài, và chính Tăng Ni trẻ theo học tại những học viện này sẽ bổ sung nhân sự cho ngành hoằng pháp. Đây có thể nói là điều thuận lợi mà ngành hoằng pháp sau 35 năm có được trên cơ sở của những ngày đầu còn khó khăn khi Giáo hội mới thành lập, cho đến những giai đoạn ổn định, phát triển đến ngày nay”.

Đình Long ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày