GNO - Thật hồi hộp và trân trọng biết bao mỗi bài viết gửi đi được quý Báo ghi nhận, trau chuốt câu văn, lựa chọn hình ảnh để đăng…
Quý Báo rất chu đáo khi gửi thư cảm ơn cho các bài đăng
Nhân duyên cộng tác cho Giác Ngộ
Một ngày mùa tu tháng 9-2013, khi là chàng sinh viên vừa ra trường, tôi có nhân duyên ghé qua một ngôi chùa quen biết. Giờ nghỉ trưa, tôi chọn một quyển Tuần báo Giác Ngộ để đọc, trong đầu nảy ra suy nghĩ: “Nhiều người có thể gửi bài đăng cho Giác Ngộ. Tại sao mình lại không nhỉ?”.
Thấy trong trang đầu của quyển báo có cung cấp địa chỉ email của Tòa soạn, tôi ghi lại ngay để khi có tin, bài sẽ cộng tác cho quý báo. Biết đâu một ngày nào đó, tin tức do mình tác nghiệp sẽ xuất hiện trên trang báo in của Giác Ngộ. Kể từ đó đã trên 7 năm cộng tác với báo Giác Ngộ. Tôi đánh giá cao nội dung và hình thức của Báo, cũng như trân trọng tình cảm của Báo với những phóng viên nghiệp dư.
Trân trọng từng bài viết
Trước khi trở thành cộng tác viên của Giác Ngộ, tôi có làm cộng tác viên cho trang thông tin điện tử phatttuvietnam.net. Với chút kinh nghiệm, vốn ngôn từ trong nhà Phật, tôi bắt đầu gửi tin bài đầu tiên cho báo về “Khóa tu Nụ thương sen hồng lần thứ nhất tại chùa Từ Xuyên”. Từ đó trở đi, mỗi khi Sư phụ đăng các hình ảnh về khóa tu hay Phật sự tại chùa, tôi đều tranh thủ thời gian biên tập lại, chọn những hình ảnh đắt giá nhất để gửi cho Báo.
Thời gian đó, vì bận đi dạy học, nên mỗi khi có thời gian đi chùa, tôi thường sắp xếp công việc, mang theo máy ảnh du lịch để đi đưa tin về các Phật sự của chùa Từ Xuyên, Phật giáo Thái Bình, với mong muốn đưa tin tức tại Thái Bình đến với bạn đọc cả nước một cách chính xác, đầy đủ, sinh động.
Thật hồi hộp và trân trọng biết bao mỗi bài viết gửi đi được quý Báo ghi nhận, trau chuốt câu văn, lựa chọn hình ảnh để đăng lên trang Giác Ngộ online. Mỗi bài viết đăng lên, tôi đều chia sẻ lên trang facebook cá nhân để mọi người cùng đọc, đồng thời đọc đi, đọc lại nhiều lần để rút kinh nghiệm cho các tin, bài tiếp theo được chuẩn chỉnh, ngắn gọn, súc tích.
Cũng từ việc đọc báo Giác Ngộ hàng ngày, tôi thường xuyên được tiếp cận các thông tin Phật sự chính xác, tin cậy, thân thiện và trau dồi kỹ năng viết bài cho Báo, nhất là cách chọn góc chụp hình, việc lựa chọn hình ảnh tiêu biểu cho Phật sự được đăng cũng như cách chú thích sao cho ngắn ngọn mà không khô khan.
Những đồng nhuận bút, quà tặng quý giá
Tôi gửi bài cộng tác cho Báo Giác Ngộ với nhiều bút danh như Nguyễn Hữu Minh, Phúc Hào, Nhuận Nguyện, Từ Xuyên. Sau mỗi tin bài được đăng đều được quý Báo gửi tặng ấn phẩm Tuần báo Giác Ngộ và thư cảm ơn. Nhuận bút mỗi bài tuy không nhiều, có khi tích góp cả năm chỉ có mấy trăm ngàn nhưng tôi rất vui vì thành quả lao động mình làm ra.
Mỗi khi nhận được nhuận bút của Báo, Thầy tôi thường nói vui: “Ở chùa này chỉ có Bác là có lương thôi đấy”. Tôi nhớ nhất kỷ niệm lần đầu tiên nhận được báo biếu và nhuận bút từ Giác Ngộ, tôi rất ngạc nhiên và dành toàn bộ số tiền đó để cúng dàng Thầy. Vì nhờ có những hình ảnh được Thầy cung cấp, tôi mới có nhiều tin bài để đăng lên báo như thế.
Mỗi năm vào dịp Tết, báo thường tặng lịch và một vật kỷ niệm, tôi thường lấy tặng lại cho gia đình, gọi là món quà nhỏ của người con xuất gia dành cho bố mẹ, để mọi người biết đến tờ báo Giác Ngộ. Chiếc balô nhỏ nhắn, có in logo của Báo luôn được tôi mang theo mỗi khi đi tác nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.
Chiếc ba lô do Giác Ngộ tặng được tôi trân trọng, là vật bất ly thân mỗi khi đi chụp ảnh, tác nghiệp tại các Phật sự
Nên phát triển kênh Giác Ngộ TV
Hiện nay, các trang báo đã chuyển sang báo đa phương tiện. Với việc xây dựng trang Giác Ngộ TV, báo nhà Phật có sự chuyển biến tích cực, làm cho các Phật sự thêm phong phú, bạn đọc có thêm một kênh thông tin sinh động, thay vì tin, ảnh, bài viết đơn thuần. Tôi đề nghị quý Báo nên sản xuất, đăng tải nhiều tin tức, phóng sự, các thước phim tư liệu và khuyến khích các cộng tác viên gửi video cộng tác để quý Báo biên tập theo hướng đa phương tiện: vừa có thể làm báo in, báo điện tử, báo hình.
Với chuyên mục Tư vấn tâm linh, quý Báo có thể thỉnh chư tôn đức đến quay phim, ghi hình, trả lời trực tiếp các câu hỏi của bạn đọc gần xa. Được như vậy, bạn đọc sẽ thấm nhuần hơn, hiểu rõ hơn những thắc mắc được Tổ Tư vấn trả lời.
Cần có quy chuẩn trong viết tắt, giới thiệu đại biểu
Cộng tác với nhiều tờ báo Phật giáo, tôi thấy chư tôn đức, Phật tử làm công tác thông tin - truyền thông chưa có sự thống nhất khi viết tắt các tổ chức, chức danh Phật giáo. Vì vậy, để nghị Ban Biên tập nên đưa ra hướng dẫn viết tắt khi viết tin, bài cộng tác. Đồng thời nên giới thiệu chư tôn đức và đại biểu như thế nào, số lượng bao nhiêu để tin bài ngắn gọn, tránh rườm rà.
Nên có trang mạng xã hội Zalo, kết hợp với fanpage để việc gửi tin bài nhanh chóng
Để tăng thêm tính tương tác, ở cuối mỗi bài viết của Báo nên thêm nút chia sẻ trên Zalo để bạn đọc tiện quảng bá trên mạng xã hội này. Thêm vào đó, quý Báo có thể lập một trang Zalo và nhóm Zalo dành cho các cộng tác viên (Nhóm Zalo do Ban Thư ký quản lý) để việc gửi tin, bài được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm dung lượng, nhất là việc gửi video có dung lượng lớn.
Nhuận Nguyện