Hồi sinh ở lằn ranh sinh tử

Ảnh: Trần Thế Phong
Ảnh: Trần Thế Phong
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong những ngày cao điểm của dịch bệnh tại TP.HCM, có những con người thầm lặng đã cống hiến hết mình để hỗ trợ các F0, những người bị ảnh hưởng do Covid-19.

Họ là các y bác sĩ, tình nguyện viên, những người làm từ thiện, người bị Covid-19 đã khỏi…Với niềm tin và tình thương lớn, họ đã nâng dậy tâm hồn nhau để bình an vượt qua những ngày biến động.

* Đại đức Thích Chúc Khai, Trưởng nhóm Tình nguyện viên tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP.Thủ Đức:

“Đợt bùng phát thứ tư của dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM vừa qua có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân và nhiều người tử vong. Khi theo dõi thông tin, tôi đã không cầm được sự xúc động, vì vậy, khi có thông báo của Giáo hội, tôi và nhiều bạn đồng tu đã đăng ký tham gia và được phân về Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để làm việc.

Tôi nhớ lại lúc mặc đồ bảo hộ bịt kín từ đầu đến chân, mang kính chắn giọt bắn và khẩu trang y tế, làm những công việc như một nhân viên y tế chuyên nghiệp: lau sàn, gom rác, chăm sóc bệnh nhân, mồ hôi chảy từ đầu đến chân, đọng lại ở bao tay và bao chân nhiều giờ liền. Đến khi tháo đồ bảo hộ, tay chân chúng tôi đã tím tái bóc cả da.

Vì lý do an toàn tuyệt đối nên chúng tôi không thể thoải mái ăn uống hay đi vệ sinh, mồ hôi càng ra nhiều, cơ thể mất nước gây mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng không ngã quỵ trong phòng bệnh. Tự mình trải nghiệm thực tế, tôi mới thấy thương và kính trọng y bác sĩ với tâm đức và sự hy sinh mà họ đã dành cho bệnh nhân.

Sau mỗi ca trực, tôi cùng những thiện nguyện thường ngồi lại trao đổi kinh nghiệm làm việc, tâm sự như người thân trong gia đình để rồi cùng vui cười, cùng khóc. Nhiều lúc anh chị em cũng muốn bỏ cuộc vì sợ khi có tình nguyện viên bị nhiễm trong lúc làm việc hay những người thân trong gia đình chẳng may qua đời. Những lúc như vậy chúng tôi động viên nhau giữ lấy tâm nguyện ban đầu vì niềm đau của bệnh nhân bên bờ sinh tử mà cố gắng vượt qua nỗi sợ và nỗi buồn tang thương.

Tôi và các tình nguyện viên gần suốt 3 tháng đi qua mang nhiều nhân duyên đặc biệt, chứa đựng bao cảm xúc mà chỉ đi trên con đường ấy mới có thể thấu hiểu và chiêm nghiệm. Những gì chúng tôi cùng trải qua là những bài học quý giá, là tư trang để sau này, trên bước đường dấn thân phụng sự chúng sanh sẽ có lúc cần đến”.

* Sư cô Thích nữ Nhuận Bình, Tình nguyện viên phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (suốt 3 tháng liên tục):

Tình nguyện dấn thân ở tuyến đầu chống dịch trong thời điểm căng thẳng nhất của TP.HCM, đã có lúc trái tim tôi như bị ai bóp chặt, đau đớn vì chứng kiến quá nhiều cảnh khổ sở, thương tâm khi thấy bệnh nhân F0 vật vã chống chọi giữa lằn ranh sinh tử. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, hàng chục ngàn người đã nằm xuống giã từ sự sống, cũng có cả triệu người vững chãi, chiến thắng tử thần.

Trong những ngày ở bệnh viện dã chiến, tiếp xúc với hàng ngàn F0 nhập viện điều trị, tôi nghiệm ra rằng, khi đối diện với cửa tử, ai ai cũng sợ sệt, lo lắng. Có người vì quá sợ hãi mà tinh thần giảm sút, thần sắc suy nhược, dẫn đến bệnh tình trở nặng. Có người, vì trân quý sinh mạng, yêu thương gia đình mà tích cực hợp tác, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh để sớm trở về đoàn tụ người thân.

Tôi đã chăm sóc rất nhiều bệnh nhân, đa số là những F0 trở nặng phải điều trị tích cực tại phòng cấp cứu. Khoảng thời gian thành phố chưa phủ vắc-xin là giai đoạn kinh khủng nhất của đội ngũ tuyến đầu và cả bệnh nhân F0. Có những thời khắc dường như đêm nào chúng tôi cũng khóc. Khóc thương cho sự vô thường của sinh mệnh, khóc vì mọi cố gắng của chúng tôi và đội ngũ tuyến đầu dường như bất lực trước cơn cuồng phong của đại dịch.

Không có nỗi đau nào hơn khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng, nhiều bệnh nhân F0 từng được mình chăm sóc, dìu đỡ, nói cười ngày hôm qua lại lịm dần, lịm dần và nhanh chóng đi vào cửa tử. Nhưng trong tận cùng nỗi đau ấy, vẫn có rất nhiều bệnh nhân quyết tâm chiến đấu, vững tin chiến thắng bệnh tật, chờ ngày đoàn tụ với gia đình.

Tôi vẫn không quên căn phòng số 2 với nhiều F0 bị suy hô hấp cấp. Có vị đã ở lại phòng cấp cứu trên 2 tháng, có vị 1 tháng và sớm nhất là hơn 2 tuần điều trị tại đây. Có những ngày bệnh tình của họ trở nặng, đội ngũ y bác sĩ đã tìm mọi cách để chuyển các bệnh nhân này lên tuyến trên để được điều trị tốt hơn. Nhưng hầu hết tất cả các bệnh viện giai đoạn đó đều kín giường và không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân mới.

Nhiều lúc thấy dấu hiệu sinh tồn của các F0 suy giảm, chỉ số SpO2 tuột, hơi thở yếu ớt, đường và huyết áp liên tục tăng cao. Họ nằm mê man trên giường bệnh, tay gắn dây truyền dịch, mặt chụp mặt nạ oxy, máy thở, cơ thể yếu đuối, mệt lả, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ hết vào đội ngũ tuyến đầu. Đã có những lúc sinh mạng của các F0 này chạm đến ngưỡng giữa sự sống và cái chết. Mọi hy vọng về hoài bão, ước mơ, những cuộc hội ngộ sau ngày chiến thắng đại dịch dường như chỉ còn lại trong hư vô ảo ảnh.

Những lúc túc trực bên họ, dịu dàng chăm sóc, nhẹ nhàng động viên, tôi lựa cách nói giảm, nói tránh về bệnh tình, chọn lựa những lời nói dối dễ thương để vực dậy tinh thần cho họ, hướng dẫn họ tập thở theo phương pháp thiền trị liệu của Bụt, hướng dẫn họ trân trọng phút giây hiện tại, có mặt bây giờ, có mặt cho người thương và người thân.

Suốt nhiều ngày nằm tại phòng cấp cứu, tự thân mỗi F0 cũng chứng kiến nhiều bệnh nhân không thắng nổi tử thần, nhiều bệnh nhân vừa chuyển lên tuyến trên một hai hôm cũng lặng lẽ rời khỏi thế giới. Họ bắt đầu trân quý cuộc sống này hơn, thông điệp “muốn sống”, “cần phải sống tiếp” thôi thúc tâm can. Chưa bao giờ sự sống trong họ lại hồi sinh mạnh mẽ như vậy, năng lượng tích cực, vững tin vào ngày mai tươi sáng hiện rõ trong nụ cười, ánh mắt và sự quyết tâm chiến thắng đại dịch mãnh liệt đến như vậy.

Nhiều người đã chiến thắng bệnh tật, đã thật sự hồi sinh sau một khoảng thời gian dài đối diện giữa lằn ranh sinh tử. Họ đã trở về đoàn tụ với gia đình và luôn xem khoảng thời gian này là thời khắc lịch sử khó quên nhất trong cuộc đời.

* Bác sĩ Lư Trường Thành, khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định:

Tôi được phân công hỗ trợ đơn vị cách ly thuộc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định từ 12-7 đến 13-8. Khoảng 1 tuần đầu, lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 vào viện còn ít, công việc tại đơn vị là thăm khám bước đầu, đánh giá mức độ, ổn định bệnh nhân và liên hệ chuyển các bệnh viện dã chiến điều trị. Và rồi số lượng bệnh quá đông, ùn ứ phía cấp cứu, ban lãnh đạo quyết định chia đôi bệnh viện, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 chia lửa cùng thành phố. Đơn vị cách ly được giải tán, tôi chuyển sang công tác tại khoa Hồi sức tích cực Covid-19 (ICU).

Chuyện chăm sóc thường ngày còn phải chăm chút kỹ càng, kiểm tra sinh hiệu, hiệu chỉnh máy thở, dịch truyền, thực hiện thủ thuật và cả nhồi tim… Có một bệnh nhân mà năng lượng sống ở cô làm tôi ấn tượng. Cô O. nhập viện vào đơn vị cách ly, sau đó chuyển qua khoa ICU, được thở máy tận 1 tháng hơn. Có thời điểm cai máy thở, rút ống nội khí quản nhưng sau đó lại vào 1 đợt khó thở lại, cô lại tiếp tục thở máy. Bản thân cô thật mạnh mẽ, để rồi cai máy thở thành công, chuyển khoa nhẹ hơn và xuất viện về. Hay một cô bệnh nhân khác, ban đầu thở máy, sau đó khá hơn, cai được máy thở, khỏe hơn, cười nói: “Cô khỏe lại là nhờ bác đó”. Tôi vội thanh minh: “Có mình con sao làm được, các bác sĩ - điều dưỡng ở đây mọi người đều phụ một tay chăm sóc cô”.

Nhưng tại đơn vị cách ly hay ICU, cũng có những bệnh nhân đã phải rời khỏi vòng tay gia đình, của y bác sĩ, là những cụ ông, cụ bà mang trong mình bệnh nền đã không chống lại được sự tàn khốc của virus. Mấy hôm trước tôi còn cười, nói với họ: cố lên nha cô, ráng hít thở, nay thấy thở máy ổn hơn rồi đó, ráng khỏe nha còn về nhà. Cô bệnh nhân gật đầu, nheo mắt… vậy mà 2 hôm sau, cô trở nặng, rối loạn đông máu và rồi nhẹ bước… Ngay cả cô O., trong đêm ngủ cô vẫn giật mình và khóc, vì hay tin gia đình nhỏ của cô không còn ai cả.

Những ngày dịch bệnh tăng cao, tôi nhận thấy giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Nó không phải là năm, tháng, ngày, giờ... mà chỉ đơn giản là trong từng hơi thở, trong từng sát-na. Vậy nên chúng ta hãy sống thật đúng, đủ đầy sự hiểu biết và nhận thức vào mọi việc xung quanh chánh niệm, lắng nghe chính những điều nho nhỏ cũng làm ta hài lòng và mỉm cười, đơn giản là việc thở.

* Chị Diệp Kim Thu - Pháp danh Hạnh Liên, người mắc Covid-19 trở thành tình nguyện viên phục vụ chăm sóc các F0:

Khoảng thời gian từ lúc “bạn” vi-rút Corona xâm nhập cơ thể đến quá trình sống chung rồi tiễn bạn ấy đi là một trải nghiệm đầy thú vị đối với tôi.

Dù đã chuẩn bị tinh thần trước đó nhưng khi nhận được kết quả dương tính, cảm giác bất ngờ, sợ hãi kèm theo những câu hỏi tiêu cực liền lập tức xuất hiện trong tôi. Nếu không kịp trở về với thực tại là mình vẫn còn đang sống, vẫn chưa trở nặng thì có thể tôi đã đắm chìm vào những suy nghĩ tiêu cực và nỗi sợ hãi dai dẳng.

Những ngày một mình trong phòng cách ly, tôi nhìn thấy rõ trong mình xuất hiện mong muốn nhanh hết bệnh cũng như cảm giác chống đối với hoàn cảnh. Khi hệ miễn dịch và “bạn” vi-rút bước vào giai đoạn “đàm phán” một mất một còn, việc thở một cách bình thường không bao giờ là đơn giản dù thở là một trong những việc quan trọng nhất để duy trì đủ lượng oxy cho cơ thể. Mỗi lần hít sâu là mỗi lần cổ họng đau như muốn nghẹt lại, dù việc tập yoga trước đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc thở sâu.

Có những đêm mất ngủ lắng nghe tiếng còi xe cứu thương xé tan sự tĩnh lặng, tôi nhìn thấy rõ nỗi sợ chết ẩn sâu bên trong mình. Nhưng rồi cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong tôi khi còn có thể tỉnh dậy đón nắng sớm mỗi sáng.

Cho tới giờ khi đã khỏi bệnh, tôi cảm thấy may mắn vì đã nhiễm Covid-19, nó giúp tôi nhận ra rõ ràng rằng không có gì là của mình, ngay cả chính hơi thở của tôi. Tôi có cơ hội quý giá để thấy được những gì đang diễn ra trong tâm và nhìn sâu vào bên trong, rảnh rang để trở về “ngắm” hơi thở và trân quý nó. Biết ơn từng lượng oxy mà mình vay mượn từ đất trời. Biết ơn trái tim đã làm việc vất vả liên tục để nuôi sống mình. Biết ơn tất cả sự giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc, chịu đựng của chính mình đối với mình, của y sĩ, gia đình, bạn bè, các bạn nhà bếp luôn tận tụy với những món ăn đủ dinh dưỡng…

Trải qua Covid-19 một mình, tôi cảm nhận được sự đơn độc, nỗi sợ hãi khi chưa biết chuyện gì sẽ xảy đến vào giây phút liền kề tiếp theo. May mắn vì được tu tập theo pháp Bụt và gần các bậc thầy nên tôi đã có thể từng bước tự vượt qua các chướng ngại về tinh thần. Tôi tự hứa với bản thân sẽ cố hết sức có thể giúp đỡ những người bị nhiễm như mình trong khả năng của mình. Bắt đầu từ việc dành thời gian chăm chỉ tu tập theo pháp Phật, làm tốt công việc đang làm; mua thực phẩm, thuốc men gửi đến các bạn không may nhiễm Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn; rồi hỏi han, động viên tinh thần các bạn.

Ngoài ra, tôi tham gia nhóm bác sĩ thiện nguyện giúp đỡ các F0 có hoàn cảnh khó khăn ở vị trí hậu cần. Cảm nhận được ít nhiều sự đau đớn của người ra đi và sự suy sụp của người ở lại, tôi chỉ ước mong một ngày nào đó, mình có đủ tài lực, trí lực cũng như đủ duyên để có thể giúp đỡ được nhiều hơn về tinh thần cho nhiều người nhất mà tôi có thể giúp được.

* Nguyễn Đỗ Trúc Phương, người đã vận động được hơn 5 tỷ đồng để giúp đỡ người già, trẻ em khó khăn trong thời kỳ giãn cách Covid-19: “Giữa lòng thành phố vẫn còn có những mảnh đời bất hạnh”

Với một cô gái trẻ 27 tuổi như tôi thì việc làm từ thiện cũng khá gian nan. Có lần, một chú lớn tuổi, do thiếu tiền nên tạo dựng hoàn cảnh đáng thương để kêu gọi giúp đỡ. Dù có khảo sát thực tế nhưng tôi vẫn bị lừa mất 20 triệu đồng. Khi biết ra, đang nửa đêm tôi vẫn chạy đi đòi lại cho bằng được.

May mắn thay, chú ấy trả lại và xin lỗi các mạnh thường quân. Nhìn ánh mắt hối hận của chú, tôi quả thật không nỡ. Tuy nhiên, nguyên tắc vẫn là nguyên tắc, tôi vẫn lấy lại số tiền đó, không thể sử dụng sai mục đích của mạnh thường quân được. Nhưng hôm sau tôi dùng tiền của mình để tặng lại cho chú. Điều vui nhất là chú ấy đã nhận ra lỗi lầm, biết dùng nó để làm lại cuộc đời.

Thật khó để phân biệt đâu là người nghèo khổ thật, đâu là giả vờ để kiếm sống. Tôi nghĩ rằng hành động của mình đôi khi là niềm hy vọng để họ hướng về con đường sáng. Với những người nghèo, sự khó khăn luôn bủa vây, thậm chí có thể đánh gục họ bất cứ khi nào. Nó phá hủy sự lương thiện trong tâm hồn, xui khiến họ bước vào con đường lầm lạc. Cánh tay mình đưa ra không đơn giản là chỉ đường mà còn nâng đỡ niềm tin, giúp họ lạc quan vào tình người, vào tương lai.

Mặc dù không theo đạo Phật nhưng tôi biết nhân quả, các mối duyên lành đang vận hành một cách thầm lặng trong cuộc sống. Việc tốt của mình làm ra, dù không mong cầu thì vẫn được cuộc sống ban tặng lại. Cái đó đến sớm hay muộn thì chưa biết được nhưng tôi chắc một điều, khi làm điều lành thì con người mình thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Bản thân tôi trước đây chẳng bao giờ ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm hay dưới trời mưa nắng. Tuy nhiên, kể từ khi làm từ thiện, đó không còn là trở ngại nữa. Tôi đi sớm về khuya, dãi nắng dầm mưa, len lỏi vào từng con hẻm nhỏ, vắng vẻ, nguy hiểm là chuyện như cơm bữa. Điều mà một người con gái như tôi chưa từng nghĩ đến sẽ làm được.

Bù lại, tôi vững vàng và trưởng thành hơn, học hỏi được nhiều bài học thực tế trong cuộc sống. Giúp mình hiểu về giá trị của sự tử tế, lòng bao dung mà con người nên có. Đặc biệt, nội tâm được nhẹ nhàng và bình thản hơn nhờ nụ cười, cái ôm của các cụ già, em nhỏ. Nhờ vậy cha mẹ, người thân an tâm và ủng hộ tôi trong suốt quá trình làm từ thiện.

Đâu đó giữa lòng thành phố vẫn còn có những mảnh đời bất hạnh đang gồng mình với sự khắc nghiệt của cơm áo gạo tiền. Đó là cụ ông shipper 3 giờ sáng vẫn còn miệt mài giao hàng, cụ bà nhặt ve chai với đôi tay lấm bẩn hay em bé bán vé số áo rách hở cả da thịt ngồi co ro ở góc phố. Họ vẫn đang miệt mài lao động, cố gắng vượt lên số phận của mình..

Tôi chỉ mong bản thân có nhiều duyên lành hơn nữa để tiếp tục con đường mà mình đang đi. Mong mọi người được bình đẳng, xích lại gần nhau hơn trong tình thương yêu. Bàn tay khô ráp của người nhặt rác, ve chai, bán vé số sẽ được vỗ về trong hàng ngàn cánh tay của mọi người, mà không sợ dơ bẩn hay hôi hám gì.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày