Bản kinh Pháp hoa bằng chữ Hán được tìm thấy ở hang động Đôn Hoàng
Hai nhà đồng tài trợ cho cuộc hội thảo lần này là Ban Nghiên cứu Phật học tại Đại học Princeton và Ủy ban Liên lạc Quốc tế về Nghiên cứu Đôn Hoàng, với sự tài trợ kinh phí chính từ Quỹ Henry Luce. Các nhà đồng tổ chức là Stephen F. Teiser (Đại học Princeton) và Takata Tokio (Đại học Kyoto).
Có khoảng 60.000 văn bản đã được phát hiện tại các hang động Mạc Cao gần Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, phía Tây bắc Trung Quốc vào năm 1900. Hầu hết những văn bản đó là kinh điển Phật giáo được viết bằng tiếng Hán và tiếng Tây Tạng, một số ngôn ngữ khác cũng được tìm thấy ở đấy, bao gồm cả tiếng Uyghur, tiếng Phạn, tiếng Sogdian, tiếng Khotan, và tiếng Do Thái. Những dữ liệu lưu trữ ở đấy bao gồm nhiều nghi thức Phật giáo, những tác phẩm về thiền trong thời kỳ đầu, kinh văn của Đạo giáo, những văn bản Nestorian, thánh ca Manichaean, và nhiều tác phẩm khác.
Chương trình hội thảo được chia thành chín ban thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau. Cuộc hội thảo sẽ có hai bài tham luận quan trọng, đó là bài tham luận mở đầu của Giáo sư Fang Guangchang, Đại học Thượng Hải, về chủ đề “Hiện trạng, những khái niệm cơ bản, biện pháp hiện tại và kế hoạch số hóa các văn bản ở Đôn Hoàng”, và bài tham luận “Đem những văn bản ở Đôn Hoàng đến với tất cả mọi người: Số hóa, mạng internet và quốc tế hóa những nghiên cứu về Đôn Hoàng” khép lại cuộc hội thảo của Giáo sư Susan Whitfield thuộc Ban quản lý Dự án Đôn Hoàng Quốc tế.
Ngoài các nghiên cứu về chính các văn bản ở Đôn Hoàng, một số học giả đề nghị tìm cách bảo tồn và phát triển các văn bản ấy thông qua phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Phó Giáo sư Marcus Bingenheimer thuộc khoa Tôn giáo học tại Đại học Temple, Hoa Kỳ phát biểu trong bài tham luận của mình rằng: “Trong suốt 50 năm qua, những bản sao nguyên văn của các văn bản ở Đôn Hoàng đã được phổ biến rộng rãi dưới dạng vi phim, in và định dạng kỹ thuật số. Bước tiếp theo là xuất bản các phiên bản toàn văn của những văn bản đó để chúng được nghiên cứu, phân tích và hình dung theo những cách khác nhau. Bởi vì những văn bản ở Đôn Hoàng đem đến một cái nhìn độc đáo về hệ thống văn bản của Trung Quốc thời trung cổ, cách mà nó thể hiện cần được tiếp tục cải thiện”.
Trong vai trò bảo tồn và phát triển di sản Đôn Hoàng phải kể đến Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng ở Trung Quốc. Viện đã tổ chức một số chương trình bảo tồn và phát huy những văn bản được phát hiện tại Đôn Hoàng.
Hoàng Lam
(theo Buddhist Door)