Hướng giải quyết vấn đề cấp khuôn dấu cho các tự viện

GN - "Khuôn dấu các tự viện đã được cấp vẫn lưu hành bình thường". Đó là khẳng định của TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN với Báo Giác Ngộ trong nội dung trả lời phỏng vấn về hướng giải quyết của Trung ương Giáo hội nhân việc cơ quan chức năng Quảng Bình ra thông báo thu hồi khuôn dấu đã được cấp cho các chùa trên địa bàn tỉnh.

H (2).jpg
HT.Thích Như Tín trao quyết định chùa Phước Ân và khuôn dấu chùa đến HT.Thích Minh Trí - Ảnh: Q.H

Trung tuần tháng 6-2020, Giác Ngộ online nhận được phản ánh và đã đăng bản tin về việc cơ quan Công an tỉnh Quảng Bình yêu cầu các chùa trên địa bàn tỉnh nộp lại con dấu chùa đã được cấp trước đó. Bản tin này được dư luận rất quan tâm, nhất là trụ trì các tự viện trong cả nước.

Theo đó, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 64) thuộc Công an tỉnh Quảng Bình đã gửi thông báo về các chùa trên địa bàn, yêu cầu giao nộp con dấu trong ngày 18-6-2020 tại Trung tâm Hành chính Công an tỉnh (9 Quang Trung, P.Đồng Hải, TP.Đồng Hới). Nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về việc thu hồi, văn bản thông báo của PC 64 Quảng Bình dẫn Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu cùng Công văn số 5444/C06-P5 ngày 26-11-2019 của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội liên quan đến mẫu con dấu.

Cụ thể, phòng này cho biết, căn cứ theo quy định tại khoản 14, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì “cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”. Theo ý kiến của Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở tôn giáo là cơ sở vật chất và không là chủ thể đứng ra thực hiện bất cứ quy định nào liên quan đến tổ chức, sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo nên không phải là tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc. Vì vậy cơ sở tôn giáo (như chùa, nhà thờ...) không thuộc đối tượng được sử dụng con dấu theo quy định tại Nghị định số 99/2016/NĐ-CP.

Trước sự việc liên quan ở địa phương, HT.Thích Tánh Nhiếp, UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình trả lời báo Giác Ngộ hôm 17-6-2020 rằng, thông báo trên không gửi cho Ban Trị sự tỉnh, tuy nhiên Hòa thượng cũng đã nắm rõ nội dung. Theo Hòa thượng Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình, việc các chùa được phép làm khuôn dấu của tự viện là căn cứ thông báo, hướng dẫn của Trung ương Giáo hội. Do đó, việc thu hồi theo các nghị định mới cũng cần chờ thông báo của Trung ương Giáo hội.

HT.Thích Tánh Nhiếp cho biết tại thời điểm trên, các chùa tại tỉnh Quảng Bình vẫn tiếp tục sử dụng khuôn dấu đã được cấp hợp pháp cho tới khi có thông báo hướng dẫn cụ thể về vấn đề này của Trung ương Giáo hội, để có sự đồng bộ và bình đẳng trên các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN tại TP.HCM ngày 10-7, vấn đề cấp và sử dụng con dấu của các chùa cũng được đặt ra. Ngay sau hội nghị, PV Giác Ngộ tiếp tục có trao đổi với HT.Thích Tánh Nhiếp và được biết, HĐTS sẽ có liên hệ làm việc với phía Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an để thống nhất. Riêng tại Quảng Bình, sau bản tin đăng báo Giác Ngộ, ngành chức năng tỉnh này không nhắc lại việc thu hồi. Còn quan điểm của Hòa thượng Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Quảng Bình thì cho rằng, chùa cần có con dấu tròn để thuận tiện trong các hoạt động Phật sự đa dạng của mình.

Đồng quan điểm đó, ĐĐ.Thích Huệ Phát, Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang chia sẻ với PV Giác Ngộ rằng, việc cấp dấu tròn cho chùa để tránh việc giả mạo chùa để lừa đảo từ các thành phần bất hảo. Theo Đại đức, đơn cử như trong vấn đề vận động xây chùa, từ thiện, khi đưa ra văn bản kêu gọi đến tín đồ Phật tử, con dấu tròn sẽ là căn cứ chứng thực.

ĐĐ.Thích Huệ Phát cũng nói, với các hoạt động đa dạng của một ngôi chùa, từ đối nội tới đối ngoại, việc có con dấu như đã cấp trước đây là hợp lý. Tuy nhiên, những vướng mắc như “chùa là cơ sở tôn giáo” đã làm khó việc cấp con dấu cho các chùa mới thành lập. Nói đến việc thu hồi, Đại đức cho hay, đây là ưu tư của các chùa và cần sớm có thống nhất từ Trung ương Giáo hội với các cấp chính quyền, để tự viện yên tâm.

Bao Giac Ngo.jpg

Cũng theo ghi nhận tại Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020, diễn ra ở Hà Nam hôm 24-7 qua, đại biểu các tỉnh thành cũng đặt ra vấn đề này, bày tỏ sự quan tâm và đề nghị cần sớm có kết luận cụ thể. Với sự bức thiết của con dấu các chùa, Giác Ngộ liên hệ TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN ngay sau Hội nghị Tăng sự toàn quốc 2020 và khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Thư ký, Văn phòng do Giáo hội tổ chức. Thượng tọa cho biết:

- Về vấn đề con dấu của các cơ sở tự viện thuộc GHPGVN (chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường), sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1-1-2018 đã phát sinh vấn đề. Cụ thể, theo luật này, cơ sở tự viện của Giáo hội không phải là tổ chức tôn giáo trực thuộc, do vậy, căn cứ khoản 7, Điều 13, Nghị định 99/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu - chỉ có tổ chức và tổ chức tôn giáo trực thuộc mới được cấp, sử dụng con dấu (dấu tròn).

Theo Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VI, tại Điều 57, cơ sở tự viện là tài sản của Giáo hội. Do đó, các cơ quan coi đó là tài sản vật chất, chứ không phải tổ chức tôn giáo trực thuộc. Về vấn đề này, năm 2011, Ban Tu chỉnh Hiến chương của Giáo hội có dự kiến đề nghị tu chỉnh Điều 57 với nội dung: “Đơn vị cơ sở của GHPGVN là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) là tổ chức trực thuộc đặt dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội”. Tuy nhiên, nội dung này sau đó vẫn giữ nguyên như bản Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ 5.

Vì vậy, hiện nay các chùa khi đăng ký xin cấp con dấu đã không được các cơ quan chấp thuận. Một số tỉnh như Quảng Bình đã có văn bản thu hồi con dấu đã cấp của các chùa.

* Thưa Thượng tọa, vừa qua, được biết trong cuộc họp Ban Thường trực HĐTS, các địa phương có đặt vấn đề này?

- Thực ra, một số Ban Trị sự địa phương như Thanh Hóa đã phản ánh từ năm 2019. Ngay sau khi nhận thông tin, Ban Thường trực HĐTS đã có những trao đổi và làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như Bộ Công an về vấn đề con dấu của các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội.

Trên cơ sở đó, việc xin cấp con dấu mới cho các cơ sở tự viện, Giáo hội sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ban ngành để tìm giải pháp thực hiện. Đối với các con dấu đã cấp cho các cơ sở tự viện thì vẫn lưu hành bình thường.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã thống nhất là căn cứ theo luật, khi cơ sở tự viện không phải là tổ chức tôn giáo trực thuộc thì không được cấp con dấu. Nhưng luật không có điều khoản nào quy định phải thu hồi các con dấu đã cấp. Thực tế các địa phương chưa thực hiện việc thu hồi con dấu của các tự viện (kể cả tỉnh Quảng Bình cũng chưa thực hiện, mặc dù có văn bản thu hồi).

* Theo Thượng tọa, khuôn dấu tròn có cần thiết và cần như thế nào cho các tự viện?

- Con dấu tròn cần thiết với các cơ sở tự viện trong các giao dịch hành chính thông thường, nhất là khi xin phép xây dựng, tu bổ cơ sở tự viện theo yêu cầu của các luật liên quan như Luật Xây dựng… Thực tế, các hoạt động tôn giáo diễn ra trực tiếp tại các cơ sở tự viện với đầy đủ các nội dung chịu sự điều chỉnh theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, do đó theo tôi cần thiết phải cấp con dấu tròn cho các cơ sở tự viện thuộc GHPGVN.

* Vậy, với vướng mắc cụ thể này, Thượng tọa có ý kiến hay giải pháp gì không?

- Để giải quyết vấn đề này, có hai hướng. Trước mắt, những con dấu đã được cấp cho các cơ sở tự viện của Giáo hội vẫn được lưu hành bình thường, tính pháp lý vẫn đảm bảo. Nghĩa là không thực hiện việc thu hồi con dấu của cơ sở tự viện đã được cấp. Đối với các cơ sở tự viện chưa được cấp con dấu, muốn đề nghị cấp con dấu thì phải thành lập Ban Hộ tự hoặc Ban Quản trị tự viện, vì theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức này được xem là các tổ chức tôn giáo trực thuộc; theo đó, được cấp con dấu theo quy định của Nghị định 99/2016/NĐ-CP (cấp con dấu cho Ban Hộ tự, Ban Quản trị của các cơ sở tôn giáo - PV).

Về lâu dài, Ban Thường trực HĐTS sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để thống nhất và tiến hành sửa đổi, tu chỉnh Hiến chương tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IX (năm 2022) cho phù hợp với các quy định của các bộ luật hiện hành.

* Xin chân thành cảm ơn Thượng tọa!

Tấn Khôi - Hữu Tình

Anh 2, SC Hue Lien.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày