Khi lòng ta đã hóa những con tàu

GNO - Con tàu - ẩn dụ của sự đi lại, xê dịch. Đó cũng là sự ra đi, câu thơ của Chế Lan Viên, ý thơ của ông xin được mượn để dùng cho những người vừa, và sắp đi theo tiếng gọi của Bồ đề tâm…

Tiếng gọi của một nơi nào đó, của một ai đó, của nội tâm, của hạnh phúc miên viễn từ sự thực tập chánh niệm, tỉnh thức đã đủ sức đánh bật mọi cái ước muốn, tham luyến thường tình của con người. Cái tâm cần cầu giải thoát, cứu độ chúng sinh là tâm Bồ đề đã đủ lực thôi thúc “người ra đi đầu không ngoảnh lại”.

1ap_20110831071743557.jpg
Ảnh minh họa

Không ngoảnh lại nhưng chắc lòng cũng có chút luyến lưu, bởi người còn là con-người, có cảm xúc, vẫn phải tiếp xúc với trần cảnh nên có những cảm thọ (thức) rất đỗi con người ấy. Biểu hiện là người đã cầm tay mẹ mà nước mắt rưng rưng. Biểu hiện là người nhìn ta lần cuối rồi bảo: mai mốt gặp lại đã khác rồi nghen, bởi người đã là sư, là thầy, là người đầu tròn áo vuông.

Người là em, là sư em của ta. Trong những cuộc đưa tiễn như thế dù có bịn rịn cỡ nào thì ta cũng thở, cười để tặng người chất liệu bằng an, để nói với người tự đáy lòng rằng: người đã thấy đường đi, đã chọn đúng con đường. Và cũng là để gửi gắm với người ý niệm: rồi ta sẽ đi con đường mà người đã chọn, đã, đang và sẽ đi.

Khi lòng ta đã hóa những con tàu. Khi tiếng gọi của nội tâm đã cất lên, bảo ta hãy đi đi, đừng ngại ngần, nơi ta đến là nơi có Bụt, có Tăng thân, có những giá trị cao thượng bảo hộ thân tâm ta. Nếu thực tập và sống được như những điều Bụt dạy, thầy ta đã sống và có hạnh phúc thì chắc chắn ta cũng có được hạnh phúc và bằng an như Bụt, như thầy.

Cứ mỗi lần ta xem thầy giảng, nhìn thầy cười và đặt bàn tay lên ngực trái rồi thầy điểm chuông bảo đại chúng thở đi là “lòng ta lại hóa những con tàu”. Lại muốn đi, muốn đến nơi có Tăng thân, sống cùng Tăng thân và thực tập hạnh bi-trí mà Bụt, Tổ, thầy, Tăng thân đang thực tập.

Ta biết, dẫu ta sống giữa nhân gian, nói như sư em là “tu bụi” thì ta vẫn có chúng hội đồng tu, bởi mỗi đêm, mỗi sáng, mỗi ngày khi ta bắt chân ngồi lên bồ đoàn thì sư chị, sư anh, sư em… cũng đang ngồi như thế, vững chãi cùng ta. Khi sư chị, sư anh, sư em… niệm Bụt hoặc làm những việc thiện lành thì ta cũng có mặt, cùng niệm, cùng làm với tinh thần huynh đệ đồng tu. Nhưng được là con tàu, được đi trọn con đường với hình tướng đầu tròn áo vuông như quý sư em, sư chị, sư anh vẫn là điều ta phát nguyện bằng tất cả tấm lòng.

Tiếng chuông từ Yên Tử xa xa. Lời nhắc “chánh niệm” từ miền Vĩnh Long của sư em Thiện Hạnh hay từ nơi Phước Viên tự, từ những sư em Minh Phú, Thiện Đức, Trang, Định An… đều là những lực đẩy để lòng ta hóa những con tàu.

Xin cảm ơn những con tàu đã bay đi bằng lực đẩy Bồ đề tâm của sư em đã cho ta niềm hoan hỷ, cái hỷ của hạnh tùy hỷ mà ta học được từ thầy Phổ Hiền. Boong…

Tiếng chuông Yên Tử,

Tiếng chuông từ miền Vũng Liêm

Nhắc ta nhanh tới…

con đường chân như!

Tấn Khôi

Cùng bạn đọc:

Lá thư chia sẻ là tiểu mục từng xuất hiện trên trang Phật giáo-Tuổi trẻ của Giác Ngộ. Nay Giác Ngộ online mở lại mục này để lắng nghe, làm cầu nối cho bạn đọc gửi những chia sẻ của mình tới người thân, người thương. Đó có thể là những trăn trở, ước mong, hoặc chỉ là một phút trải lòng, cảm nhận những bước chuyển trong tâm mình và thời tiết...

Bài viết tham gia không quá 800 chữ, gửi về địa chỉ e-mail:phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Giác Ngộ online

------------------------

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày