GN - Từng là Tăng Ni sinh viên ngồi dưới mái trường cao cấp Phật học tại TP.Hồ Chí Minh (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại TP.HCM), hai vị cựu Tăng Ni sinh khóa II đã trở lại phụng sự trong công tác giáo dục từ chính ngôi trường cũ, tiếp nối sự nghiệp của chư tôn thiền đức tiền bối…
Một giờ học tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: Yên Hà
1 Chúng tôi muốn nhắc tới TT.TS Thích Phước Đạt, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Phật giáo Việt Nam và NS.TS Thích nữ Tuệ Liên, Phó Trưởng khoa Phật pháp Hoa ngữ. Cả Thượng tọa và Ni sư đều tốt nghiệp cử nhân khóa II HVPGVN tại TP.HCM rồi sau đó, thầy thì được giữ lại ở Học viện và bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng phụ trách Học vụ, còn cô có thời gian làm việc ở Văn phòng II TƯGH, nhưng rồi nghiệp giáo đã làm cầu nối để cùng chung tay với chư tôn đức gánh vác nhiệm vụ đào tạo Tăng Ni của Giáo hội.
Gặp TT.TS Thích Phước Đạt và NS.TS Thích nữ Tuệ Liên giữa những ngày tháng 11, nơi sân trường HVPGVN, khi học trò và sinh viên cũng như Tăng Ni sinh đang hân hoan chờ đón Ngày Nhà giáo VN 20-11 trong ý nghĩa tri ân, báo ân để nghe những câu chuyện dạy và học, cũng như trăn trở của người làm công tác giáo dục lâu năm ở ngôi trường Phật học phía Nam, chúng tôi thật sự tâm đắc.
Ni sư TN.Tuệ Liên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng gợi mở: “Để có thể đứng lớp, giảng dạy thì khâu chuẩn bị rất quan trọng, đó không phải một hai ngày mà là đầu tư rất nhiều thời gian để suy nghĩ phương pháp, nội dung và giáo án giảng dạy”. TT.Thích Phước Đạt cũng đồng suy nghĩ trên, thầy bộc bạch: “Trong quá trình giảng dạy, bất kỳ ai muốn đứng lớp thì cũng phải chuẩn bị giáo án kỹ, theo quy trình sư phạm đã được đào tạo về mặt chuyên môn. Bản thân chúng tôi luôn xem quá trình giảng dạy là quá trình tự lực học tập, nghiên cứu và ngược lại trong quá trình nghiên cứu, học tập với một tấm lòng đam mê, nhiệt huyết sẽ góp phần việc giảng dạy tốt hơn”.
Đứng lớp, ngoài việc chuẩn bị kỹ giáo án thì tình cảm được gửi gắm qua từng bài giảng cũng là thứ chất liệu truyền được vào nội tâm người học. “Được đứng lớp tại ngôi trường mình từng theo học là điều vinh dự và sung sướng nhất đối với bất cứ ai theo ngành giáo dục”, TT.Thích Phước Đạt nói.
Trong dòng cảm xúc ấy, thầy Phó Viện trưởng còn chia sẻ thêm niềm hoan hỷ đó, rằng: “Tôi còn nhớ như in nụ cười hiền hòa, đôn hậu của cố Hòa thượng Viện trưởng sáng lập Thích Minh Châu - ngài khích lệ chúng tôi khi dự giờ buổi dạy đầu tiên môn Văn học Phật giáo Việt Nam cùng với GS. Trần Tuấn Mẫn và cố HT.Thích Đạt Đạo. Bản thân chúng tôi xem đó như một bài học quý báu trong đời mỗi khi cầm phấn. Từ đó, tôi luôn mong ước trong quá trình giảng dạy bao giờ cũng phải đem đến nụ cười cho Tăng Ni sinh qua từng con chữ, qua từng bài giảng, truyền cảm hứng cho các vị thích thú học tập với lòng đam mê và nhiệt huyết”.
2 Tất nhiên, công việc trồng người không bao giờ đơn giản, càng không đơn giản trong dạy-học Phật pháp. Thế nên, mới có những kỷ niệm thế này: “Tôi đảm nhiệm môn Hán cổ cho khoa Đào tạo từ xa từ học kỳ 5 đến học kỳ 8. Trong khoa này gồm có Tăng Ni và Phật tử cũng như các nhân sĩ trí thức trong xã hội từ Bắc tới Nam theo học. Phải soạn giáo án và trình bày như thế nào để phù hợp với trình độ của học viên trong lớp? Thậm chí trong đó có Phật tử đã 70-80 tuổi, nghe giáo lý thì có thể nói không thành vấn đề vì quý vị này thường đến đạo tràng nghe thuyết giảng, học các lớp giáo lý, nhưng môn Hán cổ không phải nơi nào cũng giảng dạy cho Phật tử”, Ni sư Tuệ Liên tâm sự.
Và, đương nhiên, người làm công tác sư phạm không bao giờ vì thế mà đầu hàng, Ni sư đã “thiên biến vạn hóa”, tìm tòi, ngoài phần phiên âm - dịch nghĩa còn triển khai thêm phần từ vựng để nâng cao vốn từ, phần ngữ pháp sử dụng câu hỏi trắc nghiệm. Đồng thời, Ni sư sử dụng phần mềm eStroke tạo chữ bút thuận, soạn file trình chiếu PowerPoint, cùng với file Word. Nội dung bài học của mỗi học kỳ cũng không thua nội dung học của khóa VII chính quy mà còn thêm rất nhiều bài Phật pháp. Kỳ thi cuối học kỳ của môn học không giới hạn, phải học hết như lớp chính quy và niềm an ủi khích lệ cho giảng viên đó là số điểm của học viên rất cao, thi đậu rất nhiều.
3 “Bản thân của nhà giáo dục Phật giáo không chỉ là sự truyền thọ kiến thức của khẩu giáo, mà còn phải có cả thân giáo, ý giáo, càng xem trọng tư tưởng, luân lý, đạo đức, nhân cách, cho đến sự đào luyện oai nghi, để đưa đến trí tuệ giải thoát, theo đúng tinh thần Giới - Định - Tuệ của Phật giáo”, Ni sư Tuệ Liên tâm đắc.
Trên tâm niệm ấy, vị giáo thọ Ni nhắc lời của Đại sư Tinh Vân như kim chỉ nam cho sự nghiệp dạy Phật học cũng như tu đạo của mình: “Sự giáo dục của Đức Phật đầu tiên là xem trọng sự tu dưỡng của lời nói, việc làm, cử chỉ, phẩm hạnh, đạo đức, đó là “Giới học”; thứ đến xem trọng sự chế ngự, thúc liễm thân tâm gọi là “Định học”; tiếp tới xem trọng sự khai mở chân như tự tánh, tức là “Huệ học”.
Ni sư cũng lấy suy nghĩ của bậc thầy trong công tác giáo dục của Phật giáo Việt Nam, HT.Thích Minh Châu làm vốn liếng với niềm tâm đắc trong vị trí mình đang đảm nhận: “Ý nghĩa nổi bật của giáo dục là sự thọ truyền, huấn luyện, đào tạo. Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không nhấn mạnh đến sự kích thích làm phát triển khả năng tư duy, sự tinh tấn, tinh thần tự do, tính sáng tạo và thiện căn vốn có ở người được giáo dục”.
Còn TT.Thích Phước Đạt thì trăn trở trong ý nghĩa liên hệ: “Giữa thời đại hội nhập toàn cầu, đầu tư chất xám hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là đầu tư trí tuệ được xem là chìa khóa vàng để mở ra cánh cửa xây dựng và phát triển đất nước. Mục đích là đem lại một đời sống hạnh phúc an lạc cho mọi người. Vai trò và trách nhiệm của người thầy trên từng lĩnh vực lại càng cao hơn.
Là tu sĩ, ngay từ khi đạo Phật du nhập vào, nhà chùa được nhân dân ta nhìn nhận và công nhận như là nhà trường, nhà sư được xã hội nhìn nhận là người thầy, đặc biệt là người thầy tâm linh. Truyền thống tốt đẹp đó, ngày nay lại được phát huy, hẳn nhiên sẽ được mọi người dân tin tưởng và giao phó trách nhiệm cho các tu sĩ Phật giáo chúng tôi trong thời đại ngày nay. Cha ông chúng ta thường dạy “Không thầy, đố mày làm nên”, huống chi tôn chỉ của đạo Phật là “Duy tuệ thị nghiệp”, do đó bất cứ ai đi theo nghề nhà giáo đều mong đem hết tâm lực, trí lực để trao truyền những gì họ đã tiếp thu”.
TT.Thích Phước Đạt và Ni sư Tuệ Liên, giảng viên Học viện TT.Thích Phước Đạt sau khi được giữ lại trường đã vừa làm vừa tiếp tục nghiên cứu, theo học chương trình thạc sĩ, rồi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). NS.Thích nữ Tuệ Liên làm việc tại Văn phòng II TƯGH trong thời gian 3 năm và đi du học sau đó. Năm 2005, Ni sư tốt nghiệp tiến sĩ tại Trung Quốc và được mời tham gia Ban Giảng huấn tại Học viện. Từ cuối năm 2007, Ni sư bắt đầu đứng lớp với môn Lịch sử Văn học Hán tạng.
Như Danh
________________________
* Xem thêm bài vở cùng chủ đề:
>> Bung tay gieo hạt
>> Ngày hội tri ân tại Trường Phật học TP.Đà Nẵng
>> Lễ tri ân của Tăng Ni sinh các khóa giảng sư
>> Quảng Nam: Tăng Ni sinh tổ chức lễ tri ân
>> Tăng Ni sinh Học viện tri ân giáo thọ
>> TP.HCM: "Mênh mông tình thầy" tại Học viện PGVN