Khoa học thần kinh và giải pháp đối trị “Tâm viên ý mã”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1193 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1193 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hình ảnh “tâm như khỉ chuyền cành” bắt nguồn từ những lời dạy của Đức Phật, thể hiện trạng thái suy nghĩ bồn chồn, cảm xúc hỗn loạn.

Khoa học thần kinh đã lần theo những mô tả đó trong kinh để tìm hiểu các vùng não được gọi là mạng lưới của chế độ mặc định (DMN). Theo đó, chánh niệm Phật giáo đã được chứng minh là làm dịu DMN và giảm căng thẳng.

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy rằng “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tâm tạo”, như vậy, con người được định hình bởi những suy nghĩ của chính mình, đồng thời suy nghĩ cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến những trải nghiệm cuộc sống của chúng ta. Tùy vào khả năng kiểm soát tâm mà nó có thể trở thành bạn tốt hoặc là kẻ thù của chính mình.

Hình tượng Tôn Ngộ Không

Khi không được rèn luyện và tu tập một cách thuần thục, tâm trí rất dễ rơi vào trạng thái bồn chồn, lo âu và suy nghĩ liên tục. Chúng khởi lên và quay cuồng theo những tác động từ bên ngoài. Trong Phật giáo, để đối trị với những vấn đề này, các phương pháp thực hành sẽ hướng đến việc trau dồi chánh niệm và phát triển khả năng kiểm soát tâm để giảm thiểu cũng như loại bỏ những sự kích động tinh thần như trên và thúc đẩy sự bình an nội tại.

“Tâm như khỉ chuyền cành” cũng được tái hiện trong một tác phẩm tiểu thuyết văn hóa dân gian cổ đại của Trung Quốc: tác phẩm kinh điển Tây du ký của Ngô Thừa Ân thời nhà Minh. Trong đó, nhân vật chính là Tôn Ngộ Không, “Vua Khỉ”, ban đầu là một kẻ có thần thông biến hóa nhưng lại nghịch ngợm, phá phách và nổi loạn trong dân gian.

Trong tác phẩm này, Tôn Ngộ Không đã trở thành một đệ tử trung thành của Đại sư Huyền Trang và bắt đầu cuộc hành trình đến Ấn Độ để thỉnh kinh sách Phật giáo cũng như tìm kiếm sự giác ngộ trên mảnh đất linh thiêng này. Câu chuyện về hành trình giải thoát của Tôn Ngộ Không thông qua thiền định là một cách nhìn nhận văn hóa và tâm linh rất sâu sắc thông qua triết học và Phật giáo Á Đông. Hành trình của Tôn Ngộ Không có thể được xem như một phép ẩn dụ cho con đường phát triển tâm linh của Phật giáo, đặc biệt là phải kiểm soát tâm ý để đạt được giác ngộ.

Tại sao phải thực hành thiền?

Thiền định là một phương pháp rèn luyện tâm thức nhằm tập trung sự chú ý vào một đối tượng, suy nghĩ, cảm xúc hay một hành động nào đó để đạt được sự minh mẫn, tỉnh giác cũng như trạng thái cân bằng của tâm. Thiền bao gồm nhiều phương pháp khác nhau, chẳng hạn như quán sát thân, tâm hoặc chánh niệm tỉnh giác đối với các cảm xúc khi chúng phát khởi.

Trong suốt thời gian thực hành thiền, chắc chắn những suy nghĩ và tạp niệm sẽ nảy sinh và khiến hành giả phân tâm. Nhưng nếu cứ tiếp tục tập trung vào hơi thở, cảm thọ hay một đề mục nào đó đã được chọn trước, thì những vọng niệm sẽ tan biến và qua đi. Chính kỹ năng chuyển sự chú ý trở lại trên đối tượng thiền tập mà không hề phán xét hay thất vọng là điều tạo nên sức mạnh tinh thần cho hành giả.

Một trong những mục tiêu quan trọng nữa của thiền định là tách cái tôi ra khỏi suy nghĩ, cảm thọ, tâm thức của hành giả. Khi thực tập thiền, chúng ta cố gắng quan sát những suy nghĩ của mình; chỉ thấy rõ và ghi nhận những đối tượng đang sinh và diệt mà không bị dính mắc hay chấp chặt vào chúng. Sau khi đã trau giồi được tâm quân bình và trí tuệ sáng suốt thì chúng ta có thể nhìn nhận những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách khách quan hơn.

Thông qua thiền định, chúng ta cũng sẽ học cách để nhận ra rằng những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân luôn luôn thay đổi và vô thường không thể đoán trước được. Vì vậy, không thể đồng nhất chúng ta với những suy nghĩ hay những cảm xúc thoáng qua đó, bởi bản chất của chúng chỉ là tạm thời, giả hợp, đến rồi đi. Nếu chấp chặt vào những hiện tượng giả tạm đó thì chúng ta sẽ gánh lấy những khổ đau không đáng có và bị quay cuồng theo những pháp sinh diệt như vậy.

Khoa học thần kinh và phương pháp thiền định

Thiền chánh niệm là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong con đường gồm tám chi phần dẫn đến giác ngộ (Bát Chánh đạo) trong Phật giáo. Theo đó, sự dính mắc vào cảm xúc, suy nghĩ hay ham muốn là nguồn gốc của mọi sự đau khổ. Thật vậy, trong nhưng năm gần đây, khoa học về thần kinh đã phát hiện ra rằng những sự thật này liên quan trực tiếp đến những phần cụ thể của não bộ.

Khảo sát những tác động và lợi ích của thiền định đối với não bộ

Khảo sát những tác động và lợi ích của thiền định đối với não bộ

Một số nghiên cứu đã khảo sát những tác động và lợi ích của thiền định đối với não bộ. Vào năm 2010, hai nhà tâm lý học Killingsworth và Gilbert của Trường Đại học Harvard đã xác định mối tương quan chắt chẽ giữa sự buồn bã, thất vọng và “tâm trí tán loạn”. Họ phát hiện ra rằng những người dành nhiều thời gian để suy nghĩ vẩn vơ hay mơ mộng chịu nhiều khổ đau, buồn bã và ưu phiền hơn; trong khi nhóm người tập trung vào thời điểm hiện tại có mức độ hạnh phúc, vui vẻ và hài lòng về cuộc sống cao hơn một cách đáng kể.

Cho đến năm 2015, một nghiên cứu khác từ Garrison KA lại tiếp tục chỉ ra rằng thực hành thiền định có khả năng làm kiểm soát mạng lưới chế độ mặc định (DMN). Trong đó, DMN là tập hợp các vùng não bộ hoạt động trong suốt quá trình suy nghĩ vẩn vơ, lo lắng, trầm tư hay bồn chồn: tất cả những biểu hiện chân thực của “tâm vượn”. Ngoài ra, vào năm 2022, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra rằng thiền chánh niệm làm tăng khả năng giao tiếp giữa các mạng lưới nhất định trong não bộ, bao gồm cả DMN. Và cuối cùng, họ đưa ra kết luận rằng thiền thúc đẩy mối liên hệ giữa các phần khác nhau của não; chính điều này có thể cải thiện chức năng và hoạt động của não bộ, phát triển sự kiểm soát nhận thức và nâng cao khả năng chữa lành tình trạng căng thẳng và tổn thương tâm lý khác.

Khoa học hiện đại và truyền thống cổ xưa

Nhìn chung, cùng với sự phát triển của khoa học, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thiền định giúp cải thiện chức năng và thay đổi cấu trúc của não. Mặc dù không phải tất cả các khía cạnh của những phương pháp thực hành truyền thống đều có thể dễ dàng đo lường hoặc tìm hiểu một cách chính xác và đầy đủ thông qua các nghiên cứu khoa học, nhưng những khảo sát trên đây phần nào cũng có thể bắt đầu cho thấy sự ủng hộ khoa học Tây phương đối với một số phương pháp thực tiễn truyền thống phương Đông, đặc biệt là Phật giáo. Trong đó, vô số những lời dạy, chân lý và phương pháp thực hành của Phật giáo vẫn còn là một ẩn số đối với khoa học hiện đại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày