Thiền định và sự cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Một nghiên cứu được công bố vào ngày 16-1 trên tạp chí truy cập mở General Psychiatry cho thấy rằng việc thực tập thiền định sâu, thường xuyên và trong khoảng thời gian dài có thể là một yếu tố tích cực trong việc chuyển đổi hệ vi sinh vật đường ruột và có khả năng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh thuộc về thể chất và tinh thần.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi một nhóm các chuyên gia do Tiến sĩ Jinghong Chen (Trần Cảnh Hoằng) của Đại học Y dược Giao thông Thượng Hải hướng dẫn.

“Trong nghiên cứu này, chúng tôi hướng đến khảo sát mối liên hệ giữa thiền định trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng lâu đời và hệ vi sinh vật trong phân để tìm hiểu xem liệu thiền định có tác động đến sức khỏe con người bằng cách thay đổi các vi khuẩn đường ruột hay không. Các mẫu nghiên cứu được thu thập từ các nhà sư và các khu vực lân cận của ba ngôi chùa ở Tây Tạng và Trung Quốc. Theo như chúng tôi được biết thì đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra hệ vi sinh vật trong đường ruột cho các nhà sư Tây Tạng”, bài nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích các vi khuẩn đường ruột trong các mẫu phân và máu của một nhóm 37 nhà sư Phật giáo tại chùa Qiongke, Jiaqu và Ezhi ở Tây Tạng và thực sự đã tìm thấy sự khác biệt đáng kể so với các mẫu từ 19 cư dân sống gần đó. Điều đặc biệt là các nhà sư tham gia nghiên cứu đã thực hành tu tập thiền trong 3 đến 30 năm và tối thiểu hai giờ mỗi ngày.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một công cụ điều tra phân tích mang tên Phylogenetic Investigation of Communities by Reconstruction of Unobserved States (PICRUST) để khảo sát các quy trình và những phản ứng hóa học tiềm ẩn có thể bị tác động bởi sự đa dạng của vi khuẩn trong đường ruột. Cuối cùng, họ đã đi đến kết luận là những người hành thiền đã cải thiện cơ chế chống viêm và trao đổi chất của cơ thể.

“Chúng tôi xác nhận rằng thành phần hệ vi sinh đường ruột có sự khác biệt rất lớn giữa các nhà sư và những đối tượng khác tham gia nghiên cứu. Hệ vi sinh ở các nhà sư rất phát triển, điều này dẫn đến việc giảm nguy cơ lo lắng, trầm cảm và các bệnh về tim mạch, đồng thời có thể tăng cường khả năng miễn dịch. Nhìn chung, những kết quả mang lại cho thấy rằng thiền định đóng một vai trò tích cực trong việc chữa lành và mang đến hạnh phúc cho hành giả”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Ngoài ra, họ cũng lưu ý rằng trong ba tháng trước khi tiến hành nghiên cứu, không có nhà sư nào dùng bất kỳ chất gì ảnh hưởng đến số lượng hoặc sự đa dạng của vi sinh vật đường ruột, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, men vi sinh, prebiotic hay thuốc chống nấm.

Theo kết quả kiểm tra mẫu phân, các nhà sư và cư sĩ trong khu vực lân cận sở hữu các loại và số lượng vi khuẩn khác nhau đáng kể. Các nhà nghiên cứu cho biết trong báo cáo của họ: “Một số vi khuẩn rất phát triển trong nhóm tu sĩ có liên quan đến việc giảm bớt một số bệnh lý về tinh thần, và nghiên cứu cũng cho thấy rằng thiền có thể ảnh hưởng đến một số vi khuẩn liên quan đến sức khỏe tinh thần”

Trong bối cảnh lâm sàng hiện đại, thiền định đã được sử dụng để điều trị các vấn đề về tinh thần như trầm cảm, lo lắng, lạm dụng chất gây nghiện, căng thẳng do chấn thương tâm lý, rối loạn ăn uống và các cơn đau mãn tính. Theo các chuyên gia, thiền Phật giáo Tây Tạng có thể được xem là một hình thức để rèn luyện tinh thần, được bắt nguồn từ phương pháp y học cổ truyền của Ấn Độ được gọi là Ayurveda.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày