GN - Bạn cần nhẫn nại và tin tưởng vào sự chuyển hóa của chồng.
HỎI: Tôi năm nay 32 tuổi, hiện đang làm nhân viên tại một trường đại học. Tôi lấy chồng cách đây 8 năm và hiện đã có 2 con. Tôi có niềm tin lớn lao vào Đức Bồ-tát Quán Thế Âm từ khi còn nhỏ, đến nay vẫn thường niệm chú Đại bi.
Hiện tôi đang gặp một khó khăn lớn trong cuộc sống và không biết nên giải quyết thế nào? Chồng tôi cũng tin vào Phật pháp (tuy ít hành trì kinh kệ), có trách nhiệm với vợ con nhưng tính tình anh ấy nóng nảy, hay nạt nộ người khác. Với mẹ tôi hoặc cha mẹ, anh chị của anh ấy cũng vậy, hễ mà nóng giận lên thì ai anh cũng mắng hết. Đặc biệt tôi rất hay bị anh ấy la mắng, có những chuyện rất nhỏ nhặt, không đáng mà anh cũng rầy. Vì thế tinh thần tôi bị ảnh hưởng suy sụp nghiêm trọng.
Chịu đựng lâu ngày, nay tôi cảm nhận cuộc hôn nhân gần như đã đến hồi kết nên muốn ly hôn để tự cứu mình và để các con tôi không phải ảnh hưởng bởi cái tính cáu gắt, nóng nảy của anh. Nhiều khi tôi lại nghĩ, chắc kiếp trước tôi mắc tội nên kiếp này phải trả, trả chưa hết thì dù có ly hôn hay đến kiếp sau cũng phải trả tiếp. Tôi nghĩ như vậy nên rất sợ. Mong quý Báo cho tôi những lời khuyên.
(HÀ MINH, banhtrang28…@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Hà Minh thân mến!
Bạn có duyên lành với Đức Bồ-tát Quán Thế Âm từ nhỏ, lại thường trì niệm chú Đại bi nên bạn hay nhẫn nhịn, giàu lòng từ bi. Những đức tính tốt ấy rất cần nhưng chưa đủ để ứng xử hài hòa, phù hợp nhằm thiết lập hạnh phúc hôn nhân. Nhất là gặp trường hợp sống chung với người chồng có tính nóng nảy, gia trưởng, hay la mắng thì ngoài tâm từ bi, cần phải phát huy trí tuệ mới có thể ứng xử thích hợp cũng như góp phần chuyển hóa tâm tính của chồng.
Bạn thật tuyệt khi biết nhẫn nhịn trước tật xấu nóng nảy hay la mắng của chồng. Tuy nhẫn nhịn vốn rất tốt nhưng chỉ đơn thuần chịu đựng, dồn nén những uất ức bất bình vào trong lòng mà không phương cách tháo gỡ thì không phải là điều hay. Vì chịu đựng lâu ngày nên nội kết khổ đau tích tụ theo thời gian càng lớn, chắc chắn sẽ nổ tung khi vượt ngưỡng. Hiện bạn “cảm nhận cuộc hôn nhân gần như đã đến hồi kết” là dấu hiệu cho thấy sức chịu đựng của bạn đã chạm trần. Vậy bạn hãy bình tâm để quán chiếu và nhận diện thật rõ vấn đề của mình nhằm chủ động tháo gỡ.
Trước hết, bạn cần chọn một thời điểm thích hợp rồi chủ động sẻ chia, bộc bạch hết những nỗi niềm của mình cho anh ấy nghe. Những bức bối, buồn tủi, giận hờn, bất bình, cam chịu… khi nghe anh la mắng một cách vô cớ bấy lâu nay làm cho bạn đau khổ đều trải lòng ra hết.
Cần nói thật cho chồng của bạn biết tính cách gia trưởng, hay nạt nộ của anh đã làm cho những người thân rất đau lòng. Bạn bày tỏ sự tha thiết mong anh thay đổi, không được xúc phạm với cha mẹ, không nên la mắng cáu gắt vô cớ với vợ con, bởi những lời nói thiếu “hiểu và thương” ấy đang giết chết hạnh phúc gia đình, khiến cho tâm của con cái bị ô nhiễm sân si, ác khẩu trầm trọng. Ngay cả việc hiện bạn rất bức xúc và cảm giác chịu hết nổi muốn ly hôn cũng không ngại tỏ bày.
Bạn cứ bình thản mà sẻ chia, tâm sự rằng vì muốn cho gia đình hạnh phúc, ấm êm nên mới bất đắc dĩ nói ra những điều này. Rất có thể anh ấy sẽ phản ứng theo thói quen gia trưởng, lớn tiếng nạt nộ thì bạn hãy nhẫn nhịn. Chờ anh nói xong, nói hết thì bạn hãy tiếp tục. Nếu thấy anh ta có biểu hiện giận dữ, vũ phu thì nhẫn nhịn, rút lui và chờ một dịp khác.
Chắc hẳn chồng của bạn sẽ “choáng” trước cách hành xử “bất thường” khác với trước đây của bạn. Chính điều này sẽ giúp anh ấy có cơ hội phản tỉnh để nhìn lại chính mình, chiêm nghiệm lại cách hành xử và nói năng của mình với những người thân. Nhờ vào “lòng tin Phật pháp và có trách nhiệm với vợ con” của anh ấy, hy vọng anh ta thức tỉnh, nhận ra vấn đề hạnh phúc gia đình mình đang bị đe dọa nghiêm trọng vì chính cách hành xử thiếu “hiểu và thương” của mình.
Bạn cần nhẫn nại và tin tưởng vào sự chuyển hóa của chồng. Không nên nghĩ đến ly hôn khi tình trạng gia đình vẫn có thể cứu vãn. Bạn hãy vận dụng chất liệu “hiểu biết và yêu thương” của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm để chuyển hóa chồng cũng như để trị liệu những rạn nứt, đổ vỡ trong gia đình. Những suy nghĩ có tính thụ động như “kiếp trước tôi mắc tội nên kiếp này phải trả, trả chưa hết thì dù có ly hôn hay đến kiếp sau cũng phải trả tiếp” chỉ đúng một phần nhỏ của sự việc mà thôi. Suy niệm như vậy rồi an phận, cam chịu là chưa đúng với tinh thần thuyết Nghiệp vốn năng động và tích cực của nhà Phật. Nghiệp do mình tạo ra nhưng cũng do mình chủ động chuyển hóa nó.
Bạn cố gắng vận dụng công năng tu học của mình, phát huy từ bi và trí tuệ, thể hiện hiểu và thương song hành để chuyển hóa tự thân và chồng của mình. Những trục trặc bất đồng phát sinh trong cuộc sống đều có thể điều chỉnh được nếu khéo ứng xử, biết chuyển hóa. Ly hôn chỉ là chuyện bất đắc dĩ khi gia đình đổ vỡ trầm trọng. Mặt khác ly hôn rồi cũng chưa hẳn là thoát khổ. Bạn đang có cả một gia đình, nên quan trọng nhất vẫn là nỗ lực trị liệu và chuyển hóa lẫn nhau để trang trải yêu thương, xây dựng niềm tin, thiết lập hạnh phúc trong hiện tại.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)