Không dối trá

Không dối trá
GN - Mọi sự dối trá đều phải trả giá bằng sự cô đơn khủng khiếp.

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Sự dối trá còn tệ hại hơn cả sát nhân”. Sự dối trá không chỉ ở nghĩa thông thường là nói dối hay làm dối, mà còn bao hàm cả việc biết người khác đang gặp nguy hiểm mà không giúp.

Tiên sinh G. Ohsawa là một triết gia vừa là thầy thuốc người Nhật, đã có nhiều năm làm việc tại Paris, ông cho rằng, thầy thuốc đi trên đường tình cờ gặp một em bé vàng da mà không giúp cho em bé biết lá gan của em bé đang có vấn đề nghiêm trọng, để cho gia đình em bé kịp thời chữa trị thì người thầy thuốc cũng sẽ bị mang tội dối trá.

Đó là câu chuyện vào những thập niên 50 của thế kỷ trước; còn bây giờ xã hội văn minh hơn, sự chăm sóc sức khỏe bảo hiểm y tế ưu tiên hàng đầu, người ta đã biết kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

Hậu quả của sự dối trá không chỉ ở những người thầy thuốc vô cảm mà bao gồm mọi giới trong xã hội. Người kỹ sư xây dựng cầu đường, nhà cửa phải chịu trách nhiệm kỹ thuật về những công trình của họ. Những cây cầu yếu, những con đường đang thi công, những đoạn đường hư hỏng nguy hiểm cần phải có biển báo để tránh tai nạn cho người tham gia giao thông, và biết bao hiểm nguy đang rình rập đâu đó trong cuộc sống, nếu như không có ai vô tình “dối trá” và mọi người đều biết đưa ra những dự báo, những tín hiệu nguy cấp để thông tin cho nhau, thì cuộc sống này sẽ an toàn hơn và đẹp hơn rất nhiều.

Ngày xưa học tiểu học, cô giáo dạy học trò gặp mảnh chai hay vật sắc nhọn trên đường đi thì nên nhặt bỏ vào chỗ an toàn, việc làm này tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng đến tâm tính học trò khi lớn lên, làm giàu thêm lòng nhân ái.

Vì cái bản chất của lòng người vốn thiện (Nhân chi sơ tánh bổn thiện), cho nên, từ khi còn bé, sự giáo dục tưới tẩm hạt giống thiện lành từ thầy cô, gia đình và xã hội là điều rất cần thiết, để cho các thế lực xấu ác không thể xâm nhập vào tâm tính trẻ con ngây thơ trong trắng. Mẹ “dạy cho con tiếng nói thật thà” (Trịnh Công Sơn) bằng những những câu tục ngữ: “Một lời nói dối, sám hối bảy ngày”, hay “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”, hoặc “Đường đi hay tới, nói dối hay cùng”, “Một lời nói phải, củ cải cũng nghe”… cũng không ngoài ý nghĩa răn dạy cách ăn ngay nói thật.

Biết mà không nói cũng mang tội “dối trá”, nói mà không hay, làm buồn lòng người khác cũng mang tội. “Nói bên Đông, động lòng bên Tây/Tuy rằng nói đó, nhưng đây chạnh lòng”. Nói nhiều quá cũng không tránh khỏi đa ngôn đa quá. “Ăn lắm thì hết món ngon/Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”. Người ta nói cha mẹ sinh ra ta có hai tai nhưng chỉ một miệng thôi, cho nên phải nghe nhiều hơn nói. Vì vậy ông cha ta mới dạy từ khi còn thơ dại phải học ăn, học nói, học gói, học mở và phải ghi nhớ câu “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Phải biết học cách lắng nghe từ người lớn cũng như kẻ nhỏ vì “hậu sinh khả úy”, kẻ sinh sau cũng có nhiều điều đáng cho ta học hỏi. Cha mẹ dạy con “Ăn có nhai, nói có nghĩ”, nhưng cũng có một số ít người con không vâng lời khiến bậc phụ huynh buồn lòng than thở “Sinh con ai dễ sinh lòng/ Sinh con ai cũng vun trồng cho con”.

Sự dối trá trong tình bạn hoặc trong tình yêu hay trong những thứ tình cảm thiêng liêng khác đều phải trả giá bằng một sự cô đơn khủng khiếp, vì “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Người ta không thể để cho bạn dối lừa quá tam ba bận, dĩ nhiên là họ sẽ delete cái tên bạn trong danh bạ di động hay thậm chí không còn quan tâm nữa.

Trong lĩnh vực kinh doanh cũng vậy, “Khách hàng là thượng đế”, họ luôn quý trọng những nhà kinh doanh thật thà chân chính, và họ sẵn sàng tẩy chay những kẻ buôn gian bán lận, làm mất lòng tin khách hàng. Cho nên, “thật thà” là một trong những yếu tố thành công của những nhà doanh nghiệp.

Người con Phật đã thọ Tam quy Ngũ giới, thường xuyên tụng giới, đương nhiên không ai có thể quên giới thứ tư: “Không nói dối”, một trong năm giới quan trọng của người Phật tử. Dù bạn là Phật tử hay không thì cũng phải mưu sinh bằng một công việc gì đó, bất luận công việc gì, buôn bán hoặc công chức, nếu bạn muốn ăn ra làm nên, mọi người quý mến thì không thể thiếu tính cách thật thà, vui vẻ. Tôi là một người Phật tử, rất tâm đắc với câu đối trong phòng khách của tịnh thất Viên Quang có liên quan đến điều này: “Nói hay, hay nói, nói lời hay/ Làm phải, phải làm, làm việc phải”.

Không nói dối!

Mẹ dạy con từ tấm bé nói hay hơn hay nói, nói vừa đủ lời lẽ chân thực. Bạn và tôi sẽ đồng ý với người nhạc sĩ họ Trịnh: “Dạy cho con tiếng nói thật thà”. Làm người đừng bao giờ dối trá, nếu không, bạn sẽ rất đơn độc, vì không ai dám chơi với hạng người ba hoa chích chòe, phải không bạn?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày