Tết Nguyên đán Nhâm Thìn không chỉ rộn ràng tại một số quốc gia châu Á mà đã có sức nóng lan tỏa khắp 5 châu.
Khi ngày Tết cận kề, mọi cung đường, ngõ phố của Trung Quốc tràn ngập sắc đỏ, đỏ của đèn lồng, câu đối, đỏ của sắc áo truyền thống, của những phong bao lì xì được bày bán ngập tràn trên những sạp hàng. Nhưng nổi bật giữa biển màu ấy là sắc vàng của hình tượng rồng bay được trưng bày khắp nơi.
Một bé gái rạng ngời trong sắc đỏ của đèn lồng.
Người dân từ Bắc Kinh, Thượng Hải tới Quảng Châu, Thâm Quyến hay Hong Kong, Ma Cao đều tất bật trang hoàng cho hình tượng rồng, hoặc bận rộn hoàn tất những khâu chuẩn bị cho màn múa rồng hoành tráng trong đêm Giao thừa.
Công nhân đang trang trí hình nộm rồng
để chuẩn bị cho điệu múa truyền thống với sự tham gia của
200 người sắp diễn ra tại Ôn Châu, Chiết Giang
Không khí Tết còn ngập tràn Trung Quốc bởi hàng dài người ùn ùn đổ về quê dịp cuối năm. Họ chen nhau mua vé tàu xe, chờ chực nhiều ngày đêm tại sân bay, bến tàu để săn vé, thậm chí sẵn sàng đi đường vòng với hành trình: Bắc Kinh-Bangkok (Thái Lan)-Côn Minh để được tận hưởng không khí đoàn viên.
Ngoài ra, người Trung Quốc cũng rất thích chuẩn bị những món ăn tryền thống như bánh bao, sủi cảo…trong dịp Tết đến xuân về. Mới đây, tại tỉnh Cát Lâm, 2012 người đã rầm rộ tham gia một “lớp hướng dẫn nấu ăn lớn nhất thế giới” tại khu vực rộng 6.800 m2. Họ hào hứng làm những món bánh cổ truyền và tận hưởng không khí vui vẻ để chào đón năm Nhâm Thìn.
Còn tại Malaysia, ngày 14/1 vừa qua đánh dấu một sự kiện khá đặc biệt trước ngưỡng năm rồng. Hơn ba nghìn giáo viên và học sinh tại Kuala Lumpur tham gia hội thi viết thư pháp chào xuân được tổ chức rất long trọng. Khi hội thi kết thúc, các thí sinh đều hào hứng khoe thành quả của mình và chụp những kiểu ảnh đón chào năm mới độc đáo với một màu đỏ rực của những bức thư pháp.
Học sinh Malaysia thích thú tham gia hội thi thư pháp với chủ đề năm rồng
Tại Singapore, quốc đảo xinh đẹp tại Đông Nam Á, dù Tết Nguyên Đán vẫn chưa chính thức diễn ra nhưng khắp các đường phố của nước này đã ngập tràn không khí đón xuân. Hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện chào đón năm Nhâm Thìn được tổ chức tại Singapore chính là “Lễ hội đèn đường”.
Người Hàn Quốc cũng rất coi trọng Tết cổ truyền. Họ xem đây là đại lễ long trọng nhất trong năm. Tết cổ truyền của người Hàn Quốc được gọi là Seol, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Hòa chung không khí rộn ràng chào đón tân xuân như một số quốc gia châu Á khác, các bài viết về chủ đề này ngập tràn báo chí Hàn Quốc.
Tờ Chosun Ilbo bình luận: “Rồng là biểu tượng của tài phú và quyền lực. Vì vậy, người dân đều hy vọng năm 2012 sẽ đem đến cho họ nhiều may mắn” hay “Những người tuổi rồng rất sáng tạo, lương thiện và không ngại đấu tranh”…Báo chí nước này cũng đăng tải loạt bài về những nhân vật tuổi Thìn lừng lẫy năm châu, trong đó có Thủ tướng Nga Putin.
Để đón chào năm mới, người dân Hàn Quốc đua nhau mua sắm, trang hoàng nhà cửa, phố phường. Theo thống kê chính thức của giới truyền thông nước này, vào dịp cuối năm 2011, đầu năm 2012, đơn đặt hàng đối với những tặng phẩm năm rồng tại hệ thống siêu thị E-Mart tăng 54,4% so với năm trước, trong đó thịt bò và cá vàng là hai mặt hàng được săn đón nhất.
Mặt trời mọc phía sau 2 bức tượng rồng ở thành phố Gimje, Hàn Quốc
Tại Philippines năm nay, Tết âm lịch bắt đầu trở thành lễ hội chính thức. Dù gặp phải những phản đối của một số người trong cộng đồng doanh nhân khi cho rằng nước này đã có quá nhiều ngày lễ, Tổng thống Philippine Benigno Aquino vẫn quyết định việc này. “Cùng đón Tết là biểu hiện tình đoàn kết của chúng ta với những người Philippines gốc Trung Quốc – những người anh em vốn là một phần cuộc sống của chúng ta”.
Như vậy, cùng với Giáng sinh, Phục sinh hay lễ hội Eid al-Adha và Eid al-Fitr của người Hồi giáo, kể từ năm 2012, Tết âm lịch chính thức trở thành một trong 17 ngày lễ lớn tại nước này.
Còn Sydney, Australia, một quốc gia đậm chất phương Tây, cũng háo hức chào đón năm rồng với sự hiện diện của một “đại sứ” đặc biệt, đó là chú rồng komodo. Thị trưởng Sydney Clover Moore đã có mặt tại vườn thú Taronga để phát động lễ hội mừng Tết âm lịch. Hai nhân vật độc đáo hiện diện tại lễ hội này chính là chú rồng komodo Tuka và gấu panda.
Theo Thị trưởng Moore, lễ hội này chính là hoạt động chào đón Tết âm lịch lớn nhất ngoài khu vực châu Á. Vào ngày 20/1 tới, tại vườn thú Taronga sẽ có màn trình diễn pháo hoa và lễ hội văn hóa ẩm thực châu Á. Tới ngày 29/1, sẽ có khoảng 3.000 người tham gia các hoạt động lớn nhỏ trên đường phố Sydney để chào đón năm rồng. Thị trưởng Moore cho rằng, năm Nhâm Thìn cũng là cơ hội để người dân nâng cao nhận thức về loài rồng komodo đang gặp nguy hiểm.
Hòa chung không khí tưng bừng này, Nhật Bản, Mỹ hay các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng rầm rộ tổ chức các hoạt động long trọng chào đón năm Nhâm Thìn, khiến dịp Tết cổ truyền vốn chỉ tồn tại ở một số ít các quốc gia châu Á đã lan tỏa sức nóng khắp 5 châu.