>> Noel trong... chùa: Bản lề văn hóa, phải giữ gìn!
Các bài viết được đặt "tít" như: Chương trình Noel tại chùa Bồ Đề, Nhà chùa “nô nức” sang nhà thờ chúc…Noel,…
Thử lược lại một số phản hồi của bạn đọc gần xa đã chia sẻ về sự việc chùa Đình Quán (Từ Liêm, Hà Nội) do Sư cô Tịnh Quán tổ chức, các sư thầy và hàng chục Phật tử đến nhà thờ mừng Giáng sinh.
Ngày Giáng sinh, ngồi quán niệm, tôi nhớ tới lời Phật dạy: "Tôn kính bậc đáng kính/ Là phước đức lớn nhất" (Kinh Phước Đức). Nên tôi đã khởi niệm kính đức Giê-su, bởi Chúa cũng là bậc thánh, đáng kính. Nhưng, tôi không quy y Ngài, vì tôi là con Phật, trong tôi đã có Phật.
Ngồi quán thêm tí nữa, tôi thấy con Chúa mừng ngày Chúa Giáng sinh có màu sắc của hưởng thụ và phải giết hại nhiều chúng sinh. Nên tôi và chúng đồng tu đã phát nguyện, dành ngày này để thực tập công phu niệm Phật, quán niệm, tưới tẩm từ bi nhằm nguyện cầu an lành cho những loài súc sanh bị sát hại để cung phụng cho những tiệc rượu mừng Giáng sinh.
N.P.C |
Sau khi dự lễ Noel ở nhà thờ xong thì sư thầy và Phật tử đã tổ chức mừng Noel tại Thiền đường, quây quần bên nhau dưới ánh nến, hương trầm và trà, trao nhau những món quà mà mình đã chuẩn bị (bee.net.vn).
Trong sự việc này thì bạn Minh Tịnh thẳng thắng chia sẻ: “Chúc mừng xã giao thì được, chứ lên sân khấu hát Thánh ca, mừng Noel còn về chùa tổ chức mừng Giáng sinh là điều không thể chấp nhận”. Và dưới góc nhìn của bạn Tuệ Viên: “Có bao giờ Sư cô tưởng niệm những bậc anh linh đã hy sinh vì Đạo pháp, vì phụng sự dân tộc?.
Những dòng bình luận của bạn Tuệ Viên dường như tỏ ra bức xúc trong sự việc này, và có thể nói khi xem một bản tin với hình ảnh đính kèm dòng tít: Các Sư cô và Phật tử chùa Đình Quán hát mừng Giáng sinh, riêng bản thân tôi cảm thấy như chúng ta đã vượt qua bức tường rào văn hóa Việt Nam mất rồi, bởi ở Việt Nam “truyền thống” này chưa từng có bao giờ!
Hòa đồng hay đồng hóa?
Sự hòa đồng luôn được ca ngợi và tán thán, nhưng nếu chúng ta cứ mãi vô tư đi quá xa bởi những suy nghĩ và hành động cá nhân, làm nó sẽ phát triển thành những xu hướng có tính ảnh hưởng lan rộng đến cộng đồng thì khó được cộng đồng chấp nhận. Nói đến đây, thì nên hay không thì chắc hẳn tôi và mọi người đã biết rõ.
Trong bài viết: “Nhà chùa “nô nức” sang nhà thờ chúc…Noel,...” trong đó có đoạn, Sư cô cười nói: “Hôm nay Sư cô rất vui vì đã hóa giải được sự phân biệt còn trong tâm thức của mọi người, thấy được niềm vui chung, không còn khoảng cách màu da, tôn giáo”.
Với những từ “hóa giải”, “khoảng cách” nó có phải là phương thức giao lưu văn hóa, hay chỉ là những biện chứng cho việc làm, hành động xuất phát từ suy nghĩ cá nhân?
Nói về văn hóa thì UNESCO đã đưa ra định nghĩa như sau: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.
Ở đây truyền thống và đức tin là hai vấn đề mà mình phải xem trọng trong bối cảnh hiện nay, trong việc thích nghi và giao lưu văn hóa, nó là nét đẹp riêng biệt, đáng được bảo tồn và gìn giữ.
Nếu không biết dừng lại
Khi tôi hỏi bạn Công Chí, một Phật tử trẻ thuần thành dưới góc nhìn qua sự việc này thì bạn bộc bạch: “Không cần phải nhất thiết, hòa đồng một cách thái quá như vậy, vì dần dần sẽ đánh mất đi giá trị và nét đẹp văn hóa của mình (tức là đánh mất bản sắc). Dù việc tổ chức Noel trong chùa với mục đích nào đi chăng nữa thì ít nhiều gì nó cũng tạo thuận lợi cho những thành phần bất chính, lợi dụng thời cơ mà gây ra những chuyện ngoài ý muốn, nếu ta không mạnh dạn lên tiếng để ngăn chặn”.
Có sự khởi đầu, thì sẽ có tiếp theo, vậy những mùa Giáng sinh năm sau sẽ là gì đây: Một sư thầy hóa thân thành ông già Noel để đi tặng quà trên đường phố, hay nhà chùa thiết kế hang đá mừng Giáng sinh, trưng bày cây thông Noel trong chánh điện…
Nếu chúng ta không đồng lòng lên tiếng, thì sẽ có sự tiếp nối và rồi sẽ thành “thói quen”, lúc đó hệ quả của nó là sự biến dạng về văn hóa, chạy tìm những niềm vui sai biệt,… và sự đồng hóa là tất yếu xảy ra. Lo lắm lắm!