GN - Trong những ngày qua, câu chuyện thí sinh Vietnam’s got Talent Nguyễn Thanh Thúy được nhiều phương tiện truyền thông loan tin rộng rãi, gây xúc động lẫn khâm phục từ mọi giới. Bên cạnh lời ca, cuộc sống của chị Thúy, điều làm người xem xúc động hơn hết thảy là nhân cách đầy “Phật tính” của chị.
Người Phật tử 59 tuổi ấy, đến phòng tuyển chọn tài năng từ núi đồi hoang sơ không điện, không nước, không phương tiện liên lạc… để thể hiện ca khúc Riêng một góc trời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mà chị hết sức yêu thích. Ra đi từ 2-3 giờ sáng sớm với đôi chân gầy, xuống đồi qua suối, vừa đi chị vừa niệm Phật.
Thí sinh Nguyễn Thanh Thúy thể hiện ca khúc Riêng một góc trời
Nét mặt chị thấm đẫm phong ba bão tố cuộc đời, thế nhưng trong bộ lam phục giản dị của người cư sĩ tại gia, chị đã thể hiện nhân cách vi diệu trước ban giám khảo lẫn người xem. Giọng ca chị thanh thản, nhẹ nhàng. Mọi diễn biến chung quanh không làm chị phân tâm, ngay cả khi một giám khảo bấm nút X đỏ vang dội: ánh mắt, lời ca, hơi thở của chị cũng không một chút dao động, an định tuyệt vời.
Trong thanh thản, nhẹ nhàng, chị trả lời từng câu rất lịch thiệp, sống động. Chị đã đem đến người xem chân dung người Phật tử nơi vùng đèo heo hút gió, thiếu thốn trăm bề nhưng có trái tim từ bi rộng lớn - một lòng làm thiện nguyện, cứu độ giúp đời: chữa trị bệnh khuyết tật hoàn toàn miễn phí. Chị cũng thể hiện niềm tin vào Đức Phật, yêu mến Ngài bằng cả trái tim, chỉ mong trúng giải nho nhỏ để làm bể nước, để mua bình điện thắp đèn nơi bàn Phật.
Khi trả lời câu hỏi của ban giám khảo, chỉ vài câu đơn giản không chủ ý và rất chân tình, chị cho biết: “Thỉnh thoảng những người giàu ở thành phố hay gởi quà từ thiện... chùa thương… nghĩ đến, gọi điện thoại qua để nhận”. Chị đã đem đến cho người xem một hình ảnh Phật giáo Việt Nam dấn thân, cưu mang người khốn khó, gắn bó cùng vận mệnh dân tộc. Khán giả hình dung rõ ràng: nơi vùng sâu, vùng xa ấy, có ngôi chùa huy động Phật tử khá giả từ các thành phố lớn để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn mà không phải ai cũng thấy, cũng tới được. Những mạnh thường quân vô danh đóng góp tặng phẩm cho các chương trình thiện nguyện, khi nghe sẽ cảm thấy hạnh phúc, tin tưởng vào sự đóng góp thiết thực của mình đã đến tay người cần nhận.
Bằng giọng trầm tĩnh, chị đưa khán giả từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong đỉnh điểm xúc động của mọi người khi lo toan về cuộc sống của chị, vẫn khuôn mặt lạc quan, nụ cười an lạc, chị thoát ra câu nói rất tự nhiên: “Không sao đâu, không sao đâu, bình tĩnh sống!”.
Một cơn địa chấn vỡ bùng cảm xúc, khai mở tri thức. Câu nói ấy là cả một sự trải nghiệm cuộc sống gian truân, là quá trình tu tập, là kết tinh của những hạnh nguyện, giới luật mà Phật tử Nguyễn Thanh Thúy đã hành trì. Câu nói đã trở thành biểu tượng được giới truyền thông làm tiêu đề nhắc nhở mọi người hãy vững chãi, an lạc dù ở trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Giữa cuộc sống chạy nhanh đến chóng mặt, sinh hoạt nơi chốn đình chùa bận rộn với bao nghi lễ cầu an, cầu siêu, hình ảnh Phật giáo Việt Nam nỗ lực dấn thân cứu độ chúng sinh lắm lúc bị lu mờ. Chị đã đến từ nơi núi cao với bao gian khó, song đã thể hiện được bản lĩnh của người con đích thực của đấng Như Lai: An nhiên tự tại, giản dị nhưng uyên bác thâm sâu với lòng từ tâm rộng lớn.
Cám ơn chị đã đem đến cho người Phật tử một thân giáo tuyệt vời hiếm khi thấy được. Chị đã làm xúc động hàng triệu trái tim không phải qua lời ca mà qua lối sống thật của người con Phật. Chị là bài học cho hàng Phật tử, và cho tất cả mọi người.
Trong tình thân, người viết có gởi đường link video của chị Nguyễn Thanh Thúy đến nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và được nhạc sĩ hồi đáp như sau: “... Chị Nguyễn Thanh Thúy đã hát và cho ca khúc Riêng một góc trời một ý nghĩa mới, một khung trời mới, mở ra cho tâm hồn của hàng trăm, hàng triệu người nghe chị Thúy hát và nói về cuộc đời. Anh rất xúc động và cảm kích khi một ca khúc của mình được chị Thúy hát, và nhận biết được ở nơi nào đó trên quê hương có một góc trời tuyệt đẹp, có hai chị em chị Thúy với trái tim và tấm lòng rộng mở với người với đời...”. |