Không thể cứ làm ngơ!

GN - Gần đây, ngoài những sự việc như nạn giả sư vẫn tràn lan, mặc dù đã có nhiều lời hứa hẹn có biện pháp dứt điểm; nhiều chùa chiền vẫn thả nổi và không có sự hướng dẫn người đến chùa lễ Phật, để cảnh lộn xộn, hương khói mịt mù vẫn tái diễn… thì một số sự vụ mới như báo chí đã phản ánh, về một vị trụ trì bị khởi tố vì có hành vi bạo hành trẻ em và một vị khác là nạn nhân của vụ tống tiền vì liên quan trực tiếp đến chuyện tình dục đồng tính nam... khiến nhiều người quan tâm.

Qua thông tin mà chúng tôi thu thập được, những vụ việc trên là có, nhưng thực tế không như các báo điện tử phản ánh, nhiều thông tin đưa lại đã thêm thắt tình tiết, nói như cách nói thường, là để “câu view” (người xem).

Điều đáng nói ở đây là sự im lặng thường có của Giáo hội, trong lúc những thông tin kiểu như thế lại có tốc độ lan rộng một cách chóng mặt. Và theo đó, chúng gieo vào dư luận một góc nhìn về Phật giáo không tốt đẹp, đôi khi có tính quy chụp, để lại hậu quả khó lường trong số đông, đặc biệt là người trẻ phần lớn có thói quen “lướt web” mỗi ngày vài lần. Có thể nói, đây là một trong những lý do đưa đến hiện tượng giảm sút số lượng Phật tử, hoặc làm cho một bộ phận chán nản với Phật giáo, lơ là việc đi chùa, dễ dàng cải đạo.

quang-cao-bao-chi-thoi_bao-tai-chinh-viet-nam.jpg

Là tổ chức của một tôn giáo của đa số người dân, Giáo hội cần có tiếng nói của mình
trong thế giới thông tin để hướng dẫn dư luận lúc cần thiết

Phật giáo quan niệm: sống là sống trong tương quan. Đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ thông tin này, để làm tốt các công tác Phật sự, nhất là công tác hoằng pháp, truyền thông, cần phải chủ động thông tin, chứ không thể yên vị làm ngơ, xem tất cả thông tin trên thuộc một cá nhân nào đó, không phải là chuyện của chính mình.

Chuyện của một cá nhân tu sĩ ở Bạc Liêu, Tiền Giang… khi được thông tin trên báo chí, lan truyền trên mạng không còn là việc riêng, mà họ trở thành “trụ trì”, và trong dư luận mặc nhiên đánh đồng với “Phật giáo”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Nếu Giáo hội im lặng một cách thụ động, tích hợp những thông tin như thế, một tin, hai tin, ba tin…; một ngày, hai ngày, ba ngày… hình ảnh Phật giáo nói chung, trực tiếp là Giáo hội sẽ bị ảnh hưởng xấu trong dư luận là điều khó có thể tránh khỏi.

Thiết nghĩ, Giáo hội cần có bộ phận theo dõi thông tin, qua đó điều tra chuyện thực hư thế nào để có tiếng nói giải thích và hướng dẫn dư luận. Không thể để thông tin liên quan đến Phật giáo, Giáo hội được đăng tải một cách xả cửa với sự thêm thắt tình tiết, chỉ để “câu view” bởi tin “giựt gân”, thậm chí với chủ định đầy ác ý.

Việc làm này là không quá khó đối với Giáo hội hiện nay, khi mà hầu hết các tỉnh, thành, Giáo hội đã có Ban Trị sự với đầy đủ các ban, ngành đặc trách nhiều lĩnh vực từ Tăng sự, văn hóa, giáo dục… cho đến từ thiện xã hội.

Xã hội hiện đại là xã hội của thông tin. Báo Giác Ngộ đã từng đặt vấn đề “người phát ngôn” của Giáo hội, tiếng nói của Giáo hội trước nhiều vấn đề xâm phạm đức tin của người Phật tử mà bạn đọc quan tâm trong thời gian qua, nhưng chưa nhận được tín hiệu khả quan. Chưa nói đến Nhà nước, một bộ của Chính phủ, thậm chí một công ty cũng có người chịu trách nhiệm về truyền thông, thì không cớ gì Giáo hội của chúng ta đã 30 tuổi lại chưa có người phát ngôn - thể hiện tiếng nói của mình trong dư luận, trong thế giới thông tin hôm nay.

>> Thực hư "Trụ trì bị khởi tố vì bạo hành trẻ em dã mãn"?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày