Người tu, nói hay chưa hẳn đã hay

Ở giai đoạn tập sự xuất gia như bạn, nói chuyện hay và giao tiếp khéo thì tốt, còn không hay thì cũng chẳng sao; việc cần nhất là nói đúng, nói đủ, nói với cái tâm chân thành...
Ở giai đoạn tập sự xuất gia như bạn, nói chuyện hay và giao tiếp khéo thì tốt, còn không hay thì cũng chẳng sao; việc cần nhất là nói đúng, nói đủ, nói với cái tâm chân thành...
0:00 / 0:00
0:00
GN - Con ếch chết vì cái miệng, tai họa từ miệng mà ra, nên phải cảnh giác cái miệng của mình. Càng dẻo miệng thì càng khó tu, tưởng ưu mà lại khuyết, ngỡ lợi mà hại, thậm chí đó là con dao hai lưỡi, là một trong những nguyên nhân của sự thối thất trên đường đạo.

Hỏi: Tôi năm nay 19 tuổi, đang tập sự xuất gia chuẩn bị thọ giới Sa-di. Tôi nghiệm thấy dù là sống trong đạo hay ngoài đời thì giao tiếp có vai trò rất quan trọng. Bản thân tôi nhìn chung không đến nỗi tệ lắm, học hành cũng tạm được nhưng cái khuyết điểm lớn nhất của tôi chính là ăn nói.

Tôi nói chuyện không được hay, không biết cách giao tiếp sao cho đúng và mỗi khi nói ra câu chuyện nào đều rất tẻ nhạt, khó nghe và kém duyên, thua xa những huynh đệ khác. Trong khi những huynh đệ khác nói chuyện rất khéo, nghe rất hay, có trí tuệ và tròn vị Phật pháp, cộng thêm sự hài hước khiến người nghe sinh tín tâm và cảm mến.

Tôi nghĩ khi làm đạo mà biết cách ăn nói thì việc hoằng hóa sẽ thuận lợi, hóa độ chúng sinh sẽ dễ dàng hơn. Tôi thấy mình kém ở vấn đề giao tiếp nên cuộc sống tu tập có nhiều trở ngại như trong việc học tập có ít bạn bè chỉ dẫn, trong đại chúng thì không thân với ai nên cảm thấy tủi thân, khi có Phật tử hỏi đạo thì ấp úng hay trả lời mông lung. Tôi rất lo cho tương lai của mình, sợ về sau sẽ không hướng dẫn được ai, hoằng pháp lợi sinh khó khăn, không giúp ích nhiều cho xã hội. Mong được quý Báo hướng dẫn và sẻ chia.

(KIỀU AN, vuongkieu...@gmail.com)

Bạn Kiều An thân mến!

Về xã hội thì bạn đã trưởng thành, còn trong đường đạo thì bạn đang đặt những bước chân đầu tiên. Tuổi trẻ, mầm non của Phật pháp, ưu tư về việc kiện toàn tri thức, trau dồi các kỹ năng sống, tìm hiểu giáo pháp, trui rèn đạo hạnh, phát huy tuệ giác, un đúc hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh là điều đáng trân trọng. Xác định chính xác mục tiêu, định hướng đúng đắn cho sự nghiệp, từng bước thực hiện hoài bão sẽ góp phần quan trọng để đưa đến thành công.

Với người xuất gia, mục tiêu quan trọng và cao cả nhất là tu tập đạt đến giác ngộ và giải thoát, kế đến mới tùy duyên hoằng pháp lợi sinh. Muốn thành tựu giải thoát, giác ngộ cần chuyên tâm tu tập Giới - Định - Tuệ. Sau thời gian dài học đạo, đã trưởng thành trong giáo pháp, có đạo lực rồi thì mới tùy duyên hoằng hóa. Cần lưu tâm đến hai chữ “tùy duyên”, nghĩa là duyên của mình đến đâu thì làm đạo đến đó, làm đạo phải trên nền tảng giới nghiêm - tâm định - trí sáng, làm được nhiều việc mà thong dong như không làm thì mới đúng nghĩa Phật sự.

Sau khi nắm được mục tiêu cốt lõi của người xuất gia, bạn sẽ thấy vấn đề mình đang quan tâm là trau dồi kỹ năng giao tiếp cũng rất quan trọng nhưng đó chỉ là cành lá chứ không phải gốc rễ. Phát triển cành lá mà không vun bồi gốc rễ là chưa đúng quy trình, cây có thể chết, mất cả gốc lẫn ngọn.

Ở giai đoạn tập sự xuất gia như bạn, nói chuyện hay và giao tiếp khéo thì tốt, còn không hay thì cũng chẳng sao. Việc cần nhất ở bạn là nói đúng, nói đủ, nói với cái tâm chân thành. Nói đúng thì bạn đã biết, chỉ cần nói lên sự thật. Nói đủ thì có lẽ bạn đã biết được nhiều phần, vì nói ít hay nói nhiều không phải lúc nào cũng hay. Nói bằng cái tâm thành thì bạn cần chiêm nghiệm thật sâu để thấy được sự mầu nhiệm của lời nói phát ra từ trái tim.

Những lời nói lưu xuất từ trí khôn, dẻo miệng, lợi khẩu (điều bạn đang quan tâm) mới nghe thì thật tuyệt, như rót mật vào tai nhưng không dễ rót vào tim người, nhất là người từng trải, luôn cảnh giác trước lời hay vì dối gian cuộc đời. Cho nên khi nói chưa hay, giao tiếp chưa khéo thì tập luyện, sửa đổi. Tập luyện rồi mà vẫn vụng, không như ý thì hãy nói bằng sự chân thành. Kinh Phật có dạy, lời chân thật sẽ cảm động đến chư thiên và phi nhân, huống gì là con người. Khá nhiều vị xuất gia chỉ nói ít, mộc mạc nhưng nhờ nói lời ái ngữ, chân thật, nói từ trái tim và tuệ giác nên kết quả diệu dụng vô cùng.

Mặt khác, ở giai đoạn tập tu mà nói hay, lắm khi lại mang đến kết cục không hay, phá sản đạo nghiệp. Như cây non mà chim đến đậu nhiều thì khó tránh họa gãy cành. Người chân tu khi biết mình nói hay, nhiều người mến mộ thì phải thu mình lại, ẩn dật, thậm chí cả tịnh khẩu thì mới mong an ổn để tiến tu. Con ếch chết vì cái miệng, tai họa từ miệng mà ra, nên phải cảnh giác cái miệng của mình. Càng dẻo miệng thì càng khó tu, tưởng ưu mà lại khuyết, ngỡ lợi mà hại, thậm chí đó là con dao hai lưỡi, là một trong những nguyên nhân của sự thối thất trên đường đạo.

Thế nên, chỉ cần bạn nói lời ái ngữ, giao tiếp với sự thành tâm, tiếng nói từ trái tim sẽ tự kết nối với trái tim một cách nhẹ nhàng. Bấy giờ, huynh đệ trong đại chúng cũng như mọi người sẽ tin tưởng, chân thành với bạn. Cố tìm mọi cách để nói hay, giao tiếp giỏi mà tâm không thành thì kết quả sẽ ngược lại. Sự nghiệp hoằng pháp về sau phụ thuộc vào đạo lực chứ không phải nói hay. Người tu có từ bi và trí tuệ thì đôi khi chỉ ngồi yên và im lặng cũng hoằng pháp hữu hiệu. Nên hãy chuyên tâm trau dồi Giới - Định - Tuệ thì về sau bạn có nền tảng và phương tiện để thành tựu sự nghiệp hoằng pháp, lợi sinh.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày