Kỳ bí đá Angkor

Kỳ bí đá Angkor
Năm 1859, Henry Mouhot - nhà thám hiểm người Pháp - khi ngược dòng Mekong, đã tình cờ phát hiện ra Angkor - một quần thể đền đài bằng đá độc nhất vô nhị của nhân loại. Ai đó bảo lịch sử người Khmer được viết bằng đá, điều đó hẳn có lý do...

Angkor theo tiếng Phạn có nghĩa là Kinh đô. Đây là quần thể rộng hơn 55km2  với hàng trăm đền đài, nằm rải rác quanh thị xã Siem Reap. Cách 14km về phía Nam Siem Reap có cụm đền Roluos, cạnh hồ Tonle Sap (người Việt gọi là Biển Hồ) có đền Phnom Krom (núi Dưới hay núi Nhỏ), còn đền Bantea Srey cách thị xã 35km. Quần thể này gọi chung là Angkor Thom (Thom: lớn) - Angkor Wat (Wat: chùa). Người Việt gọi là Đế Thiên - Đế Thích. Các công trình đều được xây dựng từ đầu thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIII bằng đá sa thạch xanh và một ít sa thạch đỏ, còn đá ong chủ yếu để làm tường, làm móng. Đây là thời kỳ đế chế Khmer gần như làm bá chủ Đông Nam Á.

Vào gần cuối thế kỷ XV, kinh đô Khmer được dời về Phnom Penh (đồi Bà Penh). Tới giờ vẫn chưa ai lý giải được lý do dời đô. Dịch bệnh - cũng có thể. Bị quân Xiêm uy hiếp và địa thế không phù hợp cũng là một lý do. Gần đây, có giả thiết là do hạn hán liên tục. Tôi nghĩ khi một đế chế hùng mạnh vắt kiệt sức dân cho những công trình vĩ đại chỉ để phục vụ thiểu số thống trị, đất nước sẽ suy vong. Angkor bị lãng quên hơn 400 năm và bị cỏ cây che lấp cho đến khi được Henry Mouhot phát hiện. Tôi đã đến viếng mộ Henry Mouhot nằm tĩnh lặng bên dòng Nậm Tha ở cố đô Luang Prabang (Lào). Ông mất năm 1861 vì bệnh sốt rét ác tính.

Kỳ bí đá Angkor ảnh 1Hàng trăm chuyên gia khảo cổ, điêu khắc, kiến trúc… suốt mấy chục năm mày mò nghiên cứu với hàng trăm triệu USD chi phí vẫn chưa lý giải được cách xây dựng Angkor
Kỳ bí đá Angkor ảnh 2

Du khách đến Angkor ngày càng đông. Mỗi người có cảm nhận riêng về sự kỳ lạ và bí ẩn của công trình. Hàng trăm chuyên gia khảo cổ, điêu khắc, kiến trúc… của Liên Hiệp Quốc suốt mấy chục năm mày mò nghiên cứu với hàng trăm triệu USD chi phí vẫn chưa lý giải được cách xây dựng Angkor. Một khi chưa thống nhất, chưa tìm ra đáp số thì việc phục chế chỉ là ảo tưởng. Có thể làm vệ sinh, thay thế một số chi tiết chứ phục chế nguyên dạng thì vô phương, điêu khắc càng không tưởng. Ngay cả một số công trình bị sụp đổ, có sẵn kết cấu cũng không tài nào phục dựng dù có cả sắt thép và xi măng hỗ trợ.

Tôi đến Angkor hơn 200 lần, chủ yếu là đưa khách tham quan. Có dịp đi khắp đất nước Chùa Tháp, gặp gỡ đủ mọi thành phần người Khmer, tìm gặp các chuyên gia nhờ giải đáp thông tin mà mình chưa rõ, nhưng càng đi, càng tiếp xúc, càng bí ẩn.  Ai đó bảo lịch sử người Khmer được viết bằng đá. Hỏi đá, đá lặng im. Hỏi người, mỗi người nói một kiểu, nên cả đời phải gom góp sàng lọc. Với tôi, Angkor là kỳ quan số 1 thế giới về điêu khắc và kiến trúc. Muốn giải đáp được phần nào về Angkor phải tìm hiểu cả lịch sử Đông Nam Á. Tôi đã nhờ nhà văn Hồ Anh Thái - chuyên gia về Ấn Độ, hiệu đính giùm một số thông tin nhưng người giúp tôi nhiều nhất là giáo sư Sam Promonea - Quốc vụ khanh của Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia. Ông là giáo sư sử học từ trước năm 1975, được xem là bộ sử sống hiện nay về Angkor.

Kỳ bí đá Angkor ảnh 3
Ảnh: Phương An

Đứng trước Angkor - mọi ngôn  ngữ đều trở nên bất lực bởi không có “đối thủ” để so sánh. Kim tự tháp xây dựng trước Angkor hơn ngàn năm. Việc vận chuyển đá khó khăn gấp bội nhưng kiến trúc hình tháp đơn giản hơn việc xây dựng cả đền thờ, còn so sánh về điêu khắc thì quá khập khiễng. Đấu trường La Mã và đền thờ Taj Mahal, kiến trúc tinh xảo hơn nhưng điêu khắc cũng thua xa, cả quy mô công trình cũng vậy. Angkor Wat (Đế Thích) - thờ thần Vishnu, mà Phật Thích Ca là hậu duệ - đền thờ duy nhất với cổng chính hướng Tây có chu vi gần 6km, cao 3 tầng với 5 ngọn tháp (ngọn chính cao 65m) biểu tượng cho núi Meru. Chỉ riêng hành lang phù điêu ở tầng 1 cũng dài hơn 1.000m, cao hơn 3m với hình tượng hàng chục ngàn nhân vật, cây cỏ theo sử thi Ramayana, Mahabharata cùng nhiều sự tích khác. Angkor Thom (Đế Thiên) là quần thể có chu vi 12km và nhiều đền thờ như Baphoun (có tượng thần Vishnu dưới chân đền về hướng Tây dài hơn 60m, cao hơn 3m), Phimeanakas, sân Voi, quảng trường Chiến Thắng… Tâm điểm của Angkor Thom là Bayon với 54 tượng thần Brahma (thần sáng tạo), mỗi tượng cao từ 24 - 42m, tạc theo Phật thoại, mỗi khuôn mặt là một nét riêng. Angkor Thom có 5 cổng thành gồm 4 cổng chính: Đông - Tây - Nam - Bắc và 1 cổng phụ hướng Nam gọi là cổng Ma. Mỗi cổng có 2 hàng tượng Deva - một bên Ác, một bên Thiện - trong sử tích Samudra Manthan (Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh). Riêng cổng Ma chính diện đền Bayon là cổng giả chỉ để đánh lừa. Khi chiếm được Angkor Thom, quân Xiêm tưởng đây là cổng chính kéo ra mừng chiến thắng, bị sập bẫy chết cả ngàn người. Trong Angkor có hoàng cung nay chỉ sót lại mấy hồ nước và quảng trường. Tất cả đền thờ đều được làm bằng đá - vĩnh cửu với thời gian. Các công trình khác, kể cả hoàng cung chỉ làm bằng gỗ, không thể tồn tại trước thời gian và sự phá hoại của con người.

Điêu khắc Angkor được xem là tuyệt đỉnh tinh xảo. Mỗi mét vuông ở Angkor đều có điêu khắc, từ tam cấp hồ nước quanh đền, đến chân móng và tới đỉnh tháp, cả mặt trong và ngoài mái ngói. Họa tiết sắc sảo tới mức chưa ai làm được như vậy với chất liệu đá. Mới nhìn cứ ngỡ giống nhau nhưng rất khác biệt, từ hoa văn đến các hình tượng. Ở Angkor Wat có Apsara hở nguyên hàm răng ra cười (cổng bên phải từ ngoài vào), hay đang cắn lưỡi (góc đông nam tầng 3). Có tháp vào vỗ ngực kêu như đánh trống. Ở đền Ta Prohm - bối cảnh của phim Bí mật ngôi mộ cổ còn có hình khắc con khủng long. Thế kỷ XII, họ dựa vào đâu mà tạc khủng long? Điêu khắc xong mới ráp từng khối xây dựng xong hay ngược lại? Kiến giải nào cũng bất ổn. Điêu khắc xong mới ráp phải cực kỳ chính xác, quá trình vận chuyển nứt mẻ thì sao? Ráp rồi mới điêu khắc thì chấn động có thể làm đổ tháp, nằm ngửa làm sao đẽo?...

Kiến trúc cũng không thể lý giải. Làm cách nào vận chuyển hàng triệu tấn đá cách xa hàng chục cây số tới đây? Làm sao đưa các khối đá hàng chục tấn (nặng nhất 65 tấn) lên cao hàng chục mét để điêu khắc? Làm sao lợp ngói mà không cần đòn tay? Mỗi viên mấy trăm ký cứ chồng lên nhau khít rịt cả trong lẫn ngoài (Angkor Wat) tất cả đều không có chất kết dính. Cả trăm đền thờ nhưng đều có phong cách riêng. Các khối đá được mài láng mượt, xếp chồng lên nhau. Nhiều chỗ không nhìn ra chỗ ghép. Có người cho rằng công trình được làm bởi tù binh hoặc nông dân? Nếu vậy ai là thợ điêu khắc? Ai là tổng công trình sư? Ai là người chỉ huy công trình khi chưa có máy móc hỗ trợ. Việc thoát nước ở các đền thờ cúng cũng rất kỳ lạ. Lỗ thoát chỉ rộng chừng gang tay, trải ngàn năm bị đất cát và lá cây vùi lấp mà mưa mấy cũng không ngập… Các chuyên gia nghiên cứu mấy chục năm vẫn chưa hiểu về Angkor.

Đến Angkor khó nhất là hướng dẫn viên, từ việc sắp xếp lộ trình, chọn thời điểm phù hợp để tham quan, đến kiến thức cùng tấm lòng với vùng đất linh thiêng và nhân quả này... Có như vậy con người mới thay đá kể lại và hiểu được phần nào về sự kỳ bí khó thể giải mã hết được của Angkor.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày