Làm bạn với... khổ đau

GNO - Ta cũng chỉ là một con người trong vô số những cá thể ngoài kia. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi hạnh phúc, mỗi khổ đau. Và cuộc sống bao giờ cũng thế, không ai có thể thỏa lòng với những mong muốn và khát khao của mình.

1. Ta thấy mình đang trong cảnh khổ, ta ao ước cảnh của người khác. Nhưng ta đâu biết rằng chính họ cũng đang mơ ước về một cảnh khác mà họ cho là tốt đẹp hơn.

Công cuộc truy cầu cuộc sống an vui hạnh phúc nhiều khi lại làm buồn, làm khổ chính người mong cầu. Dẫu có thể tất thảy ước muốn của ta đều chính đáng, đều đáng trân quý và đáng được thỏa mãn nhưng mọi điều xung quanh ta, cho dù là nhỏ nhặt nhất cũng có thể nghịch ý ta, làm ta thấy bất an và khó chịu. Như người ta vẫn nói, muốn thành tựu một điều gì đó cần phải được thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Và nếu được thuận duyên và không nhiều cản trở, ta sẽ thành tựu được điều mình mong muốn và nỗ lực.

Lại có khi ta cố gắng thật nhiều với sự thiện chí vì một mục đích tốt đẹp nào đó nhưng kết quả đạt được không làm thỏa mãn được ta. Bỏ qua ý chí chủ quan về sự tham vọng và không lượng sức mình thì được mất, hay thành bại rõ ràng không phụ thuộc vào sự nỗ lực của ta. Đôi khi ta chắc mẩm một thành công nào đó nhưng liệu có phải bao giờ cũng mỹ mãn một kết quả cho ta?

Tuổi trẻ phải có hoài bão và khát khao vì chúng ta sống không chỉ cho mình. Cuộc đời sẽ chỉ là vô nghĩa nếu ta chỉ sống cho mình. Cuộc sống còn là sự tri ân của ta đối với những liên hệ máu mủ, ruột rà đã cho ta hình hài và sự mạnh lành. Và khi ta đã cố, đã nhiệt tâm mà kết quả không như ta kỳ vọng thì cũng hãy xem đó là một sự thường tình vốn hiển hiện trong cuộc đời này, miễn là ta sống chân thật và làm hết sức mình.

Một bàn tay bé nhỏ không thể níu giữ được yêu thương rạn vỡ, không thể nào cải tạo được những hoang tàn lớn lao; nhưng bàn tay ấy đã hành động, đã là biểu hiện của tình yêu thương đáng trân quý.

2. Ta ước mơ và lại sống với thực tế trái ngược với ước mơ ấy. Càng ước mơ, ta có thể càng thêm héo hắt với thực tại của mình. Thế thì tại sao không sống với chính thực tại của mình, với chính con người mình trong cảnh của mình?

Điều ta mong cầu dẫu có được toại nguyện đi chăng nữa, thì sự biến thiên vô chừng của cuộc sống sẽ không bao giờ có thể thiên vị cho ta một sự bền vững hay bất biến nào cả. Và rằng nếu cuộc sống của ta có quá nhiều nghịch duyên thì hãy chấp nhận chúng như những người khách khó tính, “cà chớn” trong cuộc đời ta. Nếu ta trốn tránh, đối phó lại chúng thì ta sẽ mãi là người thua cuộc. Hãy chấp nhận và xem chúng là một phần của ta, thương chúng như thương ta; rồi thì chúng cũng sẽ chìm vào quên lãng, và tan chảy vào ta, như một phần của ta; thế thì ta đã không phải mất công loại trừ chúng ta khỏi ta.

304675_10151148087582702_791298731_n_jpg.jpg

Ảnh minh họa

Dẫu biết rằng, rồi sẽ có lúc chúng sống lại trong ta, có thể thiêu cháy ta như chúng đã từng như khi đó thì ta cũng đã đủ năng lượng để hãm lại sự tiêu cực khả dĩ mà chúng mang lại. Có lẽ ta nên học cách làm bạn với bất an và khổ đau, vì tất cả chỉ là ý niệm tương đối, là khổ đau nhưng chưa hẳn là khổ đau; vì không đi qua chúng thì chưa chắc trước mắt sẽ là một sự an vui, hạnh phúc miên trường.

Con người cũng thế, có người hòa hợp được với ta, có người lấy đi niềm tin yêu của ta, có người đến rồi mang theo họ cả một hoài niệm trong ta. Hợp tan là chuyện thường tình. Vì con người cảm tính nên những gì liên quan đến đối đãi của con người như tình thương, tình yêu càng mong manh hơn. Có lẽ, yêu thương, luyến nhớ, hờn giận là những xúc cảm rất người, làm ta biết rõ hơn thế nào là hạnh phúc và khổ đau.

3. Ngày còn nhỏ, ta mong mình lớn thật nhanh để thoát khỏi sự chăm bẵm của người lớn, để được làm điều người lớn làm; để rồi khi lớn lên ta lại mong “được bé lại như ngày hôm qua”.

Người lớn thì không thể sống như trẻ con, không thể vô lo với những ràng buộc và trách nhiệm của người lớn. Rồi người lớn bước vào đường yêu, tạo dựng sự nghiệp, xây đắp hạnh phúc gia đình; và trong hành trình ấy, có người may mắn và cũng có người bất hạnh. Khổ đau, tiếc nuối, dằn vặt lắm khi đi theo cả đời người. Và cũng có khi mắt đã nhắm, tay đã xuôi mà lòng chưa buông những tâm sự nơi trần thế.

Sống với con người, với cuộc đời chừng như là điều không dễ dàng. Có chăng ta nên quay về sống với chính mình, chính nội tâm nhỏ bé của mình. Cải hóa, thay đổi con người, hoàn cảnh xung quanh mình là điều khó khăn, chi bằng ta hãy quay lại cải hóa chính tâm mình. Tâm mình là của mình thì có lẽ việc sống với nó sẽ dễ dàng hơn việc thay đổi người khác. Vậy mà khi yêu thương, ta lắm khi đem tâm của mình trao cho người ta yêu thương. Tâm ta, ta còn chưa thuần được thì huống chi lại mang tâm trao cho người khác.

Điều quan trọng có lẽ là ta biết, ta hiểu nhưng ta chưa thể điều phục được tâm mình, ta cứ để tâm mình đi hoang trong những miền loạn động. Khi buồn, khi giận, khi bất mãn, ta nên im lặng, nên tìm cho mình một nơi thật yên tĩnh để hít thở, để không buông lời, không hành động hay quyết định một cách tiêu cực. Vì tất cả mọi khổ đau trong cuộc sống vốn dĩ do chính chúng ta gây ra cho nhau. Và chỉ có tình thương mới có thể hóa giải được đau khổ, mà thường thì tình thương của ta là có phân biệt và không đủ lớn để buồn giận, oan cừu hóa thành không.

Giữa những chộn rộn, bộn bề của chính ta và của xung quanh, ta nên sống thật chậm, thật tĩnh lặng để có thể giữ được cho mình nhiều hơn. Sống với chính mình là không chạy theo, không hòa vào những nhịp sống quá nhanh và vội vã của thế giới xung quanh.

Khi không quá “hoạt náo”, tâm ta sẽ tĩnh lặng và an vui có được từ sự tĩnh lặng là thành quả ngọt ngào nhưng không hề dễ dàng mà có được. Bởi lẽ, ta vốn có thiên hướng hòa nhập với những hoạt động, những trôi lăn liên tục; mà khi sống tĩnh lặng nghĩa là ít nhiều ta đã tách mình ra khỏi đám đông mà ta đã từ lâu cố công hòa nhập.

Nhưng tựa hồ chỉ có con đường tĩnh lặng và trung dung mới là con đường sáng, con đường dẫn đến đoạn cuối thênh thang cho một kiếp người.

(Viết cho mình và cho những ai đồng cảm)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày