Lãnh đạo cộng đồng Phật tử được bầu vào Quốc hội

GN - Vừa qua, ông Ramdas Athawale, một nhà lãnh đạo của cộng đồng người Dalit theo đạo Phật và cũng là Phó Chủ tịch của Hội Liên hữu Phật tử thế giới tại Ấn Độ đã được bầu vào Rajya Sabha, Thượng viện Quốc hội của Ấn Độ, từ số chỉ tiêu của Đảng Bharatiya Janata.

Ramdas Athawale đại diện cho bang Maharashtra với tư cách là ứng cử viên của Đảng Bharatiya Janata. Ông cũng là thành viên của Lok Sabha thứ 14, Hội đồng Nhân dân, đại diện cho cử tri Pandharpur Maharashtra và hiện vẫn còn giữ chức vụ Chủ tịch của Đảng Cộng hòa ở Ấn Độ.

An-do-550x677.jpg
Ông Ramdas Athawale được bầu vào Rajya Sabha, Thượng viện Quốc hội của Ấn Độ

Ramdas Athawale được khơi dậy nguồn cảm hứng từ giấc mơ của Tiến sĩ Ambedkar, người đã làm việc không mệt mỏi cho cộng đồng người Dalit (cộng đồng thuộc giai cấp tiện dân ở Ấn Độ). Ông đã có một vị trí chính trị để phục vụ cho lợi ích của người Dalit, nhóm người chiếm 10% dân số Ấn Độ. Hiện nay, ông giữ vai trò lãnh đạo cộng đồng người Dalit trong Đảng Bharatiya Janata và Đảng Shiv Sena, hai đảng phái chính trị được coi là đảng của những người phục hưng Ấn Độ giáo ở Ấn Độ. 

Là một người Dalit theo Phật giáo, ông Ramdas ủng hộ phong trào thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo trên khắp Ấn Độ. Vào ngày 27-5-2007, hàng ngàn người Dalit và những người thuộc các bộ lạc khác đã cải đạo sang Phật giáo tại một cuộc hội họp lớn ở Mumbai để thoát khỏi hệ thống đẳng cấp áp bức và kỳ thị của Ấn Độ giáo.

Trong cuộc cải đạo này, Ramdas tự xem như đã hoàn thành di nguyện của Tiến sĩ Ambedkar. Ông nói: “Cuộc cải đạo lần này là một giấc mơ đã trở thành hiện thực đối với những người đi theo Tiến sĩ Ambedkar. Sau thành công lớn của buổi lễ cải đạo, quy y theo Phật vào ngày 14-10-1956, Tiến sĩ Ambedkar đã lên kế hoạch tổ chức một chương trình tương tự tại trường đua ở Mumbai vào ngày 16-12-1956. Nhưng sau đó Ambedkar đã qua đời vào ngày 06-12-1956, cho nên buổi lễ đã không thể tổ chức được”. 

Ông Ramdas cũng đã tổ chức các sự kiện Phật giáo khác ở Ấn Độ. Nhân Đại lễ Vesak vào ngày 13-5-2014 vừa qua, ông đã ban hành một tuyên bố: “Cả thế giới cần hòa bình. Nếu nhân loại có tiến bộ, thì nguyên tắc bất bạo động cần phải được tuân theo. Thế giới không muốn Yuddha nhưng họ muốn Đức Phật. Tiến sĩ Ambedkar đã tiếp nhận Phật giáo để cải thiện con người. Tôi muốn tất cả những người dân Ấn Độ và toàn nhân loại đi theo con đường bình đẳng, trí tuệ, bất bạo động và từ bi”. 

Những người Phật tử đang cố gắng để khẳng định quyền kiểm soát khu thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng - thánh tích Phật giáo thiêng liêng nhất, tại Bodh Gaya, Ấn Độ. Ông Ramdas Athawale đã hỗ trợ chư Tăng thực hiện yêu cầu đó trong năm 2008. Ông nói: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyền kiểm soát của Phật giáo trong việc quản lý ngôi thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng và để đảm bảo điều đó, chúng tôi yêu cầu sửa đổi Điều Luật Quản lý Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng năm 1949”.

Ông cũng cho biết: “Tôi đã kêu gọi chính quyền bang Bihar bắt đầu quá trình sửa đổi luật pháp”. Theo điều luật năm 1949, Ban Quản lý khu thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng gồm có bốn người Phật tử và bốn người Ấn Độ giáo, bên cạnh đó, vị thẩm phán của tòa án huyện Gaya là vị chủ tịch đương nhiên của Ban quản lý, và vị tu sĩ điều hành ngôi đền Saivite tại Bồ Đề Đạo Tràng đương nhiên phải là thành viên của Ấn Độ giáo, thời hạn mỗi nhiệm kỳ là 3 năm.

Ông Ramdas Athawale cũng đã đến thăm Sri Lanka với tư cách là một trong tám thành viên của phái đoàn Phật giáo Ấn Độ và gặp Tổng thống Mahinda Rajapakse tại nhà của Tổng thống ở Kandy vào ngày 22-2-2013. Mục đích của chuyến thăm này là để tăng cường mối quan hệ giữa các Phật tử của hai nước và đưa Ấn Độ và Sri Lanka đến gần nhau hơn thông qua các mối liên hệ lịch sử và văn hóa của Phật giáo.

Hoàng Lam (theo Buddhist Door)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày