Lễ húy nhật Đại lão Hòa thượng Liễu Thiền tại chùa Thiền Tôn 2

Tôn dung Đại lão Hòa thượng Thích Liễu Thiền
Tôn dung Đại lão Hòa thượng Thích Liễu Thiền
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng 21-5 (21-4-Nhâm Dần) tại chùa Thiền Tôn 2 (phường Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã trang nghiêm diễn ra lễ húy nhật Đại lão Hòa thượng Liễu Thiền, Viện chủ tổ dình Tôn Thạnh và tổ đình Bồ Đề.
Chư tôn đức giáo phẩm tưởng niệm

Chư tôn đức giáo phẩm tưởng niệm

Trong không khí trang nghiêm thành kính, chư tôn đức Chứng minh thành kính dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức của Đại lão Hòa thượng Liễu Thiền.

Ngài họ Nguyễn, thế danh Văn Do, pháp danh Tu Trì, pháp hiệu Liễu Thiền, thường tôn xưng là Liễu Thoàn, xuất thế năm Ất Dậu (1885), quê ở Hạt tham biện Tân An (nay là xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Năm Quí Dậu (1891), Ngài được song thân cho thọ học với một cụ đồ Nho nổi tiếng nhất trong huyện, với bản chất thông minh, lại thêm siêng năng, mà chỉ 3 năm sau, ngài đã làu thông các Minh tâm, Tứ thơ, Ngũ kinh của Nho giáo.

Tháng 10 năm Giáp Thìn (1904), một trận bão kinh hoàng gieo tang tóc khắp miền Nam. Một hôm, ngài bơi xuồng đi bẻ củi, bỗng thấy xác người chết trôi, sình trương to lớn, cảnh tượng cá tôm tranh nhau rút rỉa từng miếng thịt hôi tanh của thây chết. Thảm trạng này đã đánh động vào tâm thức, khiến ngài nhận ra rằng thế gian vốn vô thường, kiếp nhân sinh quá đổi khổ đau. Cũng từ đây, ngài bắt đầu hướng tâm đến Đạo giáo, trường trai giới sát, tu nhân tích đức.

Lần đầu tiên, người bạn đồng học tiến dẫn ngài đến xuất gia theo đạo Minh Sư với ông Lão Tiễn tại chùa Vĩnh Nguyên.

Tháng giêng năm Quý Dậu (1933), theo lời huấn thị của bậc tiền bối, ngài cùng ba vị đồng đạo đi thuyền vượt biển sang Hương Cảng đăng tam đàn thọ giới Cụ túc với Đại sư Nhiên Công Hiển Kỳ tại Thanh Sơn thiền viện.

Ngài ở tại đây hơn 30 ngày, được Đại sư Hiển Kỳ khai hóa chánh pháp, giảng giải thêm yếu nôm Chỉ quán của tông phái.

Chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, TP.Thủ Đức và Thiên Thai giáo quán tông tưởng niệm

Chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, TP.Thủ Đức và Thiên Thai giáo quán tông tưởng niệm

Mạnh xuân, năm Giáp Tuất (1934), theo sự thỉnh cầu của ông Cả Tiệm, ngài nhậm chức trụ trì chùa Tôn Thạnh tại thôn Mỹ Lộc, tổng Phước Điền Trung, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Ngày 19-2-1934, ngài mở đại trai đàn cầu quốc thới dân an, siêu độ thập loại chúng sanh. Nhân đây khai đại giới đàn, ngài làm Đàn chủ kiêm Đàn đầu Hòa thượng, cung thỉnh Giới sư tôn túc, truyền trao giới pháp cho 300 vị Tăng Ni và vài trăm vị cư sĩ tại gia thọ Tam quy ngũ giới, Bồ-tát giới. Sau Đại giới đàn, ngài tổ chức lễ tác pháp an cư. Từ đó trở thành thông lệ, hàng năm vào ngày khánh đản Bồ-tát Quan Âm đều khai giới đàn.

Về phương diện tu tập, ngài tuân thủ tôn chỉ tông Thiên Thai giáo quán, phát nguyện trì tụng kinh Diệu pháp liên hoa, Kim cang, Bát-nhã mỗi ngày 3 thời. Về phương diện giáo hóa, ngài tích cực xiển dương pháp môn Tịch độ theo hệ thống tông Thiên thai, dạy mọi người niệm Phật cầu vãng sanh. Để dễ dàng tu tập Thiền quán, hàng ngày chỉ dùng ngọ trai, ngài hành trì giới luật rất tinh nghiêm, không uống sữa bò, chỉ đi bộ không ngồi xe ngựa, xe kéo. Chư Tăng trong các trường hạ, do mến mộ giới đức, cung thỉnh ngài giảng kinh, dạy luật. Trong các lớp gia giáo, ngài luôn được mời dạy những kinh Đại thừa.

Chư Ni tưởng niệm

Chư Ni tưởng niệm

Chùa Tôn Thạnh trong thời gian ngài trụ trì hóa đạo thật sự đã biến thành một trong những nơi cho Tăng Ni, Phật tử quy ngưỡng rèn trao giới đức. Trong số đó có 3 vị cao Tăng: Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa hàng năm về đây nhập thất tịnh tu, nghiên cứu kinh luật, hoặc trợ giúp Phật sự chùa Tôn Thạnh.

Khi phong trào Chấn hưng Phật giáo được các Hòa thượng Khánh Anh (1895-1961), Khánh Hòa (1878-1947), Huệ Quang (1888-1956) khởi xướng và phát động mạnh mẽ tại miền Nam, các lớp Phật học liên tiếp mở ra để đào tạo tăng tài, ngài được cung thỉnh vào các ngôi vị: Chứng minh đạo sư Hội Lưỡng Xuyên Phật học, năm 1935; Chứng minh đạo sư Liên Hải Phật học đường, năm 1946; Chứng minh đạo sư Phật học đường Nam Việt, năm 1950; Chứng minh đạo sư Giáo hội Phật giáo Tăng-già Nam Việt, năm 1951; Chứng minh đạo sư Hội Phật học Nam Việt (1955).

Năm Ất Mùi (1955), được gia tộc chùa Pháp Tánh nhường cho một mẫu đất ở làng Tân Kim, tổng Phước Điền Trung, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là ấp Kim Điền, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), ngài bèn khởi công xây dựng chùa Bồ Đề khang trang tốt đẹp, hoàn tất cuối năm này. Từ đây, chùa này chính thức trở thành tổ đình của tông Thiên Thai giáo quán, là nơi thờ tự chư vị tiền bối, là chỗ quy ngưỡng của tăng tín đồ tông phái.

Khi đã hoàn thành tâm nguyện, đầu năm Bính Thân (1956), ngài vui vẻ đi thăm viếng các chùa trong tông phái. Sau chuyến đi này, sức khỏe dần dần suy yếu, hiểu rõ lẽ vô thường, Ngài gác bỏ vạn duyên để chuyên tâm niệm Phật. Một hôm, ngài họp các đệ tử lại dạy rằng: “Duyên trần thế của Thầy sắp hết, các con đừng buồn thương, nên nhất tâm tụng kinh, niệm Phật. Thầy sắp về Tịnh độ”. Ngài bắt đầu tuyệt cốc, tuyệt thủy.

Trang nghiêm lễ tưởng niệm

Trang nghiêm lễ tưởng niệm

Ngày 21-4-Bính Thân (30-5-1956), trong tiếng tụng kinh hòa lẫn tiếng chuông Bát-nhã, giữa khung cảnh trang nghiêm, ngài chấp tay niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” rồi an nhiên viên tịch, thế thọ 72 tuổi, đạo thọ 53 năm, 24 mùa Tăng lạp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày