Lễ tưởng niệm Trưởng lão HT.Thích Hưng Dụng

GNO - Sáng 12-12-2018 (6-11-Mậu Tuất), tại Tổ đình Kim Tiên cố đô Huế, chư tôn đức môn phái tổ đình đã trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm 20 năm ngày Trưởng lão HT.Thích Hưng Dụng viên tịch (1998 - 2018).

0.jpg
Di ảnh của cố Trưởng lão HT.Thích Hưng Dụng

Tham dự lễ tưởng niệm có HT.Thích Huệ Ấn, Thành viên HĐCM GHPGVN cùng chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, chư tôn đức lãnh đạo các BTS Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Lâm Đồng...; chư tôn đức niên trưởng các tổ đình tại cố đô và các tỉnh thành, Tăng Ni các tổ đình, tự viện, cùng đông đảo Phật tử các giới trong và ngoài tỉnh.

Tham dự còn có chư Ni trưởng, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy Huế và các ban ngành tỉnh nhà.

1.JPG

Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm

Sau nghi thức niệm Phật, HT.Thích Giác Đạo, trú trì Tổ đình Kim Tiên đại diện môn đồ pháp quyến đối trước di ảnh cố Trưởng lão Hòa thượng thành kính dâng lời tưởng niệm.

Theo đó, cố Trưởng lão Hòa thượng xuất thân làng Trung Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thế danh Đào Ngọc Thố, khánh sanh năm Ất Mão (1915). Ngài đồng chơn xuất gia với Tổ sư thượng Tâm hạ Khoan tại Tổ đình Báo Quốc, bậc Quốc sư lưỡng triều Khải Định và Bảo Đại, húy thượng Thanh hạ Đức, đời thứ 41 Thiền phái Lâm Tế, Pháp phái Liễu Quán, Tăng cang Quốc tự Diệu Đế; trú trì các Tổ đình Thuyền Tôn, Báo Quốc, Kim Tiên và Quang Bảo.

Năm gần tròn hai mươi tuổi, được Hòa thượng Bổn sư đặc cách cho thọ giới Cụ túc, sau đó được Bổn sư ban kệ phú pháp ấn chứng:

Trừng thần quán tưởng định chơn hương
Tuệ nhật Hưng Dụng đạo mạch trường
Vạn pháp bổn lai chơn thị pháp
Hỏa đăng kế mỹ mích uy vương.

Trong nạn binh biến trên quê hương Quảng Trị năm Ất Dậu, hoàn cảnh đất nước có nhiều đổi thay, loạn lạc, ngài vẫn sớm hôm tụng niệm tu trì, kiên tâm giữ gìn giới pháp đã được Bổn sư truyền trao.

2.JPG

HT.Thích Giác Đạo dâng lời tưởng niệm

Năm Bính Tuất (1946), Trưởng lão Hòa thượng được cử đảm nhiệm trú trì chùa Tỉnh Hội Phật Học Quảng Trị, trong thời gian này, ngài không quản ngại gian nan, dấn thân có mặt khắp thị thành thôn xóm để hướng dẫn Phật tử tu học, thành lập nhiều niệm Phật đường làm nơi nương tựa tâm linh cho hàng vạn Phật tử tại quê nhà.

Hơn 20 năm Trưởng lão Hòa thượng làm Phật sự tại tỉnh Quảng Trị, ngài đã để lại trong sâu thẳm tâm khảm của đồng đạo, Phật tử các giới, những nơi mà bước chân của Trưởng lão Hòa thượng lưu dấu, từ các em đoàn sinh Gia đình Phật tử cho đến các bậc lão thành, giới trí thức về một vị Thầy hướng dẫn tâm linh có lối sống chan hòa, chân thật, bao dung độ lượng để rồi coi Hòa thượng như một người cha thân yêu, qua cách gọi trìu mến thân thương là "Thầy Bật" mỗi khi nói về ngài.

Phẩm chất sống đạo ấy đã ảnh hưởng, đặc biệt được tiếp nối trong người đệ tử thế độ của ngài là HT.Thích Chánh Trực, người dân Quảng Trị khi nói về thường gọi bằng danh xưng hết sức gần gũi, thân thiết: "Ôn Diện".

Năm Giáp Thìn (1964), ngài được Sơn môn Tổ đình Báo Quốc tín nhiệm cử vào trú trì chùa Kim Tiên, kế nghiệp Pháp huynh là Trưởng lão HT.Thích Hưng Mãn viên tịch. Ngài đã khởi công đại trùng tu Kim Tiên, từ cổ tự bị tàn phá bởi binh biến và sự xói mòn của thời gian, thành ngôi danh lam phạm vũ ở Thừa Thiên.

3.JPG

Chư tôn đức giáo phẩm niêm hương trước di ảnh Trưởng lão Hòa thượng

Trưởng lão Hòa thượng là người tha thiết với Phật sự của Giáo hội, luôn tinh tấn với trách nhiệm mà Tăng già giao phó, chư Tôn đức Trưởng lão tin tưởng ủy thác. Ngài bậc Tôn sư luôn nêu gương với đồ chúng về hạnh tinh tấn, sống đạm bạc, trọng Tam bảo, khiêm cung với đồng đạo và nghiêm khắc với bản thân. Hình ảnh quen thuộc ở những nơi ngài lưu trú, đặc biệt là tại ngôi Tổ đình này, dù thời tiết oi bức mùa hạ hay lạnh lẽo mùa đông, ngài luôn hòa chúng trong các thời khóa sớm mai, tịnh độ, sám hối, chúc tán, giữ nếp kinh kệ hằng ngày, kể cả lúc tuổi cao sức yếu.

Đạo phong hiển lộ nhất của Trưởng lão Hòa thượng là giới luật tinh nghiêm. Do vậy, ngài đã được cung thỉnh vào hàng tôn chứng tại các Đại giới đàn Vạn Hạnh năm Ất Tỵ (1965), Tổ đình Long Khánh – Bình Định năm Mậu Thân (1968), Vĩnh Gia năm Canh Tuất (1970), Báo Quốc các năm Đinh Tỵ (1977), Tân Dậu (1984); Giáo thọ A-xà-lê Đại giới đàn Báo Quốc năm Mậu Thìn (1988). Năm Giáp Tuất (1994), Trưởng lão Hòa thượng được Đại Tăng cung thỉnh vào ngôi vị Đường đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn Báo Quốc.

Trưởng lão Hòa thượng là Y chỉ luật sư cho Tăng Ni ở cố đô, là Giáo phẩm chứng minh Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà, ngài được Trung ương Giáo hội suy tôn Thành viên Hội đồng Chứng minh – lãnh đạo tinh thần tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cơ duyên đã mãn, sau một thời gian ngắn thị bệnh, Trưởng lão Hòa thượng đã thu thần thị tịch và lúc 13 giờ ngày mùng 7 tháng 11 năm Mậu Dần (1998), cách đây tròn 10 năm tại Tổ đình Kim Tiên, trụ thế 84 năm, 64 hạ lạp.

6.JPG

Tổ đình Kim Tiên là một trong những ngôi cổ tự khoảng 400 năm tuổi ở cố đô

Trưởng lão Hòa thượng cả một đời khiêm cung, khoan nhã, hàng tín giả ngưỡng mộ đạo phong của Hòa thượng đã đến thân cận rất nhiều, phần đông Phật giáo đồ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên đều thọ ân đức của Hòa thượng.

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Vĩnh Thừa trú trì chùa Châu Lâm – bậc danh Tăng đất Phú Xuân cảm mến đạo hạnh của ngài, đã có lời truy tán:

“Đại thiện tai, Chánh tín xuất gia, Báo Quốc Long Sơn tham diệu kệ;
Tối thắng hỷ, Chơn thành nhập đạo, Kim Tiên Lộc Uyển chấn thiền tông”.

Đức khiêm nhã và tinh thần phụng sự Đạo Pháp đó có được là nhờ sự giáo dưỡng nghiêm mật về quy củ thiền môn của Bổn sư và sự tương hỗ vô tranh thấm đẫm đạo tình của chư huynh đệ, điều đó được ngài nhắc đến với đồ chúng thân cận mỗi khi có dịp. Ngài cũng nói lên tâm nguyện được một lần báo đáp ân sâu ấy. Trưởng lão Hòa thượng là người mẫu mực trong việc Thờ Thầy và trọng tình huynh đệ, luôn dạy bảo đồ chúng về bổn phận và những điều thiết yếu của người xuất gia cũng như đệ tử cư sĩ tại gia có chí hướng học Phật.

Những ai được thân cận ngài đều còn nhớ mỗi dịp giỗ Tổ thường niên, Trưởng lão Hòa thượng thường nhắc đến Bổn sư với lòng nhất mực thành kính, nâng niu những di vật của Bổn sư mà ngài được kế thừa và hồi tưởng đến chư huynh đệ đã mãn duyên hoặc tại thế với niềm kính thương, ngưỡng mộ vô hạn.

Ngày húy nhật Bổn sư, ngài thường tự thân chuẩn bị y bát, cùng các đệ tử môn đồ thân cận về Tổ đình Báo Quốc đảnh lễ, quá đường theo hạnh nguyện của một bậc thừa tự pháp mà Bổn sư đã phó chúc.

9.jpg

Chư tôn đức nhiễu tháp Tổ sư Tâm Khoan, Bổn sư của cố Trưởng lão Hòa thượng

Huynh đệ của cố Trưởng lão, mỗi người mỗi hạnh, như cố Trưởng lão HT.Thích Hưng Mãn, trú trì Tổ đình Kim Tiên trước đó: một đời đạm bạc độc cư chuyên trì giới hạnh, khiến các bậc danh tăng, cao nhân cùng thời yêu kính, ngưỡng mộ. Một Pháp huynh khác nổi tiếng tu hạnh đầu đà, đó là cố Trưởng lão HT.Thích Hưng Phước, khai sơn chùa Từ Hóa; vị Pháp đệ thân thiết luôn giữ đức tính hoà ái trong mọi hoàn cảnh là cố Trưởng lão HT.Thích Từ Mãn, nguyên Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, trú trì chùa Linh Sơn - Đà Lạt ở cao nguyên Lâm Đồng. Kế thừa tông phong từ các bậc Tôn trưởng, hàng Pháp tử hậu duệ của Tổ sư có những người công hạnh cao viễn, suốt đời phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, được nhiều giới ngưỡng mộ như cố HT.Thích Thanh Trí, nguyên Chánh Đại diện GHPGVN Thống nhất tỉnh Thừa Thiên, nguyên Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Trị Thiên; đặc biệt là cố HT.Thích Chánh Trực, nguyên Chánh Đại diện GHPGVN Thống nhất tỉnh Quảng Trị, Trưởng BTS sáng lập GHPGVN tỉnh Quảng Trị, đệ tử của cố Trưởng lão Hòa thượng…

4.JPG

Cử hành lễ cúng ngọ tại chánh điện Tổ đình

Trong không khí trang nghiêm, thắm tình đạo vị, chư tôn Hòa thượng chứng minh niêm hương cúng dường Đức Trưởng lão Hòa thượng. Toàn thể Tăng Ni, Phật tử nhất tâm hướng về bậc tôn sư khả kính.

Trước đó, ngày 11-12, chư Tăng Ni Tổ đình Kim Tiên cùng vân tập về bảo tháp Tổ sư thượng Tâm hạ Khoan, Bổn sư của cố Trưởng lão Hòa thượng Tôn sư để dâng hương đảnh lễ. Chiều cùng ngày, Tăng Ni tứ chúng đệ tử cố Trưởng lão Hòa thượng cùng nhau ôn lại hành trang Tôn sư. Nhân đó, cùng nhắc nhở, sách tấn hàng hậu học nương theo công hạnh Ân sư vững chãi trên bước đường hành đạo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày