Lên đỉnh non thiêng mùa xuân này

GN - Ngày 28-2-2015, tức mồng 10 tháng Giêng Ất Mùi, tại sân Lễ trường Giải Oan, xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), đã chính thức khai Hội xuân Yên Tử, mở đầu cho chuỗi hoạt động lễ hội trong năm 2015. Đây là một trong những lễ hội hành hương mùa xuân lớn nhất Việt Nam, cả về quy mô và thời gian trẩy hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
chu khoi3.jpg
2g chiều ngày 10 tháng Giêng mây vẫn phủ mờ ảo trên núi Yên Tử - Ảnh: M.K

Tưng bừng khai hội Yên Tử

Lễ khai hội mở đầu bằng nghi thức rước bát bửu, kiệu, hương đăng, hoa quả vô cùng hoành tráng và long trọng với hàng trăm người dân ở TP.Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thực hiện mang đậm màu sắc Phật giáo.

Đoàn rước mở đầu bởi 2 con rồng, rồi đến các thiếu nhi Phật tử trong trang phục binh lính thời Trần mặc áo giáp tay cầm bát bửu, sau đó đến đoàn rước các kiệu, đoàn các Tăng Ni dâng hương, đoàn tiến dâng hoa quả… Nối sau lễ rước là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc Yên Tử vào xuân, với các màn múa trống hội hoành tráng, đội múa rồng, lân sôi nổi, màn hát múa vui hội đầu xuân do hơn 200 diễn viên địa phương biểu diễn.

Trong lời khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Thu, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí nhắc lại sự kiện lịch sử cách đây hơn 700 năm, Đức vua Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, đã nhường ngôi cho thái tử Anh Tông, lên núi Yên Tử tu hành lập nên thiền phái Trúc Lâm.

Tư tưởng hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo của Đức vua - Thiền sư này đã mở ra dòng thiền Trúc Lâm trường tồn cùng dân tộc suốt hơn 700 năm qua, và sẽ trụ mãi với đất trời suốt muôn đời sau.

Yên Tử đã được Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Chính phủ cũng đã phê duyệt  đề án mở rộng quy hoạch danh thắng Yên Tử . Hiện Quảng Ninh đang phối hợp với tỉnh Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới - ông Nguyễn Ngọc Thu cho biết.

Đã trở thành nét văn hóa, cứ mỗi độ xuân về, du khách thập phương và mọi miền Tổ quốc lại hành hương về Yên Tử chiêm bái cảnh quan nơi này, được hòa mình vào không gian linh thiêng để tỏ lòng thành kính trước tiền nhân.

TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã thỉnh chuông và ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh trống thực hiện nghi thức khai hội.

Cũng trong nghi lễ khai hội, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS thay mặt GHPGVN đã chúc phúc đầu năm mới cho mọi người đi trẩy hội. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các vị giáo phẩm dâng hương và thực hiện nghi thức cầu nguyện quốc thái dân an, cầu cho mọi nhà năm mới bình an, no đủ, đất nước hùng cường vững mạnh. Sau đó, các chư tôn túc hòa thượng đã khai ấn cầu may mắn cho du khách trẩy hội Yên Tử.

Năm nay, du khách đến với hội xuân Yên Tử được trải nghiệm dịch vụ mới lạ, ngắm cảnh Yên Tử từ khinh khí cầu và chiêm ngưỡng lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên tại Lễ hội xuân Yên Tử tổ chức chương trình bay khinh khí cầu với chủ đề “Bay về đất Phật”. Khu vực bay khinh khí cầu được tổ chức tại sân cạnh bãi xe chợ Yên Tử.

Có 2 khinh khí cầu bay treo và 1 khinh khí cầu treo. Khinh khí cầu chở được khoảng 50kg (tương đương với 3-4 người lớn và 5-6 trẻ em), bay ở độ cao giới hạn 50m. Du khách tham gia dịch vụ này sẽ được hướng dẫn cụ thể và sau khi bay sẽ được tặng một bằng công nhận bay khinh khí cầu.

Hội xuân năm nay, lá cờ Phật giáo với chiều dài 25,58m (tượng trưng Phật lịch 2558), chiều ngang 20m, nặng 60kg sẽ được gắn cố định giữa hai đỉnh núi Chùa và suối Giải Oan ở độ cao 200-250m. Lá cờ may bằng vải 5 sắc gồm xanh, vàng, đỏ, trắng, cam sẽ được treo liên tục trong 10 ngày.

chu khoi1.jpg


Biểu diễn văn nghệ trong lễ khai mạc hội xuân Yên Tử Ất Mùi - Ảnh: M.K

Cùng ngày, lễ khai mạc Hội hoa xuân Yên Tử đã diễn ra với 18 gian trưng bày hoa xuân Yên Tử. Năm nay, các loại hoa quý như mai vàng Yên Tử, đào trắng được trình diễn, khoe sắc tại hội hoa xuân cùng với nhiều loài hoa khác như lan hồ điệp, đào phai… Trong khuôn khổ Hội xuân Yên Tử 2015 sẽ diễn ra các hoạt động đáng chú ý như: Lễ mở cửa rừng do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại chùa Trình, các trò chơi dân gian tại chùa Trình và khu vực ngã tư Nam Mẫu, giải Kỳ vương Yên Tử (cờ người)...

Ùn tắc nghiêm trọng

Tiếng trống khai hội vừa dứt, hàng chục vạn du khách đã nô nức hành hương, leo đỉnh non thiêng để hướng về cõi Phật. Do năm nay, thời tiết những ngày đầu xuân ấm nhất trong hàng chục năm qua, ngày khai hội Yên Tử cũng trùng với ngày nghỉ thứ Bảy, nên lượng người đến Yên Tử trong ngày khai hội tăng cao gấp nhiều lần so với những năm trước.

Tuyến đường từ chân Yên Tử lên có nhiều đoạn xảy ra ùn tắc, cả 2 con đường dẫn vào khu vực nhà ga cáp  treo đều bị ách tắc nghiêm trọng, đoạn đường tắc dài 1km. Các lực lượng an ninh đã phải rất vất vả để phân luồng người hành hương. Để lên được ca-bin cáp treo, mọi du khách đều phải mất ít nhất 2 giờ đồng hồ để di chuyển và xếp hàng trong dòng người chen chúc.

Khi người viết đến sân chùa Giải Oan, gặp nhiều người vì không đủ kiên nhẫn xếp hàng vào ga cáp, đã phải quay trở ra.

May mắn được đôi bạn trẻ tặng phiếu đi cáp treo miễn phí, tôi hòa vào dòng người chen chúc, để rồi nhận ra một điều, lên đỉnh thiêng Yên Tử bằng cáp treo cũng gian nan không kém những người đi bộ leo núi. Chen chân từ 9 giờ 30, nhưng phải đến 12 giờ 15 phút tôi mới đến được ca-bin cáp treo. Đi 2 chặng cáp treo đến khu vực tượng đài Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông thì đã hơn 2 giờ chiều. Mây mù phủ kín, tất thảy trở nên huyền ảo lung linh, không nhìn rõ mặt người. Tượng Phật hoàng mờ ảo trong mây. Dưới chân núi nóng nực, nhưng lên đây thì lạnh giá.

chu khoi2.jpg


Dòng người trẩy hội Yên Tử ngày 10 tháng Giêng Ất Mùi - Ảnh: M.K

Mệt và đói, tôi ghé vào quán ăn gần tượng An Kỳ Sinh, gọi một bát phở. Bát phở bưng ra, thì đúng lúc ba người ở bàn bên cạnh đứng dậy, chủ quán tính tiền cho họ một đĩa măng xào 400 nghìn đồng, một món luộc khác 500 nghìn đồng, một bát canh 200 nghìn đồng, một tô cơm 80 nghìn đồng, tiền nước uống, tiền tăm, tiền giấy ăn… cả thảy 1,4 triệu đồng. Anh khách hàng than thở, sao giá đắt thế. Chủ quán thủng thẳng trả lời: “Các bác đang ngồi ăn ở trên trời, thì giá cũng phải trên trời chứ!”. Riêng người viết, sau khi trả tiền tô phở, cũng bị “phụ thu” 50 ngàn đồng với lý do đã sử dụng 10 phút cắm máy tính xách tay vào nguồn điện của quán...

Cho dù gian nan vất vả và còn bị chặt chém, làm giá các dịch vụ… nhưng dòng người hành hương về Yên Tử vẫn luôn muốn đỉnh thiêng bằng mọi cách. Sau dừng ở tượng đá An Kỳ Sinh, mọi người lại tiếp tục lê bước tiến lên chùa Đồng. Đến quá trưa ngày khai hội, dòng người hành hương lên đỉnh thiêng Yên Tử vẫn như dài bất tận.

Chặng đường leo núi gian nan với mỗi người không đơn thuần chỉ là một chuyến đi lễ bái, du lịch. Mà với niềm tin đó là con người ta đã hòa mình được vào trời đất, vào Phật để lọc bỏ những ưu phiền.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày