HT. Thích Hiển Pháp - Ảnh: Bảo Toàn
... Qua các giai đoạn lịch sử, các bậc tiền bối Phật giáo đều có chung tâm nguyện các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cần phải được hợp nhất lại và hình thành một tổ chức Giáo hội để cùng chung lo Phật sự, hộ quốc, an dân.
Trước năm 1975, do điều kiện đất nước bị tạm chia cắt, tâm nguyện thống nhất Phật giáo Việt Nam chưa hội đủ cơ duyên. Năm 1975, hòa bình lập lại, giang sơn nối liền một dải, Nam Bắc chung một bóng cờ, chư tôn đức, Tăng Ni, Phật tử các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam nhận thấy cơ duyên đã hội đủ, nên đã cùng nhau bàn bạc việc thống nhất Phật giáo cả nước và một Ban Vận động Thống nhất Phật giáo được hình thành vào năm 1980, do HT.Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN làm Trưởng ban.
Sau khi thành lập, Ban Vận động làm lễ ra mắt tại 3 khu vực: chùa Quán Sứ (Hà Nội); chùa Từ Đàm (Huế); chùa Xá Lợi (TP.Hồ Chí Minh).
Với tư cách là Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh, tôi trở thành là Ủy viên Ban Vận động Thống nhất Phật giáo ngay từ đầu. Ấn tượng sâu sắc đầu tiên của tôi là Ban Vận động Thống nhất Phật giáo có sự tham gia đầy đủ của các tổ chức, hệ phái, cùng nhau thực hiện tâm nguyện thống nhất Phật giáo cả nước của các bậc tiền bối trước đây như: Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ, Hội Phật học Nam Việt.
Ban Vận động Thống nhất Phật giáo đã lấy ý kiến và hiệp thương với 9 tổ chức, hệ phái. Ngày 15-3-1981, lấy ý kiến và hiệp thương với Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam tại tịnh xá Trung Tâm; ngày 17-3-1981 lấy ý kiến và hiệp thương với Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại chùa Giác Lâm; ngày 18-3-1981 lấy ý kiến và hiệp thương với Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại chùa Ấn Quang; ngày 21-3-1981 lấy ý kiến và hiệp thương với Hội Phật học Nam Việt tại chùa Xá Lợi; ngày 24-3-1981 lấy ý kiến và hiệp thương với Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tại chùa Kỳ Viên; ngày 26-3-1981 lấy ý kiến và hiệp thương với Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán tại chùa Pháp Hội; ngày 27-3-1981 lấy ý kiến và hiệp thương với Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh tại chùa Vĩnh Nghiêm; ngày 13-4-1981 lấy ý kiến và hiệp thương với Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ.
Sau 8 lần hiệp thương, dân chủ và công khai lấy ý kiến với 9 tổ chức, hệ phái, tất cả đều thống nhất Phật giáo Việt Nam cần phải có một tổ chức Giáo hội duy nhất với đầy đủ các tiêu chí để đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước trong bối cảnh đất nước đã thống nhất để cùng chung lo Phật sự.
Từ ngày 4 - 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ - Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam với sự tham dự của 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái và “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” chính thức được thành lập. Đây được xem là lần thống nhất Phật giáo lần thứ 3 trong lịch sử cận đại của Phật giáo Việt Nam, đây cũng là sự thống nhất Phật giáo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay vì có nhiều tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cùng tham gia, có đầy đủ các tiêu chí “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức.
Các phương tiện, pháp môn tu hành đúng Chánh pháp được tôn trọng và duy trì”. Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được toàn thể đại biểu suy cử đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tôi có một ấn tượng sâu sắc nữa, đó là trong tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, tất cả chư tôn thiền đức các tổ chức, hệ phái đều có chung nhận định về một tổ chức Giáo hội được thành lập trong giai đoạn lịch sử đất nước thống nhất, đây chính là sự kết tinh trí huệ, kế thừa tính ưu việt của lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam; nêu cao tính dân chủ, công bằng và tứ chúng cùng chung lo Phật sự trong ngôi nhà chung Giáo hội; các thành viên Giáo hội đều đồng tâm hợp lực để xây dựng, phát triển một tổ chức Giáo hội trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc.
Là vị tôn đức tham gia lãnh đạo Trung ương Giáo hội qua nhiều nhiệm kỳ, Hòa thượng cho một cái nhìn chung về sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam?
- HT. Thích Hiển Pháp: Kể từ ngày thành lập cho đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển, tôi tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập và đã đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau trong bộ máy Trung ương Giáo hội. Như chúng ta biết, sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sang năm 1982, lần lượt các tỉnh, thành trong cả nước hình thành Ban Trị sự, cấp cơ sở của các tổ chức, hệ phái thành viên GHPGVN tại địa phương đều tham gia Ban Trị sự.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ I, có một vài địa phương do những điều kiện chủ quan và khách quan, chưa thể thành lập Ban Trị sự như Bến Tre, An Giang, Tây Ninh. Tôi và HT.Thích Thiện Hào được phân công xuống các địa phương đó để hỗ trợ công tác thành lập Ban Trị sự. Những địa phương này thành lập Ban Trị sự muộn hơn các địa phương khác, nhưng đều đạt được kết quả như mong muốn là kiện toàn hệ thống tổ chức GHPGVN từ Trung ương đến địa phương.
Mỗi người có cảm nhận khác nhau về những thành quả đạt được của các cấp Giáo hội trong thời gian qua, tôi đánh giá sự phát triển Giáo hội có thể chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Nhiệm kỳ I của Giáo hội là giai đoạn củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, đào tạo và quy hoạch thế hệ Tăng Ni trẻ kế cận, hoạch định chiến lược phát triển ngắn hạn để đáp ứng điều kiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới thành lập. Đây là giai đoạn quyết định cho sự phát triển ở các nhiệm kỳ tiếp theo.
Giai đoạn 2: Nhiệm kỳ II, III: Giai đoạn này, các cấp Giáo hội vừa tiếp tục củng cố và kiện toàn bộ máy, vừa hoạch định cương lĩnh và chiến lược phát triển mang tính dài hạn, công tác giáo dục, hoằng pháp, Tăng sự và nhiều công tác khác được lãnh đạo Trung ương Giáo hội và các địa phương đẩy mạnh, nhất là công tác giáo dục được triển khai đồng bộ từ thấp đến cao, công tác đào tạo sau đại học được đặc biệt quan tâm.
Giai đoạn 3: Nhiệm kỳ IV, V, VI: Giai đoạn này cho chúng ta thấy sự tăng tốc trong các hoạt động Phật sự ở tầm vĩ mô và vi mô, đổi mới công tác điều hành và hội nhập sâu rộng với thế giới. Ở giai đoạn này, nhiều Phân ban được hình thành; Giáo hội tổ chức nhiều sự kiện mang tầm vóc thế giới và khu vực, tham dự nhiều diễn đàn quốc tế. Buổi đầu mới thành lập Giáo hội chỉ có một tổ chức thành viên ở Pháp (HT.Thích Thiện Châu, chùa Trúc Lâm, Paris – NV) đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hình thành nhiều tổ chức thành viên tại nhiều quốc gia như Ucraina, Nga, Ba Lan, Hungary, Czech, Đức…; thiết lập quan hệ quốc tế với hầu hết các tổ chức Phật giáo trên thế giới.
Qua 3 giai đoạn hình thành và phát triển bền vững, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tự khẳng định vai trò, vị thế của mình trong lòng dân tộc và cộng đồng thế giới. Sự thành tựu các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua, chính là tiềm năng và cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú từ Trung ương đến các địa phương, đổi mới công tác quản lý và điều hành thông qua việc phân cấp , phân quyền và cơ cấu lãnh đạo của các ban Trung ương đến các ban ngành cơ sở; sự thống nhất trong đa dạng, đồng thuận và đồng tâm hợp lực chung lo Phật sự của các thành viên trong đại gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của các ban viện Trung ương, cấp tỉnh và cấp quận, nhất là sự hoan hỷ ủng hộ tuyệt đối các đường lối, chủ trương Giáo hội của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Đối với lớp kế thừa, Hòa thượng mong đợi ở họ điều gì nhất?
- Đối với Tăng Ni trẻ kế thừa hiện nay, trong học tập và tiếp cận thông tin, họ có nhiều thuận duyên hơn thế hệ của chúng tôi. Tuy nhiên, thuận duyên càng nhiều đòi hỏi sự phấn đấu càng lớn của Tăng Ni trẻ, nếu chủ quan, mất cảnh giác sẽ phụ lòng mong đợi của các bậc tiền bối, của những người đi trước.
Các bậc tiền bối và cá nhân tôi luôn đặt hết kỳ vọng vào thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa, vì chính họ sẽ là những người thụ hưởng những thành quả mà các bậc tiền bối dày công tạo dựng, là người lãnh đạo các cấp Giáo hội ở tương lai để tiếp tục làm cho đạo pháp xương minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển và đạt đến đỉnh cao.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hội nhập sâu rộng với thế giới, tôi mong rằng Tăng Ni trẻ sẽ là người kế cận xứng đáng. Tôi xin gởi đến Tăng Ni trẻ sự mong đợi:
- Quá khứ vừa là bài học vô giá, vừa là động lực và sức mạnh để Tăng Ni trẻ nhận thức và phát huy truyền thống phụng đạo - yêu nước của Phật giáo Việt Nam trong thời đại kết nối toàn cầu; đất nước có độc lập, tự chủ, phồn vinh và thịnh vượng thì đạo pháp mới xương minh.
- Phương cách sống giữ gìn và phát huy 7 nguyên lý phát triển Giáo hội theo lời Đức Phật đã dạy, đó là hòa hợp, đoàn kết, tuân thủ các nguyên tắc của tổ chức Giáo hội, biết kính trên nhường dưới, không tham ái, đời sống an tịnh và như thật tuệ tri các pháp để xương minh đạo pháp và trang nghiêm Giáo hội.
- Việc quan hệ bang giao quốc tế, tiếp cận thông tin phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa của Phật giáo Việt Nam. Càng hội nhập sâu rộng, chính cơ duyên để cho Tăng Ni trẻ khẳng định mình là người có tư cách đạo đức tốt, là thế hệ kế cận xứng đáng, có tư tưởng kiên định và sống có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam.