“Má không giận các con đâu…”

Giác Ngộ - Các cụ đã ngoài 80 tuổi mà tôi gặp ở các nhà dưỡng lão của chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh), Lâm Quang (Q.8) và được nghe những phút trải lòng thật xúc động. Các cụ đều có tên thật, có địa chỉ nhà của con rõ ràng nhưng tôi muốn gọi tên các cụ bằng một tên chung là Má trong mùa Vu lan Hiếu hạnh này.

Bởi lẽ, các cụ đã từng là những người mẹ chịu thương, chịu khó một đời dạy dỗ con cái trở thành người thành đạt, là bà của những đứa cháu ngoan nhưng giờ lại phải sống lặng lẽ mỏi mòn vì nhớ con, nhớ cháu với nhiều lý do. Nhưng dù với lý do gì, má cũng luôn bao dung, lo lắng, hướng về con với tình yêu thương luôn đong đầy qua từng ngày lặng lẽ… Có lẽ khi đọc những dòng tâm sự của má, những đứa con sẽ giật mình nhìn lại vì đã vô tâm bỏ quên người đã từng sinh ra, dưỡng dục mình nên người…

caccon-1.jpg

Ở đây hàng ngày má niệm Phật cầu nguyện cho các con, các cháu được khỏe mạnh. Má có niềm tin tuyệt đối vào Bồ tát Quán Thế Âm, có đau bệnh gì má cũng cầu nguyện và đều vượt qua.

"Má không giận các con đâu!". Má cứ lặp đi lặp lại câu nói ấy bởi sợ rằng khách sẽ hiểu sai đi ý tứ câu chuyện của má vừa kể. Cả cuộc đời của má lúc nào cũng lo lắng cho con dù cho đến khi chúng đã trưởng thành. Từ miền Trung vào TP.HCM lập nghiệp, má phải làm lụng đủ thứ nghề để kiếm sống và 4 đứa con là sản nghiệp duy nhất mà má nâng niu. 26 tuổi má góa chồng nhưng bốn đứa con là niềm an ủi để má vượt qua những khó khăn, vất vả gánh gồng bươn chải từng ngày, lo cho các con ăn học. Rồi các con cũng lớn khôn, trưởng thành, lập gia đình riêng, má thấy vui và hạnh phúc lắm.

Nhưng các con biết không? Tuổi già của má đã đến rất nhanh, má không làm lụng được gì, lại hay bệnh vặt, má cảm thấy mình là gánh nặng cho các con. Nhiều lúc má cảm thấy mình vô dụng, bất lực và vô vọng. Thậm chí, má không dám tới gần các cháu, các chắt sợ rằng tuổi già hom hem làm bẩn các cháu. Cũng nhiều lúc, má cảm nhận và bắt gặp cái ánh mắt sắc như dao cau của con rể, con dâu như xoáy sâu vào má mà tủi thân lắm. Cuộc sống bận rộn, các con còn phải lo cho con của mình, có nhiều việc để làm, để quan tâm hơn là để ý đến một bà già 80 tuổi khó tính ngồi ở xó góc. Nhiều lúc, má cứ lặng lẽ trong ngôi nhà của con mà chẳng ai ngó ngàng gì tới, bữa cơm nuốt nghẹn, má thấy buồn và tủi thân cho mình.

Má quyết định ra đi, với vài bộ quần áo và tư trang trong chiếc giỏ xách tay. Má đến nhà dưỡng lão ở và được quen nhiều hoàn cảnh giống như má. Mọi người an ủi nhau mà sống vượt qua những nỗi buồn và những ngày cuối cùng còn lại. Mới đầu con cũng nháo nhào đi tìm, biết má ở đây thì các con cũng yên tâm, các cháu cũng đến thăm nhưng rồi thưa dần, thưa dần. Nhiều lúc má tựa cửa tự hỏi các con có biết má đang có mặt trên đời này không, bốn cái Tết ở nhà dưỡng lão, má lúc nào cũng dõi đôi mắt mờ đục ra phía cửa trông chờ các con, các cháu.

Má không dám trách các con vì các con đã có cuộc sống riêng. Các con có con, có cháu và một gia đình cần phải vẹn toàn. Má không giận các con đâu vì các con có nhiều việc của gia đình, xã hội cần phải quan tâm.

Nhưng sao má buồn quá, nhớ các con, các cháu của má quá chừng.

Má đã sống ở nhà dưỡng lão được bảy năm rồi, nhưng thỉnh thoảng thôi các cháu mới đến thăm. Con trai của má, con gái của má đã trở nên là những người luôn bận rộn, các con cũng nghèo. Ngôi nhà của con trai, con gái má nhưng là nơi xa lạ với má vì không khí ở đó chẳng có tình thương như tình thương của má luôn đầy ắp dành cho các con ngày nào. Bây giờ, con gái má có chồng và con trai má có vợ, má trở thành người thừa trong gia đình, má thấy lạnh lẽo ở trong ngôi nhà của con.

Những cuộc cãi vã với con dâu, con rể ngày càng trầm trọng hơn nên má thấy buồn, má thấy cô đơn. Má quyết định đến nhà dưỡng lão sống để được niệm Phật và đọc kinh hàng ngày. Ở nhà dưỡng lão dù xa các con nhưng đôi lúc má cũng thấy vui vì có nhiều người dưng đến thăm, hỏi han đủ thứ, đôi lúc còn cho tiền để má xài vặt. Cuộc sống của má giờ là vậy, đôi lúc nhớ đến chuyện cũ với các con má rất buồn.

Má bây giờ đã 80 tuổi, rồi má cũng sẽ chết như bà cụ sáng nay, cái chết lặng lẽ đến không ngờ. Không một người thân thích, không hàng xóm, không cháu, không con. Những bà cụ khác sống ở đây rồi cũng sẽ chết như vậy vì cô độc, tuổi già, buồn và bệnh tật không thể vượt qua. Dù có chết lặng lẽ ở đây, má vẫn mong các con luôn bình an, hãy dạy dỗ các cháu của má nên người như má đã từng dạy các con nhé.

Con à! Cuộc sống của má ở nhà dưỡng lão này còn khá mới mẻ so với nhiều người đồng hành với má ở đây bởi má mới chỉ ở được gần một năm thôi. Còn các cụ ở đây đã đến từ lâu, có người đã ở được hơn mười năm. Má thấy mình còn hạnh phúc nhiều vì má còn có các con, cháu và chắt. Nhiều cụ già neo đơn ở đây đâu được may mắn và hạnh phúc như vậy đâu.

Sáng nay, má lần xuống cầu thang, đi ra chợ. Má mua cho mình ly cà phê, ăn một tô hủ tiếu, rồi má mua một con cá rô gởi hàng xóm kho giùm. Trưa nay, má ăn cơm với cá rô đồng cho đỡ nhớ quê. Bà già 82 tuổi được như vậy là tốt lắm rồi con à, vì má có con là người có tiếng giữa xã hội mà. Ở đây có những cụ lớn tuổi bệnh rất nặng, má sống được như vậy là mừng.

caccon-2.jpg

Mái ấm các bà mẹ ở chùa Diệu Pháp

Nhiều lúc ngồi một mình buồn, má nhớ các con, các cháu và chắt của má. Má nhớ con Hai và các cháu lai xinh xắn của má ở bên Đức, má nhớ thằng Ba có cái nhà to ở đường con phố trung tâm của thành phố, má nhớ các con. Má sống như vậy là làm tròn bổn phận của má rồi, bốn đứa con ai cũng thành đạt là ông này bà nọ. Má đã bán căn nhà ở quận 3 chia đều cho bốn đứa con, má về quê sống. Bao năm qua, má đã sống lặng lẽ ở quê, nhưng rồi má nhớ các con, các cháu má lại quyết định lên đây. Không ở được với các con vì má thích sống trong nhà dưỡng lão hơn.

Ở đây hàng ngày má niệm Phật cầu nguyện cho các con, các cháu được khỏe mạnh. Má có niềm tin tuyệt đối vào Bồ tát Quán Thế Âm, có đau bệnh gì má cũng cầu nguyện và đều vượt qua. Ở đây, sư phụ cũng rất tốt với má. Những lúc đau bệnh, sư phụ nấu cháo thịt đút từng muỗng cho má ăn, thật là cảm động. Nhiều lúc, má thấy sư phụ như là Mẹ Tình Thương của má vậy.

Má thấy mình còn rất ít thời gian, nhưng giờ má lại mong mau đến Tết để má có thể gặp cháu của má đến thăm.

Mọi người ở đây đôi lúc gọi má là bà già điên, bà già lãng trí, bà già nói nhảm. Mà đôi lúc má cũng thấy mình là người như vậy, không điên sao được hả con. Má đã lang thang bao năm bao tháng ở đâu bây giờ cũng chẳng nhớ nữa, chỉ biết là mấy chú công an đưa má vào nhà dưỡng lão này.

Có điều này, má luôn nhớ là má có một đứa con trai, má đã sống với con, rồi con có vợ. Vợ con ghét má, không sống được với nhau nhưng má cũng cố mà sống cho qua ngày. Nhưng càng cố gắng, má càng thấy mình là người thừa. Vậy là má ra đi, từ Bình Định má đi đâu má cũng không nhớ được. Rồi con bị tai nạn xe, con đã chết đi, má trở thành người bơ vơ, điên dại.

Má trở thành thành viên của mái ấm chùa này, vậy đó. Má chẳng nhớ gì ngoài con đâu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày