GN - Nay bán được bao nhiêu hả chị? Thằng Bỉnh thấy Thắm, chị nó đi chợ bán măng đã về liền hí hửng chạy ra hỏi.
- Được 50 ngàn Bỉnh à. Hơn hôm trước 10 ngàn. - Thằng bé Bỉnh ra hiệu cho chị đưa cái gùi cho mình cầm để chị đỡ mỏi. Nó lẩm nhẩm đếm mấy ngón tay rồi nhoẻn miệng cười.
- Mình phải cố gắng dành tiền bán măng để xuống trạm xá thăm mẹ vào cuối tuần này. Em nhớ mẹ lắm.
- Ừ. Chị cũng nhớ mẹ lắm.
Hai chị em Thắm lủi thủi đi vào nhà. Ngôi nhà lụp xụp, tuềnh toàng, chẳng có gì là giá trị ngoài là chỗ che mưa che nắng của ba mẹ con Thắm.
Anh Vững, chồng chị Thân mất từ khi thằng bé Bỉnh còn là cái bào thai tám tháng nằm trong bụng mẹ. Con bé Thắm lúc đó đã lên bảy, lẽo đẽo khóc chạy theo mẹ ngày đưa tang ba nó. Đời người âu ai cũng có cái số. Dẫu chị có khóc lóc, van xin, anh cũng chẳng thể ở lại với mẹ con chị được. Cuối cùng, chị đành phải gắng gượng sống tiếp để còn nuôi con.
Kể từ ngày anh Vững mất vì bạo bệnh, ngôi nhà mái lá hai gian của mẹ con chị Thân càng trở nên xộc xệch, rúm ró. Đặc biệt, từ khi chị Thân lâm bệnh, chị em Thắm phải vừa chăm sóc nhau vừa tất tả lên rừng hái măng đem bán những mong có tiền để lo cho mẹ. Người dân trong vùng, ai cũng động lòng thương hoàn cảnh của mẹ con chị Thân, song họ cũng chẳng thể giúp đỡ được gì.
Lên rừng bẻ măng - Ảnh minh họa từ internet
Căn bệnh kinh niên dăm bữa nửa tháng lại bắt chị Thân phải bỏ bê công việc để đến nằm dưỡng bệnh tại trạm xá. Chị thường xuyên mệt mỏi, đau thắt ngực rồi ngất xỉu. Không có tiền đi khám bệnh lấy thuốc, chị cầm chừng bằng cách nằm nghỉ ở nhà, nặng thì xuống trạm xá nằm. Bác sĩ chẩn đoán chị bị suy tim. Họ còn bảo, bệnh này nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến cả tính mạng. Chị nghe mà bủn rủn. Không phải chị sợ chết.
Chị lo hai đứa con sẽ bơ vơ, mồ côi khi chị không còn sống trên đời này nữa. Rồi chúng sẽ như thế nào... Chị bơ phờ. Chốc nhắm mắt chốc lại mở mắt. Bên ngoài khung cửa sổ đã hoen gỉ nơi trạm xá, mưa vẫn rả rích. Tiếng mưa rơi lộp bộp trên mấy tàu lá chuối làm lòng chị thêm não nề. Không biết hai đứa nhỏ ở nhà thế nào? Chị nghĩ tới con, lòng vừa nhớ thương lại vừa ngập tràn lo lắng.
- Chị thấy trong người thế nào rồi? - Y tá Hường bước đến bên giường chị Thân nằm, ân cần hỏi.
- Tôi thấy mình hãy còn nhức mỏi, khó thở lắm. Không nhấc nổi mình. - Chị thều thào từng tiếng khó nhọc.
- Chị cứ nằm đây thêm vài ngày nữa. Bệnh của chị phải kiêng làm việc nặng. Nếu không sẽ biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể chữa được. Chỉ tội, phải có tiền, trong khi đó…
- Nhà tôi có ba mẹ con. Cơm ăn còn chẳng no thì lấy đâu ra tiền mà chữa bệnh hả cô? - Chị Thân bộc bạch. Nước mắt chị cứ thế nhạt nhòa.
…
- Chị ơi, cơm chín rồi. Chờ luộc măng nữa thôi.
- Ừ. Chút nữa là có cơm ăn.
- Hôm nay mưa cả ngày, chắc đêm măng nứa, măng mai, măng hóa… sẽ lớn nhanh lắm chị nhỉ? Sáng mai mình phải dậy thật sớm lên rừng kẻo mọi người sẽ lấy hết.
- Măng là món quà quý mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho người dân vùng núi. Bao đời nay, nhờ có những ngọn măng ấy mà họ vượt qua bao nhiêu là mùa đói. Những bụi tre nứa cứ thế mọc, cứ thế hút chất dinh dưỡng từ đất đồi mà sống. Mùa khô thì xơ xác, cỗi cằn nhưng mùa mưa lại xanh mướt, um tùm. Những cây măng úc núc, mập mạp tràn trề nhựa sống.
- Chị nhìn mấy củ măng mai này này! Tuy là mấy củ mình loại ra rồi nhưng trông nó vẫn ngon lắm. Trong mấy loại măng, em thích nhất măng mai. Thằng Bỉnh vừa nói vừa mở cái nắp nồi kiểm tra măng đang luộc.
- Chắc được rồi chị ạ. Nãy giờ tiếng lốp bốp kêu liên hồi. Ngọn nào ngọn nấy mềm hết cả rồi. - Bỉnh học theo Thắm, mỗi lần muốn kiểm tra măng luộc chín hay chưa thì cứ nghe tiếng kêu lốp bốp khi măng đang sôi, hay sờ tay vào ngọn măng thấy mềm là được. Thắm nhìn em tủm tỉm cười.
Bữa cơm chiều của chị em Thắm đạm bạc chỉ với măng luộc, măng muối. Thế mà thằng Bỉnh ăn ngon lành.
Trời mới tờ mờ sáng, sau khi lót bụng bằng mấy muỗng cơm nguội với ít măng muối, Thắm và Bỉnh mỗi đứa đeo sau lưng một chiếc gùi và bắt đầu lên núi. Ngôi nhà nhỏ khuất dần sau lưng hai đứa trẻ và những tán cây trập trùng. Hai cái bóng nhỏ bé, chênh vênh men theo con đường rừng cheo leo đi tìm măng sau trận mưa đêm vừa dứt. Thắm đi trước dẫn đường, chỉ cho Bỉnh từng bước để tránh giẫm phải đá nhọn, gai sắc. Bỉnh miệng dạ vâng, chân thoăn thoắt bước. Nó cũng tỏ ra mình đã là người lớn nên thi thoảng nghe chị nhắc nhở, nó lại cười: “Em lớn rồi mà chị”.
Tuy mệt nhưng Bỉnh không kêu than như mấy ngày đầu theo chị đi hái măng nữa. Giờ thạo đường và đi quen, nó tỏ ra hào hứng hẳn. Nhiều lúc thấy chị Thắm mệt, nó toe toe hát rồi kể chuyện để chị vui. Thắm hỏi nó mệt không, nó đứng thẳng người, cười híp mí: “Chỉ cần kiếm được nhiều măng, bán được nhiều tiền để mẹ chữa bệnh là em không mệt gì cả”. Nghe vậy, Thắm càng thấy thương nó. Thắm biết mình là chị cả, biết mình cần phải thay mẹ lo lắng cho em, biết mẹ bệnh còn đau hơn chị em nó leo núi hái măng gấp trăm ngàn lần. Thắm học theo mẹ. Mọi thứ ngon và quan trọng, nó đều dành cho Bỉnh hết. Vả lại chẳng bao giờ nó to tiếng với em. Cũng chưa bao giờ thằng Bỉnh cãi lời Thắm cả.
- Chị Thắm xem này! Hai cái búp măng to tròn chưa kìa! Nhưng nó nằm giữa bụi tre rồi... - Bỉnh sung sướng reo lên nhưng cũng băn khoăn nghĩ ngợi. Thắm cười tươi rói. Đúng là măng rừng thường lớn về đêm. Đặc biệt là đêm mưa, măng càng chóng lớn.
Mấy hôm trước, cũng ở chỗ này, Thắm mới thấy cái mầm măng bé tí, vậy mà giờ nó đã to bằng bắp chân người lớn. Cái nào cái nấy khoác lên mình chiếc áo tím pha đen, mập ú, trông thật thích mắt. Thằng Bỉnh loay hoay mãi rồi cũng chinh phục được những búp măng khó chịu nằm giữa bụi tre. Nó luôn tự hào vì mình nhỏ người nên việc luồn lách và băng qua mấy bụi nhiều gai đơn giản hơn chị Thắm. Thắm thì tỉ mỉ. Nó quan sát kỹ từng bụi. Những cái măng nó hái được cũng không thua em là mấy.
Mặt trời đã đứng bóng. Thắm đã thu được gần đầy gùi măng, trong khi thằng Bỉnh thì còn thiếu dăm cái nữa. Nó bảo với Thắm:
- Em phải lấy những cái măng to nhất, đẹp nhất! Như thế bán mới được nhiều tiền. Có tiền, chị em mình sẽ đi thăm mẹ, mua sữa cho mẹ để mẹ nhanh khỏe chị ạ.
Nhìn em với ánh mắt đong đầy yêu thương, Thắm mỉm cười gật đầu.
- Nay là tháng mấy rồi chị nhỉ? Tội nghiệp thằng bé. Từ ngày mẹ bệnh, hai chị em phải nghỉ học vì không có tiền mua sách vở, nó quên dần ý niệm về thời gian. Bỉnh thích đi học lắm. Nhưng nó thương mẹ hơn. Nó bảo, khi nào mẹ khỏi bệnh, nó và chị Thắm sẽ xin đi học lại. Nó vẫn nhớ lời cô giáo bảo, có học thì sau này mới hết khổ. Nó tin rằng một ngày nào đó, nó sẽ lại đến trường.
- Gần đến ngày Tết Thiếu nhi đấy. - Thắm bảo.
- Ngày Tết Thiếu nhi là ngày mùng 1 tháng 6 hả chị?
- Ừ…! Còn ít ngày nữa thôi. - Nghe Thắm nói, Bỉnh ngồi bần thần nghĩ ngợi. Còn Thắm thì nhớ đến ngày Tết Thiếu nhi những năm trước của hai chị em. Chị em Thắm thường rủ nhau lên rừng hái bao nhiêu là thứ quả ngọt về. Nào bày biện, nào sắp xếp, cũng thành một cái mâm nho nhỏ bằng những chiếc lá bản to. Rồi cả hai cùng chia nhau ăn. Mẹ thường ngồi bên, khi cười vui vẻ, khi kể chuyện cho chị em Thắm nghe… Đơn giản là thế mà vui biết mấy. Năm nay chắc chị em mình cũng lại như vậy. Thắm nghĩ rồi nhìn Bỉnh mỉm cười.
Vượt đoạn đường bộ khoảng hai cây số, chị em Thắm cũng tới được trạm xá để thăm mẹ. Cả hai đứa áo quần ướt sũng, mặt mũi lem nhem, chân bám đầy bùn đất. Vừa đến cổng trạm, Bỉnh đã cất tiếng gọi mẹ. Đã hơn một tuần chị Thân nằm ở trạm xá. Thắm và Bỉnh nhớ mẹ khôn nguôi. Thấy mẹ, dù rất muốn nhưng cả hai không dám ôm chặt mẹ vì sợ mẹ đau. Chúng chỉ nắm chặt lấy tay mẹ, vui vẻ chuyện trò.
- Mẹ ơi, chị và con mua sữa cho mẹ này! Mẹ uống sữa đi cho mau khỏe, mẹ nhé! - Thằng Bỉnh đặt mấy lốc sữa hộp trên bàn, miệng đon đả. Chị Thân xoa đầu hai con. Mắt chị không giấu được niềm yêu thương.
…
Bắt đầu một ngày mới. Chị em Thắm lại đeo gùi lên rừng hái măng. Nghe cô y tá Hường thông báo sắp tới sẽ có một đoàn thiện nguyện lên bản. Họ sẽ tài trợ khám chữa bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo, trong đó có mẹ của Thắm và Bỉnh. Trên suốt đoạn đường rừng, hình ảnh những búp măng mập ú trồi lên trên mặt đất chan hòa ánh nắng mai, nhất là hình ảnh chị Thân được chữa khỏi bệnh, vui vẻ trở về cứ chập chờn trong đầu hai đứa trẻ...
Truyện ngắn Lê Thị Xuyên