GN - Đó là người phụ nữ đã 16 lần sinh nở, đứt ruột khi phải chứng kiến 9 người con chết sớm. Một trong những người con của bà chính là Đức Dalai Lama thứ 14, một người được gần như cả thế giới biết đến và yêu mến.
Đức Dalai Lama XIV và thân mẫu của mình
Nhân duyên đặc biệt
“Tôi sinh ra vào khoảng tháng Giêng năm con Bò Sắt (Tân Sửu, 1901). Tôi được đặt tên là Sonam Tsomo. Tên khai sinh của tôi thuộc về một đời sống khác. Đa số mọi người biết đến tôi với cái tên Diki Tsering, nhưng lúc mới ra đời tôi không được đặt tên là Diki Tsering. Từ khi sống ở Lhasa, tôi cố gắng trở thành Diki Tsering với tất cả ý nghĩa của cái tên này. Vì bổn phận trong địa vị mới của mình, tôi dần dần thôi là Sonam Tsomo, một cô gái đơn sơ với đời sống đơn sơ và ước vọng đơn sơ, làm một người vợ và một người mẹ tốt. Tôi cảm thấy nhớ cô gái mà tôi đã tự bắt mình phải quên”…
Bà Diki Tsering chia sẻ ngắn gọn về cuộc đời của mình trong hồi ký được kể lại hết sức chân thực “Dalai Lama, con trai tôi” (Dalai Lama, My Son).
Mọi người con gái lớn lên dường như đều cùng một ước mơ đơn sơ như thế, hạnh phúc lớn nhất là được làm một người mẹ tốt. Nhưng nhân duyên của mỗi người, không ai giống ai, khiến họ đi vào nhiều ngã rẽ khác nhau.
Với cô gái Sonam Tsomo, mà sau này là Diki Tsering, sinh ra trong một gia đình khá giả, mộ đạo, đông con cái tại làng quê Churkha, xứ Tsongkha - sinh quán của Đại sư Tsongkha, bậc khai sáng phái Gelugpa (Hoàng mạo) ở cao nguyên Tây Tạng - lớn lên trong sự yêu thương của ông bà, cha mẹ, anh chị em.
Sonam Tsomo kết hôn sớm theo phong tục Tây Tạng, trước khi lập gia đình, như mọi người con gái khác, cô được đặt một tên gọi mới là Diki Tsering. Hôn nhân của cô gái không được tự do lựa chọn mà được gia đình hai bên sắp đặt sẵn. Năm 19 tuổi, Diki Tsering sinh con đầu lòng. “Trong thời đó, tất cả những thai phụ cũng là cô đỡ của chính bản thân mình. Không có chuyện đi tới nhà hộ sinh hay nhờ người khác đỡ đẻ. Chỉ trong lần sinh con đầu tiên mới có một người hầu gái giúp đỡ tôi sau khi sinh hạ, nghe tiếng khóc của đứa trẻ, người hầu gái đến cắt và cột dây rún. Với những đứa con khác, tôi tự làm hết. Tôi sinh tất cả các con ở trong chuồng gia súc, chứ không ở trong nhà”, bà kể lại.
Cũng giống như tập tục xưa tại hầu hết các nước Á Đông, ai cũng mong muốn sinh nhiều con trai, ít ra là con trai đầu lòng xem như dòng dõi được liên tục. Việc Diki Tsering sinh con gái đầu đã khiến cha mẹ chồng khó chịu, điều an ủi là chồng bà đã rất cảm thông với người vợ trẻ. Nhưng sau đó, bà sinh hạ nhiều người con trai, trong đó có người con Lhamo Dhondup mà sau này trở thành Đức Dalai Lama.
Khi nói về tâm Từ bi, Đức Dalai Lama thường liên tưởng
tới tình mẹ và nhắc lại những kỷ niệm với người mẹ của mình...
Năm người con trai Lhamo Dhondup lên hai, một hôm có đoàn người đặc biệt bí mật từ Lhasa đi tìm tái sinh của Đức Dalai Lama thứ 13, họ đã âm thầm xin ở nhờ qua đêm mà không hề tiết lộ mục đích nhiệm vụ thiêng liêng của mình cho gia đình bà Diki Tsering biết. Rồi phái đoàn đó trở lại lần thứ hai, lần thứ ba…
“Lần này Khetsang Rinpoche cầm hai cây gậy khi ông đi vào hiên nhà chúng tôi, nơi Lhamo Dhondup đang chơi đùa. Vị Rinpoche đặt hai cây gậy ở một góc, con trai của chúng tôi đi tới, để một cây gậy qua một bên rồi cầm cây gậy kia lên, đánh nhẹ lên lưng của vị Rinpoche và nói rằng cây gậy là của mình, tại sao Rinpoche lại có nó. Những người trong đoàn đưa mắt nhìn nhau một cách đầy ý nghĩa, nhưng tôi không hiểu một lời nào trong tiếng Lhasa mà họ nói với nhau”, nhiều bài thử nghiệm theo những nguyên tắc bảo mật nghiêm ngặt trong việc tìm tái sinh của vị lãnh đạo quan trọng của Tây Tạng được người mẹ này nhớ lại như in.
Bằng nhiều cách bí mật khác, Lhamo Dhondup được họ xác định chính là hóa thân của Đức Dalai Lama thứ 13, chính là Dalai Lama thứ 14. Đó là bước ngoặt cuộc đời của bà Diki Tsering, làm mẹ của một con người đặc biệt, nhiều hạnh phúc nhưng cũng đầy biến cố làm xáo trộn nếp sống của một người mẹ với những ước mơ vốn rất đơn sơ.
Các biến cố cuộc đời
Biến cố lớn nhất khi một trong những người con trai của bà, Lhamo Dhondup, được xác nhận là hóa thân của Đức Dalai Lama, đặc biệt là khi thông tin đó bị tiết lộ, được đồn lan ra làm nhiều người biết, kéo đến diện kiến, mong được chúc phúc, chưa kể những nguy hiểm rập rình khác, đe dọa tới sự an toàn của các thành viên trong gia đình bà Diki Tsering.
Là một nhân vật đặc biệt, sẽ là lãnh tụ về chính trị và tâm linh của người Tây Tạng, do đó, Lhamo Dhondup sẽ có một chế độ chăm sóc đặc biệt. Các thành viên gia đình huyết thống, trực tiếp là người mẹ cũng không ngoại lệ.
“Sau một thời gian tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu vì được người ta hầu hạ mà không làm việc gì cả. Dù giờ đây, vinh dự lớn lao và số phận đang mỉm cười với tôi, nhưng tôi khóc trong lòng vì nhớ nhà. Ở quê nhà tôi đã phải làm việc cực nhọc để giúp đỡ gia đình, nhưng tôi vui sướng và hạnh phúc. Còn bây giờ tôi được đối đãi như một bà hoàng, nhưng tôi không hạnh phúc như ở Tsongkha. Tôi hài lòng với công việc nặng nhọc và được thấy thành quả lao động của mình. Đối với tôi, thành công với nghề nông, với nhà cửa, và với gia đình chính là một cuộc sống tốt đẹp”, việc làm mẹ của một nhân vật quan trọng, trong cung điện Potala ở Lhasa trong những tháng đầu đã làm cho người mẹ của nhân vật đặc biệt cảm thấy bức bối, bà hồi tưởng lại khi đã lớn tuổi.
Cuộc sống của bà, cũng như các thành viên gia đình đã qua một chương mới, thay đổi hoàn toàn, mới mẻ về phong tục, cung cách giao tiếp, chỉ có cậu con trai Lhamo Dhondup là bình thường như trở về ngôi nhà thân quen mà mình từng sống.
Sau hết, và trên hết, tình mẹ là sức mạnh vô biên
Là người có những tố chất khác thường, luôn xuất sắc trong mọi tiếp nhận và thử thách, nhưng mỗi khi cậu con trai Lhamo Dhondup - đã trở thành Đức Dalai Lama thứ 14 phải trải qua các cuộc thi cử theo quy định giáo dục đương thời, bà Diki Tsering, cũng như bao bà mẹ khác, “tôi chỉ lo Đức Dalai Lama không làm tốt khi trả lời những câu hỏi của các vị học giả hàng đầu; nhưng nỗi lo của tôi dường như vô ích, vì Ngài luôn luôn làm tốt như được mong đợi”, bà kể.
Một trong những khó khăn của bà, chính là không được ở cùng và chăm sóc cho con, vì theo quy định của tu viện không cho người nữ được sống chung trong đó. Đôi khi chỉ được nhìn con qua khung cửa sổ… Chính tình thương với con đã khiến bà vượt lên những khó khăn khác trong giao tiếp, làm quen với những quy định nghiêm ngặt, không được tự do đi lại như trước kia ở quê nhà…
“Tôi thức dậy lúc sáu giờ, lễ Phật hai trăm lạy rồi tụng kinh. Dùng điểm tâm lúc tám giờ rưỡi. Gần như suốt ngày tôi ở trong vườn Changseshar, tôi chỉ đi ra ngoài khi cần thiết, như đi thăm Đức Dalai Lama, đi lễ chùa hay đi đến cung điện Potala trong những dịp lễ quan trọng. Tôi đi ngủ lúc chín giờ tối”. Cuộc sống của một người phụ nữ hay lam hay làm bỗng trở nên như thế, học ăn, học nói, học phong tục mới, và luôn được giám sát bởi người bảo vệ.
Đức Dalai Lama
Chính tình thương vô biên ở người mẹ đã khiến người đàn bà ở miền quê trở thành một nhân cách lớn, quan tâm và tham dự vào những việc hệ trọng, nỗ lực giữ sự công bằng có thể trong nhiều tình huống khó khăn ở trong bối cảnh Tây Tạng thời bấy giờ, cũng như khi sang Ấn Độ, trở thành biểu tượng cho tính cách mạnh mẽ, nhân hậu của người phụ nữ luôn ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của mình, luôn muốn được chăm sóc con cháu cho đến những ngày tháng cuối đời.
Khi biết mẹ không còn thời gian nhiều trong kiếp sống hiện tại, Ngài Dalai Lama thứ 14 đã đến thăm, mẹ Ngài đã tỏ ra an nhiên và thổ lộ rằng, bà không hề sợ hãi cái chết. Đúng như vậy, bà đã rời kiếp sống trong khi đang tham thiền, với sự hướng dẫn của người con trai của mình - Đức Dalai Lama, tinh tấn thiền quán về các thangka chư Phật, các vị Bồ-tát…
Trong những lần thuyết giảng trước hàng ngàn người, ở khắp nơi, và trong các cuốn sách mà Đức Dalai Lama thứ 14 là tác giả, ngài thường nói về tình mẹ khi đề cập tới tâm Từ bi, và đôi khi kể lại những mẩu chuyện về mẹ mình, những hồi ức đơn sơ nhưng chạm đến trái tim của nhiều người, khả tính tình mẹ là vô biên…
Nguyễn Sắt
........................
(Được viết trong nỗi nhớ về người mẹ đã khuất trong mùa Vu lan PL.2561, nhân đọc lại hồi ký “Dalai Lama, My Son”, trích dẫn được tham khảo bản dịch Việt ngữ của thầy Thích Nguyên Tạng)